Chễm chệ top 3 xuất khẩu TG, vũ khí "Made in China" vẫn ế vêu

Hải Vy |

Trung Quốc đang phải vật lộn để xâm nhập vào thị trường vũ khí quốc tế do vấp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ và sự phản đối từ các quốc gia phương Tây, đặc biệt là Mỹ.

Theo trang mạng Sina Military Network (trụ sở tại Bắc Kinh), mặc dù đã "soán ngôi" Đức để trở thành nhà xuất khẩu vũ khí thứ 3 thế giới trong năm nay nhưng các hãng sản xuất vũ khí Trung Quốc vẫn tiếp tục gặp khó khăn trong việc tìm kiếm hợp đồng.

Hồi tháng 6, có thông tin Thái Lan đã chấp thuận mua 3 tàu ngầm S-26T của Trung Quốc trị giá 1 tỷ USD, tuy nhiên, thỏa thuận giữa 2 phía đã bị đình chỉ vô thời hạn vào tháng 7.

Lý do mà Bangkok đưa ra khi đó là nước này vẫn đang cân nhắc xem liệu các tàu ngầm mới có thực sự cần thiết hay không. Mặc dù vậy, nhiều nhận định cho rằng kế hoạch bị hoãn lại do những áp lực từ Mỹ.

Phát biểu trên tờ Ming Pao (Hồng Kông), ông Huang Dong, Chủ tịch Viện Quân sự Quốc tế Macau cho biết, Trung Quốc đang rất khao khát tìm được khách hàng cho mẫu tàu ngầm S-20 - phiên bản xuất khẩu của Type 039A - và mẫu tàu ngầm S-26T.

Song, cho đến nay, chưa có hợp đồng nào được xác nhận.


Trung Quốc chưa thể tìm được khách hàng cho mẫu tàu ngầm S-20.

Trung Quốc chưa thể tìm được khách hàng cho mẫu tàu ngầm S-20.

Ai Cập được đánh giá là một khách hàng tiềm năng của Bắc Kinh, nước này từng mua 4 tàu ngầm do Trung Quốc sản xuất vào những năm 1980.

Tuy nhiên hiện nay, Cairo vẫn đang so sánh, cân nhắc mức giá mà Trung Quốc và Đức đưa ra.

Tương tự, Pakistan cũng đang trong quá trình lựa chọn. Tháng trước, một số nguồn tin cho biết Pakistan ký thỏa thuận mua 8 tàu ngầm mới từ Trung Quốc, song theo truyền thông phương Tây, 2 phía vẫn chưa đạt được thỏa thuận cụ thể nào.

Ông Huang tin rằng Pakistan đang đàm phán với một số quốc gia khác ngoài Trung Quốc để gây áp lực, buộc Bắc Kinh hạ mức giá. "Chiêu trò" này của Pakistan khiến Trung Quốc rất không hài lòng.

Đây chưa phải là khó khăn duy nhất của Bắc Kinh trên thị trường quốc tế.

Nước này còn có một thỏa thuận tiềm năng khác bị đình trệ, đó là cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa HQ-9 cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo Sina, trở ngại chính trong thương vụ này được cho là sự phản đối của Mỹ.

Trước đó, theo thống kê từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm hồi tháng Ba, sản lượng xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc trong giai đoạn 2009-2014 đã tăng 143%.

Điều đó đã đưa nước này vượt qua Đức, trở thành nhà xuất khẩu vũ khí đứng thứ 3 thế giới, sau Mỹ và Nga.

Nghe có vẻ to tát, song, thực tế trên thị trường vũ khí toàn cầu, Trung Quốc vẫn là một "lái buôn" quá nhỏ bé, với chỉ 5% thị phần.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại