Thông thường, chúng ta sẽ bỏ vỏ của các loại trái cây khi ăn. Điều này không chỉ là thói quen mà còn được xem là tăng hương vị, giảm chất độc hại và đảm bảo vệ sinh hơn. Tuy nhiên, cũng có những loại quả chúng ta nên ăn cả vỏ sau khi rửa sạch, trong đó có quả nho. Kiểu ăn này được chứng minh là giúp tận dụng tối đa chất chống oxy hóa, kháng viêm tốt cho sức khỏe. Chúng sẽ càng hiệu quả hơn nếu bạn ăn nho để cả vỏ sau đó để đông lạnh.
Các phân tích chỉ ra rằng nho rất giàu vitamin A, B1, B2, C, protein, polyphenol, axit amin và các loại khoáng chất khác nhau. Nho cũng là một loại quả đặc biệt mà từ vỏ, cùi tới hạt của nó đều có giá trị dinh dưỡng. Đặc biệt, lớp vỏ của nho - nhất là các loại nho màu đậm (đỏ, đen, tím) cực giàu chất chống oxy hóa.
Tiến sĩ dinh dưỡng Li Wanping (Đài Loan, Trung Quốc) cho biết: “Nếu bạn vứt bỏ phần vỏ nho khi ăn sẽ rất lãng phí. Bởi ngoài chất dinh dưỡng, nó cực giàu chất chống oxy hóa quý giá. Cụ thể, vỏ nho có chứa 2 loại chất chống oxy hóa: resveratrol, anthocyanin, polyphenol. Đây đều là những chất chống oxy hóa mạnh mẽ, có thể giúp ngăn chặn sự tổn thương của tế bào do gốc tự do. Từ đó, giúp kháng viêm, chống lại ung thư và làm chậm tốc độ lão hóa cùng nhiều lợi ích sức khỏe khác.
Những chất này có cả trong lớp bột trái cây bao phủ trên vỏ nho chứ không chỉ riêng phần vỏ, nhiều nhất là anthocyanin. Phần vỏ nho còn giàu resveratrol hơn cả cùi và hạt. Chưa kể, vỏ nho còn giàu chất xơ, cellulose, pectin, và sắt. Không nên ăn một mình vỏ nho, mà nên ăn nho cả quả cùng với vỏ và hạt, cơ thể sẽ hấp thu được nhiều chất dinh dưỡng hơn, hương vị cũng ngon hơn”.
Tuy nhiên ông nhắc nhở là cần chọn loại nho có nguồn gốc uy tín, ít dư lượng hóa chất và rửa kỹ mới ăn cả vỏ. “Đặc biệt, nhiều nghiên cứu cho thấy sau khi đông lạnh nguyên vỏ các chất oxy hóa kể trên trong vỏ cũng như toàn bộ quả nho sẽ được nâng cao đáng kể, hấp thụ vào cơ thể tốt hơn. Bột trái cây ở vỏ được giữ lại, phần vỏ và cùi của nho cũng được hòa quyện, hương vị hấp dẫn hơn.
Nho đông lạnh cả vỏ thích hợp để ăn tươi, làm nước trái cây hoặc làm sinh tố. Cách làm lạnh tốt nhất, giữ được nhiều chất chống oxy hóa nhất là bọc chúng vào khăn mềm sạch, kín rồi cho vào tủ lạnh ở nhiệt độ thấp hoặc đông lạnh”.
Lưu ý khi rửa nho để ăn cả vỏ
Mặc dù việc ăn nho cả vỏ mang lại nhiều lợi ích nhưng điều này khiến nhiều người lo lắng về quá trình rửa nho. Bởi chúng vô cùng khó làm sạch do thường mọc thành chùm, quả lại rất mềm, dễ bị dập nát khi chà rửa mạnh tay.
Có không ít mẹo rửa nho như dùng nước muối, bột mì, giấm trắng, baking soda… Tiến sĩ Li Wanping cho rằng, quan trọng nhất vẫn là nên lựa chọn loại nho có nguồn gốc đảm bảo, tươi ngon. Sau đó, tùy thuộc vào đặc điểm trên nho mà có thể thay đổi phương pháp rửa.
Ví dụ như đối với nho mua tại siêu thị hay chợ, được bọc túi nilon hay hộp kín có kiểm định thì sau khi mua về chỉ cần rửa kỹ dưới vòi nước chảy. Nếu nho không bọc, dễ dính bụi bẩn thì cầm ngâm nước trắng hoặc nước muối thật loãng 3 - 10 phút sau đó rửa dưới vòi nước chảy. Nếu thấy nho có độ bẩn bề mặt nhiều hơn, có thể kết hợp ngâm với dùng khăn mềm và ướt chà xát từng quả trong nước để giảm nguy cơ dập nát. Sau đó nhẹ nhàng xả lại với vòi nước chảy chậm.
Ông cũng cho rằng chỉ cần rửa với bột mì, baking soda trong trường hợp quá bẩn hoặc nhiều phấn trắng bám bên ngoài tới bất thường. Nhất là những vòng màu trắng hình khuyên ở dưới cùng của quả nho hay đốm trắng dạng bột không đồng đều phân tán khắp vỏ nho. Bởi đó rất có thể là cặn chất lỏng hóa học, chất tẩy rửa làm đẹp nho.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng dù rửa nho bằng cách nào thì cũng có một vài lưu ý chung. Đầu tiên là phải loại bỏ những quả thối hoặc dập nát trong chùm nho, sau đó dùng kéo cắt từng quả nho, để lại một chút cuống trên quả. Nên nhớ không dùng tay tách nho vì sẽ khiến phần vỏ sát cuống bị rách, khi rửa phần thịt nho hở ra này dễ bị bám bẩn. Khi rửa hãy nhẹ tay, vòi nước nhỏ và chảy chậm. Nho sau khi rửa và để ráo chỉ nên bảo quản trong tủ lạnh khoảng 2 - 3 ngày.
Nguồn và ảnh: UDN, Family Doctor