Ý đồ của Thổ Nhĩ Kỳ là gì khi tấn công vào trong lãnh thổ Syria? Ngay sau khi điều động binh lính và khí tài quân sự dọc tuyến biên giới dài 80km ở 2 thị trấn Akcakale và Ceylanpinar giáp với Syria, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan (9/10) đã triển khai chiến dịch quân sự nhằm vào khu vực người Kurd ở miền Bắc Syria.
Lực lượng tham chiến của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bao gồm 2 lữ đoàn thiết giáp, 2 lữ đoàn bộ binh cơ giới, 1 lữ đoàn biệt kích và 2 tiểu đoàn hiến binh chiến thuật với tổng số khoảng 6.000 binh sỹ, kết hợp với khoảng 5.000 binh lính tại chỗ thuộc lực lượng Quân đội quốc gia Syria (SNA) thân Thổ Nhĩ Kỳ.
Cuộc tấn công này diễn ra sau khi Mỹ rút 50 nhân sự thuộc lực lượng đặc nhiệm đóng quân ở Tell Abyad và Ras al-Ayn miền Bắc Syria.
Kế hoạch 3 giai đoạn
Giai đoạn đầu, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thiết lập một số căn cứ quân sự quy mô cấp trung đoàn, đóng dọc chiều dài tuyến đường giáp biên giới với sự hỗ trợ của lực lượng lựu pháo 155mm và pháo phản lực đa nòng từ phía lãnh thổ nước này.
Giai đoạn này sẽ được thực hiện một cách khá đơn giản và không cần có sự hỗ trợ của không quân. Trong khi đó, lực lượng vũ trang người Kurd là YPG không có dấu hiệu kháng cự quyết liệt mà đã tự phá hủy căn cứ và rút lui vào sâu trong lãnh thổ Syria.
Vấn đề ở đây là liệu quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng ủy nhiệm SNA chỉ hoạt động ở vùng nông thôn hay tiến vào khu vực thành thị như Tell Abyad, Ras al-Ayn và Aziziyah. Nếu họ tiến vào khu vực thành thị thì chiến sự sẽ trở nên khốc liệt và nhiều thương vong hơn, song Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ chiếm đóng luôn những khu vực này.
Trong trường hợp vấp phải sự kháng cự mạnh, Ankara sẽ dựa phần lớn vào 100 drone chiến đấu loại TB2, 12 drone chiến đấu loại ANKA và 155 khẩu pháo Storm đã được bố trí ở Afrin từ năm ngoái với sự hỗ trợ của máy bay tiêm kích F16 và trực thăng tấn công T129.
Các phương tiện của Thổ Nhĩ Kỳ tiến về biên giới Syria ngày 9/10. Ảnh: Burak Kara/Getty Images
Trước mắt, Thổ Nhĩ Kỳ không vội tiến xuống phía Nam mà sẽ chờ kết quả cuộc gặp giữa ông Erdogan và Tổng thống Mỹ Trump ngày 13/10. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ áp dụng chiến thuật "vừa đánh vừa đợi" trong vòng 3 đến 4 tuần để kiểm chứng khả năng kháng cự của YPG và đánh giá phản ứng ngoại giao của Mỹ, Nga, Iran, Syria, Iraq và động thái chung của người Kurd.
Giai đoạn hai, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ điều thêm một số lữ đoạn lục quân tăng viện cho lực lượng đã triển khai ở giai đoạn đầu nhằm mở rộng phạm vi hoạt động xuống phía Nam và mở mặt trận mới phía Đông ở Manbij hòng kiểm soát đường cao tốc M4 và các thị trấn Ain Issa, Tal Tamr và Hasakah.
Giai đoạn này dự kiến kéo dài trong 6 tháng và sẽ có sự hỗ trợ tác chiến của không quân. Trong cuộc tấn công ngày 10/10, các máy bay chiến đấu F16 của Thổ Nhĩ Kỳ đã xâm nhập không phận Syria. Điều này cho thấy đã có sự thỏa thuận ngầm giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ về việc Mỹ "bật đèn xanh" cho máy bay Thổ Nhĩ Kỳ bay qua không phận do quân đội Mỹ kiểm soát.
Việc có sự hỗ trợ của không quân trong chiến đấu thực địa ở giai đoạn này là vô cùng quan trọng. Trước đó, trong chiến dịch tấn công Arfin từ tháng 1-3/2018, khi mà lực lượng phòng không Nga đang kiểm soát ở đây, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã được phép sử dụng không phận để tiến hành tác chiến.
Trong giai đoạn này, như mục tiêu Tổng thống Erdogan đã trình bày ở kỳ họp Đại hội đồng LHQ vừa qua là thiết lập được một "vùng đệm an toàn" kiểm soát chiều dài 480km, chiều rộng 30km, chủ yếu nằm trọn tuyến cao tốc huyết mạch M4 ở miền Bắc Syria.
Ảnh minh họa: Nazeer Al-khatib / AFP
Giai đoạn cuối cùng, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đẩy trả 2 triệu người Syria tị nạn về nước, xây dựng khu tái định cư trong khu vực hướng xuống phía Nam, từ Raqqa xuống bờ bắc sông Euphrates. Điều này đồng nghĩa với việc, lực lượng YPG sẽ phải từ bỏ vùng tự trị ở Đông Bắc Syria và không còn khả năng kháng cự tại đây.
Tuy nhiên, trước khi rút lui, quân YPG sẽ rút khỏi Deir ez-Zor khiến quân Mỹ giảm ưu thế so với lực lượng quân đội của Tổng thống Assad được Nga hỗ trợ và lực lượng phiến quân có liên hệ với IS được Iran ngầm ủng hộ. Do đó, khó có khả năng Mỹ "buông hẳn" YPG vì trên thực tế Mỹ cũng cần YPG để kiềm chế Assad và ngăn chặn IS.
Ý đồ của liên minh Nga-Iran-Syria.
Tại Hội nghị thượng đỉnh 3 bên Nga - Iran - Thổ Nhĩ Kỳ tại Ankara vừa qua, cả Nga và Iran đều tỏ thái độ im lặng, ngầm "bật đèn xanh" cho Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân vào lãnh thổ Syria và hối thúc Ankara - Damascus thực thi Nghị định thư Adana năm 1998, thống nhất hành động chung nhằm ngăn chặn hoạt động của PKK tại Syria.
Đây là áp lực khiến Thổ Nhĩ Kỳ phải cân nhắc phối hợp với Syria. Cả Nga và Iran đều đặt mục tiêu hàng đầu là Mỹ phải rút toàn bộ sự hiện diện quân sự tại Syria nên đều đang "tọa sơn quan hổ đấu", song sẵn sàng can dự với vai trò trung gian hòa giải giữa Ankara và YPG.
Chiến dịch này sẽ đi tới đâu?
Trên thực địa, một vài ngày tới, Ankara sẽ tăng cường các hoạt động tình báo biệt kích và điều động lực lượng ủy nhiệm tại chỗ SNA dọc sông Euphrates theo hướng Tây - Đông nhằm cô lập lực lượng phiến quân trong khu vực Idlib mà không thể hiện sự khiêu khích với lực lượng quân đội chính quy của Assad.
Ảnh minh họa: Bakr Alkasem/AFP
Ở trong nước, nhiều khả năng Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ sẽ vấp phải một làn sóng phản đối của cộng đồng người Kurd khắp cả nước. Tuy nhiên, đây không phải vấn đề khó khăn do Thổ Nhĩ Kỳ đủ tiềm lực để kiểm soát tình hình nội trị, cũng như được sự ủng hộ của người dân với tinh thần dân tộc Đại Ottoman.
Trong khi đó, YPG cũng có thể sẽ tiến hành các vụ tấn công phá hoại nhỏ lẻ bằng súng phóng lựu vào một số vị trí ở bên kia biên giới, song không đủ để đe dọa Thổ Nhĩ Kỳ.
Khả năng xung đột vũ trang bùng phát giữa quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và phiến quân YPG ở bờ Đông sông Euphrates đã được giới phân tích cảnh báo từ 2 năm trước đây. Tuy nhiên, trong những diễn biến hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ là bên khơi mào nhưng khó có thể là bên chủ động kết thúc được cuộc chiến.
Ankara phụ thuộc nhiều vào cạnh tranh địa chiến lược Nga - Mỹ. Bởi vậy, thực tế là diễn tiến, quy mô, phạm vi và thời hạn của chiến dịch quân sự này sẽ được quyết định bởi Nga và Mỹ.
Ngoài ra, phản ứng và sự can dự của chính quyền Assad, lực lượng chủ lực của người Kurd tại Erbil hay từ phía Iran và Iraq cũng là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chiến dịch này của Thổ Nhĩ Kỳ. Kết quả trên thực địa sẽ được quyết định bởi lựa chọn của các nhân tố khác, chứ không nằm trong khả năng của Thổ Nhĩ Kỳ hay YPG.
Rõ ràng là sức mạnh quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ là vượt trội so với YPG, song lại không phải là nhân tố quyết định. Vậy thì liệu Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đẩy chiến dịch này tới đâu trước viễn cảnh mờ mịt và không hạn định như hiện nay?