Bệnh tay chân miệng - những dấu hiệu nhận biết và cách phòng tránh

Đào Hiền |

Tình hình bệnh tay chân miệng đang có chiều hướng gia tăng, bùng phát mạnh thời gian gần đây.

Bác sĩ thăm khám cho trẻ mắc tay chân miệng. Ảnh: BVCC

Bác sĩ thăm khám cho trẻ mắc tay chân miệng. Ảnh: BVCC

Theo Bộ Y tế, trên hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước đã ghi nhận 5.545 ca mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có 1 ca tử vong tại Bình Thuận.

BSCKII. Trần Kim Anh, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện đa khoa Hà Đông (Hà Nội) cho biết: Bệnh tay chân miệng đang vào mùa cao điểm và số lượng trẻ mắc bệnh nhập viện đang tăng dần. Nếu như vào tuần trước, trẻ mắc bệnh tay chân miệng nhập viện chỉ khoảng 5 - 10 trẻ thì đầu tuần này, đã tăng vọt lên 20 trẻ.

Bác sĩ Kim Anh cũng cho hay: Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do virus đường ruột gây ra qua tiếp xúc trực tiếp với dịch mũi, họng, nước bọt, chất dịch từ mụn nước hoặc qua đường tiêu hóa. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm tuổi dưới 3 tuổi.

Do đó, những trẻ học lớp mầm non, mẫu giáo có nguy cơ nhiễm bệnh rất lớn vì trong quá trình học tập, vui chơi, trẻ có thể bị lây chéo qua đường miệng do chơi cùng các đồ chơi và thói quen ngậm đồ chơi vào miệng. Trên 90% trẻ sẽ khỏi sau 7-10 ngày

Ngoài ra, phụ nữ có thai cũng có thể nhiễm bệnh. Nhiễm virus đường ruột trong thai kỳ thường gây nên bệnh nhẹ hoặc không triệu chứng. Tuy nhiên, nếu thai phụ nhiễm bệnh trong một thời gian ngắn trước khi sinh có thể truyền virus cho trẻ sơ sinh. Đa số trẻ này chỉ biểu hiện nhẹ nhưng nếu bệnh xuất hiện trong 2 tuần đầu sau sinh thường có nguy cơ rối loạn chức năng gan, phổi, não, tỷ lệ tử vong cao.

Thời gian ủ bệnh tay chân miệng trong khoảng 3 - 7 ngày, không triệu chứng. Các dấu hiệu nghi ngờ bệnh là: trẻ tự nhiên bỏ ăn, chảy nước miếng, khóc, nói đau miệng; nổi mụn nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối, lở trong miệng. Phụ huynh có thể đưa trẻ đi khám ở bác sĩ chuyên khoa nhi gần nhà để theo dõi.

Trường hợp trẻ có dấu hiệu nặng hơn như: sốt hơn hai ngày, sốt hơn 39 độ C, uống thuốc khó hạ, hay nôn ói… thì cần phải đưa đi bệnh viện khám, tránh nguy cơ biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời. Bệnh tay chân miệng có một thể lâm sàng gọi là tối cấp diễn tiến rất nhanh với các biến chứng nặng như suy tuần hoàn, suy hô hấp, hôn mê dẫn đến tử vong trong vòng 24 - 48 giờ.

Bệnh tay chân miệng được phân thành 4 cấp độ bệnh từ nhẹ đến nặng:

Cấp độ 1 trẻ em chỉ gây loét miệng và/hoặc tổn thương da. Đây là cấp độ thể nhẹ.có thể điều trị tại nhà, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng và hạ sốt cao bằng Paracetamol theo hướng dẫn và cho trẻ nghỉ ngơi yên tĩnh, tránh kích thích.

Cấp độ 2: Bệnh tay chân miệng bắt đầu có biến chứng trên thần kinh và biến chứng tim mạch nhẹ. Trẻ có 1 trong các dấu hiệu sau: giật mình dưới 2 lần/30 phút và không ghi nhận lúc khám bệnh, sốt trên 2 ngày hoặc sốt trên 39 độ C kèm theo nôn, lừ đừ, khó ngủ, quấy khóc vô cớ.

Cấp độ 3: Bệnh tay chân miệng trẻ em có biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp nặng.

Cấp độ 4: bệnh tay chân miệng xuất hiện triệu chứng sốc.

Bác sĩ Kim Anh đưa ra khuyến cáo: Hiện tại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh tay chân miệng mà chỉ điều trị triệu chứng và đề phòng các biến chứng nặng của bệnh. Do vậy, vấn đề vệ sinh là biện pháp phòng ngừa tốt nhất giúp bảo vệ sức khỏe của trẻ trước dịch bệnh và hạn chế dịch bệnh lây lan. Cụ thể:

Để phòng bệnh cho trẻ, cần giữ vệ sinh sạch sẽ nhà cửa, đồ dùng, đồ chơi của trẻ. Đặc biệt rửa tay thường xuyên cho trẻ và người chăm sóc trẻ cũng phải rửa tay bằng xà phòng trước khi chăm sóc trẻ, trước khi chế biến thức ăn, nhất là mới đi ra ngoài về.

Thực hiện ăn chín, uống sôi; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi).

Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa.

Khi trẻ mắc bệnh tay chân miệng, phụ huynh cần cho trẻ nghỉ học ít nhất 10 ngày để điều trị cách ly, thông báo cô giáo, nhà trường để diệt trùng dụng cụ học tập, tay nắm cửa, sàn nhà, đồ chơi, phòng cho trẻ khác.

Bệnh tay chân miệng có thể dẫn đến một số biến chứng nghiêm trọng. Vì vậy, bố mẹ cần đưa trẻ thăm khám càng sớm càng tốt khi có các dấu hiệu bất thường, để chữa trị kịp thời.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại