Cảm giác nóng bừng, do đâu?

BS. Thanh Hoài |

Đôi lúc, bạn cảm thấy người nóng bừng bừng nhưng không có sốt, thời tiết cũng không nóng bức. Điều đó có thể do cơ thể bạn gặp một số rối loạn nhất định. Đừng quá lo lắng!

Nhiệt độ cơ thể của chúng ta có thể tăng với các hoạt động hàng ngày bình thường. Nhiệt độ cơ thể cũng có thể dao động do sự mất cân bằng hormon, hoặc sau khi ăn... Dưới đây là một số lý do khiến bạn cảm thấy nóng trong người nhưng không do sốt và một số cách xử trí tại chỗ.

Sự căng thẳng

Khi căng thẳng, bạn có thể cảm thấy người nóng bừng. Cơ thể đối phó với stress bằng cách giải phóng các chất như epinephrine. Epinephrine làm giãn các mạch máu và điều này có thể gây ra cảm giác người nóng bừng. Ngoài ra, căng thẳng có thể gây các triệu chứng khác như hồi hộp, đánh trống ngực, đổ mồ hôi, căng cơ...

Xử trí: Cố gắng thực hành các cách giảm căng thẳng như điều hòa hơi thở, thiền, yoga, chuyển đến một nơi mát mẻ khi làm các dự án căng thẳng. Giảm căng thẳng có thể giúp làm giảm cảm giác nóng bừng.

Sự lo lắng

Khi lo lắng, cơ thể sẽ giải phóng tất cả các loại hóa chất để kích hoạt phản ứng tăng sức đề kháng cho cơ thể. Đây thực sự là một phản ứng khá bình thường đối với một tình huống nguy hiểm nhằm bảo vệ cơ thể bạn.

Một trong những phản ứng xảy ra là cơ thể bạn sẽ nóng lên nhưng không gây sốt, có thể đi kèm với các triệu chứng khác như nhịp tim tăng lên, cảm giác sợ hãi, thở dốc, buồn nôn, co thắt dạ dày, đau ngực...

Xử trí: Khi bạn bắt đầu cảm thấy lo lắng và cơ thể bạn bắt đầu cảm thấy nóng, bạn dừng lại những gì đang làm và hít thở sâu. Hãy đến một nơi mát mẻ, uống nước một cách chậm rãi. Cố gắng nằm hoặc ngồi im lặng và thở sâu. Lo lắng và nóng trong người sẽ giảm trong vòng 5-10 phút.

Cường giáp

Tuyến giáp giúp kiểm soát nhiệt độ cơ thể, sự trao đổi chất và các quá trình chuyển hóa khác của cơ thể. Tuyến giáp sản xuất các hormon và khi mức hormon giáp trở nên quá cao, bạn sẽ mắc chứng cường giáp.

Tình trạng này có thể gây ra tăng sự trao đổi chất và tăng nhiệt độ cơ thể, làm bạn cảm thấy nóng trong người. Nếu bạn đang bị chứng cường giáp, bạn cũng có thể bị tiêu chảy, rụng tóc, tăng huyết áp, nhịp tim nhanh, mất ngủ và suy nhược cơ thể.

Cảm giác nóng bừng, do đâu? - Ảnh 1.

Bệnh cường giáp gây cảm giác nóng bừng người.

Xử trí: Cường giáp có thể gây ra các biến chứng và cần được điều trị. Có các loại thuốc và phương pháp điều trị để điều hòa hoạt động tuyến giáp. Cần gặp bác sĩ ngay, cường giáp được chẩn đoán bằng xét nghiệm và can thiệp sớm có thể.

Tăng chuyển hóa

Khi sự trao đổi chất của bạn cao hơn, bạn cảm nhận cơ thể nóng hơn. Chuyển hóa là một quá trình tự nhiên giúp cơ thể phân hủy các thực phẩm bạn ăn, cung cấp năng lượng cho các tế bào hoạt động. Khi bạn đốt calo, cơ thể bạn có thể cảm thấy nóng.

Xử trí: Những người có sự trao đổi chất cao cần phải uống thêm nhiều chất lỏng. Bạn cũng nên ở trong bóng mát khi bạn đang ở trong môi trường nhiệt độ cao. Ăn mặc thoáng mát và tránh tập thể dục vào những ngày thật nóng.

Sự rụng trứng

Phụ nữ mỗi tháng có một khoảng thời gian rụng trứng, đi kèm tình trạng thay đổi hormon sinh dục nữ gồm progesterone và estrogen. Vào thời điểm rụng trứng, progesterone của người phụ nữ tăng lên gây nên cảm giác nóng trong người. Có thể kèm các triệu chứng khác đau nhẹ ở vùng hạ vị và buồn nôn.

Xử trí: Khi đang ở giữa chu kỳ kinh hoặc 14 ngày sau ngày hành kinh, bạn nên mặc quần áo cotton nhẹ. Nên ở trong môi trường mát mẻ và uống nhiều chất lỏng lạnh mát.

Mang thai

Quá trình mang thai, cơ thể của bạn phải tăng lượng máu và tăng trao đổi chất để hỗ trợ bạn và thai nhi. Tình trạng này sẽ làm cho thai phụ thường cảm thấy nóng bức hơn trong người. Các triệu chứng khác bao gồm nhịp tim nhanh hơn, buồn nôn, thở dốc, mệt mỏi và chóng mặt.

Xử trí: Điều quan trọng nhất thai phụ cần làm khi điều này xảy ra là uống nhiều chất lỏng. Biện pháp này sẽ giúp cơ thể cảm thấy mát mẻ hơn và giúp tăng tuần hoàn cho cả mẹ và bé. Bạn nên mặc áo quần mát mẻ và nghỉ ngơi.

Mãn kinh

Mãn kinh có thể khiến người phụ nữ gặp “những cơn bốc hỏa”. Điều này là do sự thay đổi nồng độ hormon vào giai đoạn mãn kinh. Sự thay đổi hormon tác động lên bộ phận điều chỉnh nhiệt độ trong não và vùng dưới đồi, làm cho bạn cảm thấy nóng trong người nhưng không có sốt. Có thể có các triệu chứng khác như đỏ mặt, tim đập nhanh, đổ mồ hôi ban đêm, mất ngủ, tăng cân và xuất hiện tính cách khác thường.

Cảm giác nóng bừng, do đâu? - Ảnh 2.

Những cơn bốc hỏa thường làm phiền phụ nữ tuổi mãn kinh.

Xử trí: Ngủ với quần áo bằng vải mỏng và giữ nhiệt độ phòng đủ mát. Nên tắm và lau mặt bằng nước mát nhiều lần hàng ngày. Tập thể dục, thiền yoga có thể mang lại hiệu quả tốt.

Các món ăn cay

Capsaicin có trong ớt có thể kích hoạt hệ thống thần kinh qua các thụ thể trong lưỡi của bạn và làm bạn có cảm giác cay. Khi bạn ăn gì đó cay nóng, có thể kích hoạt các phản ứng của cơ thể bạn như đổ mồ hôi nhiều, và tăng lưu lượng máu làm nóng trong người.

Xử trí: Ăn hoặc uống một thứ gì đó cân bằng vị giác và súc miệng nước ấm nhiều lần. Hãy thử uống một ly sữa, hoặc ăn bánh quy giòn. Một khi bạn thấy giảm cảm giác cay, cảm giác nóng bỏng cũng có thể biến mất.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại