Bê bối Mỹ mở ra cơ hội vàng cho Ukraine: "Tái ông thất mã" hay sự nổi tiếng bất đắc dĩ?

Tuệ Minh |

Khoảng thời gian này thực sự rất nhạy cảm đối với Ukraine, vì chỉ một câu nói "lỡ lời" cũng có thể hủy hoại quan hệ của nước này với nước bảo hộ quan trọng nhất của họ.

Tờ Strait Times mới đây đăng tải bài viết đánh giá việc Ukraine vô tình bị dính líu vào căng thẳng chính trị Mỹ, liên quan đến việc luận tội Tổng thống Trump có thể sẽ mang lại cho Kiev những lợi ích về lâu dài. Bài báo cho rằng không những không bị coi nhẹ, Ukraine còn trở thành tâm điểm chú ý khi bị mắc kẹt trong một cuộc chiến chính trị của nước Mỹ.

Điều đó có vẻ như không mấy thuận lợi cho Ukraine vào thời điểm hiện tại, nhưng nếu xét trong dài hạn, điều đó có thể mang lại nhiều lợi ích cho Ukraine.

Cụ thể, khi phải đối đầu với sức mạnh tổng lực của các lực lượng vũ trang Nga trong 5 năm qua, người dân Ukraine thường xuyên lo lắng về nguy cơ chính phủ các nước phương Tây - nhất là Mỹ - sẽ cảm thấy dần "vô bổ" khi phải chống đỡ cho đất nước yếu ớt của họ và sẽ một lần nữa để cho Ukraine trượt dài dưới sự kiểm soát hoàn toàn của Nga.

Tuy nhiên, Ukraine rõ ràng không cần phải lo lắng như vậy nữa, vì giờ đây nước này đã trở thành tâm điểm chú ý hàng đầu của mọi tờ báo và mạng lưới truyền thông của Mỹ, khi Kiev luôn nằm ở vị trí trung tâm trong các phiên điều trần luận tội Tổng thống Donald Trump.

Và nếu những phiên điều trần này có thể luận tội thành công đối với Tổng thống Trump, thì Ukraine vẫn sẽ là cái tên quen thuộc và được nhắc tới thường xuyên ở Mỹ trong những năm tới.

Vấn đề là sự "nổi tiếng" bất ngờ này diễn ra một cách tình cờ và vì những lý do không chính đáng, Ukraine vô tình bị dính líu vào một vụ bê bối liên quan đến việc Tổng thống Trump bị cáo buộc lạm dụng quyền lực để "đào bới" những điều tiếng với các đối thủ chính trị của mình.

Bê bối Mỹ mở ra cơ hội vàng cho Ukraine: Tái ông thất mã hay sự nổi tiếng bất đắc dĩ? - Ảnh 1.

Ảnh: RFE

Tổng thống mới đắc cử của Ukraine Volodymyr Zelensky rõ ràng sẽ rất xấu hổ và khó xử trong trường hợp này, vì ông không chỉ bị lôi kéo vào một cuộc tranh cãi chính trị căng thẳng bậc nhất ở Mỹ vốn không do ông gây ra, mà ông còn có thể phải chịu thiệt hại dù lựa chọn phương án nào đi chăng nữa.

Nếu từ chối hợp tác với Trump, ông có nguy cơ phải đối mặt với "cơn thịnh nộ" của Tổng thống Mỹ, người rất có thể sẽ tái đắc cử và do đó sẽ tiếp tục quyết định vận mệnh nước Mỹ cho tới giữa thập kỷ tiếp theo.

Nhưng nếu công khai ủng hộ Trump và đề nghị bao che cho ông trong các cuộc điều trần luận tội, thì Zelensky có nguy cơ hủy hoại danh tiếng của chính mình và 18 tháng nữa rất có thể sẽ phải đối mặt với một vị tổng thống thuộc đảng Dân chủ có khả năng sẽ không quên lãng hay tha thứ cho hành vi đó của Ukraine.

Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi Tổng thống Zelensky cho đến nay vẫn hoàn toàn giữ im lặng kể từ khi vụ bê bối nổ ra.

Khoảng thời gian này thực sự rất nhạy cảm đối với Ukraine, vì chỉ một câu nói "lỡ lời" cũng có thể hủy hoại quan hệ của nước này với nước bảo hộ quan trọng nhất của họ. Tuy vậy, toàn bộ sự việc này trên thực tế có thể có lợi cho Ukraine, và có thể đem lại "sự cứu rỗi" mà nước này mong muốn.

Tương đồng và khác biệt

Có một điều thú vị đó là hai vị tổng thống của Mỹ và Ukraine có khá nhiều nét tương đồng nổi bật như cả hai đều nổi lên bên ngoài hoạt động chính trị chính thống: Donald Trump nổi tiếng trong lĩnh vực bất động sản và giải trí, còn Zelensky từng là một diễn viên hài mà trớ trêu là từng đóng vai tổng thống trong các bộ phim truyền hình của Ukraine.

Cả hai đều ra tranh cử với lập trường phản đối chính trị gia và muốn làm lung lay giới tinh hoa chính trị ở đất nước họ. Và cả hai đều là những nhà dân túy theo cách riêng của họ, nghĩa là nỗ lực bỏ qua các quy tắc và thể chế hiện tại để cố gắng tiếp xúc trực tiếp với các cử tri của họ.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tương đồng đó thì Trump và Zelensky cũng có nhiều điểm khác biệt. Trong khi Trump là bậc thầy chính trị đối đầu và phân cực ở Mỹ, thì Zelensky lại phấn đấu trở thành người hàn gắn vĩ đại của đất nước ông.

Trên thực tế, Trump thua về số phiếu phổ thông và chỉ giành được chức tổng thống và có được nhiều phiếu đại cử tri hơn, trong khi đó Zelensky đắc cử tổng thống với tỷ lệ phiếu bầu áp đảo là 73 %. Trump ưa thích các thuyết âm mưu chính trị, trong khi đó Zelensky dành phần lớn thời gian của mình để "đập tan" chúng.

Bê bối Mỹ mở ra cơ hội vàng cho Ukraine: Tái ông thất mã hay sự nổi tiếng bất đắc dĩ? - Ảnh 2.

Ảnh minh họa: Sean Gallup / Getty

Nhưng đương nhiên, điểm khác biệt lớn nhất là Zelensky đang điều hành một đất nước vẫn phải đang vật lộn để tồn tại trong gần ba thập kỷ kể từ khi giành được độc lập sau sự sụp đổ của Liên Xô. Họ đang phải đối mặt với chiến dịch gây bất ổn kéo dài của Nga - nước chưa bao giờ chấp nhận "đánh mất Ukraine".

Nhiều người Nga - và hầu hết là giới tinh hoa chính trị Nga từ chối nhìn nhận Ukraine một cách nghiêm túc: cách đây hơn một thập kỷ, Tổng thống Nga Vladimir Putin từng khiến cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush phải giật mình khi nói với ông trong một khoảnh khắc thẳng thắn khác thường: "Ukraine không phải là một quốc gia".

Cuộc chiến năm 2014 dẫn tới việc lãnh thổ Ukraine bị chia cắt và bán đảo Crimea được sáp nhập vào Nga - màn mở đầu cho một sự thay đổi biên giới mạnh mẽ ở châu Âu kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai – chủ yếu là do Nga kiên quyết không để Ukraine gia nhập vào các các cấu trúc kinh tế và an ninh trên quy mô toàn châu Âu. Chỉ nhờ có các khoản viện trợ kinh tế lớn của Liên minh châu Âu và Mỹ mà Ukraine mới tránh được sự tan rã và sụp đổ hoàn toàn sau đó.

Cuộc chiến chống tham nhũng

Quyết định của Tổng thống Trump hoãn cung cấp khoản viện trợ trị giá 400 triệu USD cho Ukraine, vốn đã được Quốc hội Mỹ bỏ phiếu thông qua là trọng tâm của các cuộc điều tra luận tội trong thời gian gần đây.

Ông Trump bị cáo buộc tạm dừng viện trợ nhằm buộc Ukraine cung cấp các thông tin được cho là có thể gây tai tiếng về các hoạt động của Hunter Biden - con trai của cựu Phó Tổng thống Joe Biden, người được cho sẽ trở thành ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử năm 2020.

Tuy nhiên, ông Trump phủ nhận cáo buộc này và tuyên bố rằng khoản viện trợ bị giữ lại là vì Ukraine chưa đưa ra bằng chứng thuyết phục cho thấy nước này đang đấu tranh chống tham nhũng hoặc vì Washington cần buộc các nước châu Âu có đóng góp thỏa đáng vào việc hỗ trợ Ukraine.

Tuy nhiên, cả hai cáo buộc do Trump đưa ra đều không thuyết phục. Tổng thống Zelensky được bầu chọn dựa trên cương lĩnh chống tham nhũng, và đó chính xác là những gì ông đã làm. Tân Thủ tướng Ukraine Oleksiy Honcharuk do ông bố nhiệm chỉ mới 35 tuổi, đứng đầu một nội các được tinh giản với quyết tâm khuyến khích sự bùng nổ của các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Phó Thủ tướng đắc lực của Honoharuk chỉ mới 28 tuổi và đang gánh vác nhiệm vụ số hóa toàn bộ Chính phủ Ukraine nhằm hạn chế tình trạng tham nhũng. Và hành động đầu tiên của Quốc hội mới ở Ukraine là bãi bỏ quyền được miễn trừ của các nghị sĩ, để tất cả mọi người đều bình đẳng trước công lý.

Nếu ông Trump quan tâm đến tình trạng tham nhũng ở Ukraine đến vậy, thì đáng lẽ ông nên hoãn viện trợ vào năm 2018 chứ không phải năm 2019. Ukraine đã có những bước đi táo bạo nhất trong năm 2019 nhằm chống lại nạn hối lộ.

Bê bối Mỹ mở ra cơ hội vàng cho Ukraine: Tái ông thất mã hay sự nổi tiếng bất đắc dĩ? - Ảnh 3.

Ảnh: AP

Và nếu ông Trump lo lắng rằng các nước châu Âu không đóng góp thích đáng, thì tất cả những gì ông cần làm là yêu cầu một trong những phụ tá của mình đưa ra số liệu thống kê: châu Âu hoàn toàn không trốn tránh trách nhiệm và trên thực tế đã đóng góp tổng số tiền khoảng 16 tỷ USD cho Ukraine kể từ cuộc chiến năm 2014, gấp khoảng 3 lần số tiền do Mỹ cung cấp.

Nói tóm lại, trong trường hợp này, ông Trump dường như một lần nữa bị chính những "sự thật thay thế" của ông kìm hãm. Trong tình hình hiện nay, Tổng thống Mỹ sẽ rất khó có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng ông có những lý do khác để trì hoãn khoản viện trợ này, ngoài những đòi hỏi của ông đối với Ukraine về việc cung cấp bằng chứng nhằm buộc tội đối thủ lớn nhất của ông ở trong nước.

Nhưng tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn đối với Ukraine khi Mỹ tiếp tục điều tra. Người ta sẽ đặt ra những câu hỏi về bản chất công việc của Hunter Biden tại một công ty năng lượng của Ukraine, mặc dù ông dường như không có chuyên môn trong lĩnh vực này. Và những câu trả lời sẽ khiến Ukraine bị sa lầy hơn nữa vào cuộc khủng hoảng của Mỹ.

Ngoài ra, sẽ có những câu hỏi khó trả lời về việc Zelensky tỏ rõ thái độ sẵn sàng giúp đỡ Trump, mặc dù tất cả bằng chứng từ bản ghi chép các cuộc điện đàm do Nhà Trắng đưa ra đều cho thấy Zelensky đã làm giống như tất cả các nhà lãnh đạo khác trên thế giới khi phải đối mặt với các cuộc điện đàm bất ngờ của Trump.

Đó là tìm cách làm vừa lòng mà không gây mâu thuẫn với Tổng thống Mỹ, giống như cách hầu hết chúng ta đều làm để đối phó với lối suy nghĩ vòng vèo của một người thân trong gia đình, một người nói quá nhiều và thường là không phải về một điều gì cụ thể, nhưng lại không thể để mất lòng.

Do đó, trong ngắn hạn, vụ bê bối này có khả năng gây tổn hại tới Ukraine vì nó hoàn toàn phù hợp với logic của Nga, vốn luôn cho rằng Ukraine là một nhà nước tham nhũng, giống như một tổ chức tội phạm không đáng được thế giới đồng cảm và cũng không biết phải làm gì với sự đồng cảm đó.

Câu chuyện này đã trở thành chủ đề "hot" đối với giới truyền thông Nga, và dù tiến trình luận tội ở Mỹ kết thúc ra sao, thì Nga vẫn sẽ có thể xoay vần câu chuyện theo hướng có lợi cho mình.

Những lợi ích tiềm tàng

Tuy nhiên, về lâu dài, đây vẫn có thể là mối lợi lớn đối với Ukraine vì điều hiện đang trở nên khá rõ ràng là khoản viện trợ mà Quốc hội Mỹ đã phân bổ cho Ukraine sẽ phải được giải ngân khẩn cấp.

Hơn nữa, đối với Quốc hội - và đặc biệt là đối với Hạ viện do đảng Dân chủ lãnh đạo - Ukraine đã trở thành một biểu tượng mới của sự phản kháng đối với Trump, và do đó chắc chắn sẽ thu hút thêm các khoản tài trợ mới.

Điều tương tự đã diễn ra với NATO, liên minh quân sự do Mỹ dẫn dắt ở châu Âu, vốn thường bị Tổng thống Trump coi là một cơ chế cho phép các nước châu Âu trốn tránh nghĩa vụ chi trả cho hoạt động phòng thủ của chính họ.

Trump càng đưa ra những cáo buộc như vậy thì Quốc hội sẽ lại càng ủng hộ cho NATO. Gần đây, Tổng thư ký NATO đã trở thành người đầu tiên trong số các nhà lãnh đạo các tổ chức quốc tế được mời phát biểu trước Quốc hội Mỹ, nơi ông được các Nghị sĩ Dân chủ hoan nghênh nhiệt liệt.

Những điều này xuất phát từ các nghị sĩ từng không mấy quan tâm đến NATO, nhưng giờ đây lại coi NATO là một cách để vô hiệu hóa Trump.

Điều tương tự hoàn toàn cũng có thể xảy ra với Ukrane. Quả thật là, vấn đề chính của Ukraine có thể không đến từ Mỹ, nước có khả năng ủng hộ Ukraine thậm chí còn mạnh mẽ hơn, mà là từ các nước châu Âu hiện đang đẩy Tổng thống Ukraine vào một cuộc thỏa hiệp đầy khó khan. Ukraine có thể phải đối mặt với tình huống khi mà Mỹ ủng hộ thái độ không khoan nhượng đối với Nga, trong khi các nước châu Âu lại khuyên Kiev tỏ thái độ ôn hòa hơn.

Bất luận thế nào, tên tuổi của một trong những quốc gia lớn nhất nhưng đồng thời cũng là một trong những nước bị lãng quên nhiều nhất ở châu Âu đột nhiên đang được tất cả mọi người ở Mỹ nhắc tới – vốn có thể mang lại nhiều lợi thế và cả khó khăn cho Ukraine thời gian tới.

Song giữa việc được chú ý và không chú ý thì có vẻ như được chú ý vẫn sẽ là điều tốt hơn. Điều đó giống như trong một câu của nhà văn người Anh Oscar Wilde: "Điều duy nhất tồi tệ hơn việc được người ta nhắc tới là không được người ta nhắc tới"./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại