Chiến trường K: Láo xược và ngạo mạn, Khmer Đỏ gửi thư khiêu chiến QĐND Việt Nam - Không thể tha thứ

Phạm An Định - Đại đội phó C11, D6, E2, F9, QĐ4 |

Những tưởng đòn đau nhớ đời, nhưng không, lính Polpot láo xược và ngạo mạn, dám viết thư khiêu chiến, thách thức các cấp chỉ huy sư đoàn và bộ đội Việt Nam dàn quân đấu với chúng.

Kỳ 1 - Chiến trường K : Ma quái, rợn tóc gáy lần đầu chạm mặt lính Khmer Đỏ

Kỳ 2 - Chiến trường K: Máy bay chiến đấu KQVN bị Khmer Đỏ bắn rơi - Cả đội hình chết lặng không thể ứng cứu

--------

Căm giận tội ác dã man "trời không dung, đất không tha"

Sau trận phản công trên Chiến trường K đẩy đuổi bọn Khmer Đỏ về bên kia biên giới, các lực lượng hỗ trợ phía sau và Thanh niên xung phong khẩn trương thu dọn những tàn tích của chiến tranh, chôn cất đồng bào bị chúng giết hại.

Đặc biệt căm giận tội ác dã man "trời không dung, đất không tha": chúng đã giết hại 11 thầy cô giáo ở trường tiểu học Tân Lập, huyện Tân Biên, Tây Ninh bằng những phương thức của thời Trung cổ.

Những tưởng đòn đau nhớ đời, từ bỏ dã tâm xâm lấn biên giới nước ta. Nhưng không, quân ta mới rút về sâu trong nội địa hôm trước thì hôm sau chúng tràn sang ngay.

Láo xược và ngạo mạn, chúng viết thư khiêu chiến cột vào cổ bò, cho trinh sát bí mật lùa sang thách thức các cấp chỉ huy sư đoàn và Bộ đội Việt Nam dàn quân đấu với chúng.

Chiến trường K: Láo xược và ngạo mạn, Khmer Đỏ gửi thư khiêu chiến QĐND Việt Nam - Không thể tha thứ - Ảnh 1.

Tác giả Phạm An Định - Nguyên Đại đội phó C11, D6, E2, Sư đoàn 9, Quân đoàn 4 tham gia Chiến tranh Biên giới Tây Nam

Sau trận 2/10/1977, đơn vị thiệt hại tương đối nặng nên được lệnh lui về tuyến sau củng cố. Mang tiếng là tuyến sau nhưng chỉ cách chốt chặn phía trước một tầm AK.

Tuy nhiên cũng tương đối thảnh thơi. Lính tráng bắt đầu nghĩ đến chuyện tăng gia cải thiện, thuốc hút xả hơi.

Lui về phía sau khoảng 2 km đã có các em gái hậu phương phục vụ đầy đủ các mặt hàng thiết yếu: cà phê, thuốc lá, kẹo đậu, rượu bia...

Lính tráng thì làm gì có tiền mà mua, thế là lại rủ nhau nằm chung mùng, mặc chung quần, đắp chung tấm đắp… Có bao nhiêu "vun vén" hết, đổi về thuốc rê, kẹo đậu… với câu châm ngôn bất hủ: Biết sống đến mai, để củ khoai đến tối.

Thế là lại có những buổi chiều mặt mũi tưng bừng nhộn nhịp, phập phừng ghi ta rên rỉ nỉ non.

Rồi những ngày nhàn tản cũng mau chóng chấm dứt, súng lại nổ, máu lại đổ. Bọn Khmer Đỏ chia quân đánh tứ phía, biên giới vẫn không một ngày yên tĩnh.

Đơn vị nhận lệnh xuất kích, đưa chiến tranh sang đất địch.

Lúc này đã quá nửa đêm, cả tiểu đoàn rồng rắn lên mây, có trinh sát trung đoàn dẫn đường, nối đuôi nhau hành quân. Tiếng thở hổn hển, tiếng súng đạn va nhau lạch cạch, tiếng ho khan trong đêm thanh vắng nghe vang xa đến rợn người.

Thậm chí còn cả tiếng nói chuyện thì thào, tiếng cười khúc khích. Chỉ huy các phân đội cáu kỉnh nhắc nhở thì thào: Chúng mày muốn chết à? Có im đi không?

Mãi rồi cũng đến vị trí tiếp cận. Nhìn sang phía đất Khmer Đỏ, xa xa có tiếng ì ì và ánh đèn xe hắt lên nền trời đen. Có lẽ chúng đang chuyển quân.

Các tổ triển khai đào công sự. Lại huỵch huỵch, leng keng, rì rầm khúc khích… Lính trẻ có cái tật chủ quan không bỏ được, rất dễ bị lộ. Thỉnh thoảng lại loé lên ánh lửa và mùi thuốc rê. Kiểu này lộ thì bỏ mẹ với nó.

Bọn Khmer Đỏ không biết gần hay xa, thỉnh thoảng lại bắn vu vơ một loạt AK hoặc cóc trái M79. Sau tiếng nổ, không gian lại trở về với vẻ tĩnh lặng vốn có của nó.

Hồi chiều chúng tôi được quán triệt nhiêm vụ, bổ sung đạn dược, cấp phát bông băng, thậm chí mỗi người được phát hai đoạn dây nhựa dài khoảng 50 phân với hướng dẫn dùng để trói tù binh: Cứ cột hai ngón tay cái với nhau, quặt ra đằng sau thì có chạy đằng trời.

Lính tráng nhìn nhau cười bí hiểm: Làm gì có tù binh mà bắt?

Chiến trường K: Láo xược và ngạo mạn, Khmer Đỏ gửi thư khiêu chiến QĐND Việt Nam - Không thể tha thứ - Ảnh 3.

Đánh như đi dạo

Tôi suy nghĩ miên man. Nhìn về phía sau, đường chân trời đã ửng sáng, chắc là các loại hỏa pháo sắp phát hỏa. Bao giờ cũng vậy, cũng là màn tiền pháo hậu xung mà chúng tôi đã thuộc nằm lòng.

Quả đúng vậy, các cỡ pháo phía sau thay nhau phát hoả. Lúc đầu còn rời rạc khoan thai, sau rền vang như sấm dậy, không phân biệt được đâu là pháo nọ pháo kia. Tất cả cứ hoà lẫn vào nhau như một giàn đại hợp xướng của lửa và bão.

Tiếng những viên đạn xé gió bay vun vút sang đất Khmer Đỏ. Những cột khói bốc cao, những mái nhà sụp đổ.

Trời đã sáng hẳn, mọi quan sát rất rõ. Không ngờ tối qua đơn vị đã tiếp cận sang gần khu vực được phân công đánh chiếm mà lính ta gọi là Bồ Quách, đã thấy đường quốc lộ 1 trải dài phía trước.

Pháo đã thôi bắn, bộ binh bắt đầu vận động. Quấn điếu thuốc rê rít một hơi dài, tôi lom khom với khẩu AK trong tay, chạy lúp xúp theo đội hình. Quái lạ, tối qua còn nghe Khmer Đỏ bắn cầm canh, mà giờ không thấy chúng có phản ứng gì cả?

Đánh đấm gì mà cứ như đi dạo thế này? Bên cánh trái, các tiểu đoàn bạn được lệnh đánh thọc sâu nên mau chóng vận động, vượt qua đội hình chúng tôi.

Quốc lộ 1 đây rồi, con đường liên vận quốc tế đây rồi! Hai bên đường, những dãy nhà sàn sàn sát nhau, rêu phong mốc thếch. Dân đã bị lùa đi nơi khác, chỉ có hầm hố đào sát xung quanh. Có những hầm bị trúng pháo văng tung nắp nhưng tuyệt nhiên không thấy xác chết nào cả.

Có lẽ trận tấn công đã bị lộ nên chúng rút hết vào sâu bên trong. Ánh đèn xe hồi khuya chắc là chúng chở quân rút chạy. Chúng tôi triển khai chốt dọc hai bên lộ 1, có sẵn hầm hào của Khmer Đỏ nên khỏi cần đào bới gì cả.

Chiến trường K: Láo xược và ngạo mạn, Khmer Đỏ gửi thư khiêu chiến QĐND Việt Nam - Không thể tha thứ - Ảnh 4.

Quyết tâm bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc

Tiếng súng sâu phía trong bỗng rộ lên. Các loại hỏa lực của cả đôi bên đều phát huy hết uy lực. Đụng lớn rồi! Có tiếng động cơ xe tăng ì ì từ hướng cửa khẩu Mộc Bài. Pháo tăng bắt đầu phát hỏa, bắn sâu vào các phum phía trong nội địa địch.

Một lát sau vận tải trung đoàn khiêng thương binh, liệt sĩ từ phía trong đi ra, đặt trên lộ nghỉ giải lao. Tôi lật một chiếc võng: thằng Tỉnh "phạch" bạn tôi người cứng đơ, mắt mở trừng trừng. Chắc nó bị ngâm nước quá lâu.

Anh em vận tải cho biết tiểu đoàn 4 bị vây, mãi mới phá vây được để đưa anh em ra. Tôi vuốt mắt cho nó mà mãi không nhắm được. Tỉnh ơi thôi về nhà trước đi! Có lẽ chúng tao cũng theo mày về thôi. Thanh thản bình an Tỉnh nhé!

Sáu giờ tối. Lệnh rút lui được truyền xuống từng đơn vị. Tiểu đoàn tôi rút sau cùng. Lệnh phải đảm bảo rút trong bí mật, tuy nhiên chừng 15 phút sau bọn Khmer Đỏ bắn pháo đuổi theo. Quân ta rút hơi lộn xộn.

Cũng may trời sụp tối rất nhanh nên bọn trinh sát pháo địch không phát hiện được. Chúng chỉ bắn hú họa dăm trái rồi dừng.

Chúng tôi đã vượt biên như thế, không passport, không hộ chiếu, chỉ có trái tim trong ngực, khẩu súng trên vai và sức trai vô tư hai mươi mười tám. Tính ra cả một chiến dịch mà chúng tôi không tốn một viên đạn nào, chỉ trừ mấy viên bắn gà, bắn chim. Có đụng địch đâu mà bắn?

Lui quân theo đề nghị của… địch

Lui quân! Lệnh báo động đến với đơn vị vào khoảng 6 h chiều. Chúng tôi không ngạc nhiên lắm bởi mọi hoạt động gần đây đều tịnh tiến dần về phía biên giới Việt Nam.

Điều làm chúng tôi ngạc nhiên là cấp trên thông báo: Chính phủ Campuchia dân chủ đề nghị các đơn vị quân đội Việt Nam triệt thoái khỏi đất nước họ, để họ thu hoạch vụ lúa mùa đang có nguy cơ chín rũ ngoài đồng.

Cái trò ngoại giao cũng lắm oái oăm. Đánh nhau sứt đầu mẻ trán vẫn bạn bè. Thôi thì kẻ dưới có lời thì ta cũng rộng lòng quân tử.

Thảo nào thời gian gần đây, bọn Khmer Đỏ cũng không có phản ứng gì khi ta còn ở trên đất chúng. Sau trận đòn đau vừa rồi, có lẽ chúng cũng đang thất kinh chưa dám động thủ.

Chiến trường K: Láo xược và ngạo mạn, Khmer Đỏ gửi thư khiêu chiến QĐND Việt Nam - Không thể tha thứ - Ảnh 5.

Dân bạn tha hương

Những người dân Campuchia đi theo chúng tôi, họ nói xin chạy theo lánh nạn. Ở lại sẽ bị Polpot giết chết hết.

Đàn ông con trai Ăng ka (lãnh đạo) bắt lính hoặc giết hết rồi, còn toàn người già, phụ nữ và trẻ em. Khổ quá! Ai cũng ốm o tiều tụy, tuy nhiên không gia đình nào bị đói. Sẵn lúa chín bên đường, lúc nghỉ giải lao họ lại tranh thủ gặt đập tích trữ lương thực.

Nhìn những dòng người dân Campuchia kéo dài ngút mắt trên con đường thiên lí bụi mù, cảm xúc về bản nhạc Polonaise (giã từ tổ quốc) của Orginski nhói lên trong tôi. Bản nhạc day dứt đau thương của những người dân Balan, phải từ giã đất nước của mình đi lánh nạn vì chiến tranh loạn lạc.

Những bước chân chần chừ giữa ở và đi, những tiếng thở dài bất tận khi ngoái nhìn nơi chôn rau cắt rốn, giờ phải đau đớn giã từ. Họ cũng thế, cũng li hương khi nước chưa mất nhưng nhà tan, thân phận bị ngược đãi, bị ruồng bỏ ngay trên quê hương mình.

Những bộ đồ đen, những mái tóc ngắn đặc trưng mà Ăng ka ban phát cứ lầm lụi, lầm lụi bước trên đường như vô cảm.

Trời nhá nhem tối, chúng tôi đi xen vào đám dân xô bồ, nhếch nhác. Có người tranh thủ gửi ba lô, trang thiết bị lên những chiếc xe bò kéo cho đỡ nặng lưng. Tuy nhiên họ đi chậm quá, khiến đội hình dồn cục.

Bộ đội liền tách riêng băng ruộng, băng đồng cắt góc phương vị đi tới, hơn nữa cũng không muốn để lộ đội hình. Lúa chín quét dưới chân rồn rột, kệ xác phá bớt cho Khmer Đỏ đỡ thu hoạch.

Không ai bảo ai, chúng tôi vừa đi vừa vung rộng chân đá vung vít sang hai bên. Ngày nhỏ đọc truyện Tam Quốc đến đoạn Tào Tháo tự cắt râu vì ngựa vô ý đạp lúa của dân lại tức cười. Mình phá lúa của địch chứ có phải của dân đâu?

- Chi chuôn nâu e na (bà con ở đâu?).

- Xa ngái na (xa lắm).

Bọn trẻ con có vẻ mau làm quen hơn, chỉ một loáng là chúng liến thoắng "Pu, Pu" (chú, chú) thân thiết. Thấy một bà già gánh đôi quang, trên cái mẹt có khoảng ba lon gạo đen bóng, tôi mau miệng vừa nói, vừa chỉ ra hiệu đổi bằng hai bánh lương khô.

Bà già mừng rỡ cười móm mém. Kể ra mình cũng có tài làm công tác dân vận đấy chứ. Rượu nếp than uống rồi, lần đầu tiên được ăn cơm nếp than.

Trong đoàn người sang Việt Nam tị nạn, chúng tôi gặp một cô giáo người Thái Bình đi theo. Hỏi chuyện, cô nói bị Polpot bắt năm 1976 ở Phước Long, khi mấy cô giáo đi làm rẫy tăng gia. Các cô bị bắt làm vợ lính, chưa có con. Tôi hỏi cô có muốn về Thái Bình không? Cô nói không về nữa.

Ở quê bom đạn chiến tranh cha mẹ cũng mất rồi, giờ mặc cho dòng đời nổi trôi. Thật đúng là trò đùa của số phận, biến đổi một con người từ dân tộc này sang dân tộc khác.

Anh Bắc đại đội trưởng biết nhiều tiếng Khmer, không hiểu anh nói gì mà thấy dân vâng dạ liên tục, thậm chí còn nghỉ ngơi nấu cơm ăn đoàn kết. Tôi cũng mon men lại gần, được bà con mời ăn mắm bò hoc.

Tôi mới bỏ vô miệng tí thì lộn mửa, đành lắc đầu từ chối. Dân bạn cười bò: "Si bò hóc, sóc xà bai, bê năm hai, vay ot ngọp" (Ăn bò hóc mạnh khỏe, B52 đánh không chết). Thôi cũng đành kiếu cái xóc xà bai của bà con vậy.

Lính thì bao giờ cũng nghịch và tếu. Nhiều cậu biết mỗi câu ôn xơ lanh boong tê (em có yêu anh không?) hỏi hết cả người già và trẻ nhỏ. Các cô gái trẻ bẽn lẽn cười, các bà trung niên lắc đầu quầy quậy cười rũ rượi.

Đến bữa chúng tôi ăn cơm thì đúng là một sự kiện trọng đại, dân xúm đông xem, có lẽ tưởng con tóp (bộ đội) Việt Nam ăn cao lương mỹ vị gì ngon lắm. Có gì đâu, cũng may tát đìa được mấy con cá lóc, con nấu canh chua, con kho lá nghệ.

Có hai thằng lên tiểu đoàn bộ chơi chưa về, thằng Hưng dân trọ trẹ nói "Để phần cho chúng nó mấy khúc đuôi to". Nghe đến đây dân họ cười rầm lên. Hưng không hiểu chuyện gì, được thể nói to: "Đã bảo để cho nó mấy khúc đuôi ấy". Dân lại ôm nhau cười rũ rượi.

Cô giáo Thái Bình kéo tôi ra nói nhỏ: "Đuôi" tiếng Campuchia là bộ phận sinh sản của phụ nữ. À, ra thảo nào dân cười ầm ĩ. Thôi thì cũng học được thêm một từ mới để làm vốn cho lần vượt biên thứ ba cắm chốt lâu dài.

Cứ kiểu mưa dầm thấm lâu, từ những giao tiếp ban đầu, mặc dù không thông thạo ngôn ngữ của nhau nhưng qua tiếp xúc đổi trao bằng nụ cười và ánh mắt, bằng hơi thở và nhịp đập trái tim, chúng tôi là những người lính đầu tiên thay mặt cho Quân đội Nhân dân Việt Nam làm công tác dân vận trên đất bạn.

Chúng tôi coi người dân Campuchia như người thân của mình lúc nào không biết, giúp họ có ấn tượng tốt với người Việt Nam trên bước đường ăn nhờ ở đậu.

Những ngày cuối cùng, chúng tôi hối thúc bà con đi nhanh, lỡ chúng tôi rút rồi, bà con đi không kịp sẽ bị Polpot chặn lại giết. Càng phải thúc đẩy họ gấp rút khẩn trương hơn nữa.

22h đêm ngày 5/1/1978, chúng tôi hành quân về đến cửa khẩu Bến Sỏi. Mốc biên giới là hai trụ cổng chào gãy đổ còn sót lại, chắc là từ thời Việt Nam Cộng hòa. Chúng tôi lui về sau chốt biên phòng khoảng 1km nghỉ lại.

Anh Thường trung đội trưởng lại lên cơn sốt. Tội nghiệp anh, đã vác khẩu B40 với 5 trái đạn, lại còn thêm mấy ký gạo mới mà anh giần sàng, xay, giã bên kia nên chắc là nặng lắm. Anh cũng chẳng chịu đưa những thằng em mang hộ.

Nhưng dù sao cũng đầu xuôi đuôi lọt. Đêm đó nằm dưới "khách sạn ngàn sao", chúng tôi làm một giấc rất ngon không suy tư, không mộng mị.

Ngày 8/5/1978, lệnh đổi tiền toàn lãnh thổ Việt Nam. Chúng tôi, những người lính ở Chiến trường K, vừa từ cõi chết trở về, chẳng ai có tiền mà đổi. Đời lính là vậy, chỉ có súng đạn, không thiết bạc tiền.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại