Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt: Hé lộ những đôi tai tinh tường của lính xe tăng

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt |

Thông tin liên lạc kịp thời, chính xác, bí mật, an toàn là một yêu cầu quan trọng trong chiến tranh hiện đại. Đối với xe tăng điều đó cũng không có ngoại lệ.

Những đôi tai không thể thiếu

Đối với tác chiến xe tăng điều đó cũng không có ngoại lệ: các xe tăng cần phải liên lạc với nhau, liên lạc với bộ binh... Người chỉ huy xe tăng cần phải chỉ huy được các xe tăng trong phân đội mình. Bởi vậy, trên xe tăng nhất thiết phải có các phương tiện thông tin liên lạc (TTLL).

Không chỉ thế, ngay trong từng chiếc xe tăng, các thành viên kíp xe cũng phải thường xuyên liên lạc với nhau để hiệp đồng chiến đấu đạt hiệu quả cao nhất. Trong điều kiện tiếng ồn rất lớn do động cơ, pháo súng gây nên cũng cần phải có phương tiện TTLL nội bộ.

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt: Hé lộ những đôi tai tinh tường của lính xe tăng - Ảnh 1.

Tóm lại, thiết bị TTLL là phương tiện không thể thiếu trên xe tăng và nó được ví von là "những đôi tai của xe tăng".

Thực ra, trong những chiếc xe tăng đầu tiên thường không có phương tiện TTLL chuyên biệt. Họ liên lạc với nhau chủ yếu qua ký tín hiệu đơn giản hoặc hiệp đồng qua hành động mà thôi. Chẳng hạn, trong tác chiến hiệp đồng thì các xe quan sát hành động của xe chỉ huy để hành động sao cho phù hợp.

Còn trong mỗi xe, người ta cũng quy ước với nhau các ký tín hiệu đơn giản để liên lạc với nhau. Chẳng hạn đối với lái xe: kéo vai bên nào thì chuyển hướng về bên đó, đạp vào lưng là dừng lại v.v... Với xe tăng sau này, cách liên lạc này cũng được vận dụng trong những trường hợp thiết bị TTLL bị hỏng.

Nói chung, với cách liên lạc này người ta cũng có thể chiến đấu được nhưng nhiều khi cũng dẫn đến những sự hiểu lầm và phát sinh nhiều tình huống "dở khóc dở cười", ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng hoàn thành nhiệm vụ.

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt: Hé lộ những đôi tai tinh tường của lính xe tăng - Ảnh 2.

Máy thông tin trên xe tăng do CNQP Việt Nam tự nghiên cứu chế tạo

Để khắc phục tình trạng đó, hầu hết các xe tăng từ thế hệ 2 trở đi đều được lắp đặt các phương tiện TTLL. Thông thường, các thiết bị này gồm 2 phần: liên lạc với bên ngoài và liên lạc nội bộ.

Thiết bị TTLL với bên ngoài thường là một máy thu phát vô tuyến điện dùng anten cần. Do khoảng cách giữa các xe trong một trận đánh không xa nhau lắm - chỉ khoảng vài km - nên người ta thường chọn loại đài "điều tần, sóng ngắn" để lắp lên xe tăng.

Đây là loại đài tương đối gọn nhẹ, có cấu trúc đơn giản, giá thành thấp và sử dụng dễ dàng. Đài thường có ba chế độ làm việc:

- "Thu canh" là chế độ chỉ thu một chiều, thường sử dụng khi hành trú quân, cần giữ bí mật, các xe trong phân đội cần "im hơi lặng tiếng" nhưng lúc nào cũng phải sẵn sàng đợi lệnh. Khi đặt ở chế độ này, nếu có "nhỡ tay" bóp vào công tắc "Phát" thì điện đài vẫn không phát được.

- "Đơn công" là chế độ có sử dụng cả thu và phát, được điều khiển qua công tắc ngực (công tắc trên dây nối với mũ công tác, thường treo trước ngực, là loại công tắc bập bềnh, để bình thường là thu, khi bóp về chế độ phát thì sẽ phát).

- "Song công" là chế độ tự động phát theo tín hiệu âm thanh. Để bình thường là thu, còn đài sẽ tự động chuyển sang phát khi người sử dụng nói (chế độ này sử dụng khi thành viên bận cả hai tay, không bóp công tắc được - chẳng hạn trưởng xe kiêm pháo thủ xe tăng bơi PT-76).

Những thế hệ máy thu phát đầu tiên thường dùng đèn điện tử nên tiêu tốn điện năng khá nhiều mà công suất phát lại thấp.

Càng về sau, cùng với sự tiến bộ khoa học công nghệ, thiết bị thu phát trên xe tăng ngày càng được cải tiến và hiện đại hơn rất nhiều. Các bộ điện đài hiện tại có thêm rất nhiều tính năng, độ bảo mật lại cao trong khi rất tiết kiệm điện năng.

Ngoài ra, đối với các xe chỉ huy có thể lắp thêm một bộ điện đài có khả năng liên lạc ở khoảng cách xa hơn, bảo đảm cho người chỉ huy có thể giữ vững liên lạc với cấp trên cũng như cấp dưới khi tác chiến trên một địa bàn rộng. Chẳng hạn như đối với xe tăng T-90S, ngoài các xe tiêu chuẩn thì thường có thêm cả xe tăng T-90SK (biến thể xe chỉ huy).

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt: Hé lộ những đôi tai tinh tường của lính xe tăng - Ảnh 4.

Thử nghiệm máy thông tin VRU812/B trên xe tăng T-54. Ảnh: Báo Nhân dân

Để liên lạc nội bộ trong xe thường có một bộ máy nói hữu tuyến nối các thành viên với nhau. Nguyên lý làm việc của bộ máy nói này như một bộ tăng âm đơn giản và được nối với nhau bằng dây dẫn chống nhiễu.

Các máy nói lẻ được đặt ở gần vị trí ngồi của các thành viên. Khi vào vị trí, thành viên sẽ cắm mũ công tác của mình vào máy nói thông qua công tắc ngực.

Khi các máy nói đều được đặt ở chế độ "Nội bộ" thì toàn bộ hệ thống máy nói sẽ thường xuyên thông suốt với nhau và các thành viên có thể liên lạc với nhau mà không cần một thao tác nào cả.

Trường hợp máy nói của một thành viên nào đó- thường là trưởng xe đặt ở chế độ "Liên lạc bên ngoài" thì nó sẽ bị tách ra khỏi mạng nội bộ, muốn liên lạc được với thành viên này hoặc ngược lại thì các thành viên phải bấm công tắc ngực về chế độ "báo gọi".

Ngoài các yêu cầu về mặt kỹ thuật như các phương tiện liên lạc khác thì điện đài, máy nói trên xe tăng còn phải đáp ứng yêu cầu là có kết cấu chắc chắn, có khả năng chống rung xóc tốt, chịu nhiệt độ cao và có khả năng làm việc thời gian dài...

Một trong những thành phần không thể thiếu của các phương tiện TTLL trên xe tăng là chiếc mũ công tác. Ngoài tác dụng chống va đập, bảo vệ đầu của các thành viên xe tăng thì mũ công tác cũng là nơi lắp tai nghe và ống nói để phục vụ cho việc liên lạc trong điều kiện tiếng ồn lớn.

Có điều rất phấn khởi là hiện nay, một số doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng Việt Nam đã chế tạo được các loại điện đài, máy nói và mũ công tác khá hiện đại để thay thế dần các loại thiết bị TTLL trong các xe tăng đời cũ.

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt: Hé lộ những đôi tai tinh tường của lính xe tăng - Ảnh 6.

Hệ thống mô hình mô phỏng huấn luyện tăng thiết giáp do CNQP Việt Nam tự nghiên cứu, phát triển. Ảnh: T.B/SGGP.

Thiết bị là không thể thiếu nhưng quyết định là ở người sử dụng

Để đảm bảo TTLL trong phân đội cũng như trong mỗi xe tăng được thông suốt, bí mật ngoài việc bảo đảm tốt kỹ thuật các thiết bị thông tin thì còn phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy tắc, quy ước liên lạc, đồng thời phải thuộc và sử dụng thành thạo mật ngữ chỉ huy và bảng chữ đúc nghiệp vụ.

Quy tắc liên lạc là những quy định chung của Binh chủng Thông tin liên lạc, của toàn quân về mặt thông tin liên lạc nhằm đảm bảo liên lạc "kịp thời, chính xác, bí mật, an toàn".

Quy ước liên lạc là những quy ước nội bộ đơn vị, thường do người chỉ huy phân đội định ra. Trong đó quy định cụ thể về tần số sử dụng (chính và dự bị), thứ tự ưu tiên trong liên lạc, khóa mật ngữ, mật hiệu nhận nhau v.v...

Bảng chữ đúc nghiệp vụ và mật ngữ chỉ huy có thể coi là loại mật mã đơn giản để giữ bí mật thông tin khi liên lạc với nhau. Mục đích là để kẻ địch có thu được tin thì cũng không hiểu được nội dung. Thường là quy định một hành động nào đó thành một con số, khi sử dụng người ta ghép các con số đó lại với nhau.

Nhưng dù thiết bị có hiện đại đến đâu, quy ước có chặt chẽ đến đâu mà con người không tích cực rèn luyện, học hỏi để sử dụng cho thành thục thì cũng không phát huy được hiệu quả của chúng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại