Địa Trung Hải dậy sóng, Pháp lập tức điều chiến đấu cơ: Cuộc đối đầu nảy lửa với Thổ cận kề?

QS |

Liệu các tiêm kích Rafale được Pháp triển khai tới Đông Địa Trung Hải có đáp ứng được kỳ vọng của TT Emmanuel Macron là giúp "chấm dứt những căng thẳng" mà Thổ Nhĩ Kỳ đang gây ra?

Trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, các chiến đấu cơ Rafale và máy bay vận tải C-130 của Không quân Pháp đang được triển khai tới Đông Địa Trung Hải.

Căng thẳng Hy Lạp - Thổ Nhĩ Kỳ

Theo các báo cáo truyền thông địa phương, hai máy bay Rafale và 1 vận tải cơ C-130 đã hạ cánh xuống căn cứ không quân Andreas Papandreou của Síp theo thỏa thuận hợp tác quốc phòng ký kết hôm 1/8 giữa hai phía.

Chính quyền Síp thân Hy Lạp và Pháp đã tiến hành các hoạt động hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là ở Đông Địa Trung Hải, dẫn tới việc hình thành mối quan hệ đối tác chống Thổ Nhĩ Kỳ và Cộng hòa Bắc Síp Thổ Nhĩ Kỳ (TRNC).

Căng thẳng giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đã gia tăng sau khi Athens phản đối các hoạt động của tàu nghiên cứu MTA Oruc Reis Thổ Nhĩ Kỳ tại một khu vực phía nam đảo Meis (Kastellorizo). Tiếp đó, Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng Hy Lạp đã có động thái vi phạm các quyền hàng hải và thềm lục địa của Ankara sau khi ký thỏa thuận phân định hàng hải với Ai Cập.

Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã phản đối việc chính quyền Síp thân Hy Lạp đơn phương thực hiện các hoạt động khai thác khí đốt ở Đông Địa Trung Hải, đồng thời tuyên bố TRNC cũng có quyền sử dụng các nguồn tài nguyên trong khu vực.

Địa Trung Hải dậy sóng, Pháp lập tức điều chiến đấu cơ: Cuộc đối đầu nảy lửa với Thổ cận kề? - Ảnh 1.

Pháp đã triển khai 2 tiêm kích Rafale tới Đông Địa Trung Hải. Ảnh: ET

Nguy cơ đụng độ giữa Rafale và F-16

Các cuộc chạm trán căng thẳng giữa máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đã trở nên khá phổ biến trên bầu trời biển Aegean. Hồi tháng 5 năm nay, một đoạn video được công bố đã ghi lại cuộc đụng độ giữa các chiến đấu cơ Mirage 2000-5EG Mk2 và các tiêm kích F-16 của Thổ.

Do đó, trong bối cảnh hiện nay, giới chuyên gia nhận định, các tiêm kích Rafale của Pháp và F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ không tránh khỏi nguy cơ đụng độ.

Rafale là tiêm kích hai chỗ ngồi do công ty hàng không Dassault của Pháp sản xuất, có thể triển khai hoạt động từ tàu sân bay hoặc từ các căn cứ trên bờ. Trong khi đó, tiêm kích thế hệ 4 F-16 của tập đoàn Lockheed Martin (Mỹ) là chiến đấu cơ đa nhiệm siêu thanh 1 động cơ. Hiện có khoảng 3.000 chiếc F-16 được đưa vào biên chế của 25 quốc gia trên thế giới.

"Với khả năng mang tải vượt trội và hệ thống tác chiến tiên tiến, Rafale có thể thực hiện cả nhiệm vụ tấn công không-đối-đất, không-đối-không, cũng như đánh chặn.

Nó có khả năng thực hiện một số hành động cùng lúc, ví dụ như bắn tên lửa không-đối-không trong giai đoạn thâm nhập ở độ cao rất thấp: đây là một minh chứng rõ ràng về sự "toàn năng" và khả năng sống sót vượt trội của Rafale" – Dassault nói về đứa "con cưng" của mình.

Địa Trung Hải dậy sóng, Pháp lập tức điều chiến đấu cơ: Cuộc đối đầu nảy lửa với Thổ cận kề? - Ảnh 2.

Trong bối cảnh căng thẳng Hy Lạp-Thổ Nhĩ Kỳ, các tiêm kích Rafale của Pháp và F-16 Thổ khó tránh khỏi nguy cơ đụng độ.

Rafale có thể tương thích với nhiều loại tên lửa, như tên lửa không-đối-không MICA, tên lửa tầm xa SCALP, bom dẫn đường bằng laser, tên lửa chống tàu AM39, tên lửa không-đối-không tầm xa METEOR, cũng như các loại vũ khí không-đối-đất dẫn đường chính xác.

Về phần mình, F-16 trang bị tên lửa chống tàu Penguin, bom chùm, bom phá đường băng, tên lửa không-đối-không tầm ngắn AIM-9 sidewinder, tên lửa không-đối-không tầm trung AIM-120, pháo Vulcan 20mm.

Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ đã ở hai phe đối lập trong cuộc xung đột tại Libya. Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân ủng hộ Chính phủ Đoàn kết các dân tộc Libya (GNA) do Liên Hiệp Quốc công nhận, còn Pháp, Nga, Ai Cập và UAE hậu thuẫn lực lượng do tướng Khalifar Haftar dẫn đầu.

Khinh hạm La Fayette của Pháp đang tập trận với hải quân Hy Lạp, trong khi các chiến đấu cơ Rafale đã có mặt tại Síp để tập trận và giờ đang di chuyển tới Souda nằm trên đảo Crete của Hy Lạp.

Thông qua Twitter, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố: "Tôi đã quyết định củng cố sự hiện diện quân sự tạm thời của Pháp ở Địa Trung Hải, hợp tác với Hy Lạp và các đối tác châu Âu khác.

Tình hình Đông Địa Trung Hải rất đáng lo ngại. Các quyết định đơn phương của Thổ Nhĩ Kỳ liên quan tới việc khai thác dầu đang làm gia tăng căng thẳng. Và những căng thẳng đó cần được chấm dứt, để tạo điều kiện cho đối thoại hòa bình giữa các quốc gia là láng giềng và đồng minh của NATO".

Theo EurAsian Times, có một điểm tương đồng tình cờ là cách đây không lâu Pháp vừa chuyển giao lô tiêm kích Rafale đầu tiên cho Ấn Độ. Trong khi đó, Không quân Pakistan lại có các tiêm kích F-16 trong biên chế.

Ấn Độ từ lâu đã có mối quan hệ căng thẳng với Pakistan, và gần đây nhất lại xảy ra đụng độ biên giới với Trung Quốc, khiến New Delhi phải đối mặt với nguy cơ xung đột trên cả hai mặt trận.

Trong bối cảnh ấy, một cuộc chạm trán giữa Rafale và F-16 Pakistan hay Rafale với các máy bay chiến đấu của Trung Quốc có thể sẽ xảy ra. Tuy nhiên trước đó, theo EurAsian Times, rất có thể chúng ta sẽ chứng kiến cuộc đối đầu nảy lửa giữa Rafale và các tiêm kích F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ ở Libya hoặc trên bầu trời biển Aegean.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại