QĐND Việt Nam chở xe tăng qua sông bằng thuyền gỗ: Chuyện có một không hai trên TG

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt |

Khi xe tăng dịch chuyển trên phà nếu không chính xác và khéo léo có thể làm đứt gãy các mối liên kết giữa các thuyền và lúc đó nguy cơ chìm xe là khó tránh khỏi.

Để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công chiến lược năm 1972 tại chiến trường Nam Bộ, cuối năm 1971 Tiểu đoàn xe tăng 2, Lữ đoàn 203 trang bị gần 40 xe tăng và pháo cao xạ tự hành do tiểu đoàn trưởng Ngô Xuân Nghiêm và chính trị viên Lê Đình Hoán chỉ huy nhận nhiệm vụ hành quân vào B2.

Sau khi vượt hơn 1.000 km đường Trường Sơn dưới sự ngăn chặn vô cùng ác liệt của không quân Mỹ, cuối tháng 3.1972, Tiểu đoàn đã qua khu vực Ngã ba biên giới và sang địa phận Campuchia. Sang đây, địa hình khá bằng phẳng và độ cao giảm dần nên hành quân có phần thuận lợi hơn.

Tuy nhiên, tại đây đơn vị đã phải đối mặt với một trở ngại vô cùng lớn. Trước mặt đơn vị là con sông Sê San, một phụ lưu của sông Mê Kông, bắt nguồn từ Bắc và Trung Tây Nguyên rồi chảy sang phía Campuchia và là con sông lớn nhất vùng Đông Bắc đất nước này.

QĐND Việt Nam chở xe tăng qua sông bằng thuyền gỗ: Chuyện có một không hai trên TG - Ảnh 1.

Cái khó khăn nhất là sông thì rộng song công binh chưa đưa được phà hoặc cầu phao vào. Tiểu đoàn xe tăng đầu tiên hành quân vào Nam Bộ đứng trước tình thế "tiến thoái lưỡng nan".

Câu hỏi lớn nhất làm đau đầu cả Ban chỉ huy và từng người lính là làm sao vượt được sông để kịp vao tham gia chiến dịch?

Các giải pháp đảm bảo vượt sông cho xe tăng

Trong quá trình hành quân hay cơ động lực lượng của xe tăng- nhất là các loại xe tăng chiến đấu chủ lực với trọng lượng lớn và không có khả năng tự bơi thì việc khắc phục các vật cản nước- vượt qua sông suối- luôn luôn được các nhà chỉ huy rất quan tâm.

Đối với các con sông suối nhỏ, lưu lượng và lưu tốc thấp, độ sâu nhỏ có thể dùng phương pháp làm ngầm để xe tự đi qua. Thực chất, ngầm là những con đường được làm dưới mặt nước nên giữ được bí mật và dễ làm, dễ khắc phục khi bị đánh phá nên rất hay được dùng trên đường Trường Sơn.

QĐND Việt Nam chở xe tăng qua sông bằng thuyền gỗ: Chuyện có một không hai trên TG - Ảnh 2.

Bộ đội Xe tăng huấn luyện vượt sông.

Còn đối với các sông lớn thì bắt buộc phải có các phương tiện chuyên dùng khác như phà tự hành, phà dã chiến, cầu phao... Các phương tiện này thường do các lực lượng công binh của các cấp đảm nhiệm.

Phà tự hành (GSP) thường được trang bị cho lực lượng công binh cơ hữu của các trung, lữ đoàn xe tăng. Mỗi bộ phà gồm 1 cặp 2 chiếc, chạy bằng xích, có khả năng cơ động việt dã tương đương xe tăng.

Khi cần sử dụng, người ta ghép chúng lại với nhau, đảm bảo trọng tải đạt 50 tấn. Tuy nhiên, chúng khá cồng kềnh và thường chỉ được sử dụng trong cự ly gần.

Cầu phao cũng là một loại phương tiện vượt sông có công suất vận chuyển cao và thường được biên chế tại các trung, lữ đoàn công binh chuyên ngành. Với sự tiến bộ của công nghệ, nhiều bộ cầu phao có thời gian triển khai rất nhanh đã được chế tạo.

Tuy nhiên, nhược điểm của nó là khá cồng kềnh và dễ lộ bí mật nên thường chỉ triển khai ở nơi yêu cầu năng suất vận tải cao và có hỏa lực phòng không mạnh.

Trong những năm đánh Mỹ, loại phương tiện vượt sông phổ biến nhất mà bộ đội Trường Sơn hay dùng là phà dã chiến. Sở dĩ gọi thế bởi nó khác với các loại phà dân dụng, nó thường được ghép lại bằng vài cái phao sắt. Có thể coi đó là một đoạn cầu phao ngắn và được lai dắt bằng ca- nô.

Với cấu tạo như vậy, các phà dã chiến thường được triển khai rất nhanh, khi địch đánh phá thì tháo ra đưa đi sơ tán mỗi nơi một bộ phận, khi báo yên thì kéo về lắp ghép lại với nhau; chỉ sau chừng 15- 20 phút lại sẵn sàng chở xe, chở người vượt sông.

QĐND Việt Nam chở xe tăng qua sông bằng thuyền gỗ: Chuyện có một không hai trên TG - Ảnh 4.

Bộ đội Xe tăng huấn luyện vượt sông.

Chính bởi vậy, dọc tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại đã có những con phà- mặc dù là trọng điểm đánh phá của không quân Mỹ song vẫn hiên ngang tồn tại hàng chục năm trời như: Bến Thủy, Linh Cảm, Long Đại, Xuân Sơn v.v...

Tuy nhiên, do một số khó khăn cùng với yêu cầu chưa thật bức thiết nên đến đầu năm 1972 ta vẫn chưa đưa được phà dã chiến vào sâu trong chiến trường mà cụ thể ở đây là sông Sê San. Chính vì vậy, khi đơn vị xe tăng hành quân đến đây thì hết sức bối rối.

Chở xe tăng bằng thuyền- Tại sao không?

Trước con sông rộng và khá sâu thuộc loại lớn nhất vùng Đông - Bắc Campuchia mà không có cầu phà, các chỉ huy của đơn vị xe tăng hết sức bối rối. Họ đành chỉ biết điện báo lên cấp trên đề nghị giúp đỡ chứ vấn đề này nằm ngoài khả năng của họ.

Tìm hiểu thêm thì được biết đây đã vào đến cuối của tuyến đường mòn Hồ Chí Minh. Thông thường hàng hóa vận chuyển vào đến đây bằng cơ giới sẽ được phân tán xuống vận chuyển bằng thuyền tăng- bo sang bờ nam cho xe khác chở tiếp hoặc đưa vào các kho dự trữ. Vì vậy ở đây không bố trí phà.

Các chỉ huy xe tăng bị đặt vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan": Nhiệm vụ đưa xe tăng vào B2 là rất gấp nhằm mục đích bảo đảm lực lượng binh chủng hợp thành tham gia chiến dịch Nguyễn Huệ mùa khô năm 1972 trong khi đó lại bị bó chân, bó cẳng trước con sông này.

Những lời kêu cứu của đơn vị đã nhanh chóng được gửi tới Bộ Chỉ huy Miền. Nhiệm vụ đó được giao cho lực lượng Công binh và Vận tải của Miền nghiên cứu khắc phục.

Trong điều kiện không thể đợi đưa phà dã chiến vào được, với kinh nghiệm đã từng chuyên chở một số loại hàng có khối lượng lớn từ trước, các lực lượng vận tải của Miền đã đề xuất sáng kiến: Dùng thuyền gỗ ghép lại để chở xe tăng! Mới nghe, không ai tin được điều đó nhưng sau khi nghe họ trình bày thì thấy cũng có lý.

Giải pháp cụ thể là: Xếp 10 - 12 chiếc thuyền loại thân dài thon, trọng tải 4-5 tấn/chiếc lại theo kiểu tráo đầu đuôi để đuôi tôm (chân vịt) quay ra hai bên, sau đó dùng các tấm gỗ ván dài và dày (ở vùng này gỗ rất sẵn) liên kết chúng lại thành một khối chắc chắn tựa như một cái phà.

Việc điều khiển cả khối này sẽ được tiến hành theo sự chỉ huy thống nhất, đảm bảo cả khối có thể di chuyển một cách linh hoạt theo các hướng. Đại khái như quân của Tào Tháo đã ghép thuyền lại với nhau tại Xích Bích trong truyện Tam Quốc diễn nghĩa.

Sau khi nghe trình bày và xem thao diễn thử, các chỉ huy xe tăng thấy về mặt lý thuyết là hoàn toàn có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, khó khăn nhất là khi đưa xe xuống hoặc lên bởi lúc đó, khối lượng xe phân chia không đều, có thể làm cho những chiếc thuyền ở đầu và cuối khối bị dìm sâu xuống dẫn đến nước tràn vào.

Ngoài ra, khi xe tăng dịch chuyển trên phà nếu không chính xác và khéo léo có thể làm đứt gãy các mối liên kết giữa các thuyền và lúc đó nguy cơ chìm xe là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, cũng chẳng còn cách nào hơn ngoài cách khắc phục những khó khăn đó để đến đích kịp thời gian.

Tất cả những khó khăn đó được nêu ra và bàn thảo giữa hai bên. Cuối cùng thống nhất giải pháp là bên công binh chịu trách nhiệm làm bến xuống, bến lên thật vững chắc, có giải pháp chèn chống các vị trí quan trọng để tránh chìm thuyền.

QĐND Việt Nam chở xe tăng qua sông bằng thuyền gỗ: Chuyện có một không hai trên TG - Ảnh 6.

Bộ đội Xe tăng huấn luyện vượt sông.

Về phía đơn vị xe tăng cần chọn lái xe thật giỏi, luyện tập kỹ càng và sẵn sàng các phương tiện cứu kéo đề phòng tình huống xấu nhất xảy ra. Và lái xe Nguyễn Công Thành- người nổi tiếng lái giỏi và có kinh nghiệm nhất trong số lái xe đã được lựa chọn.

Sau vài buổi luyện tập, ngày chính thức đưa xe tăng qua sông cũng đến. Lái xe Nguyễn Công Thành vào xe nổ máy. Tất cả hồi hộp căng mắt nhìn theo chiếc xe tăng nặng hơn 30 tấn dưới sự điều khiển của Thành và sự chỉ huy của tiểu đoàn phó kỹ thuật Võ Văn Chơi nhẹ nhàng bò lên "phà".

Tất cả diễn ra đúng như dự kiến. Con phà tự tạo hoàn toàn chịu được sức nặng của chiếc xe tăng. Dưới sự chỉ huy thống nhất, các máy đuôi tôm đồng loạt nổ và đưa con phà nặng trĩu rời bến từ từ tiến qua sông.

Chưa đầy 10 phút, phà đã cập bến phía nam. Chiếc xe tăng lại từ từ bò lên bờ trong tiếng reo mừng của tất cả những người có mặt.

Ngay trong đêm đó, đại đội đầu tiên của tiểu đoàn đã qua sông trót lọt. Với kinh nghiệm đã có được, trong những đêm sau việc qua sông còn thuận lợi, nhanh chóng hơn.

Nhờ sáng kiến này, ngày 2.4.1972, Đại đội đầu tiên của tiểu đoàn đã có mặt tại vị trí tập kết và chỉ 5 ngày sau họ đã tham gia trận đánh đầu tiên tại Lộc Ninh, giành thắng lợi vang dội mở màn cho Chiến dịch Nguyễn Huệ tại chiến trường B2.

Quý bạn đọc thân mến,

Nhằm đáp ứng yêu cầu của đông đảo quý bạn đọc trong việc tìm hiều lịch sử và truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc ta nói chung, của Quân đội Nhân dân Việt Nam nói riêng, chúng tôi mở chuyên mục CHIẾN TRƯỜNG: MÁU VÀ HOA.

Rất mong quý bạn đọc và nhất là các cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu trên các chiến trường chia sẻ những hồi ức, kỷ niệm, hình ảnh về một thời máu lửa. Mọi ý kiến đóng góp, bài vở xin vui lòng gửi về địa chỉ email: quansu@ttvn.vn.

Trân trọng,

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại