TS Trần Bắc Hải: Nguyên lý "truyền nhiễm hay là chết" của SARS-CoV-2 và lối thoát của chúng ta

TS Trần Bắc Hải |

Nguyên lý tồn tại của Cô Vi (và nhiều virus truyền bệnh khác) là "truyền nhiễm hay là chết". Virus không phải là tế bào nên không tự sinh sản được bên ngoài cơ thể, và khi ở bên ngoài cơ thể, Cô Vi không tồn tại được lâu.

Làm sao thoát khỏi Cô Vi?

Để thoát khỏi những đại dịch như Cô Vi, đến nay đã rõ là không thể chỉ dựa vào các biện pháp đóng cửa xã hội và quyết liệt truy tìm virus. Đóng cửa và truy vết là những biện pháp rất quan trọng, và chính phủ Việt Nam đã xuất sắc trong giai đoạn đầu chống dịch chỉ với các biện pháp này. 

Nhưng trong một thế giới mở, thì cánh cửa biên giới có cố gắng đến mấy cũng không đóng được chặt, truy vết bóng ma Cô Vi thành công được lần này nhưng cứ vẫn phấp phỏng chưa biết bao giờ nó quay lại. Mà cứ loay hoay bận với "toàn quốc kháng chiến", "phòng ngự phản công" mãi thì đói hết cả.

Dựa vào thuốc men điều trị lại càng không nên, vì thứ nhất là y học chưa có thuốc điều trị đảm bảo cho 100% người nhiễm Cô Vi sẽ qua khỏi; thứ hai (và quan trọng hơn) là khi dịch bùng phát, đơn giản là cả hệ thống y tế sụp đổ, bạn có rất ít cơ hội nhập viện, và nếu có vào được bệnh viện thì cũng không còn dưỡng khí mà thở nữa.

Một vài bạn tôi rỉ tai nhau (=Phây) những biện pháp diệt trừ Cô Vi như uống nước nóng, ăn tỏi, xông hơi bằng lá, hay đơn giản là… nhậu quyết liệt! Tự áp dụng cho mình thì cũng chả hại người khác ngoài vợ/chồng con/cháu mình, nhưng tôi nài xin các bạn đừng xúi giục bạn Phây làm theo, vì như thế là khẩu nghiệp đấy.

Cô Vi "truyền nhiễm hay là chết" và lối thoát của chúng ta

Nguyên lý tồn tại của Cô Vi (và nhiều virus truyền bệnh khác) là "truyền nhiễm hay là chết". Virus không phải là tế bào nên không tự sinh sản được bên ngoài cơ thể, và khi ở bên ngoài cơ thể, Cô Vi không tồn tại được lâu. 

Khi đa số dân cư đã miễn nhiễm thì xác suất để truyền nhiễm Cô Vi giảm đi, ngay cả những người chưa miễn nhiễm cũng được bảo vệ, dịch sẽ được dập tắt một cách căn cơ. Đây là hiện tượng "miễn dịch cộng đồng", đã được các nhà khoa học quan sát và đúc kết từ lâu với nhiều đại dịch trước đây.

Miễn dịch cộng đồng có thể xảy ra khi bệnh dịch tác quái tự nhiên. Sau khi khoảng 70% dân cư đã nhiễm Cô Vi thì sẽ có khoảng 1-5% tử vong, số còn lại trở nên miễn nhiễm. Giả sử Việt Nam theo đi theo mô hình này, thì có lẽ phải hy sinh chừng một triệu người. Chắc chắn đa số chúng ta không tán thành biện pháp này.

Có một cách khác không bắt buộc hy sinh nhiều như vậy để đạt được miễn dịch cộng đồng, đó là tiêm chủng vaccine cho đa số dân chúng. Tế bào miễn dịch có thể được "huấn luyện", nhận mặt Cô Vi qua phân tử protein S trên bề mặt của nó. 

Khi Cô Vi thật xâm nhập, tế bào miễn dịch tiết kháng thể "khóa tay" các protein S này. Protein S của Cô Vi bắt chước cấu trúc phân tử ACE (angiotensin-converting enzyme) của cơ thể để dính bám lên bề mặt tế bào. Protein S mà bị kháng thể bao vây thì Cô Vi cũng "botay.com".

TS Trần Bắc Hải: Nguyên lý truyền nhiễm hay là chết của SARS-CoV-2 và lối thoát của chúng ta - Ảnh 3.

Không phải ai cũng muốn được vaccine

Thế nhưng trên thế giới có một bộ phận dân chúng nghĩ rằng họ sẽ không đi tiêm vaccine. Một số thậm chí còn nghĩ rằng đây là âm mưu của những thế lực nào đó đầu tư rất nhiều tiền để kiếm lời trên sự hy sinh của đồng loại. Số khác sẽ không đi tiêm vì thấy phiền toái, hoặc sợ tốn tiền.

Thái độ với tiêm chủng là lựa chọn cá nhân, tuy nhiên bị ảnh hưởng rất lớn bởi các quan hệ xã hội, bởi cộng đồng mà cá nhân đó gắn bó.

Sau đây tôi xin đưa ra hai vấn đề xã hội có ảnh hưởng lớn đến thái độ chấp nhận tiêm chủng, đã được các nhà nghiên cứu xã hội học phân tích khá tỷ mỷ.

1. Tôn giáo và vaccine

(Tài liệu tham khảo chính: Pelcic et al 2016. Religious exception for vaccination or religious excuses for avoiding vaccination. Croat Med J 56(5):516-521)

Niềm tin tôn giáo có ảnh hưởng rất lớn đến thái độ chấp nhận tiêm chủng. Các tôn giáo lớn đều có thái độ thuận lợi cho việc tiêm chủng.

Giới luật thứ nhất của Đạo Phật là kiêng sát sinh, vì vậy phật tử chấp nhận tiêm chủng để giữ sức khỏe cho mình và đồng loại. Mặt khác, Đạo Phật coi mọi loài đều là những sinh linh không được giết hại, và tin rằng con người cũng có thể đầu thai vào các sinh linh khác. Như vậy việc giết hại động vật để nghiên cứu vaccine có thể trái với giáo lý của Phật.

Giáo hội Catholic không ngăn cản tiêm chủng. Trong lịch sử, các nhà truyền giáo Catholic và Anh giáo (dòng đạo Catholic tại Anh và một số nước thuộc địa Anh cũ) đã tiêm chủng đậu mùa cho thổ dân Bắc Mỹ. 

Sự phát triển nghiên cứu y sinh học ngày nay dẫn đến một vấn đề có thể mâu thuẫn với giáo lý Catholic, là có một số vaccine được sản xuất trên các dòng tế bào nuôi cấy có nguồn gốc từ bào thai, cụ thể như Meruvax, Rudivax và M-R-VAX (phòng Rubella), A-VAQTA và HAVRIX (viêm gan A), Varivax (thủy đậu), và Polivax (đậu mùa). 

Nhưng khi không có các vaccine khác để lựa chọn, giáo dân vẫn được khuyến khích tiêm chủng để bảo vệ cho trẻ nhỏ và cộng đồng, đặc biệt là phụ nữ có thai.

Trong Đạo Hồi, thực phẩm được chia thành hai loại, halal được phép ăn, và haram thì không được phép. Thịt heo thuộc loại haram, vì vậy các dược phẩm có sử dụng gelatin (chất keo chế từ da động vật kể cả da heo) thì không nên sử dụng. 

Tuy nhiên kinh Koran cũng nói đến "law of necessity" (luật bắt buộc khi cần thiết), trong trường hợp người tín đồ không có halal để lựa chọn thì việc bắt buộc phải sử dụng haram sẽ không bị coi là tội lỗi. 

Tiêm chủng là nhằm bảo vệ sự sống, là "izalat aldharar" (đề phòng tác hại), và "maslahat al ummah" (vì lợi ích công cộng). Như vậy cho dù vaccine nào đó có liên quan đến heo thì vẫn có thể áp dụng "luật bắt buộc khi cần thiết".

Một số tôn giáo hoặc chi phái tôn giáo có thể chủ trương chống vaccine.

Đạo Tin Lành không có một hệ thống trung tâm, nên các nhà thờ địa phương có thái độ rất khác nhau về vấn đề tiêm chủng. Một số linh mục Tin Lành không nêu vấn đề tiêm chủng trong các cuộc giảng đạo vì cho rằng đây là thái độ chấp nhận chung của cả xã hội. 

Số khác thì để cho giáo dân tự lý giải và lựa chọn thái độ với vaccine. Số khác nữa thì công khai lên án vaccine, cho rằng tiêm chủng là hành động can thiệp trái với ý Chúa (interfering with Divine Providence).

TS Trần Bắc Hải: Nguyên lý truyền nhiễm hay là chết của SARS-CoV-2 và lối thoát của chúng ta - Ảnh 5.

2. Niềm tin vào khoa học và thái độ với vaccine

Tài liệu tham khảo chính: Sturgis et al. Trust in science, social consensus and vaccine confidence. Nature Human Behaviour ngày 17/5/2021.

Đây là một công trình nghiên cứu vừa công bố tuần trước của 3 tác giả Patrick Sturgis, Ian Brunton-Smith và Jonathan Jackson từ ĐH Kinh tế-Chính trị London (LSE), ĐH Surrey (UK) và ĐH Luật Sydney (Australia). https://www.nature.com/articles/s41562-021-01115-7.pdf.

Các tác giả phân tích số liệu thu được từ cuộc điều tra của Wellcome Global Monitor (Viện Gallup), thực hiện từ 2018 (trước đại dịch Cô Vi), về niềm tin của dân chúng vào khoa học và thái độ chấp nhận vaccine tại 144 quốc gia. Số người tham gia trung bình ở mỗi quốc gia là 1000, riêng China, India và Russia được lấy mẫu 2000 người từ mỗi nước.

Trong cuộc thăm dò này, kết quả trung bình toàn cầu là có khoảng hơn 4/5 dân số tin vào khoa học, cao nhất là Bắc Mỹ, Tây Âu, Australia và New Zealand, thấp nhất ở Nam Mỹ, Đông Âu và Phi châu. Tỷ lệ đàn ông tin vào khoa học cao hơn đàn bà. 

Niềm tin khoa học cũng cao hơn trong bộ phận dân chúng có học vấn và thu nhập cao. Ở các nước có khoảng chênh lệch giàu nghèo thấp thì thường có niềm tin khoa học cao.

Về thái độ chấp nhận vaccine, toàn cầu có khoảng 92% dân số cho rằng việc tiêm chủng cho trẻ em là cần thiết, 78% cho rằng vaccine là an toàn, và 84% cho rằng vaccine có hiệu quả. Thái độ này cũng thay đổi rõ rệt giữa các quốc gia. Xin nhắc lại đây là kết quả điều tra từ 2018, nghĩa là về vaccine nói chung chứ không riêng gì vaccine chống Cô Vi.

Tiếp theo, các tác giả phân tích mối tương quan giữa niềm tin vào khoa học với thái độ chấp nhận vaccine. Một phần chính yếu kết quả có thể được minh họa bằng Hình 1, trong đó các quốc gia được chia thành 5 nhóm theo lượng giá niềm tin vào khoa học và thái độ chấp nhận vaccine từ cao đến thấp (trái qua phải).

Ở nhóm cao nhất, sự đồng thuận giữa niềm tin khoa học và thái độ chấp nhận vaccine là cao nhất (đồ thị màu xanh có độ dốc nhất). Tương quan này giảm dần, ở nhóm thấp nhất thì đồ thị nằm ngang, nghĩa là hầu như không còn sự đồng thuận giữa niềm tin khoa học với thái độ chấp nhận vaccine nữa.

TS Trần Bắc Hải: Nguyên lý truyền nhiễm hay là chết của SARS-CoV-2 và lối thoát của chúng ta - Ảnh 6.

Hình minh họa: Liên quan giữa niềm tin khoa học và thái độ chấp nhận vaccine. Credit: Nature Human Behaviour 2021.

Có bạn nào đó có thể phản biện lại rằng "tôi biết ông A rất giàu và ông B có học vấn cao, nhưng cả 2 ông đều không chấp nhận vaccine".

Xin trả lời rằng các kết quả nghiên cứu trên đây dựa vào khoa học xác suất thống kê. Nghĩa là kết quả chỉ đúng với số đông chứ chưa chắc đúng với cá nhân. Và khoa học xác suất thống kê cũng cho chúng ta biết là khi chúng ta suy luận từ một vài quan sát cá biệt để áp dụng cho số đông, thì khả năng đúng/sai có thể chỉ là 50/50.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại