Mới đây nhất là thương vụ trực thăng tấn công Apache giữa Mỹ và Đài Loan. Theo đó, ngày 18/12 Đài Loan phải tiến hành hạ cánh toàn bộ phi đội trực thăng chiến đấu Apache mới mua của Mỹ để kiểm tra sau khi nhận cảnh báo từ Washington về trục trặc của loại máy bay này.
Ông Yen Ming, lãnh đạo quốc phòng Đài Loan cho biết: “Quân đội Mỹ đã phát hiện một số trục trặc kỹ thuật đối với trực thăng Apache AH-64E hồi tuần trước vì thế chúng tôi buộc phải kiểm tra kỹ thuật các trực thăng này”. Đồng thời ông Yen cho biết thêm phía Mỹ sẽ trả toàn bộ chi phí kiểm tra và sửa chữa.
Sự việc này chỉ diễn ra sau 5 ngày khi Đài Loan ra mắt phi đội trực thăng 6 chiếc đầu tiên trong một buổi lễ long trọng do nhà lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu chủ trì.
Lô 6 chiếc trực thăng AH-64E này thuộc một phần trong hợp đồng mua 30 chiếc trực thăng tấn công hiện đại trị giá 59,3 tỷ Đài tệ (2,01 tỷ USD) của quân đội Đài Loan đã được cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush công bố vào năm 2008.
Theo nguồn tin từ Đài Loan, lô trực thăng Apache thứ hai dự kiến sẽ được bàn giao cho Đài Loan vào cuối tháng 12 tới và toàn bộ hợp đồng này sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2014, theo 5 đợt bàn giao, mỗi đợt 6 chiếc.
Theo nguồn tin quân sự Mỹ cho biết, lực lượng vũ trang Đài Loan là lực lượng nước ngoài đầu tiên được Mỹ trang bị trực thăng Apache AH-64E vốn được mệnh danh là “sát thủ chống tăng”.
Được biết đây không phải là sự cố đầu tiên Đài Loan gặp phải khi mua vũ khí Mỹ. Trước đó, Đài Loan đã gặp phải quả đắng lớn hơn với số lượng lớn tên lửa RIM-7 Sparow mua từ Mỹ.
Theo đó, hợp đồng cung cấp tên lửa RIM-7 Sparow được Mỹ và Đài Loan được ký kết hồi năm 1990 với số lượng khoảng 1.100 quả. Tuy nhiên sau khi nhận đủ số tên lửa trên, Đài Loan đã phải cất kho toàn bộ lô tên lửa này vì gặp phải hàng loạt sự cố sau nhiều vụ phóng thử nghiệm.
Được biết, trong quá trình thử nghiệm hồi tháng 3/2011, hai trong số 4 tên lửa được phóng đi không tiêu diệt được mục tiêu giả định. Trước đó, vào tháng 1/2011, ba tên lửa cũng bị trục trặc kỹ thuật, 1 chiếc RIM-7 chỉ phóng lên không được 200 m thì đâm đàu xuống biển, còn 2 chiếc khác trượt mục tiêu.
Sau hàng loạt sự cố, Đài Loan và hãng Raytheon (nhà sản xuất tên lửa Sparrow) tiến hành tổng kiểm tra tất cả tên lửa Sparrow của hòn đảo này. Chi tiết cuộc điều tra không được công bố, nhưng hai bên cho biết đã xác định được những sai sót kỹ thuật liên quan đến động cơ và hệ thống radar của tên lửa.
Sau hàng loạt sự cố đối với RIM-7 Sparow tại Đài Loan, hãng Raytheon của Mỹ đã kêu gọi tất cả các quốc gia đang sử dụng Sparrow hạn chế phóng tên lửa này cho đến khi tìm được giải pháp sửa chữa.
Việc các nhà sản xuất vũ khí Mỹ có trách nhiệm với chất lượng sản phẩm của mình hậu bán hàng hoàn toàn đối lập với Trung Quốc - nước chuyên đi sao chép, bán và lấy tiền. Điển hình trong đó là trường hợp của tiêm kích J-7.
Dù hiện nay Trung Quốc đã ngừng sản xuất J-7 nhưng vẫn tiếp tục xuất khẩu F-7 (phiên bản xuất khẩu của J-7) cho các bạn hàng của mình bất chấp hàng loạt vụ tai nạn của J-7 trên bầu trời Trung Quốc cũng như các quốc gia sử dụng nó.
Theo đó, trong số hơn 2.400 chiếc đã được Trung Quốc sản xuất thì 20% trong số đó đang phục vụ trong quân đội của 14 quốc gia khác. Trong đó, đa số là những quốc gia thuộc 'thế giới thứ 3' ở Trung Đông, Nam Á và Châu Phi.
Năm 2005, một loạt hợp đồng bán F-7 được Trung Quốc ký kết với các nước nghèo châu Phi, trong đó Namibian mua 12 chiếc F-7, Nigeria cũng mua 12 chiếc F-7 kèm theo 3 máy bay huấn luyện FT-7NI. Ngoài ra còn một số hợp đồng đến từ các quốc gia khác như Bangladesh, Pakistan, Sudan, Ai Cập, Tanzania, Yemen, Zimbabwe, Myanmar, Iran và Iraq.