5 lý do đè bẹp tham vọng "đại nhảy vọt" của quân đội Trung Quốc

Nhật Huy |

(Soha.vn) - Quân đội Trung Quốc đặt tham vọng có thể thực hiện một cú "đại nhảy vọt" đến mục tiêu làm chủ học thuyết chiến tranh thông tin và bỏ qua bước chiến tranh cơ giới hóa.

Sau khi chứng kiến chiến thắng nhanh chóng với rất ít tổn thất của Mỹ trong cuộc chiến Vùng Vịnh năm 1991, giới lãnh đạo Trung Quốc tin rằng quân đội nước này cần hướng đến một hình thái chiến tranh mới là chiến tranh thông tin, bước phát triển tiếp theo sau hình thái chiến tranh cơ giới.

Ra đời trong Thế chiến thứ 2 và tiếp tục được hoàn thiện trong thời kì Chiến tranh lạnh, chiến tranh cơ giới có đặc trưng là sự cơ giới hóa lực lượng quân sự, hiệp đồng tác chiến chặt chẽ giữa các binh chủng… Một ví dụ tiêu biểu là quân đội Liên Xô, được xây dựng với hạt nhân là lực lượng thiết giáp. Trong thời kì đỉnh cao của mình, quân đội Liên Xô có hơn 5 vạn xe tăng. Họ cũng chuyển đổi các sư đoàn bộ binh thành sư đoàn bộ binh cơ giới.

Chiến tranh thông tin, hay chiến tranh công nghệ cao, tận dụng những thành quả của công nghệ điện tử, máy tính, viễn thông…với đặc trưng là hỏa lực chính xác, chiếm ưu thế so với đối phương thông qua khả năng thu thập và xử lý thông tin nhanh chóng…Chiến tranh công nghệ còn dẫn đến yêu cầu về hiệp đồng tác chiến đa quân chủng, như hải, lục, không quân, thay vì chỉ là đa binh chủng. Chiến dịch Bão táp sa mạc của quân đội Mỹ trong chiến tranh Vùng Vịnh 1991 là một ví dụ tiêu biểu.

Đổ bộ lên bờ biển Okinawa, 4/1945. Những chiến dịch tương tự ở Thái Bình Dương trong Thế chiến thứ 2, với sự tham gia của lục quân, thủy quân lục chiến và hải quân, là những ví dụ đầu tiên về tác chiến đa quân chủng

Song bản thân quân đội Trung Quốc khi bắt đầu xây dựng và áp dụng học thuyết chiến tranh mới này cũng thừa nhận họ chỉ đang ở giai đoạn cơ giới hóa một phần. Nhưng đồng thời nước này cũng không thể đi tuần tự lên chiến tranh cơ giới rồi đến chiến tranh thông tin, vì như vậy họ sẽ bị Mỹ bỏ xa.

Do đó, Trung Quốc đặt tham vọng có thể thực hiện một cú "đại nhảy vọt" đến mục tiêu làm chủ học thuyết chiến tranh thông tin và bỏ qua bước chiến tranh cơ giới hóa. Trong đó, quan trọng nhất là phát triển và hoàn thiện khả năng tác chiến hiệp đồng đa quân chủng. Theo hãng tin Kyodo News (Nhật Bản), Trung Quốc vừa thành lập một Trung tâm chỉ huy liên hợp đầu tiên để phối hợp hoạt động của các quân chủng vào đầu tháng 8 năm nay.

Bên trong Trung tâm chỉ huy liên hợp của quân đội Úc, đặt tại Bungendore

Điều đó cũng phù hợp với chiến lược bành trướng của Trung Quốc. Những khu vực mà nước này đang tranh chấp đều cần có sự phối hợp của của 4 quân chủng lục quân, hải quân, không quân và tên lửa chiến lược nếu Trung Quốc muốn động binh. Tuy vậy vẫn có 5 trở ngại rất lớn mà theo đánh giá của các chuyên gia thì quân đội Trung Quốc còn lâu mới vượt qua được.

Trở ngại đầu tiên nằm ngay trong chính việc phát triển, hay nói chính xác hơn là sao chép học thuyết chiến tranh mới của người Trung Quốc. Trong bản đề cương đầu tiên về chiến tranh thông tin, ra đời năm 1999, quân đội Trung Quốc cho thấy nhiều cách hiểu máy móc và đơn giản về phương thức chiến tranh mới, như họ chỉ yêu cầu các quân chủng tăng cường sự phối hợp với nhau, còn bản thân các đơn vị của các quân binh khác nhau vẫn duy trì sự độc lập về phương thức tác chiến, trang bị, hệ thống thông tin liên lạc, hậu cần…

Cách hiểu trên dẫn đến việc thay vì tập trung các sĩ quan vào một cơ cấu chỉ huy thống nhất thì các quân chủng lại gửi những đại diện của mình đến các sở chỉ huy của những quân khác ở cấp chiến dịch và chiến thuật. Việc này trên thực tế chỉ làm chậm quá trình ra quyết định và tăng yêu cầu về nhân lực, cũng như trang thiết bị cho các sĩ quan đó.

Đến năm 2003, quân đội Trung Quốc mới bắt đầu nhận thấy sai lầm và thừa nhận rằng tác chiến hiệp đồng không chỉ đơn giản là kết hợp nhiều quân chủng mà cần có sự hợp nhất trong quá trình lên kế hoạch và chỉ huy giữa các quân chủng khác nhau

Trở ngại lớn thứ 2 là sự lạc hậu về công nghệ. Việc nhảy cóc từ quân đội bán cơ giới sang mục tiêu quân đội công nghệ dẫn tới một hệ lụy là sự thiếu đồng bộ trong trang bị, công nghệ giữa các đơn vị khác nhau của quân đội Trung Quốc. Một số có trang thiết bị hiện đại, với công nghệ mới, trong khi một số khác sử dụng thiết bị lạc hậu. Bản thân sự thiếu đồng bộ ấy lại hạn chế khả năng phối hợp, liên lạc thông suốt giữa các đơn vị, do đó triệt tiêu ý nghĩa chính của chiến tranh thông tin.

Trở ngại chính thứ 3 ngăn cản quân đội Trung Quốc hiện thực hóa học thuyết chiến tranh mới của mình là thiếu kinh nghiệm thực tế. Quân đội Trung Quốc thiếu kinh nghiệm tác chiến hiệp đồng quân chủng trong chiến tranh hiện đại.

Những cuộc tập trận thường xuyên với quân đội Nga là một dịp hiếm hoi để quân đội Trung Quốc có thể kiểm tra lý thuyết quân sự của mình trên thực địa. Tiêu biểu là các cuộc tập trận "Sứ mệnh hòa bình", diễn ra 2 năm 1 lần, bắt đầu từ năm 2002. Những cuộc tập trận này cũng cho thấy những khác biệt lớn giữa quân đội 2 nước, gây ra do sự thiếu hụt kinh nghiệm thực tế của quân đội Trung Quốc trong chiến tranh hiện đại.

Cuộc tập trận chung “Sứ mệnh hòa bình 2013”

Trong một cuộc tập trận như vậy, khi các sĩ quan 2 nước lên kế hoạch cho một đợt tấn công giả định vào thành phố, phía Trung Quốc đề xuất cho thiết giáp tiến vào trước. Phía Nga, với kinh nghiệm xương máu từ trận chiến Grozny, nhanh chóng bác bỏ ý kiến trên. Theo họ, lực lượng đặc nhiệm sẽ mở đường, bộ binh đóng vai trò lực lượng chính, còn thiết giáp theo sau để hỗ trợ hỏa lực.

Một ví dụ khác liên quan đến chiến thuật tấn công bằng hỏa tiễn từ trực thăng vũ trang. Chiến thuật của Trung Quốc là cho trực thăng tăng độ cao, rồi bổ nhào về phía mục tiêu và khai hỏa, sau đó lại tăng độ cao và chuyển hướng. Còn Nga sử dụng chiến thuật táo bạo hơn, bay thẳng đến mục tiêu ở độ cao thấp, khai hỏa và bay thoát ra. Trực thăng duy trì độ cao thấp trong suốt quá trình tấn công.

Trở ngại thứ 4 liên quan đến vấn đề tổ chức. Trong cơ cấu tổ chức của quân đội Trung Quốc, bên dưới Quân ủy Trung ương là 4 tổng bộ (tham mưu, hậu cần, chính trị, quân khí) và bên dưới nữa là 3 bộ tư lệnh quân chủng hải quân, không quân, và tên lửa chiến lược.

Cơ cấu tổ chức này cho thấy Trung Quốc vẫn mặc nhiên xem lục quân là quân chủng chính và các quân chủng còn lại chỉ là quân chủng phụ. Các vị trí chỉ huy chủ chốt đa số vẫn do các sĩ quan lục quân nắm giữ. Trong khi đó, tác chiến hiệp đồng quân chủng đồng nghĩa với việc các quân chủng phải được "bình đẳng" với nhau.

Mô hình tổ chức thành 7 quân khu theo truyền thống cũng là một biểu hiện của tư tưởng trọng lục quân. Từ năm 2009, quân đội Trung Quốc đã có ý tưởng về thay đổi từ mô hình quân khu sang bộ tư lệnh hợp nhất, tương tự như mô hình mà Mỹ đang sử dụng. Theo đó, 7 quân khu sẽ được tái cấu trúc lại thành 4 bộ tư lệnh khu vực gồm Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Nam Á và Trung Á.

Mỗi bộ tư lệnh hợp nhất chịu trách nhiệm cho toàn bộ các hoạt động quân sự, cũng như chỉ huy mọi đơn vị của các quân chủng trong một khu vực nhất định, như Bộ tư lệnh Châu Âu hay Bộ tư lệnh Thái Bình Dương, mà không cần thông qua các cơ cấu chỉ huy khác như bộ tổng tham mưu hay các bộ tư lệnh quân chủng.

Tuy vậy cho đến nay, tất cả vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu và chưa có bước đột phá thực sự nào. Nếu ngay cả ở những cấp chỉ huy chiến lược của quân đội Trung Quốc vẫn chưa thể hiện tính đa quân chủng thì rất khó cho những cấp bên dưới hiện thực hóa mục tiêu này.

Trở ngại cuối cùng nằm ở khâu huấn luyện. Các đơn vị của các quân chủng chủ yếu vẫn được huấn luyện và diễn tập riêng biệt, ít có sự tham gia của các quân chủng khác. Nếu có những cuộc diễn tập đa quân chủng thì mức độ hiệp đồng tác chiến thực sự lại rất ít và chủ yếu mang tính hình thức. Như trong một cuộc diễn tập, sĩ quan chỉ huy thuộc các quân chủng trao đổi với nhau qua đường truyền hình ảnh trực tiếp, hoặc như trong một cuộc diễn tập khác, các đơn vị lục quân hỗ trợ đưa các chiến đấu cơ của không quân lên xe lửa.

Pháo tự hành được đưa lên xe lửa chuẩn bị cho một cuộc tập trận quốc tế

Những cuộc tập trận trên đều được quân đội Trung Quốc xem là tác chiến đa quân chủng. Ngoài ra, hải quân Trung Quốc thường xuyên gọi những cuộc tập trận với sự tham gia của tàu chiến, tàu ngầm, và máy bay hải quân là tác chiến đa quân chủng mặc dù trên thực tế, chúng chỉ ở mức đa binh chủng thuộc cùng quân chủng hải quân.

Mục tiêu của quân đội Trung Quốc là đạt được khả năng tác chiến đa quân chủng từ cấp sư đoàn trở lên, thậm chí là lữ đoàn. Song ngay cả những tài liệu của nước này cũng thừa nhận quân đội Trung Quốc còn xa mới đạt được mục tiêu đó trong thực tế. Một ví dụ tiêu biểu là phối hợp hỗ trợ hỏa lực từ không quân cho lục quân, hiện không quân Trung Quốc chỉ có thể thực hiện không kích những mục tiêu đã được lên kế hoạch trước. Việc yêu cầu hỗ trợ hỏa lực tức thời là gần như không thể, do quá trình lên kế hoạch và chuẩn bị có thể mất nhiều giờ.

Việc những chiến đấu cơ, như máy bay cường kích JH-7A này, có thể hỗ trợ trực tiếp cho lục quân trong thực tế chiến tranh hay không còn là câu hỏi bỏ ngỏ

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại