Xem phần trước: Trận chiến đẫm máu nhất của Mỹ trong Thế chiến 2 - Kỳ 3
Khu rừng đẫm máu
Khi mất Schmidt, giới lãnh đạo Mỹ đã đánh giá lại chiến lược của mình và quyết định mở trực tiếp Chiến dịch Nữ hoàng.
Giai đoạn thứ hai này là một phần của hành động lớn hơn nhằm tấn công và kiểm soát Thung lũng Ruhr, vô hiệu hóa một phần quan trọng ngành công nghiệp chiến tranh của Đức, và tạo bàn đạp để phát động các cuộc tấn công vào khu vực Rhine.
Bản đồ các mũi tấn công giai đoạn 2 của quân đội Mỹ.
Thoạt đầu, cuộc tiến công được dự định sẽ diễn ra sớm, thế nhưng đến vài ngày sau thời tiết vẫn chưa thuận lợi. Bầu trời u ám với các cơn mưa và tuyết rơi liên tiếp khiến cho nhiệm vụ không trợ phải hủy bỏ.
Trong khi các chỉ huy chờ đợi thời tiết khá lên thì quân Mỹ trong rừng vẫn tiếp tục bị hành hạ. Các binh sĩ của sư đoàn 28 và tiểu đoàn xe tăng 707 nỗ lực vô vọng cố giữ cho đơn vị khỏi tan rã thì tại Tập đoàn quân số 1, Sylvan tổng kết:
"Tình hình vẫn ít nhiều không thay đổi. Cần phải giữ cho được Vossenack: tiểu đoàn 1 trung đoàn 109 ở phía bắc cùng với tiểu đoàn 2 trung đoàn 109 và tiểu đoàn 3 trung đoàn 112 đã đạt được những bước tiến đáng kinh ngạc khi lấn sâu khoảng 1 km vào rừng Hurtgen".
Rõ ràng là có vấn đề khi Tập đoàn quân số 1 vẫn tự tin trước một vài dấu hiệu thành tích. Trừ những người trên Bộ Tư lệnh ra thì mọi người đều đã biết rằng sư đoàn 28 đang bị bao vây.
Lực lượng tăng viện đầu tiên, trung đoàn 12, đã bị đẩy lui với tổn thất lớn khiến cho đơn vị này không còn có thể đóng vai trò gì quan trọng trong cuộc tiến công sắp tới nữa.
Do đó, những bước tiến ban đầu qua Hürtgen của các lực lượng Mỹ sau ngày 18/11 diễn ra rất chậm và tổn thất lớn, tương tự như giai đoạn đầu tiên của trận chiến. Con số thương vong vẫn rất cao, và việc yểm trợ thiết giáp và tiếp tế tiếp tục khó khăn.
Mặc dù các công binh Mỹ đã phá hủy các bãi mìn để xe tăng băng qua những khu rừng rậm, nhưng số người chết vẫn tiếp tục tăng.
Đến ngày 16/12 - ngày đầu tiên của Trận Bulge ở phía nam - những nỗ lực của quân Mỹ trong rừng Hürtgen đã khiến hơn 33.000 người chết, bị thương và mất tích.
Xác một lính Mỹ trong trận đánh vào rừng Hurtgen.
Vào đầu tháng 2/1945, quân Đồng minh đã tiến hành một cuộc tấn công cuối cùng nhằm vào khu rừng Hürtgen, vượt qua các lực lượng Đức đang bị suy yếu đáng kể do trải qua tháng chiến đấu ác liệt chống lại Quân đoàn 3 của Tướng George Patton tại Bỉ.
Ruhr cuối cùng đã bị đánh chiếm cùng Kall Trail.
Ngày nay, Trận chiến trong khu rừng Hürtgen phần lớn đã bị lu mờ bởi những thành công tuyệt vời và sự kiện đầy kịch tính của Trận Bulge.
Các nhà sử học vẫn còn tranh luận liệu những nỗ lực quân sự trong Trận Hurtgen thực sự có ý nghĩa thực tế hay không vì nó đạt được rất ít thành công trong khi phải tổn thất rất nhiều vật lực và nhân lực.
Trên thực tế, Trận Hürtgen đã trở thành một trong những sai lầm ngớ ngẩn quân sự lớn nhất của quân đội Mỹ. Giới lãnh đạo quân sự đã đánh giá sai lầm về các yếu tố địa hình, hỗ trợ đường không, tiếp tế hậu cần, và sử dụng thiết giáp để yểm trợ bộ binh.
Ban đầu, họ quá tập trung vào việc chiếm các ngôi làng Schmidt và Vossenack - hai địa điểm với rất ít giá trị quân sự - trong khi hầu như không chú ý tới những mục tiêu mang tính chiến lược hơn là các đập Ruhr ở phía bắc (ít nhất là cho đến cuối cuộc chiến).
Một vấn đề được rất nhiều nhà phân tích đề cập đến đó là sự mù mờ trong phương thức tác chiến nơi rừng rậm.
Các khóa huấn luyện của Mỹ dạy binh sĩ cách đổ bộ lên bãi biển, chiến đấu ở sa mạc và tác chiến trong đô thị nhưng kiểu môi trường như rừng Hurtgen thì lại chẳng hề được dạy trong chương trình học.
Những công sự thông thường không đủ bảo vệ cho binh sĩ trước đạn pháo nổ ở tầm cao. Thảm cây dày đặc khiến tầm nhìn giảm xuống chỉ vài mét và càng trở nên tệ hơn dưới sương mù, mưa và tuyết. Các vị trí quân địch được ngụy trang kín đáo đã khiến bộ binh bị bất ngờ.
Cây rậm cũng khiến tín hiệu radio bị cản trở. Lính Mỹ phải trả giá rất đắt mới có thể học được cách chiến đấu trong rừng rậm.
Cuối cùng, có lẽ các chỉ huy quân sự Mỹ khi đó đã đánh giá thấp tinh thần chiến đấu “trên sân nhà” của Đức quốc xã.
Dường như giới lãnh đạo quân sự Mỹ tỏ ra tự mãn sau khi quân Đức mất tinh thần vì thất bại trong việc ngăn chặn cuộc đổ bộ vào Normandy rồi sau đó bị đánh bật trở lại Đức.
Trận Hürtgen là một cuộc tấn công trong ngạo mạn; thời tiết, địa hình hiểm trở và lập kế hoạch chiến đấu kém. Sau khi chiến tranh kết thúc, một viên tướng của phát xít Đức nói:
"Tôi đã tham gia vào các chiến dịch dài ở Nga cũng như các mặt trận khác và tôi cho rằng cuộc chiến ở Hürtgen là thiệt hại nặng nhất mà tôi từng chứng kiến".
Chiến dịch Hürtgen là câu chuyện về sự yếm kém trong chỉ huy tác chiến, nhưng nó cũng cho thấy một điều không bình thường, đó là sự quyết tâm của binh sĩ cả hai phe, những người đã liều mạng vì lợi ích của đất nước.
Bất cứ ai khi nghe thấy con số tổn thất cùng những câu chuyện đẫm máu trên đều tự hỏi tại sao người lính vẫn tiếp tục chiến đấu được.
Hành vi của quân Đức được lý giải là bởi họ bị Đức quốc xã nhồi sọ nhiều năm nên rất khát vọng bảo vệ quê hương cũng như việc cấp trên của họ sẵn sàng bắn bỏ bất cứ người nào có ý định đầu hàng.
Các cựu binh Mỹ khi được hỏi nguyên nhân khiến họ bám trụ thì hầu hết đều nêu lý do đầu tiên đó là “tình đồng đội”.
Binh sĩ cùng nhau ăn, ngủ, sinh hoạt, huấn luyện và đối mặt với hiểm nguy hàng ngày đã phát triển thành mối ràng buộc chặt chẽ đến độ người này tiến lên thì người khác cũng làm theo. Nhà văn Paul Fussell đã sử dùng từ “quán tính” để chỉ rõ xung lực này.