Syria sẽ trở thành ‘chiến trường Việt Nam’ của Iran
Theo hãng tin Sputnik, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Naftali Bennett mới đây đã lên tiếng cảnh báo Iran rằng, cuộc chiến tại Syria có thể trở thành một cuộc chiến dai dẳng và không hề dễ chịu bởi Tehran không thể giành chiến thắng.
Đồng thời, ông Bennett so sánh cuộc chiến tại Syria với cuộc chiến tranh Việt Nam mà Mỹ đã sa lầy trong nửa sau thế kỷ XX. Trong cuộc chiến này, Mỹ đã thất bại.
"Chúng tôi đang nói với người Iran rằng: Syria sẽ trở thành ‘chiến trường Việt Nam’ của các vị. Nếu không rời đi, các vị sẽ sa lầy và đổ máu, bởi chúng tôi sẽ không ngần ngại sử dụng mọi biện pháp để loại bỏ các thế lực hung hăng ra khỏi Syria" – ông Bennett tuyên bố.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Naftali Bennett. Ảnh: csmonitor.com
Lời cảnh cáo của ông Bennett được đưa ra trong bối cảnh Ngoại trưởng Israel Israel Katz, khi trả lời phỏng vấn tờ Corriere Della Sera của Italia, đã tuyên bố rằng Tel Aviv không loại trừ khả năng tiến hành một cuộc tấn công nhằm vào Tehran nếu nước này chế tạo vũ khí hạt nhân.
"Đây là một phương án. Chúng tôi sẽ không cho phép Iran sản xuất hay sở hữu vũ khí hạt nhân. Nếu lựa chọn duy nhất còn lại đối với chúng tôi là phương án quân sự, chúng tôi sẽ có hành động quân sự. Mối đe dọa từ các biện pháp trừng phạt là không đủ. Cách răn đe duy nhất là tạo ra mối đe dọa quân sự trực diện nhằm vào chính quyền Iran" – ông Katz nói.
Trước đó, Tel Aviv đã tấn công các quốc gia láng giềng dưới danh nghĩa ngăn những nước này sở hữu vũ khí hạt nhân.
Tháng 6/1981, trong chiến dịch Opera, máy bay chiến đấu Israel đã phá hủy một lò phản ứng hạt nhân mà Iraq đang xây dựng tại khu vực cách Baghdad không xa.
Tel Aviv tuyên bố họ đã hành động để tự vệ, vì chính quyền Saddam Hussein có thể sẽ sử dụng lò phản ứng này để sản xuất vũ khí hạt nhân.
Theo sau chiến dịch Opera, Tel Aviv đã khởi xướng cái gọi là học thuyết Begin (đặt theo tên cựu Thủ tướng Israel Menachem Begin), trong đó đề cập rằng cuộc tấn công như trên không phải là một hành động bất thường, và chính quyền Israel trong tương lai nên tiếp tục các cuộc tấn công và không kích tương tự nhằm vào các quốc gia láng giềng đang tìm cách có được vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Israel còn được cho là thế lực đứng sau cuộc tấn công mạng Stuxnet năm 2010 nhằm vào hệ thống máy tính của Iran, dẫn đến việc một số máy ly tâm tại nhà máy hạt nhân Natanz bị phá hủy. Tuy nhiên, họ không đưa ra tuyên bố chính thức nào để nhận trách nhiệm cho vụ tấn công phá hoại này.
Israel nhiều lần không kích Syria
Không quân Israel đã tiến hành vô số các cuộc không kích nhằm vào Syria, trong khi tuyên bố rằng họ chỉ nhắm tới các lực lượng, cũng như vũ khí của Iran tại quốc gia này. Tel Aviv cũng cáo buộc Tehran cung cấp vũ khí cho Damascus để làm công cụ tấn công Israel.
Về phần mình, Tehran và Damascus đã lên án các cuộc không kích của Israel, đồng thời Iran bác bỏ các cáo buộc liên quan tới việc triển khai quân sự tại Syria.