Ngày 15/09/2013 vừa qua, Ấn Độ đã phóng thử thành công lần thứ 2 đối với tên lửa đạn đạo liên lục địa Agni-V. Thành công này một lần nữa khẳng định tiềm năng của Ấn Độ trong việc phát triển các loại vũ khí công nghệ cao.
Tuy nhiên, thành công của Ấn Độ đã đẩy cuộc chạy đua vũ trang ở khu vực châu Á lên một nấc thang mới tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn hơn, đặc biệt là với "người hàng xóm" Bắc Kinh.
So với Trung Quốc, Ấn Độ được xem là “sinh sau đẻ muộn” trong việc phát triển công nghệ tên lửa. Khi Ấn Độ bắt đầu khởi xướng chương trình tên lửa đạn đạo của mình vào đầu những năm 1980, Trung Quốc đã sở hữu loại tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-5 với tầm bắn được cho là trên 10.000km.
Tuy nhiên, phát triển sau không có nghĩa là sẽ ít thành tựu hơn, Ấn Độ mất hơn 20 năm để cho ra đời 2 thế hệ tên lửa đạn đạo tầm ngắn đầu tiên là Agni-I và Agni-II với tầm bắn từ 700-2.100km. Những thành tựu trong 20 năm phát triển đã tạo cho Ấn Độ nền tảng rất vững chắc để tiến những bước tiếp theo.
Họ chỉ cần hơn 10 năm tiếp theo để hoàn thành đến 3 thế hệ tên lửa khác nhau là Agni-III với tầm bắn 3.500km. Agni-IV là một tên lửa đạn đạo tầm trung có tầm bắn 4.000km. Tên lửa được thử nghiệm thành công vào tháng 11/2011.
Từ Agni-IV, Ấn Độ chỉ mất chưa đầy một năm để hoàn thành quá trình phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa Agni-V. Ngày 19/04/2012, Ấn Độ đã ghi tên mình vào danh sách các quốc gia sở hữu tên lửa đạn đạo liên lục địa ICBM và là quốc gia thứ 5 trên thế giới sở hữu bộ ba răn đe hạt nhân chiến lược. Chính các chuyên gia quân sự Trung Quốc phải thừa nhận rằng, tầm bắn của Agni-V phải trên 8.000km.
Một chi tiết khá thú vị là mặc dù Ấn Độ được cho là “sinh sau đẻ muộn” trong phát triển công nghệ tên lửa nhưng các loại tên lửa đạn đạo của Ấn Độ lại có độ chính xác rất cao, không muốn nói là hàng đầu thế giới. Gia đình tên lửa Agni là loại thứ 2 trên thế giới sau tên lửa Minuteman của Mỹ sử dụng hệ thống dẫn hướng con quay laser hồi chuyển, mang lại khả năng tấn công với độ chính xác rất cao.
Gia đình tên lửa Agni có bán kính lệch mục tiêu chỉ từ 20-50 mét, một con số cực kỳ ấn tượng ngay cả với những quốc gia có công nghệ tên lửa hàng đầu thế giới là Nga, Mỹ.
Một điểm độc đáo khác là Ấn Độ tự đầu tư nghiên cứu những công nghệ riêng của mình để tạo nên nét độc đáo chứ không sao chép của nước ngoài để rút ngắn giai đoạn. Điều đó lý giải phần nào cho sự chính xác của các tên lửa đạn đạo Ấn Độ, khả năng tấn công chính xác tạo nhiều lợi thế về mặt chiến lược. Gia đình Agni được thiết kế với khả năng đột phá hệ thống đánh chặn tên lửa của đối phương rất cao.
Với những thành tựu vượt bậc nói trên, việc Ấn Độ sở hữu tiếp công nghệ MIRV (phương tiện tái nhập bầu khí quyển nhiều mục tiêu độc lập), nói cách khác là công nghệ trang bị nhiều đầu đạn tấn công các mục tiêu khác nhau trên cùng một tên lửa chỉ còn là vấn đề thời gian. Hiện tại chỉ có Nga, Mỹ nắm được công nghệ này.
Trước những thành công của Ấn Độ, Trung Quốc đã không ngồi yên. Nắm được thông tin Ấn Độ đang rục rịch phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa, Trung Quốc cũng không muốn chậm chân nên đã khởi xướng một chương trình phát triển ICBM mới có khả năng cơ động cao hơn là DF-31.
DF-31 là một thiết kế tương tự tên lửa Topol-M của Nga, loại ICBM này xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2006 ,đến nay có khoảng 30 tên lửa loại này bao gồm 2 biến thể DF-31 và DF-31A được đưa vào biên chế trong lực lượng nhị pháo. Một biến thể của DF-31 sử dụng cho tàu ngầm là JL-2 cũng đang được phát triển nhưng xem chừng loại tên lửa này vẫn chưa sẵn sàng để đi vào hoạt động trên tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type-094.
Để tiếp tục khẳng định vị thế “anh cả” về tên lửa trong khu vực châu Á, Bắc Kinh tiếp tục âm thầm phát triển một loại ICBM mới khủng hơn là DF-41. Loại ICBM này đã bất ngờ xuất hiện trên các trang mạng của Trung Quốc vào năm 2007.
DF-41 khi đi vào hoạt động sẽ trở thành tên lửa có tầm bắn xa nhất thế giới khoảng 14.000km với khả năng mang tới 10 đầu đạn. Trong năm 2012, dân mạng Trung Quốc lại tiếp tục úp mở về việc DF-41 đã được thử nghiệm thành công.
Tuy nhiên, thông tin này sau đó đã được xác định là một “trò bịp” nhằm thổi phòng sức mạnh của lực lượng Nhị pháo(cách gọi lực lượng tên lửa chiến lược của Trung Quốc). Vào tháng 04/2013, Cục trưởng Cục an ninh quốc gia Đài Loan báo cáo với Quốc hội rằng DF-41 vẫn đang trong giai đoạn phát triển.
Tên lửa của Trung Quốc có thế mạnh là tầm bắn xa nhưng độ chính xác kém, những ICBM của Trung Quốc chỉ có hiệu quả khi sử dụng đầu đạn hạt nhân. Tên lửa của Ấn Độ có tầm bắn ngắn hơn nhưng độ chính xác lại rất cao. Điều này sẽ cho phép Ấn Độ sử dụng nó để tiến hành một cuộc tấn công phi hạt nhân vào các căn cứ trọng yếu của đối phương nhằm tạo lợi thế chiến lược.
Trước sự phát triển rầm rộ về tên lửa đạn đạo của Ấn Độ và Trung Quốc, hai “ông lớn” khác ở châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc cũng không thể ngồi yên. Seoul đã đề nghị với Washington cho phép họ mở rộng tầm bắn của các tên lửa đạn đạo lên 1.500km.
Mặc dù lý do họ nêu ra là để đối phó với chương trình tên lửa của Triều Tiên nhưng chương trình tên lửa đạn đạo của Ấn Độ và Trung Quốc mới chính là yếu tố then chốt trong sự thay đổi này. Một khi Seoul được phép nâng tầm bắn lên 1.500km thì việc họ nâng tầm bắn lên thêm nữa chỉ là vấn đề thời gian.
Nhật Bản cũng đã bắt đầu thảo luận các vấn đề liên quan về việc phát triển tên lửa đạn đạo để đối phó với Trung Quốc. Nhật Bản là quốc gia hiếm hoi ở châu Á có đủ tiềm lực về tài chính và công nghệ để phát triển những tên lửa đẳng cấp.
Nếu chính phủ Nhật Bản quyết tâm với chương trình này thì không khó khăn gì để có thể soán ngôi Ấn Độ và Trung Quốc để trở thành quốc gia có lực lượng tên lửa chiến lược mạnh nhất châu Á. Với sự tham gia của Hàn Quốc và Nhật Bản vào cuộc chơi này, cuộc đua phát triển tên lửa đạn đạo tại châu Á sẽ ngày càng trở nên khốc liệt hơn.
Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: quansu@soha.vn. Trân trọng!