Vì sao thứ được tạo ra cho tận thế hạt nhân lại thất bại trong "trận thử lửa" ở Chernobyl?

Hoài Giang |

Topwar mới đây đã đăng tải bài phân tích: "IMR-2: Vì sao cỗ máy của ngày tận thế hạt nhân lại thất bại trong "kỳ thi" ở Chernobyl". Chúng tôi xin lược dịch bài viết.

Hình minh họa.

Hình minh họa.

"Chernobyl và Syria"

Ngày 26/4/1986, thảm họa phóng xạ lớn nhất trong lịch sử loài người xảy ra tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở Liên Xô.

Để giải quyết hậu quả, hơn nửa triệu người và hàng trăm thiết bị đã được gửi đến khu vực xảy ra sự cố - trong số đó có xe công binh hạng nặng IMR-2 được phát triển dựa trên khung gầm của xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) T-72.

Tuy nhiên, do những trở ngại kỹ thuật, khí tài được chế tạo và thích nghi với việc hoạt động trong một cuộc chiến tranh hạt nhân, đã phải được cải tạo để ứng phó với tình trạng ô nhiễm phóng xạ mạnh trên mặt đất.

Vì sao thứ được tạo ra cho tận thế hạt nhân lại thất bại trong trận thử lửa ở Chernobyl? - Ảnh 1.

Một chiếc IMR-2 được trang bị lớp giáp chì quanh khoang điều khiển tham gia quá trình xử lý hậu quả ở Chernobyl (Nguồn: souzchernobylnsk.ru).

Nhìn vào những bức ảnh và video ghi lại trong quá trình giải quyết hậu quả ở Chernobyl, một liên tưởng vô tình nảy sinh trong đầu tôi (tác giả bài viết Eduard Perov) với một số cuộc xung đột tương đối mới - ví dụ như Syria.

Ở cả Chernobyl và Syria, lớp giáp nặng đã được loại bỏ và thay thế bởi lớp giáp mỏng hơn nhưng đủ để chống đạn (bộ binh) và đạn pháo - hoặc chống lại bức xạ, với những tấm chì.

Có thể hiểu được việc làm này trên các khí tài bọc thép hạng nhẹ nhưng tại sao điều này lại được áp dụng trên xe công binh hạng nặng?

Khi phát triển bất kỳ loại khí tài nào - bao gồm cả IMR-2 - các kỹ sư cũng sẽ chủ động sử dụng quy luật xác suất, ví dụ xác suất gặp vũ khí chống tăng này hay vũ khí chống tăng khác, góc bắn, xác suất bị bắn trúng trong các điều kiện khác nhau...

Tính toán tương tự cũng diễn ra với bức xạ hạt nhân. Tuy nhiên không một ai từng tưởng tượng được rằng lại có thể xảy ra thảm họa quy mô lớn như ở Chernobyl nên việc phát triển khí tài để ứng phó với chiến tranh hạt nhân được coi là mục tiêu chính.

Cuộc phục kích phá hủy một chiếc IMR-2 gần Nhà máy điện Qabun ở Damascus, Syria được phiến quân Jaysh al-Islam ghi hình vào năm 2017.

Chính vì vậy khi thiết kế lớp bảo vệ chống bức xạ của IMR-2, người ta chú ý nhiều nhất đến phần dưới của thân và đáy, vì bức xạ lẽ ra phải đến từ đất bị nhiễm xạ sau vụ nổ hạt nhân.

Ở Chernobyl, mọi thứ lại diễn ra ngược lại. IMR-2 đã tham gia vào việc dọn sạch các mảnh vỡ, xây dựng quan tài bê tông quanh lò phản ứng, phá bỏ những ngôi nhà bị ô nhiễm ở các ngôi làng gần đó, nhổ những cây cối trong khu rừng nơi phần lớn bụi phóng xạ rơi xuống ngay sau vụ nổ.

Trong tất cả các hoạt động này, các nguồn bức xạ không nằm trong lòng đất, mà ở một độ cao nhất định. Bức xạ chiếu vào nơi dễ bị tổn thương nhất của IMR-2 - nửa phía trên. Vì vậy, những tấm chì dày được bổ sung.

Tuy nhiên để đối phó với khu vực mà mức bức xạ đã vượt quá tiêu chuẩn 500.000 lần hoặc hơn, một số chiếc IMR-2 đã trải qua quá trình cải tạo thủ công, giúp nâng mức bảo vệ lên cao.

Vì sao thứ được tạo ra cho tận thế hạt nhân lại thất bại trong trận thử lửa ở Chernobyl? - Ảnh 3.

Một chiếc IMR-2 được cải tạo thủ công với khả năng làm suy giảm bức xạ xuyên qua hơn 1.000 lần (Nguồn:UKBTM JSC).

Các vấn đề khác

Sau khi vận hành một khoảng thời gian nhất định, tất cả các thiết bị được sử dụng ở Chernobyl đều phải trải qua quy trình khử nhiễm, hay nói một cách đơn giản hơn là rửa.

Điều này không nhằm mang chúng ra ngoài khu vực nguy hiểm và tái sử dụng - cái kết của chúng sẽ vẫn là chôn lấp hoặc tới các "nghĩa địa" xe cơ giới.

Mục đích của việc khử nhiễm là để loại bỏ bụi và mảnh vụn ô nhiễm phóng xạ khỏi bề mặt và các bộ phận bên trong của máy móc - thứ tồn tại ở mức cao sẽ gây tử vong cho người điều khiển.

Số lượng lớn các khoang, hốc, các bộ phận chuyển động và cấu trúc bên ngoài khác đã góp phần làm cho bụi dày đặc, bàn chải và các công cụ vệ sinh khác gần như không thể tiếp cận được... tuy nhiên vấn đề không dừng ở đó.

Cửa sập và hệ thống thông gió - lọc không khí của IMR-2 bảo vệ khá tốt chống lại sự xâm nhập của tất cả các loại bụi, khí và chất lỏng.... Nhưng trong trường hợp hệ thống thông gió - lọc có vấn đề, độ kín của xe giảm mạnh.

Vì sao thứ được tạo ra cho tận thế hạt nhân lại thất bại trong trận thử lửa ở Chernobyl? - Ảnh 4.

Quá trình khử nhiễm trên một xe IMR-2 ở Chernobyl.

Kết quả là khi rửa xe bằng một hợp chất đặc biệt, một phần của dung dịch này cùng với bụi phóng xạ đã vào bên trong xe. Và thường đây không phải là những giọt nước nhỏ mà là những dòng chảy.

Một vấn đề đau đầu khác là bộ lọc gió động cơ. Đây là nơi tập trung bụi phóng xạ - có tới hàng chục hoặc thậm chí là hàng trăm mét khối không khí bị ô nhiễm đi qua nó. Bộ lọc này được làm sạch định kỳ và do chúng cách ly với kíp lái, nó không gây ảnh hưởng tới họ.

Nhưng đừng quên những người chịu trách nhiệm làm sạch bộ lọc này, mặc dù không làm việc ở vùng nguy hiểm nhưng họ vẫn bị ảnh hưởng một lượng bức xạ đáng kể trong quá trình phục vụ chiếc IMR-2.

Ngoài các vấn đề kể trên, cần lưu ý rằng máy móc có thể hỏng hóc trong quá trình hoạt động.

Kíp lái sẽ phải làm gì trong trường hợp này? Theo quy định, một xe công binh khác sẽ hỗ trợ những chiếc bị hỏng - nhưng để cứu kéo vẫn phải có người đi ra ngoài thao tác. Như vậy cần cơ khí - tự động hóa các khớp nối để con người không phải rời khỏi thiết bị.

Vấn đề cuối cùng đó là về thời tiết. Ở khu vực Kiev nơi có nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, vào cuối tháng 4/1986 trời đã rất nóng. Nếu ở ngoài trời 30 độ C thì nhiệt độ bên trong xe có thể tăng lên đến 50 độ C, điều đó ảnh hưởng lớn đến sức khỏe kíp lái - thậm chí gây bất tỉnh.

Như vậy là cần thêm có một số loại thiết bị để có thể mở xe từ bên ngoài và đưa nạn nhân ra ngoài.

Vì sao thứ được tạo ra cho tận thế hạt nhân lại thất bại trong trận thử lửa ở Chernobyl? - Ảnh 5.

Một chiếc IMR-2 dọn dẹp mảnh vỡ tại Chernobyl.

Kết luận

Đã có những tuyên bố chống lại IMR-2 sau quá trình giải quyết hậu quả của vụ tai nạn Chernobyl. Nhưng cần lưu ý rằng cỗ máy này ban đầu được thiết kế để giải quyết các nhiệm vụ hoàn toàn khác.

Đó là cứu kéo khí tài quân sự bị hỏng khỏi chiến trường, rà phá bom mìn, dọn các đống đổ nát hoặc các chướng ngại vật nhân tạo trong điều kiện chiến tranh thông thường hoặc hạt nhân.

Sự kiện ngày 26/4/1986 là điều không ai lường trước cũng như năng lực sẵn có của phương tiện kỹ thuật vì vậy IMR không có lỗi.

Nó chỉ một lần nữa chứng minh rằng việc tạo ra một cỗ máy đơn giản đáp ứng cho tất cả các tình huống là không thể, và một số tình huống đặc biệt cần có những giải pháp cụ thể.

Quân đội Nga vận hành IMR-2 và khí tài rà phá bom mìn UR-83P trong một cuộc tập trận vào năm 2021.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại