Triển khai lá chắn UAV tại Kaliningrad, Nga tính dạy lại cho Mỹ "bài học RQ-170 Sentinel"?

Bảo Lam |

Chuyên gia Denis Fedutinov cho rằng Nga đã triển khai ở Kaliningrad các tổ hợp chế áp điện tử vận hành tương tự như cách Iran thành công trước UAV RQ-170 Sentinel của Mỹ năm 2011.

Mới đây, tờ Gazeta của Nga đăng tải phân tích của tác giả Mikhail Khodarenok có tựa đề: "Был ваш — станет наш: может ли Россия перехватить дроны США" (tạm dịch: Những gì của ngươi - Cũng là của ta: Nga có thể đánh chặn máy bay không người lái của Mỹ).

Nhằm đem lại cho độc giả một phân tích khá độc đáo về năng lực quân sự của Nga trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Mỹ và NATO, chúng tôi xin lược dịch bài viết.

Chuyên gia Ba Lan cũng phải thán phục năng lực tác chiến điện tử của Nga?

Trong một động thái được các chuyên gia nước ngoài xem là đáp trả việc Mỹ triển khai máy bay không người lái (UAV) MQ-9 Reaper tại Estonia, cuộc tập trận gần đây nhất của Hạm đội Baltic tại Kaliningrad người Nga đã triển khai cái gọi là "lá chắn chống UAV".

Mặc dù vậy, nhiều người Ba Lan vẫn tiếp tục nghi ngờ về năng lực tác chiến điện tử của người Nga. Trong một kịch bản đối đầu với UAV Mỹ, liệu các tổ hợp này có khả năng chiếm quyền điều khiển của đối phương hay không?

Theo trang tin Defence24 của Ba Lan, trong cuộc tập trận ở Kaliningrad, kịch bản kết hợp giữa tên lửa phòng không, pháo phòng không và các hệ thống chiến tranh điện tử nhằm ứng phó các cuộc tấn công của UAV nước ngoài của Nga trông "không có gì lạ" với trước đây.

"Người Nga đã tiến hành tập luyện phương án bảo vệ chỉ huy sở trước cuộc tấn công từ những UAV của những kẻ địch tiềm tàng.

Để làm điều đó, các tổ hợp tác chiến điện tử (TCĐT) và trinh sát kỹ thuật điện đàm (TSĐĐ) hiện đại Leer-3 RB-341V và tổ hợp pháo - tên lửa Pantsir-S1 đã tạo thành một "lưới lửa phòng không" với bán kính lên tới vài chục km trong khu vực".

Theo Defence24, UAV tấn công thường hay hoạt động trong chế độ thụ động, tức là thực hiện các nhiệm vụ độc lập, không thường xuyên liên lạc với những người điều khiển dưới mặt đất.

"Tuy nhiên, người Nga khẳng định rằng, thậm chí ở chế độ này các UAV cũng đã bị tiêu diệt từ xa nơi phòng vệ bằng tên lửa, hoặc nếu chúng vượt qua được sẽ bị bắn hạ bằng hỏa lực pháo 30 mm của tổ hợp Pantsir-S1".

Theo các chuyên gia người Ba Lan, quân đội Nga đã sử dụng những hệ thống tác chiến điện tử để thiết lập các "rào cản" không thể vượt qua được của các hệ thống điều khiển và định vị UAV.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, "việc vận hành cùng lúc các phương tiện tác chiến điện tử và phòng không đã bảo đảm khả năng phòng vệ chắc chắn những cơ sở quân sự trước các cuộc tấn công của máy bay địch".

Triển khai lá chắn UAV tại Kaliningrad, Nga tính dạy lại cho Mỹ bài học RQ-170 Sentinel? - Ảnh 1.

Hệ thống Leer-3 RB-341V bao gồm xe chỉ huy và UAV Orlan-10.

Đây là điều mà Defense24 cho là tuyên bố "lấp lửng" và theo các chuyên gia Ba Lan, bản thân phương thức áp dụng chiến đấu của tổ hợp Leer-3 RB-341V là "không thể hiểu được":

"Leer-3 là tổ hợp tác chiến điện tử cơ động, chế áp thông tin liên lạc di động, có nghĩa là thực hiện việc mô phỏng hoạt động của trạm liên lạc di động tần số GSM 900 và GSM 1800 và gửi những tín hiệu (tin nhắn) giả.

Tổ hợp này được đặt trên khung xe tải KamAZ-5350, và thiếu các ăng-ten điều hướng gây nhiễu sóng chủ động phù hợp để chống UAV.

Tuy nhiên, Leer-3 bao gồm tối thiểu 2 UAV Orlan-10 được trang bị các ăng-ten phẳng của tổ hợp tác chiến điện tử "Cometa" nặng khoảng 60 gram với công suất trung bình tối đa 10 Watt.

Đáng chú ý là biến thể ban đầu được chế tạo theo yêu cầu của Bộ Tổng tham mưu Nga vào năm 2016 nặng khoảng 135 gram. Theo các chuyên gia Ba Lan, đây là một thành công lớn, căn cứ vào việc Nga đã nghiên cứu các ăng-ten siêu nhỏ tương tự khoảng 7 năm".

UAV "Orlan-10" có thể hoạt động trong khoảng cách tối đa 100 km từ trạm điều khiển và bay lượn trên không trung gần 10 tiếng đồng hồ, nhận dạng và có khả năng làm gián đoạn thông tin liên lạc di động trong bán kính 6km.

Tuy nhiên, Defense24 nhấn mạnh rằng việc những chiếc UAV "mini" này sẽ vô hiệu hóa "bằng điện tử" các UAV đối phương về lý thuyết có thể thực hiện được nhưng thực tế việc này rất phức tạp và ít khả năng xảy ra.

Đánh giá về việc một số nhà sản xuất vũ khí Nga giới thiệu những hệ thống phòng không chuyên dụng trước các UAV, tờ báo Ba Lan nhận định:

"Trong một số trường hợp, mặc dù không thể loại bỏ vai trò của Nga như việc tự nghiên cứu và chế tạo sử dụng linh kiện trong nước, rõ ràng chúng là sự sao chép các giải pháp của phương Tây, bao gồm Ba Lan.

Có thể, những giải pháp này đã được sử dụng trong cuộc tập trận mới đây ở tỉnh Kaliningrad. Như chúng ta đã biết, người Nga có nhiều thứ để lựa chọn trong lĩnh vực này".

Binh sĩ Nga triển khai hệ thống tác chiến điện tử Leer-3 RB-341V bao gồm xe chỉ huy và các UAV Orlan-10.

Từ kinh nghiệm ở Syria tới thông điệp cảnh cáo ở Baltic

Các chuyên gia Ba Lan đã lưu ý tới việc công nghiệp quốc phòng Nga đã nghiên cứu chế tạo gần như tất cả những hệ thống chống UAV mà họ có thể, bao gồm cả các hệ thống cơ động được lắp đặt trên xe hơi lẫn các thiết bị "xách tay" tiện dụng.

Tính "thực dụng" đã được người Nga để mắt đến khi nghiên cứu chế tạo những hệ thống chống UAV không chỉ phục vụ các yêu cầu của Moscow mà cả những đối khách hàng khác, giúp các giải pháp về công nghệ quân sự của Nga được giới thiệu tại những triển lãm vũ khí quốc tế.

Theo nhà xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboronexport, các nhà sản xuất Nga sẵn sàng chế tạo cho "khách hàng tiềm năng" các hệ thống phòng vệ đa lớp trước các cuộc tấn công của UAV, với khả năng bảo vệ hạ tầng giao thông, nhiên liệu và hạt nhân đặc biệt quan trọng.

Nhưng bên cạnh đó, kinh nghiệm đối phó các cuộc tập kích bằng UAV rẻ tiền và thô sơ, nhưng không kém phần nguy hiểm nhằm vào căn cứ không quân Khmeimim ở Syria cũng rất quan trọng.

Hiện nay, các giải pháp kỹ thuật của Nga bao gồm Repellent, Silok-02, Sapsan-Bekas, Kupol-PRO, Rubez-Avtomtika, Luch, REX-1, REX-2, Taran-PRO và Pishal-PRO giúp bảo vệ hiệu quả những vị trí chiến lược trước các cuộc tấn công của loại UAV "rẻ tiền" này.

"Ở đó họ có nhiều thứ để lựa chọn", Defence24 một lần nữa nhấn mạnh.

Triển khai lá chắn UAV tại Kaliningrad, Nga tính dạy lại cho Mỹ bài học RQ-170 Sentinel? - Ảnh 3.

Hệ thống Leer-3 RB-341V tại Syria.

Theo các chuyên gia Ba Lan, các hệ thống này có bề ngoài khác biệt so với các sản phẩm tương tự của nước ngoài, đồng nghĩa với việc chúng có thể thực sự "độc đáo" và do chính người Nga tự nghiên cứu chế tạo.

"Các tổ hợp chống UAV hiện có của Moscow là một bằng chứng nữa cho thấy người Nga đã nghiên cứu chế tạo một loạt những giải pháp, mà thực sự có thể chống lại các UAV một cách hiệu quả.

Hoá ra, việc không thể tiếp cận các công nghệ của phương Tây vì những biện pháp trừng phạt áp dụng chống lại Moscow đã không trở thành rào cản. Bởi vì Nga chứng tỏ rằng họ có thể tự lực cánh sinh".

Theo Defence24, những hạn chế như không thể triển khai sản xuất và ứng dụng ồ ạt những giải pháp kỹ thuật tương tự trong các lực lượng vũ trang có thể tạo ra vấn đề lớn hơn nhiều đối với người Nga.

Tuy nhiên, nếu như người Nga đã chế tạo được "thứ gì đó", ban đầu những hệ thống này chắc chắn sẽ được đưa tới Syria và biên giới phía Tây của Nga, có thể, bao gồm Kaliningrad - nơi xác suất chạm trán với các UAV trinh sát và tấn công được cho là khá lớn.

Như vậy, cuộc tập trận tại Kaliningrad có thể là thông điệp cảnh cáo dành NATO, đặc biệt là Mỹ về việc chuyển giao UAV MQ-9 Reaper cho Estonia vào tháng 6/2020.

Su-30SM của Nga tiếp cận UAV MQ-9 Reaper của Mỹ trong không phận Syria (Nguồn: Instagram).

Ý kiến của chuyên gia Nga

Như chúng tôi (Gazeta) đã đưa tin trước đây, những chiếc MQ-9 thuộc sở hữu và được vận hành bởi một nhà thầu ở Mỹ cùng với nhân sự và thiết bị bổ trợ từ Căn cứ không quân Miroslavetz ở Ba Lan đã được đưa tới Căn cứ không quân Emari tại Estonia.

Theo tạp chí Air Force Magazine, các UAV sẽ thực hiện những chuyến bay vận dụng "các năng lực đa dạng" vốn có của MQ-9 Reaper tại căn cứ mới - nơi hiện đang xây dựng đường băng cất - hạ cánh,.

Theo các chuyên gia Ba Lan, bằng việc tạo ra "lá chắn chống UAV", có thể Moscow muốn nhấn mạnh rằng, họ không những có thể ngăn chặn các UAV của Mỹ mà còn chiếm quyền kiểm soát chúng.

Việc người Mỹ tính tới sự nguy hiểm này khi xây dựng các kế hoạch bay ở Estonia nhiều khả năng sẽ là thành công không cần bàn cãi của Nga. Đánh giá về vấn đề này, ông Denis Fedutinov, Tổng biên tập tạp chí "Không quân không người lái" của Nga, chia sẻ với Gazeta:

"Đúng vậy, trong các nhiệm vụ chống UAV hiện nay, những phương tiện sử dụng tác động vô tuyến điện được đưa lên hàng đầu. Chúng rẻ tiền hơn và trong một loạt các trường hợp có thể chống UAV hiệu quả hơn so với các hệ thống phòng không sử dụng tác động động học.

Đầu tiên, một trong những phương thức áp chế chính của các hệ thống này nhằm vào những kênh liên lạc với UAV. Kết quả là người điều khiển đánh mất khả năng tiếp nhận thông tin từ xa của UAV và điều quan trọng nhất, là đánh mất khả năng điều khiển UAV.

Thứ hai, việc sử dụng áp chế các tín hiệu của những hệ thống định vị vệ tinh sẽ khiến các UAV tấn công-trinh sát hiện đại được trang bị hệ thống định vị quán tính sẽ tích lũy các lỗi trong việc xác định vị trí chính xác của mình theo thời gian.

Cuối cùng đó là việc sử dụng sự kết hợp của các tác động nêu trên lên những kênh điều khiển và định vị sẽ có thể mang lại những kết quả "vô cùng thú vị". Ví dụ như việc thay thế tọa độ thực tế bằng ngụy tạo có thể đánh lừa hệ thống điều khiển UAV, đẩy nó khỏi lộ trình bay".

Theo ông Fedutinov, không có việc chiếm quyền điều khiển UAV trực tiếp vì để làm được điều đó, cần phải có trạm điều khiển tương tự, kiến thức về những giao thức trao đổi thông tin quân sự của đối phương… Nhưng có thể thiết lập các điều kiện để đẩy UAV ra ngoài khả năng kiểm soát của đối phương trước khi đưa nó đến điểm cần thiết để tiến hành "bắt sống".

Theo ý kiến của chuyên gia Nga, không loại trừ khả năng Iran đã làm điều tương tự đối với RQ-170 Sentinel, loại UAV trinh sát tàng hình được mệnh danh là "quái vật Kandahar" của Mỹ.

Những yếu điểm nêu trên của UAV đã rõ, tuy nhiên giới quân sự Mỹ không ít lần thể hiện sự bất cẩn liên quan tới liên lạc với các UAV được họ vận hành như sử dụng kênh liên lạc mở không được bảo mật, mà thông tin có thể bị đối phương chặn được.

"Sở dĩ họ tiếp tục làm như vậy là do trong 3 thập niên gần đây UAV của họ chủ yếu để chống lại kẻ địch yếu hơn, không được trang bị các hệ thống phòng không hiện đại, lẫn những hệ thống tác chiến điện tử tối tân.

Không thể loại trừ việc trong tương lai, những yếu điểm này sẽ được giải quyết - tức là tăng khả năng tự chủ trong hành động của các UAV, sẽ xuất hiện những hệ thống định vị mới, không còn phụ thuộc nhiều vào dữ liệu từ những vệ tinh", ông Denis Fedutinov kết luận.

Iran tung ra video được quay bởi chiếc RQ-170 Sentinel bị chế áp năm 2011.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại