Chuyên gia Nga: Có cần trang bị cho mỗi người lính 1 UAV hay không?

Hoài Giang |

Topwar.ru mới đây đã đăng tải bài viết có quan điểm độc đáo về việc trang bị UAV trong Quân đội Nga của nhà phân tích Roman Skomorokhov. Chúng tôi xin lược dịch dưới đây.

Hình minh họa.

Hình minh họa.

"Quân đội Nga không đủ UAV"

Thời gian gần đây nhiều nhà phân tích Nga nói về chiến tranh không người lái và nêu ra chủ đề "Quân đội Nga không đủ máy bay không người lái (UAV/Drone)".

Nhưng chúng ta cần đặt mọi thứ trước ánh sáng: Ai đang thiếu UAV, thiếu loại nào và tại sao lại thiếu. Các tiêu chuẩn - nếu có - là gì nếu chúng tồn tại? Và ai sẽ phát triển chúng (tiêu chuẩn) nếu chúng chưa tồn tại.

Hiện có rất nhiều câu hỏi và câu hỏi quan trọng nhất đó là - sự thật là gì? Sự thật là UAV vẫn "tồn tại" trong Quân đội Nga và được sử dụng cho mục đích đã định.

Vâng, chúng tôi (Quân đội Nga) có vấn đề với thiết bị (UAV) hạng nặng, nhưng thực tế là nếu nói về việc thiếu UAV ở đâu đó - sẽ là các lực lượng thân Nga chứ không phải bản thân Quân đội Nga.

Lẽ dĩ nhiên họ không sở hữu nguồn cung cấp như ở Nga - vì vậy nếu hỏi ai và loại UAV nào họ có thể nhận được thì câu trả lời sẽ là những UAV cỡ nhỏ (Drone) được chuyển đến từ Trung Quốc. Và nếu nói về khí tài quân sự - lẽ dĩ nhiên kết quả là "số 0 hoàn hảo".

Chuyên gia Nga: Có cần trang bị cho mỗi người lính 1 UAV hay không? - Ảnh 1.

Binh sĩ Nga triển khai UAV Orlan-10.

Đúng hay sai?

Chúng ta hãy tạm rời khỏi loại UAV kể trên và bắt đầu về những thứ Quân đội Nga đang sở hữu "từ trên xuống dưới".

Đầu tiên là về UAV tấn công (UCAV) hạng nặng. Chúng là "những gã khổng lồ" như "Hunter/Thợ săn" (UCAV Sukhoi S-70 Okhotnik-B) của chúng ta (Nga) hay "Akinchi" của Thổ Nhĩ Kỳ.

Vì sao chúng được phân loại là "hạng nặng"? Có thể ví dụ về UCAV MQ-1C "Grey Eagle" của Mỹ - thứ giống như 2 con quái vật kể trên - là một chiếc xe tải biết bay mang bom và tên lửa.

Chúng có cần thiết không? Chắc chắn là có. Mặc dù những câu chuyện về UCAV được trang bị AI (trí tuệ nhân tạo) không giống như trong phim ảnh nhưng các chuyên gia có năng lực trong ngành này cho rằng tương lai AI có thể đánh giá tình hình và tự đưa ra quyết định.

Và những khí tài khổng lồ này vẫn sẽ có chỗ đứng trên bầu trời.

Để mô tả cách chúng hoạt động, chúng ta hãy nhìn vào cách pháo phản lực phóng loạt (MLRS) hoạt động ở hiện tại. Xe phóng rời khỏi vị trí, khai hỏa và được nạp đạn bằng khí tài chuyên dụng được điều khiển bằng con người.

Trong tương lai gần đó sẽ là một khí tài không người lái, quá trình nạp đạn sẽ được khởi động khi nó tiếp cận xe phóng. Tình huống tương tự có thể xảy ra với "Thợ săn". Nó sẽ là một "bệ phóng bay" của Su-35 hoặc Su-57.

Các loại tên lửa đối không và đối đất sẽ được lắp đặt trên UCAV và việc cặp đôi xuất hiện sẽ "làm nóng" đối phương dưới mặt đất. Ở những khu vực có phòng không đối phương - nó sẽ giúp cứu được mạng sống của phi công.

Chuyên gia Nga: Có cần trang bị cho mỗi người lính 1 UAV hay không? - Ảnh 2.

Nguyên mẫu UCAV Sukhoi S-70 Okhotnik-B bay bắt cặp với tiêm kích tàng hình Su-57.

Thứ hai có lẽ là về UAV trinh sát. Vâng, việc nắm được tin tình báo có nghĩa là có tất cả. Và dĩ nhiên là sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu một "phép màu không người lái" được phóng lên, bay vòng quanh khu vực và phát trực tiếp dữ liệu về tình hình.

Đây là những khí tài rất hữu ích và đã được chứng minh trong nhiều cuộc xung đột.

Quân đội Nga được trang bị những thiết bị như vậy - "Orlan" và "Forpost". Có đủ không ư? Không bao giờ là đủ vũ khí cho chiến tranh nhưng chúng đang được trang bị trong các đơn vị trinh sát đường không ở các cấp sư đoàn, lữ đoàn và đang làm việc.

Và, theo tôi (nhà phân tích Roman Skomorokhov) hiểu - vấn đề không nằm trong lớp UAV này mà xuất phát từ một lớp thấp hơn.

Thứ ba - UAV theo dõi và trinh sát pháo binh. Đây là một lớp UAV riêng biệt và lý do nó được nhắc tới là vì trên chiến trường - đối thủ của Quân đội Nga đang tích cực sử dụng chúng để điều chỉnh hỏa lực pháo binh, đặc biệt là trong các cuộc đấu pháo.

UAV có thể phát hiện ra nơi pháo binh đối phương khai hỏa để phản pháo. Tuy nhiên cho đến gần đây, UAV thậm chí còn không được Quân đội Nga tính đến để trinh sát pháo binh vì có sẵn những ý tưởng tuyệt vời khác.

Ví dụ như tổ hợp radar chống pháo binh ARK-1 "Rys" thời Liên Xô, thứ có thể phát hiện vị trí khai hỏa pháo của đối phương từ 10 km và pháo phản lực phóng loạt (MLRS) từ 20 km.

Hiện ARK-1 "Rys" những năm 1970 đã được Quân đội Nga thay thế bởi "Aistenok" và "Zoopark-1M" .

"Zoopark-1M" có khả năng phát hiện hoàn hảo vị trí khai hỏa súng cối ở tầm 13-17 km, pháo là 10-12 km và MLRS là 15-22 km. Và các radar loại này thường xuyên cung cấp dữ liệu để xạ thủ tiến hành phản pháo.

Chuyên gia Nga: Có cần trang bị cho mỗi người lính 1 UAV hay không? - Ảnh 3.

Tổ hợp radar chống pháo binh Zoopark-1M.

Quân đội Nga có cần trang bị cho mỗi người lính 1 UAV hay không?

Rõ ràng UAV rẻ hơn máy bay quân sự, không cần tới phi công và người điều khiển có thể - giống như UAV của Mỹ - ngồi cách hàng nghìn km và điều khiển qua vệ tinh. Yên tĩnh, tiết kiệm, rẻ và không phô trương - chúng ta đã học thuộc lòng tất cả các điểm mạnh của UAV.

Tuy nhiên nếu UAV ở trong tay bên yếu hơn - chúng hoàn toàn không có khả năng tự vệ và người điều khiển không thể kiểm soát tình hình.

Điều này có thể sẽ thay đổi trong tương lai với các radar được lắp đặt trên UCAV - nhưng phần còn lại của UAV vẫn sẽ tiếp tục là mục tiêu tập bắn. Bên cạnh đó, có nhiều cách để cắt đứt "dây rốn" giữa người điều khiển và UAV - và thế là xong.

Giới truyền thông cũng phải chịu trách nhiệm về việc khiến UAV đột nhiên đóng một vai trò quan trọng trên chiến trường. Nói chung một cuộc chiến quy ước khác với cách mà "Bayraktar" được quảng bá ở Nagorno-Karabakh. Không phải mọi thứ đều hoàn hảo như vậy.

Nếu so với các loại vũ khí chính xác, UAV không chiếm một vị trí thích hợp vì cho đến nay, AI chưa thể nhận dạng mục tiêu ở ngưỡng chấp nhận được - tức là yếu tố con người vẫn chưa thể được loại bỏ.

Những chiếc UCAV của Mỹ được điều khiển từ một căn cứ cách xa hàng nghìn km. Để hoạt động "nhẹ nhàng" như vậy, việc chiếm ưu thế trên không thực sự cần thiết. Ở Iraq, Libya, Syria, Afghanistan, NATO có ưu thế áp đảo trên không - tuy nhiên vẫn có UAV bị bắn rơi.

Vậy người lính Nga có cần trang bị các UAV/Drone cá nhân hay không?

Một Drone do Trung Quốc sản xuất có thể trinh sát rất tốt trong đô thị, nhưng thứ giúp điều khiển nó - điện thoại thông minh được sử dụng như thiết bị thu phát sóng - sẽ là mục tiêu khá dễ dàng cho khoảng vài chục đạn cối hoặc đạn pháo.

Nhìn chung, việc sử dụng UAV cần được kiểm soát.

Bộ Quốc phòng Nga có nghĩa vụ phát triển và trang bị những thứ mà họ cần - nhưng người lính Nga không cần mang theo chúng, mỗi người đã có nhiệm vụ riêng mà họ phải thực hiện đúng mà không có sự trợ giúp của UAV cá nhân.

Chuyên gia Nga: Có cần trang bị cho mỗi người lính 1 UAV hay không? - Ảnh 4.

Hình minh họa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại