Thành tích trên không của ông là 330 phi vụ bay, gặp địch 120 lần, bắn rơi 62 chiếc máy bay đối phương. Trong đó có trận nghênh chiến, lần đầu tiên một máy bay động cơ đốt trong LA-5, bắn hạ tiêm kích gắn động cơ phản lực Me-262 hiện đại.
10 ngày đầu tham chiến, hạ 8 máy bay
Đó là trận đánh đầu tiên ngày 6-7-1943, tại khu vực phòng tuyến Kursk.
Ông quan sát phát hiện ra một máy bay Junker Đức bay còn xa so với cự ly hiệu quả của pháo, ông tăng tốc vọt lên, chiếm độ cao, lợi đà lao xuống, rút ngắn cự ly và… chỉ khi nhìn rõ cả buồng lái, bằng loạt đạn đanh gọn, ông hạ chiếc máy bay Đức đầu tiên.
Ngay hôm sau, Kozhedub bắn cháy chiếc Junker thứ hai. Chỉ trong vòng 10 ngày đầu tham chiến, thành tích của Kozhedub đã bắn cháy 8 máy bay đối phương.
Phi công huyền thoại Ivan Kozhedub.
Trang секретное оружиеcủa Nga viết: Một năm sau, trong Chiến dịch vượt sông Dnepr của Hồng quân Liên Xô, lại một lần nữa, cũng chỉ trong vòng 10 ngày Kozhedub đã hạ 11 máy bay của Không quân Đức.
Trong đó ngày 30 tháng 9 năm 1943, bảo vệ phà qua sông Dnepr, phát hiện máy bay Đức "Junkers"Ju-87, ông đã đột nhập vào đội hình đối phương tấn công bất ngờ và táo bạo, hạ 1 chiếc Ju-87, phá tan đội hình ném bom.
Tháng 4-1944, trong một phi vụ đánh chặn, ông đã bắn rơi 3 máy bay khác. Từ tháng 7-1944, Ivan Kozhedub chuyển sang lái một chiếc máy bay dòng Lavochkin (La-7).
Theo ông “Nó tuân thủ các động tác của tôi, một cách chính xác, kể cả khi tôi làm các động tác nhào lộn phức tạp”. Với con ngựa chiến này, ông đã hạ thêm 17 máy bay phát xít.
Trận đánh chặn cường kích 4 chọi 36
Trận này, 4 chiếc đánh chặn của phi đội Kozhedub đã bay lên nghênh cản 36 máy bay ném bom Đức. Đối phương yểm trợ bằng 6 chiếc máy bay Messer.
Như những con “chim cắt” dũng mãnh, phi đội của ông đã bay cắt ngang đội hình địch, bắn thẳng vào những chiếc dẫn đầu tốp cường kích, lại khôn khéo quần lộn với máy bay đánh chặn của Đức, khiến không quân địch rối loạn chỉ huy, đội hình địch tan rã.
Phi công huyền thoại Ivan Kozhedub bên "người bạn" - chiến đấu cơ thân thiết của mình.
Một trận tiếp, một mình phi công Kozhedub xáp chiến với 18 chiếc máy bay Junker của Đức. Ông lao thẳng vào đội hình quân Phát-xít, tạo những cú lộn vòng đột ngột, bất ngờ, làm đội hình chúng rối loạn.
Lúc này nhiên liệu còn ít, nhưng Kozhedub thực hiện được một cú tấn công thắt vòng từ dưới lên, một máy bay đối phương trúng đạn. Choáng trước chiếc Junker bốc cháy như ngọn đuốc, những máy bay ném bom còn lại vội vã tháo chạy.
Học trò trường Không quân Chuguyev
Ivan Kozhedub sinh ngày 8-6-1920 trong một gia đình có 5 người con, tại làng Obrazheyevka, nay thuộc Ukraina. Sớm say mê bầu trời, cậu thiếu niên Vanhia (tên thân mật của ông) ngay từ nhỏ đã tham gia Câu lạc bộ Hàng không.
Sau khi gia nhập không quân Xô Viết năm 1941, Ivan Kozhedub tốt nghiệp xuất sắc tại Trường Không quân Chuguyev. Ông được giữ lại trường làm giáo viên bay cho những phi công trẻ.
Kozhedub thường “đốt” ngọn lửa trong lòng những phi công trẻ, về câu chuyện phi công nổi tiếng Valery Chkalov của Liên Xô.
Đồng nghiệp lớn tuổi này của họ trong năm 1936 đã bay trên chiếcTupolev ANT-25, từ Moscow tới đảo Kamchatka chặng bay dài 9,374 km trong 56 giờ, 20 phút.
Ngoài ra, còn có một sự kiện đáng nhớ khác, đó là chuyến bay ngắn hơn nhưng nguy hiểm hơn của ông vượt 8.504 km trong 63 giờ, 16 phút từ Moscow đến Vancouver, Washington, đường bay qua Bắc Cực…
Năm 1943, Ivan Kozhedub xin được ra tiền tuyến chiến đấu. Từ tháng 3-1943, Kozhedub chuyển loại thành phi công tiêm kích La-5. Dấn thân vào bầu trời chiến tranh, Ivan Kozhedub hiểu mặt trận trên không chẳng dễ dàng.
Từ những chuyến bay của đồng đội bị tai nạn không trở về, chính ông đã giảng giải cho cấp dưới về những sự cố kỹ thuật, đôi khi chỉ là những sơ suất rất nhỏ.
Bầu trời cao xanh, tầm nhìn xa, nhưng trong thinh không đầy bất trắc. Kozhedub hiểu, không thể coi thường Không quân Đức, “cần tôn trọng nền công nghiệp hàng không” của họ. Nơi có những thành tựu không nhỏ về khoa học không gian.
Những chiếc Junker mang bom của Đức rất liều lĩnh, những chiếc máy bay phản lực đánh chặn Me-262 có khả năng cơ động tốt, vũ khí là pháo cỡ nòng lớn, bắn chính xác. Nói tóm lại, chúng có ưu thế về tính cơ động và hỏa lực.
Một lần xuất kích, máy bay của ông bị trúng đạn, nhưng may thay, tấm thép sau lưng ghế bay đã che chắn cho ông. Trên đường trở về sân bay, máy bay của Kozhedub còn bị trúng hai phát đạn cao xạ.
Nhưng với nỗ lực phi thường, phi công xuất sắc Kozhedub đã hạ cánh thành công. Khi rời buồng lái, ông kinh ngạc bởi chiếc máy bay ông vừa đưa nó về, ngang thân nó là những vết đạn địch bắn thủng lỗ chỗ.
Mãnh liệt, đầy sinh lực, dũng cảm và sáng tạo, Kozhedub là một mẫu phi công can trường. Nói về chiếc phi cơ chiến đấu của mình Kozhedub bộc bạch
“Nếu động cơ hoạt động tốt, chiếc máy bay sẽ chấp hành chuẩn từng động thái của tôi. Tôi không đơn độc, chiến đấu cơ này luôn ở bên tôi".
Trên những chiếc máy bay của phi đội, các anh vẽ trên đó tên của thần tượng bay Valery Chkalov.
Chính Kozhedub đã từng được gặp Công trình sư Semyon Lavochkin, cha đẻ của dòng máy bay La-5, chiếc máy bay có tốc độ cao trong dòng động cơ đốt trong có hệ turbo tăng cường.
Ông còn góp nhiều ý kiến cho các kỹ sư thiết kế, với tư cách là phi công bay nhiều động tác, ứng dụng nhiều thuật bay mạo hiểm của dòng máy bay tốc độ cao này. Bởi thế ông thực sự còn là một phi công thử nghiệm.
Nghênh chiến với máy bay phản lực
Messerschmitt Me-262 là máy bay của Đức Quốc xã hoạt động vào những năm 1944 -1945. Nó gắn động cơ phản lực, đây là động cơ phản lực đầu tiên trên thế giới.
Với động cơ có nguyên lý tiên tiến này, máy bay tăng tốc rất nhanh, (lên đến 450 đến 500 ki lô mét/giờ chỉ trong ít giây phút). Vận tốc lên cao của nó của phiên bản sau này 1,200 m/phút, hơn hẳn động cơ đốt trong phổ biến khi đó.
Vì thế Me-262 được đặt tên chính thức là Schwalbe (chim nhạn). Nhạn là loài chim bay nhanh, có “cú lao xuống” với tốc độ phi thường để tấn công con mồi. Như vậy, nó xứng danh máy bay nhất thế giới về tính cơ động vào thời điểm đó.
Tiêm kích Messerschmitt Me-262 của Đức Quốc xã.
Với thông tin, báo chí lạc hậu thời ấy, Ivan Kozhedub chưa thể nắm được những đối thủ của ông chi tiết như thế. Nhưng tin tác chiến mặt trận đã cho biết, Đức có máy bay chuyên đánh chặn Me-262 rất lợi hại.
Cùng với 4 pháo 30 mm, nó còn mang theo cả rocket 55 mm. Trước sự xuất hiện ngày càng nhiều Me-262 tham chiến, vào gần cuối thời kỳ chiến tranh, tháng 9-1944, Tư lệnh Không quân Hoa Kỳ Carl Andrew Spaatz tỏ ra lo lắng.
Nếu có một số lượng lớn máy bay phản lực của Đức thực hiện chiến thuật trên, họ có thể phá hủy những máy bay ném bom hạng nặng của Không quân Mỹ, khiến quân đồng minh có thể phải hủy bỏ những kế hoạch ném bom các mục tiêu của Đức Quốc Xã.
Trong ý nghĩ, không chủ quan, các phi công ném bom (bay chậm) tỏ ra ái ngại, khi có tin những Me-262 xuất hiện trên vùng trời. Nếu gặp “nó”, cơ hội trở về căn cứ rất mong manh! Quy luật chiến tranh nghặt nghèo “mạnh thắng, yếu thua”.
Nhưng tin vui nức lòng toàn mặt trận Xô-Đức, ngày 19 Tháng Hai năm 1945, trong trận đánh quần lộn gần Frankfuok (ven sông Oder), phi công Kozhedub lần đầu tiên đã bắn cháy một máy bay phản lực Me-262 do viên sĩ quan phi công Kurt Lange lái.
Ông kể, trong buồng lái La-5 (Lavochkin ) “Tôi bất giác nhìn thấy “con” Me-262 ở độ cao 350 mét, lướt dọc sông Oder. Kéo cần lái, tôi mở một bán kính thích hợp, “đón” vừa đúng lúc, chiếc máy bay Đức di chuyển sang, tôi tiếp cận nó với phấn khích cao độ.
Mở hết cửa dầu, tăng tốc tới chóng mặt, nhưng động cơ đốt trong của tôi tương quan quá chậm so với động cơ phản lực của Me-262, nhưng...dãn cách cũng hẹp dần, tôi chúc đầu đưa phi cơ lao xuống.
Khi nó bất thần cắt trái, qua bên cạnh, giây phút đó là cơ hội vàng, tôi nổ súng từ lúc nào chẳng rõ, nó cháy như bó đuốc”.
Đúng vậy, trong không chiến, khi con mồi có động thái thoát khỏi cú bám từ trên cao, nếu không có thuật bay lắt léo, quay trở tốt, dựa vào tốc độ và tính năng phi cơ thì buộc phải lộ thân ra rõ nhất, tạo thời cơ vàng cho kẻ từ trên cao bám đuổi.
Kozhedub nói đúng: “Nếu thẳng thừng bay đuổi, tôi thua nó về tốc độ. Nhưng khi nó vòng lượn, “con La-5” của tôi đã hạ nó đích đáng”.
Sau này, Kozhedub cũng đã được tham gia nghiên cứu chiến thuật tấn công máy bay ném bom của Me 262.
Cách đánh phá chống lại đội hình máy bay ném bom, vận tốc tuần tra cao của Me 262 được thực hiện từ trên cao, Me 262 sẽ tiếp cận máy bay ném bom từ đằng sau trên độ cao lớn.
Sau đó lao xuống từ trên cao “kiểu chim nhạn săn mồi” để tăng thêm vận tốc rồi khai hỏa bằng pháo 30 mm bắn loạt trong khoảng cách 600 m.
Ngày 22 tháng 4 năm 1945, chẳng bao lâu nữa là đến ngày toàn thắng, “Những khoảnh khắc mùa xuân đang cạn dần”, Kozhedub bị hai chiếc máy bay tiêm kích F-51 “Mustang” của Mỹ tấn công (theo nhiều chuyên gia, có thể họ nhầm).
Tiếc rằng vào thời đó chưa có radar phân biệt máy bay cùng Đồng minh. Nhưng Kozhedub đã lắt léo đưa "con" La-5 về sân bay an toàn.
Kết thúc Chiến tranh Vệ quốc, năm 1951 Kozhedub làm Tư lệnh Sư đoàn bay số 324 của không quân Liên Xô tham chiến tại Chiến tranh Triều Tiên. Ngày nay, tên ông được đặt cho Trung tâm Trình diễn thiết bị bay Đội cận vệ 237 Cờ đỏ của Nga.
Trong thành phần đơn vị bay nổi tiếng này, có những nhóm lái cao cấp như nhóm: “Tráng sĩ Nga” và “Cánh én”, chuyên bay biểu diễn máy bay Su-27 và các loại khác tại các hội chợ hàng không quốc tế.
Trong chiến tranh thế giới thứ hai, các phi công Liên Xô đã bắn rơi 57.000 máy bay Đức Quốc xã và có hơn 2.000 phi công được tuyên dương Anh hùng Liên Xô.
Người bắn rơi nhiều nhất là Ivan Nikitovich Kozedub (62 chiếc) và Alexander Ivannovich P.Krưskin (59 chiếc).
Cả 2 phi công trên đều được phong tặng danh hiệu anh hùng Liên Xô 3 lần (tiêu chuẩn được công nhận phi công Ace của Liên Xô là bắn rơi từ 3 đến 5 máy bay đối phương trở lên).
Ivan Kozhedub, phi công 3 lần nhận danh hiệu Anh hùng Liên Xô. Ông qua đời vào tháng 8 năm 1991, thọ 90 tuổi. Những người lái máy bay trên toàn thế giới đều biết ông, như một phi công huyền thoại.
Đôi nét về Messerschmitt Me-262
Me-262V1 được nghiên cứu chế tạo vào đầu thập niên 40 của thế kỷ 20. Nguyên mẫu Me-262V1 bay thử nghiệm ngày 18/4/1941, tạo ra nước nhảy vọt từ máy bay sử dụng động cơ pít tông sang động cơ phản lực.
Me-262 có kíp lái 1 phi công; dài 10,6 m; sải cánh 12,6 m; cao 3,5 m; trọng lượng rỗng 3.795 kg, trọng lượng cất cánh tối đa 7.130 kg.
Nó được trang bị 2 động cơ phản lực Junkers Jumo 004 B-1 công suất 8,8 kN mỗi chiếc cho tốc độ tối đa 900 km/h, trong khoảng 6 đến 8 phút nó có thể đạt đến độ cao 6.000 m, trần bay 12.000 m; tầm hoạt động xa 1.050 km.
Trên máy bay trang bị 4 kpháo hàng không Mk-108 cỡ 30 mm, 24 rocket R4M 55 mm, 2 bom 250 kg hoặc 500 kg trên phiên bản Me-262 A-2a. Ngoài ra máy bay còn được trang bị thiết bị ngắm bắn con quay E2-42 sử dụng đồng bộ với số vũ khí trên.
Ngày 25/7/1944, máy bay chiến đấu phản lực Me-262A đã chạm trán với máy bay động cơ pít tông của Không quân Anh. Đây là lần đầu tiên trên thế giới máy bay phản lực được sử dụng trong thực chiến.
Vào 18 tháng 3-1945, 37 chiếc Me 262 thuộc đơn vị JG7 đã tấn công một đơn vị quân đồng minh gồm 1.221 máy bay ném bom và 632 máy bay hộ tống. Họ đã bắn hạ 12 chiếc máy bay ném bom và 1 máy bay chiến đấu trong khi bị mất 3 chiếc Me 262.
Trong một chuyến bay, Me 262 tăng tốc quá 800 km/h (500 mph), nhanh hơn 150 km/h (93 mph) so với bất kỳ máy bay chiến đấu nào của quân đồng minh hoạt động trên bầu trời Châu Âu thời ấy.
Trang Top ten pilot từng nêu: Phi công lái Me 262 Hauptmann Franz Schall đã được phong cấp "át" với 17 máy bay, trong đó bao gồm 6 máy bay ném bom và 10 máy bay chiến đấu Ngựa thảo nguyên P-Mustang của Mỹ.
Còn phi công cấp "át" lái máy bay chiến đấu ban đêm Kurt Welter thông báo đã hạ 25 chiếc Con muỗi "Mosquito" của Anh và 2 chiếc máy bay ném bom 4 động cơ bay đêm, cùng 2 chiếc "Mosquito" vào ban ngày với Me 262.
Một ứng cử viên khác cho danh hiệu "át" là Heinrich Bär với 16 máy bay bị hạ khi bay với Me 262.
Theo thống kê, Đức Quốc xã có nhiều Phi công ACE nhất thế giới (trong 2 cuộc chiến tranh). Phi công Erich Hantmann bắn rơi 352 máy bay (cả được công nhận và tự nhận).