Chuyên gia Ấn: Hé lộ lý do New Delhi lâm vào thế "bị động", để lính TQ thâm nhập phục kích

Hoài Giang |

Phó giáo sư Ali Ahmed cho rằng mặc dù Quân đội Ấn Độ (IAF) có đầy đủ nguồn lực để đối đầu và truy đuổi lính Trung Quốc, nhưng có một lý do chính khiến họ phải "chùn tay".

Mới đây, tuần báo Economic & Political (E&P) đăng tải bài phân tích của tác giả Ali Ahmed có nhan đề "Why India Did Not Go to War with China" (tạm dịch: Tại sao Ấn Độ không khai chiến với Trung Quốc).

Nhằm đem lại cho độc giả một cái nhìn đa chiều (E&P) là một trong những tạp chí học thuật có uy tín nhất ở Ấn Độ) trong bối cảnh chuỗi đụng độ giữa New Delhi và Bắc Kinh liên quan tới các yêu sách về lãnh thổ chưa có dấu hiệu chấm dứt, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.

Vì sao Ấn Độ không "mạnh tay" với Trung Quốc?

Ấn Độ có đầy đủ năng lực quân sự để đánh đuổi các cuộc thâm nhập ở khu vực Ladakh hoặc thực hiện một hành động quân sự nhanh và mạnh trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột biên giới với Trung Quốc.

Tuy nhiên, New Delhi đã quyết định không lựa chọn giải pháp tấn công quân sự.

Để giải thích cho cái gọi là "sự thận trọng chiến lược" này, cần phải chú ý tới nhận định Thủ tướng Narendra Modi trong cuộc họp toàn đảng Bharatiya Janata (đảng Nhân dân Ấn Độ) vào ngày 19/6:

"Họ (Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc - PLA) chưa xâm nhập vào biên giới của chúng ta (Ấn Độ), cũng như không có bất kỳ tiền đồn nào bị họ chiếm lĩnh".

Đây có lẽ là một câu trả lời "lấp lửng" rằng Ấn Độ sẽ không lựa chọn giải pháp quân sự ở Ladakh vì New Delhi cho rằng lính Trung Quốc "không xâm nhập biên giới".

Đây cũng là câu trả lời "hời hợt" cho câu hỏi tại sao hàng chục người lính Ấn Độ đã thiệt mạng trong ẩu đả nhưng không thể đuổi lính Trung Quốc khỏi các vị trí nằm trong Đường kiểm soát thực tế (LAC) ở phía Ấn Độ hay "phản công" vượt qua "lằn ranh đỏ" đó.

Chuyên gia Ấn: Hé lộ lý do New Delhi lâm vào thế bị động, để lính TQ thâm nhập phục kích - Ảnh 1.

Hình ảnh lính Trung Quốc ngoài súng trường tấn công còn cầm theo vũ khí thô sơ kéo đến vị trí của lính biên phòng Ấn Độ hôm 7/9 (Ảnh: Đa Chiều).

Quân đội Ấn Độ (IAF) với tuyên bố cẩn trọng trong việc phòng ngừa đại dịch Covid-19 đã hoãn các cuộc tập trận thường diễn ra vào mùa xuân ở Ladakh.

Tuy nhiên, hành động này không chỉ xuất phát từ hiểm họa của virus mà còn căn cứ vào nhận định rằng mối đe dọa ở cấp độ chiến lược từ Bắc Kinh đã giảm bớt sau các hoạt động ngoại giao giữa hai nước vào cuối năm 2019,

Do đó, việc IAF buông lỏng cảnh giác là điều khá dễ hiểu, nhưng phản ứng khó hiểu của họ sau đó đòi hỏi phải có một lời giải thích.

Một cuộc tập trận quy mô lớn của PLA đã diễn ra vào cuối tháng 5/2020 tại khu vực Tân Cương gần Aksai Chin đã không kích hoạt báo động.

Có thể hiểu trong thế trận hiện tại, IAF không muốn đi theo "mô hình Kargil", cuộc xung đột biên giới tại Kargil, Kashmir và các nơi khác dọc theo đường kiểm soát - LOC vào năm 1999 với hơn 30.000 quân Ấn Độ đối đầu khoảng 5.000 lính Pakistan.

IAF chỉ duy trì lực lượng ở Ladakh đủ để phản ứng với các "tình huống bất ngờ"- các cuộc xâm nhập ở quy mô nhỏ trước khi đối phương củng cố "chỗ đứng chân".

Tuy nhiên lực lượng nhỏ đồng nghĩa với việc sẽ mất thêm thời gian cơ động và cơ hội phản ứng nhanh bằng cách đánh đuổi nếu đối phương lại tiến hành thâm nhập ở nơi khác.

Rõ ràng vào mùa hè năm 2020 ở Ladakh, PLA đã nhận ra yếu điểm của chiến thuật giải quyết vấn đề một cách "từ tốn" này của IAF, và lợi dụng ưu thế là khả năng liên lạc để nắm được thế chủ động.

Bắc Kinh đã đánh giá chính xác một phản ứng quân sự rụt rè của Ấn Độ và đã chuẩn bị để "xử lý" nó bằng quân sự.

Họ hẳn đã rất ngạc nhiên khi Ấn Độ sử dụng các cuộc đàm phán quân sự và ngoại giao nhằm khôi phục lại nguyên trạng.

Có thể thấy 5 vòng đàm phán giữa các tư lệnh quân đoàn và 3 ngày hội đàm ở cấp tư lệnh cấp sư đoàn, xen kẽ với 4 vòng làm việc để tham vấn và phối hợp về các vấn đề biên giới cùng các cuộc điện đàm giữa các ngoại trưởng và đại diện đặc biệt đã không đẩy được lính PLA ra khỏi các vị trí xâm nhập ở Pangong Tso, Gogra và Depsang.

Mặc dù tình thế ngày càng trở nên bất lợi, New Delhi chưa có dấu hiệu thay đổi chiến thuật "phòng ngự" này trong thời gian tới, IAF sẽ vẫn phải tiếp tục đi một "chặng đường dài" khi mùa đông sắp tới.

Chuyên gia Ấn: Hé lộ lý do New Delhi lâm vào thế bị động, để lính TQ thâm nhập phục kích - Ảnh 2.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong chuyến viếng thăm các đơn vị IAF đồn trú tại Ladakh hôm 3/7 (Ảnh: Reuters).

"Mạnh vì gạo, bạo vì tiền"

Có thể thấy lực lượng ở tiền phương của Ấn Độ bị "cắt đứt" khỏi khả năng thực hiện nhiệm vụ chính của họ, đó là bảo vệ đất nước, mặc dù họ có các nguồn lực cần thiết.

Ở Ladakh, không chỉ lực lượng tăng - thiết giáp đã được bố trí sẵn mà năng lực của không quân đã được nâng cao nhờ các sân bay và việc đưa các phi đội tiêm kích hiện đại như Su-30 tới khu vực đã được thực hiện.

Hai sư đoàn đã được hiện đại hóa trong một thập kỷ trở lại đây để tăng cường khả năng phòng thủ ở bang Arunachal Pradesh và một quân đoàn bộ binh sơn cước cũng đã được đầu tư để chuẩn bị cho các phương án phản công.

Có thể thấy IAF có các nguồn lực sẵn có để đối đầu với PLA mà còn thừa khả năng ngăn chặn xung đột leo thang.

Về học thuyết quân sự đối với Trung Quốc, Ấn Độ đã hình thành từ lâu sau kinh nghiệm trong Chiến dịch Parakram (đụng độ quân sự với Pakistan dẫn đến thế bế tắc của Ấn Độ vào năm 2002) và chính sách xoay trục của Mỹ dưới thời Tổng thống Obama.

Đây là một học thuyết mới đặt IAF trước mối đe dọa sẽ phải đối mặt với hai mặt trận do Pakistan và Trung Quốc tạo ra.

Việc mua sắm rộng rãi vũ khí theo sau học thuyết này biến Ấn Độ thành một trong những quốc gia nhập khẩu vũ khí hàng đầu trên toàn thế giới, với phần lớn khí tài, chẳng hạn như pháo tự hành do Mỹ sản xuất, hướng tới việc đối phó với PLA.

Câu trả lời cho việc thiếu phản ứng quân sự mạnh mẽ, mặc dù luôn trong tư thế sẵn sàng, có thể được lý giải bằng việc New Delhi tiến hành "phân cấp" trong khuôn khổ của các cuộc chiến.

Hệ thống này được cho là 5 cấp bao gồm chính trị, đại chiến lược, chiến lược, tác chiến và chiến thuật.

Ở cấp độ chiến thuật, sự hy sinh của Đại tá Santosh Babu những binh sĩ dưới quyền vào ngày 15/6 trong một cuộc chạm trán với quân Trung Quốc được trang bị vũ khí thô sơ nhưng chết người đã cho thấy rằng việc phân cấp nói trên chỉ là trò trẻ con so với thực tế.

Chuyên gia Ấn: Hé lộ lý do New Delhi lâm vào thế bị động, để lính TQ thâm nhập phục kích - Ảnh 3.

Một binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng trong vụ đụng độ hôm 19/6 được chôn cất (Ảnh: PTI).

Việc quyết định không hành động ở các cấp cao hơn là chiến lược và tác chiến được cho là do không nhận được "cái gật đầu" ở cấp đại chiến lược. Các vấn đề kinh tế là lý do thuyết phục nhất đối với quyết định này.

Ngân sách quốc phòng của Ấn Độ đã phải cắt giảm trong vài năm qua để bù đắp một cuộc suy thoái trước khi bùng phát đại dịch Covid-19.

Viễn cảnh phải chuẩn bị hậu cần cho khoảng 30.000 quân ở Ladakh trong suốt mùa đông cũng khiến bất kỳ kịch bản xung đột mà IAF có thể hoạch định đều phải sớm "hạ màn".

Ở cấp độ chính trị, theo châm ngôn của Tướng Carl von Clausewitz, một nhà lí thuyết quân sự người Phổ: "chiến tranh là sự kế tục của chính trị bởi những cách khác", việc Ấn Độ không lựa chọn phản ứng quân sự cho thấy rằng đã có những cân nhắc ở cấp độ chính trị thay thế nó.

Điều ưu tiên của chính phủ Ấn Độ hiện tại là phải tiếp tục nắm quyền và viễn cảnh đối mặt với một kẻ thù mạnh và được chuẩn bị tốt hơn là Trung Quốc dẫn tới kết quả của xung đột không thể đoán trước được có thể làm đảo lộn tất cả.

Việc sử dụng công cụ ngoại giao để đối phó với Trung Quốc mà không có các hoạt động quân sự song hành được cho là hoàn toàn không hiệu quả. Phản ứng dữ dội bằng trả đũa kinh tế cũng khó có thể xảy ra do sự phụ thuộc bất đối xứng giữa hai nước.

Cũng ở cấp độ chính trị, người Ấn đã bắt đầu phải trả giá khi không sử dụng sức mạnh quân sự vào thời điểm thích hợp - điều mà nếu là các quốc gia khác, chắc chắn họ sẽ nhanh chóng ra quyết định.

Được khuyến khích bởi hành động "tự trói tay" của Ấn Độ, các nước láng giềng Nepal và Pakistan đã lần lượt đưa ra các yêu sách lãnh thổ mới.

Chuyên gia Ấn: Hé lộ lý do New Delhi lâm vào thế bị động, để lính TQ thâm nhập phục kích - Ảnh 5.

Ấn Độ và Nepal đang tranh chấp khu vực Kalapani.

"Xung đột hạn chế"?

Ý tưởng về một cuộc xung đột có thể không phải là "vùng cấm" trong tư thế thận trọng hiện tại của Ấn Độ.

Hình thức leo thang này dù nguy hiểm nhưng vẫn tồn tại như một giải pháp chiến lược. Nói cách khác, viễn cảnh một cuộc xung đột hạn chế có thể có tác dụng "trấn an" hơn nhiều nếu so với chiến tranh toàn diện.

Xung đột hạn chế hay chiến tranh hạn chế là hình thức chiến tranh duy nhất mà hai đối thủ sở hữu vũ khí hạt nhân có thể tiến hành đã xuất hiện từ thời Chiến tranh Triều Tiên. Giới hạn ở đây có thể hiểu trong phạm vi địa lý lan rộng xung đột, lựa chọn mục tiêu, loại vũ khí sử dụng...

Trong cuộc xung đột hạn chế với IAF, PLA chắc chắn sẽ bất lợi do Ladakh xa xôi và khắc nghiệt nằm ở điểm cuối của tuyến đường tiếp vận kéo dài trên cao nguyên Tây Tạng.

Tác giả Ali Ahmed là Phó giáo sư tại Trung tâm Giải quyết Xung đột và Hòa bình Nelson Mandela ở New Delhi, Ấn Độ.

Ông từng là sĩ quan cấp tá trong Lục quân Ấn Độ và đã từng nộp luận án tiến sĩ về chính trị quốc tế tại Trường Nghiên cứu Quốc tế trực thuộc Đại học Jawaharlal Nehru.

Chuyên gia Ấn: Hé lộ lý do New Delhi lâm vào thế bị động, để lính TQ thâm nhập phục kích - Ảnh 8.

Lực lượng bán vũ trang Ấn Độ bảo vệ đoàn xe quân sự tiến lên khu vực Srinagar- Ladakh ở Gagangeer, Đông Bắc Srinagar, Ấn Độ ngày 18/8/2020 (Ảnh:AP).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại