Mỹ và phương Tây đã bắt đầu áp dụng những biện pháp "trừng phạt" đối với Nga sau khi nước cộng hòa tự tri Crimea tiến hành trưng cầu dân ý để tuyên bố độc lập, tách khỏi Ukraine và đệ đơn gia nhập Nga.
Những biện pháp trừng phạt này sẽ khiến Nga bị cô lập đồng thời gây ra những thiệt hại tài chính đáng kể. Tuy nhiên, chính Mỹ và phương Tây cũng sẽ thiệt hại không nhỏ do tác động ngược từ lệnh trừng phạt này, bởi chắc chắn Nga cũng sẽ có biện pháp đáp trả.
Tạp chí The Diplomat đã đưa ra những biện pháp đáp trả mà Nga có thể thực thi, trong đó có khả năng Nga sẽ bán những vũ khí hiện đại cho Trung Quốc và Iran, đẩy thế giới vào một cuộc chạy đua vũ trang còn kinh khủng hơn cả thời Chiến tranh Lạnh.
Bán máy bay Su-35 và tàu ngầm Lada cho Trung Quốc
Các chuyên gia tin rằng mở rộng hơn nữa hợp tác quân sự với Trung Quốc sẽ là lựa chọn đầu tiên của Moskva trong trường hợp bị trừng phạt. Hiện nay, các hợp đồng cung cấp máy bay tiêm kích Su-35 và tàu ngầm thế hệ thứ tư Lada cho Trung Quốc vẫn đang ở giai đoạn đàm phán, nhưng quan hệ căng thẳng với phương Tây có thể thúc đẩy quá trính này tăng tốc nhanh chóng.
Su-35 được giới thiệu là loại máy bay tiêm kích đa năng có sức chiến đấu cao, khả năng của nó không thua kém đáng kể so với các loại máy bay tiêm kích hiện đại thế hệ 5 của Mỹ, trong khi đó giá thành lại rẻ hơn rất nhiều. Tàu ngầm Lada với các tính năng được giới thiệu là sẽ dẫn đầu thế giới trong số các tầu ngầm cùng chủng loại trong tương lai gần.
Ngoài ra, trong bối cảnh Mỹ đang cắt giảm chi tiêu quốc phòng ngày càng mạnh, thi ngược lại Nga và Trung Quốc không ngừng gia tăng chi tiêu quốc phòng trong thời gian gần đây.
Do đó sẽ vô cùng dễ hiểu khi Nga muốn chấm dứt tham vọng của Mỹ ở châu Á bằng việc tăng cường hợp tác với Trung Quốc trong vấn đề vũ trang.
Chuyển trọng tâm thị trường năng lượng sang Trung Quốc
Mỹ đã tuyên bố mở kho dự trữ dầu mỏ chiến lược của quốc gia. Tuy nhiên, quyết định này chỉ có thể làm giá dầu trên thị trường thế giới hạ nhiệt trong thời gian ngắn, chứ không thể “nuôi sống” thị trường châu Âu trong một thời gian dài.
Toàn bộ kho dự trữ chiến lược của Mỹ chỉ đủ dùng trong thời gian chưa đầy một tháng, nhưng để châu Âu thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng Nga thì phải cần ít nhất ba năm để xây dựng cơ sở hạ tầng.
Trong khi đó, vấn đề hiện nay giữa Nga và Trung Quốc trong vấn đề khí đốt chỉ là giá cả. Một khi Moskva chấp nhận mức giá mềm hơn, trong bối cảnh cắt giảm cung cấp năng lượng cho châu Âu và Ukraine, thì Nga vẫn sẽ nhận lại “khoản bồi thường” tương xứng từ thị trường Trung Quốc.
Ngược lại, Bắc Kinh không những được thỏa mãn nhu cầu năng lượng, mà sẽ ít phụ thuộc hơn vào việc nhập khẩu tài nguyên thiên nhiên bằng đường biển, vốn sẽ vô cùng nguy hiểm một khi tình hình địa chính trị trên thế giới xấu đi nghiêm trọng.
Mở rộng hợp tác quân sự với Iran
Nga có thể ngay lập tức tạo sự khó chịu cho Mỹ và các đồng minh ở khu vực bằng cách khôi phục cung cấp vũ khí cho Iran. Ví dụ rõ ràng nhất là hợp đồng bán hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-300 đang bị đình trệ bởi quyết định của vị tổng thống tiền nhiệm Dmitry Medvedev.
Không có gì ngạc nhiên khi ông Putin quyết định tái khởi động hợp đồng này. Ngoài ra, thời điểm hiện nay càng phù hợp để Nga chào mời Teheran tổ hợp S-400, còn lợi hại hơn S-300 gấp nhiều lần.
Giả sử thỏa thuận hạt nhân thất bại và các nước phương Tây can thiệp quân sự vào Iran, thì Nga không những sẽ trở thành nhà cung cấp vũ khí chủ yếu, mà còn duy trì ảnh hưởng rất lớn ở quốc gia này. Iran không phải là Syria, cho nên phương Tây sẽ phải đón nhận kết cục không mấy dễ chịu.
Mở rộng hợp tác quân sự quy mô lớn với Syria
Trong trường hợp thỏa thuận tiêu hủy vũ khí hóa học bị đổ vỡ, phương Tây sẽ phải trờ đợi quả bom dội ngược của Nga từ hướng này.
Tương tự như trường hợp của Iran, Moskva sẽ bắt đầu cung cấp vũ khí không hạn chế cho đồng minh Damascus, điều này chắc chắn sẽ làm thay đổi căn bản so sánh lực lượng trong cuộc xung đột ở Syria.
Mỹ buộc phải tăng cường chi tiêu quốc phòng
Các chuyên gia của The Diplomat cảnh báo rằng nếu Crimea hoặc thậm chí miền Đông Ukraine sáp nhập vào Nga, thì Mỹ cũng chẳng thể nào ngăn cản nổi, đồng thời buộc phải thực hiện trọng trách đảm bảo an ninh ở châu Âu.
Điều này có nghĩa là phải gia tăng sự hiện diện các lực lượng vũ trang của mình ở khu vực như là một yếu tố đủ mạnh để kìm chế Nga. Khi sự phát triển của tình hình đến mức này, Washington buộc phải xem xét lại kế hoạch cắt giảm ngân sách quốc phòng của mình.
Bất kỳ hành động tích cực nào trong bối cảnh căng thẳng như vậy cũng đòi hỏi phải tăng đáng kể mức chi tiêu quốc phòng hiện nay. Như vậy, Nhà Trắng sẽ buộc phải quên đi khái niệm cắt giảm chi tiêu quốc phòng vốn phát sinh do ngân sách quốc gia hạn hẹp, hoặc là toàn bộ chiến lược chính trị-quân sự đầy tham vọng của chính quyền Mỹ ở châu Á sẽ phải bị xem xét lại.