Cựu nữ Đại sứ Mỹ ở Ukraine “phản đòn”,Trump đứng trước nguy cơ bị phế truất

Trang Trần |

Những thông tin từ cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine, bà Maria Yovanovitch tại cuộc điều trần là chìa khóa quan trọng nhất luận tội Tổng thống Trump.

Bê bối luận tội Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày càng gay cấn khi cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine, bà Maria Yovanovitch bất ngờ tham gia cuộc điều trần kín trước Hạ viện vào cuối tuần qua. Những thông tin từ người phụ nữ này được cho là chìa khoá quan trọng nhất mà Đảng Dân chủ sẽ tung ra trong nỗ lực luận tội Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Maria Yovanovitch là ai?

Bà Yovanovitch từng giữ vị trí Đại sứ Mỹ tại Kiev từ năm 2016 đến tháng 5/2019 thì bị sa thải ngay trước thời gian hết nhiệm kỳ khoảng 2 tháng. Lý do chính được cho là do thiếu trung thành với chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tờ National Interest dẫn một thông báo của bà Yovanovitch cho biết, bà bị sa thải vào mùa Xuân năm ngoái vì áp lực từ Tổng thống Trump và cả một chiến dịch được dàn dựng để chống lại bà. Nữ cựu Đại sứ nghi ngờ khả năng các trợ tá của ông Rudy Giuliani - luật sư cá nhân cho ông Trump (người có liên quan đến việc bà bị sa thải) đã lập mưu để hưởng lợi về tài chính từ việc bà ra đi.

Cũng theo lời khai của bà Yovanovitch, khi hay tin bị sa thải, bà nhận được thông báo từ Thứ trưởng Bộ Ngoại giao John Sullivan cho biết, “ông Trump mất tín nhiệm với bà và Bộ Ngoại giao bị Tổng thống gây áp lực buộc sa thải bà từ mùa hè năm 2018”.

Cựu nữ Đại sứ Mỹ ở Ukraine “phản đòn”,Trump đứng trước nguy cơ bị phế truất - Ảnh 2.

Bà Maria Yovanovitch.

Nữ cựu Đại sứ Ukraine cho rằng bà đã bị cho thôi vị trí vì những “cáo buộc sai phạm, vô lý từ những người có động cơ đáng ngờ”, ám chỉ hành động của luật sư Giuliani và trợ tá của ông khi lập mưu để đưa bà ra khỏi vị trí Đại sứ. Nhà ngoại giao chuyên nghiệp này còn cho biết, bà đã nghe thấy nhiều quan chức trong Chính phủ Ukraine nói rằng ông Giuliani dựng chuyện về mình.

Hiện nay, dù nhà ngoại giao này bị sa thải khỏi vị trí Đại sứ tại Ukraine nhưng vẫn đang làm việc trong Bộ Ngoại giao Mỹ.

Theo CNN, bà Yovanovitch đã tham gia cuộc điều trần bất chấp Nhà Trắng yêu cầu quan chức ngành Ngoại giao không nên tham gia vào các cuộc điều tra luận tội của Hạ viện và không nên ra mặt để điều trần.

Lời khai của bà Yovanovitch là mấu chốt

Phía Đảng Dân chủ đang tố cáo ông Trump cho rằng lời khai của cựu Đại sứ Yovanovitch là mấu chốt trong cuộc luận tội ông Trump. Hạ nghị sĩ Sean Patrick Maloney, thành viên đại diện đảng Dân chủ tại New York tại Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ cho biết, bà Yovanovitch đã đưa ra những thông tin bất ngờ và rất đáng quan tâm về cáo buộc lạm dụng quyền lực của Tổng thống.

Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Adam Schiff, một thành viên đảng Dân chủ viết trong thư gửi tới đồng nghiệp rằng, cuộc luận tội đang đi tới hồi gay cấn và các Ủy ban của hạ viện dự kiến sẽ thông báo thêm bằng chứng từ những người chứng kiến liên quan trong vài ngày tới.

Phía đảng Cộng hoà không tin lời khai từ bà Yovanovitch có những chi tiết quan trọng củng cố cuộc luận tội của đảng Dân chủ mà cho rằng, cần phải công khai rộng thông tin đó và phe thiểu số tại Hạ viện cần có quyền đệ trát hầu toà.

Họ biện minh cho việc Nhà Trắng ngăn chặn những người như bà cựu Đại sứ ra điều trần vì những người theo đảng Dân chủ tại Hạ viện không thực hiện theo đúng tiến trình luận tội chính thức.

Vụ luận tội diễn biến như thế nào?

Nội dung điều tra xoay quanh cuộc nói chuyện điện thoại giữa ông Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào ngày 25/7 vừa qua, để tìm ra thực hư chuyện ông Trump gây áp lực buộc Ukraine phải điều tra gia đình ứng cử viên Tổng thống Joe Biden của Đảng Dân chủ với cáo buộc tham nhũng.

Ông Joe Biden (Phó Tổng thống Mỹ giai đoạn từ tháng 1/2009 đến tháng 1/2017, một trong những người từng đảm trách quan hệ bang giao với chính quyền Ukraine) hiện cũng là một trong những ứng viên sáng giá của Đảng Dân chủ cho cuộc đua vào ghế Tổng thống Mỹ năm 2020.

Con trai ông là Hunter Biden từng là thành viên HĐQT của Burisma - công ty khí đốt lớn nhất Ukraine trong thời gian từ 2014 đến tháng 4/2019. Cũng liên quan đến vấn đề Ukraine, một người tố giác (whistleblower) đã gửi đơn lên Quốc hội Mỹ tố cáo ông Trump cố tình cắt tiền viện trợ quân sự cho Ukraine buộc nước này điều tra ông Joe Biden, giúp ông rộng đường bầu cử năm 2020. Người tố giác này còn cho rằng Nhà Trắng đã cố gắng che giấu nội dung của cuộc điện thoại giữa hai nhà lãnh đạo.

Tổng cộng có 6 Ủy ban của Hạ viện (do Đảng Dân chủ chiếm đa số) tham gia vào cuộc điều tra luận tội ông Trump. Tới đây, ngoài nhà ngoại giao Yovanovitch, sẽ còn có Đại sứ Mỹ tại Liên minh châu Âu Gordon Sondland và 2 quan chức Bộ Ngoại giao khác dự kiến ra làm chứng.

Lộ trình sắp tới có thể là khi Hạ viện kết thúc điều tra, họ sẽ soạn thảo văn bản luận tội. Sau đó, cơ quan này tổ chức bỏ phiếu từ cấp Ủy ban Tư pháp Hạ viện. Nếu Ủy ban này nhất trí với các điều khoản mà văn bản luận tội đưa ra thì sẽ đến toàn Hạ viện bỏ phiếu.

Trong trường hợp Hạ viện thông qua, thành lập cáo trạng với ông Trump, vụ việc sẽ được đưa lên Thượng viện. Tại đây, Chánh án Tòa án Tối cao John Roberts sẽ chủ trì một buổi xét xử được truyền hình trực tiếp. Toàn bộ 100 Thượng nghị sĩ sẽ có mặt và đóng vai bồi thẩm đoàn. Nếu ít nhất 67 Thượng nghị sĩ đồng ý, Tổng thống sẽ bị luận tội cuối cùnglà bị phế truất.

Nhưng phức tạp ở chỗ, Thượng viện lại do Đảng Cộng hoà của ông Trump chiếm đa số nên khả năng Tổng thống bị luận tội không cao. Thực chất, trong quá khứ, chưa có Tổng thống Mỹ nào bị Thượng viện luận tội.

Chẳng hạn, năm 1998, Tổng thống Bill Clinton đã bị Hạ viện luận tội nhưng cuối cùng tới Thượng viện, cơ quan này lại ra phán quyết ông trắng án và ông Bill Clinton tiếp tục làm Tổng thống đến hết nhiệm kỳ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại