Trong tuần qua, căng thẳng giữa hai nước đã tăng cao sau khi Thổ Nhĩ Kỳ đưa một tàu khảo sát được hộ tống bởi tàu chiến tới khu vực - hành động vạch "lằn ranh đỏ" cho khu vực dự kiến khai thác dầu khí trên vùng nước mà cả Ankara lẫn Athen đều tuyên bố chủ quyền.
Kế hoạch đưa tàu thăm dò địa chấn Oruc Reis của Thổ Nhĩ Kỳ đến khu vực được cho là đã có thể thay đổi sau các nỗ lực của Thủ tướng Đức Angela Merkel. Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đã lên kế hoạch nối lại các cuộc đàm phán về các yêu sách "chồng lấn".
Tuy nhiên sau khi Hy Lạp và Ai Cập tuyên bố ký một thỏa thuận hàng hải trên cùng khu vực mà Thổ Nhĩ Kỳ và Chính phủ Hiệp định Quốc gia Libya (LNA) ký kết vào năm 2019, Ankara đã ra lệnh nối lại các hoạt động khảo sát.
Được hộ tống bởi hải quân Thổ Nhĩ Kỳ và bị bám đuổi bởi các tàu khu trục nhỏ của Hy Lạp, tàu khảo sát Oruc Reis đã di chuyển vào vùng nước giữa Cyprus (đảo Síp) và đảo Crete của Hy Lạp.
Hôm 12/8, Limnos một trong đội khinh hạm nhỏ của Hải quân Hy Lạp đã áp sát tàu khảo sát trước khi va chạm với Kemal Reis, khinh hạm hộ tống của Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ.
Nguồn tin nói trên cho biết thêm tình tiết rằng tàu Hy Lạp đã cố tránh va chạm trực diện và trong quá trình chuyển hướng, mũi tàu Limnos đã va chạm với phần đuôi của Kemal Reis.
Đây được cho là một tai nạn và chiếc khinh hạm Hy Lạp không bị hư hại và gần như ngay lập tức tham gia tập trận với các tàu chiến của Hải quân Pháp ngoài khơi đảo Crete vào sáng 13/8.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan được cho là đã phản ứng bằng tuyên bố rằng bất kỳ "cuộc tấn công" nào nhằm vào tàu thăm dò Oruc Reis ở Địa Trung Hải "sẽ phải trả một cái giá đắt" và ngụ ý rằng Ankara đã thực hiện các biện pháp để ứng phó với sự cố mới nhất.
Ngay sau vụ va chạm, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã điện đàm với Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis và ra lệnh triển khai thêm tàu chiến và tiêm kích của quân đội Pháp tới khu vực.
Một quan chức Hy Lạp cho biết thêm rằng Athen đang có kế hoạch nêu các vấn đề hiện tại trong cuộc họp giữa các ngoại trưởng Liên minh Châu Âu (EU).
Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh trong NATO nhưng quan hệ của họ từ lâu đã trở nên căng thẳng, chủ yếu do tranh chấp liên quan tới lãnh thổ.
Khinh hạm Thổ Nhĩ Kỳ bảo vệ tàu khảo sát tại Địa Trung Hải (Nguồn: Twitter).