Liên minh quân sự NATO rạn nứt vì vũ khí Nga: Moscow chưa đánh đã thắng?

Bảo Lam |

Bất chấp lệnh cấm vận hay đe dọa từ Mỹ, các quốc gia thành viên NATO vẫn tìm cách lách luật để mua vũ khí Nga. Việc Thổ Nhĩ Kỳ "sống chết" mua S-400 đã cho thấy rõ điều này.

Liên minh quân sự NATO rạn nứt vì vũ khí Nga?

Có một thực tế không thể phủ nhận rằng nhiều quốc gia thành viên thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vẫn và đang sử dụng các loại vũ khí có nguồn gốc từ Liên Xô hoặc Nga trong biên chế quân đội của họ, bất chấp việc Moscow là đối tượng tác chiến chính của liên minh quân sự này.

Bằng cách này hay cách khác, các quốc gia này vẫn hợp tác với Nga trong lĩnh vực quốc phòng vượt qua các lệnh cấm vũ khí hiện có, còn dòng vũ khí từ Nga vẫn ngày đêm đổ về phía biên giới NATO trong im lặng.

Thế mà khi Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng không S-400 từ Nga, ngay lập tức hợp đồng này trở thành tâm điểm chú ý của dư luận như thể đây là "điều xưa nay hiếm". Hầu hết ý kiến đều cho rằng, một quốc gia thành viên NATO "ngàn lần" không nên sử dụng một hệ thống phòng không của Nga nhất là khi đó lại là S-400.

Liên minh quân sự NATO rạn nứt vì vũ khí Nga: Moscow chưa đánh đã thắng? - Ảnh 1.

Máy bay Il-76 của Nga vận chuyển các thành phần chiến đấu thuộc hệ thống phòng không S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Sputnik.

Việc Ankara cương quyết mua S-400 đã biến Thổ Nhĩ Kỳ trở thành "cái gai trong mắt" nhiều quốc gia thành viên NATO, đi đầu trong số đó là Mỹ. Bởi với họ thật khó chấp nhận việc một hệ thống vũ khí do Nga chế tạo lại được phép đứng trong hàng ngũ quân đội NATO, thậm chí tham gia vào hệ thống phòng thủ tên lửa chung của liên minh này.

Để trấn an các các nước đồng minh NATO, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, sẽ không có chuyện nước này kết nối S-400 với hệ thống phòng thủ tên lửa chung của khối và các hệ thống phòng không này sẽ hoạt động độc lập. Nhưng điều đó không làm Mỹ và các quốc gia NATO khác yên lòng.

Để ngăn Thổ Nhĩ Kỳ đưa S-400 vào hoạt động, Mỹ đã đưa ra một loạt các biện pháp cấm vận vũ khí với Ankara mà đỉnh điểm là việc loại nước này ra khỏi chương trình phát triển chiến đấu cơ thế hệ 5 F-35. Đây là nguyên nhân dẫn đến sự rạn nứt trong mối quan hệ đồng minh bấy lâu này giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, các biện pháp cấm vận của Mỹ hay châu Âu lên Thổ Nhĩ Kỳ rõ ràng là không hiệu quả khi Ankara vẫn quyết định triển khai và có hoạt động đánh giá năng lực vận hành S-400 trên thực địa vào cuối tháng 11 vừa qua.

Khách hàng trung thành

Theo nhiều nhà phân tích, có lẽ mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa Nga và NATO trong một vài năm trở lại gần đây là nguyên nhân khiến việc Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 trở thành một vấn đề nghiêm trọng. Bởi trước đó, một quốc gia thành viên NATO khác là Hy Lạp cũng có những hợp đồng mua sắm vũ khí đình đám với Nga nhưng chẳng mấy ai quan tâm.

Điều đáng nói là Hy Lạp là quốc gia NATO duy nhất sở hữu hệ thống phòng không S-300, và ở thời điểm Athens mua S-300 nó không khác mấy so với S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ hiện tại.

Liên minh quân sự NATO rạn nứt vì vũ khí Nga: Moscow chưa đánh đã thắng? - Ảnh 3.

Nghe có vẻ khó tin nhưng từ lâu NATO đã cho phép Hy Lạp kết nối các hệ thống phòng không S-300 trong hệ thống phòng thủ chung. Ảnh: theapricity.com

Trong năm 2013, Hy Lạp cũng đã lần đầu tiên sử dụng S-300 trong một cuộc tập trận phòng không, hệ thống này đã bắn hạ thành công một mục tiêu giả định từ khoảng cách 30km ở độ cao gần 2.000m.

Ngoài S-300, Moscow cũng bán cho Athens nhiều hệ thống vũ khí tối tân khác như tàu đổ bộ đệm khí, xe chiến đấu bộ binh, súng phóng lựu chống tăng, các tổ hợp pháo kéo, trực thăng vận tải quân sự và vũ khí trang bị cho các lực lượng đặc nhiệm.

Từ ví dụ của Hy Lạp có thể thấy, không chỉ một mà nhiều quốc gia NATO vẫn đang mối quan hệ hợp tác quân sự tốt với Nga, thậm chí là có cả các hợp đồng mua sắm vũ khí tỷ USD. Tuy nhiên, vấn đề này có trở nên nghiêm trọng hay không còn tùy thuộc vào cách Mỹ và một số quốc gia chủ chốt của NATO đánh giá.

Cuộc chiến với vũ khí Liên Xô

Phần nhiều, các quốc gia NATO hiện nay nếu không mua vũ khí của Nga, thì cũng hợp tác với Moscow để nâng cấp kho vũ khí có từ thời Liên Xô và con số này không hề ít.

Điển hình như trường hợp của Bulgaria, khi nước này vẫn còn trong biên chế 15 chiếc tiêm kích MiG-29 do Liên Xô trước đây chế tạo. Và Sofia nhiều khả năng vẫn sẽ dựa vào Nga để duy trì hoạt động số máy bay này dù với cái giá không hề rẻ.

"Bất chấp việc Bulgaria là thành viên NATO, chúng ta vẫn phải tự bảo vệ không phận của mình bằng các tiêm kích MiG-29, và vì thế chúng cần được hỗ trợ kỹ thuật đúng hạn", Tổng thống Bulgaria Rumen Radeev phát biểu trước chuyến thăm Nga vào năm 2018.

Liên minh quân sự NATO rạn nứt vì vũ khí Nga: Moscow chưa đánh đã thắng? - Ảnh 4.

Không chỉ mình Bulgaria mà nhiều quốc gia NATO khác cũng đang sử dụng các dòng chiến đấu cơ do Liên Xô hoặc Nga chế tạo. Ảnh: SeeNews.

Như một lẽ tất yếu, Bộ Quốc phòng Bulgaria và Tập đoàn Mikoyan của Nga đã ký kết một hợp đồng hỗ trợ kỹ thuật cho phi đội MiG-29 của Không quân Bulgaria với tổng trị giá lên đến hơn 40 triệu Euro.

Nhưng không phải quốc gia nào cũng may mắn có quyền tự quyết như Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp và Bulgaria. Bởi nhiều quốc gia ở Đông Âu có truyền thống sử dụng vũ khí của Liên Xô, khi gia nhập NATO kho vũ khí của họ sẽ bị "xóa sổ" hoàn toàn và sẽ được thay thế bằng vũ khí do châu Âu chế tạo, minh chứng cho điều này chính là Herzegovina thành viên thứ 29 của NATO.

"Chuyển hướng sang phương Tây"

Về cơ bản các nước đóng vai trò lãnh đạo NATO luôn quan tâm làm sao để các đối tác của mình giảm thiểu tối đa số lượng vũ khí Nga có trong trang bị.

Theo Defense News sau cuộc khủng hoảng ở Ukraine vào năm 2014, nhiều quốc gia từng là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Warsaw đồng loạt tuyên bố về kế hoạch cắt đứt mối liên hệ với các doanh nghiệp sản xuất vũ khí và khí tài quân sự Nga để "đồng loạt chuyển hướng sang phương Tây".

Liên minh quân sự NATO rạn nứt vì vũ khí Nga: Moscow chưa đánh đã thắng? - Ảnh 5.

Hệ thống phòng không S-125 của Ba Lan trong một cuộc tập trận chung với NATO. Ảnh: European Security & Defence.

Nhưng khi chuyển đổi, các quốc gia này ngay lập tức gặp vấn đề về ngân sách, bởi vũ khí, khí tài của phương Tây đắt đỏ hơn nhiều so với Nga. Trong khi đó, ngân sách quốc phòng của những nước này khá hạn hẹp.

Chính vì lý do này mà Bộ Ngoại giao Mỹ đã khởi động Chương trình khuyến khích tái cấp vốn châu Âu (ERIP) để hỗ trợ tài chính cho các quốc gia có nhu cầu từ bỏ các loại vũ khí do Liên Xô và Nga chế tạo để mua các thiết bị quốc phòng do Mỹ hoặc châu Âu sản xuất.

Hiện tại đã có ít nhất 6 quốc gia NATO tham gia vào chương trình ERIP gồm: Albania, Bosnia, Croatia, Hy Lạp, Bắc Macedonia và Slovakia.

Chương trình ERIP hoạt động theo 3 tiêu chí tiên quyết sau:

Một là: Các nước tham gia phải loại bỏ các trang, thiết bị và vũ khí do Liên Xô/Nga sản xuất đang hiện diện trong quân đội của họ.

Hai là: Các nước tham gia phải cam kết không mua các trang, thiết bị và vũ khí do Nga sản xuất trong tương lai.

Ba là: Các nước tham gia phải cam kết phân bổ một phần quỹ nhà nước để mua vũ khí của Mỹ (với số lượng lớn).

Cấm vận vũ khí

Danh sách các quốc gia NATO mua vũ khí của Nga không chỉ dừng lại ở danh sách kể trên, khi căn cứ vào cơ sở dữ liệu về thương mại EU, trong năm 2016 Cộng hoà Séc đã cũng mua các sản phẩm quân sự của Nga với tổng trị giá vào 1,4 triệu Euro, Đức – 4,3 triệu Euro và Slovakia – 4 triệu Euro.

Tháng 7/2014, EU áp dụng lệnh cấm mua bán vũ khí đối với Nga và bằng cách này cấm mua, nhập khẩu và vận chuyển sản phẩm quân sự của Nga cho các quốc gia EU. Vũ khí từ EU cũng bị cấm xuất khẩu tới Nga.

Tuy nhiên, liên minh này vẫn giữ lại những kênh hợp pháp rất hẹp để kinh doanh vũ khí với Moscow. Họ được phép mua các sản phẩm được ký kết trước ngày 01/8/2014, và nhập khẩu từ Nga phụ tùng và dịch vụ về bảo dưỡng kỹ thuật khí tài quân sự do Nga chế tạo được biên chế cho quân đội các nước châu Âu từ trước khi lệnh trừng phạt được áp dụng.

Quân đội Ba Lan và Rumani tập trận với xe chiến đấu bộ binh BMP-1 của Liên Xô.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại