Ảnh minh họa.
Nga, Mỹ đã làm gì trong cuộc chiến ở Nagorno-Karabakh?
Chiến sự Azerbaijan và Armenia tại khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh diễn ra rất khốc liệt với nhiều tổn thất về người và vũ khí trang bị, đặc biệt là Armenia.
Nếu như trong cuộc xung đột này, với Azerbaijan (được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn) là bên tấn công còn Armenia là bên phòng thủ …thì với Nga và Mỹ họ có mục đích khác.
Người ta chỉ nghe thấy Nga và Mỹ tuyên bố, đề xuất ngừng chiến, đàm phán… không giống như cách 2 siêu cường quân sự này xuất hiện tại Syria. Dĩ nhiên, đúng thế, đó là công việc của các nhà chính trị, ngoại giao, mà không phải của Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nga và Mỹ…
Trong thời gian xảy ra cuộc chiến, máy bay trinh sát vô tuyến điện tử Bombardier Challenger 650 ARTEMIS thuộc Không quân Mỹ có căn cứ tại Mihail Kogalniceanu ở Romania, đã thực hiện các chuyến bay hàng ngày từ không phận Gruzia, cách khu vực xung đột chừng 100 km về phía Bắc khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh.
Với Nga, chỉ một ngày sau khi bắt đầu cuộc tấn công của Azerbaijan vào Nagorno-Karabakh, một máy bay vận tải quân sự hạng nặng An-124 của quân đội Nga từ Rostov mang khoảng 100 tấn hàng hóa cho căn cứ quân sự 102, bay vòng, tránh Azerbaijan, qua không phận Iran đã hạ cánh xuống Armenia.
Sau đó, một chiếc máy bay chỉ huy điều khiển trên không IL-80 (hay còn gọi là Il-86VKP) SIGINT đã hoán cải, thuộc Sư đoàn không quân đặc biệt số 8 đóng tại căn cứ sân bay Chkalovsky gần Thủ đô Moscow đã hạ cánh thẳng xuống sân bay Gyumri, nơi đặt căn cứ quân sự 102 của Nga với 42 tấn hàng hóa.
Điều đáng ngạc nhiên là chiếc máy bay quân sự của Nga này đã đi qua không phận Thổ Nhĩ Kỳ.
Rõ ràng là, với 142 tấn hàng hóa mà Nga vận chuyển vào Armenia là quá ít ỏi, không thấm vào đâu cho một cuộc chiến của người Armenia rất cần vũ khí hạng nặng, đạn dược… để chống lại Azerbaijan được Thổ Nhĩ Kỳ chống lưng.
Mặt khác, Nga cũng không có ý định ra tay cùng với Armenia chống lại Azerbaijan – Thổ Nhĩ Kỳ, trừ khi lãnh thổ Armenia bị tấn công, trong khi Azerbaijan-Thổ Nhĩ Kỳ không dại dột làm điều này để Moscow có cớ kích hoạt Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO).
Xe tăng Azerbaijan ùn ùn tiến vào tiếp quản quận đầu tiên từ Armenia
Hành động của Nga là gì?
Về tác chiến điện tử (EW), Quân đội Nga được cho là vượt trội so với phương Tây, điều này cũng được các chuyên gia Lầu Năm Góc ghi nhận và đã được chứng minh trong cuộc tập trận vô tuyến điện tử quân sự Nga "Electron-2016".
Và thông qua cuộc chiến tại khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh, Nga tiếp tục thử nghiệm và hoàn thiện các tổ hợp EW tối tân của mình.
Đối với những người không tin rằng người Nga có thể chặn các tần số điều khiển UAV, hãy nhớ rằng vào ngày 1/2/2020, các tổ hợp tác chiến điện tử tại căn cứ không quân Nga ở Khmeimim, Syria đã vô hiệu hóa một nhóm khổng lồ gồm hàng chục UAV, được phóng đồng thời từ địa bàn do phiến quân kiểm soát ở khu vực Idlib.
Nói chung các phương tiện EW của Nga đã hoàn thiện cơ bản, đều vượt qua giai đoạn thử nghiệm của Quân đội Nga, nhưng để có bức tranh toàn cảnh về hiệu quả của nó, Nga phải xác minh nó trong một cuộc chiến thực sự, đương đầu trực tiếp với các chiến đấu cơ thế hệ 4, UAV tấn công, tên lửa chống tăng có điều khiển và và đạn pháo chính xác cao…
Nếu như, trong cuộc chiến ở Syria, Nga đã thử nghiệm các kỹ thuật chống khủng bố, vũ khí bộ binh, bom hàng không, tên lửa hành trình... thì tại Nagorno-Karabakh là nơi đụng độ cao nhất, là bài thử nghiệm cao nhất từ trước tới nay về EW với cả Nga và Mỹ trong lĩnh vực này.
Các hệ thống tác chiến điện tử Nga trong thời gian gần đây đã có tiến bộ vượt bậc.
Những thứ hàng thử nghiệm đỉnh cao
Từ năm 2017, người Nga đã tiến hành tái cơ cấu ồ ạt, loại bỏ các thiết bị lỗi thời khỏi căn cứ quân sự 102 tại Gyumri, thay thế bằng các trang thiết bị tối tân cho tiểu đoàn không gian mạng gồm: "Hệ thống Infauna", cơ sở liên lạc Auriga và tổ hợp Lieer-3 cùng một số thiết bị EW khác.
RB-531B Infauna là thiết bị gây nhiễu, giới thiệu vào năm 2014, được gắn trên các phương tiện bảo vệ các đoàn xe quân sự. Nó phát hiện từ xa trường điện từ của các thiết bị nổ được điều khiển bằng radio, điện thoại di động và kích nổ chúng.
Infauna cũng có một máy phát điện công suất lớn phun các đám mây sol khí để che mặt các nhóm xe bọc thép, bảo vệ chúng khỏi sự phát hiện quang điện tử bằng các phương tiện tìm kiếm và tên lửa dẫn đường chính xác bằng laser.
Auriga-1.2V được giới thiệu vào năm 2014, gồm một số trạm di động thu nhỏ cầm tay để truyền video, được tích hợp vào mạng của hệ thống tập trung MK VTR-016 của Bộ Quốc phòng.
Hàng trăm thiết bị như vậy, xung kích, luồn sâu, trang bị cho cá nhân, đơn vị trong tác chiến, cách nhau hàng trăm hoặc hàng nghìn km, bí mật truyền thông tin… thực hiện thông qua việc sử dụng các vệ tinh liên lạc quân sự của Nga.
RB-341V Leer-3 là hệ thống thu thập thông tin thông qua trinh sát trên không và thu thập dữ liệu từ mạng GSM. Nếu cần, nó có thể chặn bằng cách chỉ làm nhiễu tín hiệu của một số thiết bị truyền nhất định, được chọn từ một mạng (internet, điện thoại di động, đường dữ liệu).
Các trạm gây nhiễu được gắn trên hai máy bay không người lái Orlan-10 và có thể giới hạn khu vực gây nhiễu, tập trung vào các mục tiêu đã định, nằm trong khu vực lân cận trong bán kính 6 km, liên tục trong 24 giờ.
Thiết bị gây nhiễu RB-531B Infauna do Nga chế tạo.
RB-109A Bylina. Năm 2017, tờ Izvestia tiết lộ rằng thiết bị RB-109A Bylina mới đã được sử dụng thử nghiệm trong cuộc tập trận quân sự "West-2017" mà Quân đội Nga và Belarus tham gia.
RB-109A Bylina tự động phân tích, trong vài giây, toàn bộ trường điện từ trong khu vực tác chiến, phát hiện và xác định máy phát mục tiêu của đối phương, chọn phương tiện tối ưu để chống lại chúng.
Điều khó đạt được nhất đối với các đơn vị EW khác nhau là sử dụng hiệu quả gây nhiễu cho kẻ thù nhưng không để ảnh hưởng đến khả năng của chính mình về đồng bộ thời gian và không gian, quản lý thông tin liên lạc trong khu vực tác chiến… nhưng Nga đã làm được.
Nhờ trí tuệ nhân tạo dựa trên các thuật toán, Bylina là hệ thống duy nhất trên thế giới giải quyết được vấn đề này ở cấp độ toàn khu vực tác chiến. Và để bao quát một khu vực tác chiến bằng 1/4 - 1/3 lục địa, Nga sẽ lắp lắp hệ thống Bylina lên các máy bay tác chiến điện tử.
Lưu ý, đây là lý do vì sao ngày 7/10/2020, tổ hợp S-300PMU-2 của Azerbaijan ở phía Bắc Baku được cho là đã phóng một tên lửa 48N6E2 vào một máy bay trinh sát điện tử Nga mà chúng ta sẽ đề cập sau
Borisoglebsk-2 RB-301B gia nhập quân đội Nga năm 2018.
Trang bị này gồm một trạm thu và phân tích tần số tự động. Nó phát hiện các kênh hướng dẫn UAV của đối phương, các kênh hướng dẫn vũ khí chính xác, v.v. Hệ thống cũng có các máy phát và ăng-ten gây nhiễu, làm gián đoạn các kênh dẫn đường của đối phương (tìm kiếm và kiểm soát phạm vi, đường truyền dữ liệu và video).
Borisovebsk-2, song song với hệ thống R-330Zh, có thể phát hiện, theo dõi và chặn hệ thống định vị vệ tinh (GPS), được sử dụng như một hệ thống tham chiếu của các UAV vừa và nhỏ.
Thiết bị Rtut-BM là sự hiện đại hóa của một mô hình từ thời Liên Xô (SM-2).
Rtut-BM có khả năng kích nổ từ xa đầu đạn của đạn pháo vô tuyến - đầu đạn được thiết kế nổ cách mục tiêu 3-5m, hoặc tên lửa dẫn đường do phương tiện đường không của đối phương phóng đi.
Rtut-BM đánh lừa đầu đạn và buộc nó chuyển từ chế độ dẫn đường chính xác sang chế độ kích nổ bằng cách tiếp xúc với mặt đất hoặc kích nổ ở độ cao 300-500 m.
Như vậy, đến hôm nay, người Nga đã thắng lợi chớp nhoáng trong "cuộc chơi địa chính trị" tại Transcaucasus. Thắng lợi này không thể không có sự góp công của đòn răn đe quân sự bậc thầy để Tổng thống Putin buộc Azerbaijan phải đặt bút ký hiệp định hòa bình vào ngày 11/11, khi họ chỉ cách một bước nữa thôi là "toàn thắng".
Thật đáng tiếc cho Azerbaijan, khi chiến thắng sắp toàn vẹn, toàn bộ lãnh thổ Nagorno-Karabakh sắp về tay thì họ phải dừng lại và thật may mắn cho Armenia là thất bại nhưng chưa hoàn toàn, họ vẫn giữ lại được một phần Karabakh do lực lượng hòa bình Nga kiểm soát.
Rõ ràng Tổng thống Putin đã ra tay đúng lúc, thể hiện đẳng cấp bậc thầy, cứu Armenia khỏi bàn thua trông thấy trước sức tấn công mạnh liệt của Azerbaijan.