Chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria sẽ "tịt ngòi" vì thiếu vũ khí phương Tây?

Trà Khánh |

Một loạt các quốc gia châu Âu đã tuyên bố tạm dừng xuất khẩu vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ để bày tỏ sự phản đối với chiến dịch quân sự mà Ankara đang tiến hành ở miền Bắc Syria.

Đồng minh châu Âu quay lưng lại với Thổ Nhĩ Kỳ

Cuối tuần vừa qua nhiều quốc gia châu Âu thuộc khối quân sự NATO đều đồng loạt tuyên bố tạm dừng xuất khẩu vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ như một động thái nhằm ngăn cản Ankara tiếp tục chiến dịch quân sự ở miền Bắc Syria nhằm chống lại lực lượng dân quân Các Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG).

Tuần báo Bild Am Sonntag của Đức hôm 12/10 dẫn lời Ngoại trưởng nước này Heiko Maas cho biết Berlin đã ra lệnh cấm xuất khẩu vũ khí tới Thổ Nhĩ Kỳ để phản đối chiến dịch quân sự của Ankara tại miền Bắc Syria.

Chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria sẽ tịt ngòi vì thiếu vũ khí phương Tây? - Ảnh 1.

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đứng trước nguy cơ hết bom đạn để đánh người Kurd khi nguồn cung vũ khí từ châu Âu bị cắt. Ảnh: DNA India.

Ngoại trưởng Heiko Maas nêu rõ: "Để phản đối chiến dịch quân sự của Ankara tại Đông Bắc Syria, Chính phủ Liên bang sẽ không cấp phép cho tất cả các trang thiết bị quân sự có thể được Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng tại Syria".

Cũng theo Bild Am Sonntag, năm 2018, Đức đã xuất khẩu lượng vũ khí trị giá 243 triệu EURO (tương đương 268 triệu USD) cho Thổ Nhĩ Kỳ, chiếm 1/3 tổng xuất khẩu vũ khí của Đức trị giá 771 triệu EURO.

Trước đó, ngày 10/10 chính phủ Phần Lan cũng đã tuyên bố sẽ ngừng toàn bộ hoạt động xuất khẩu vũ khí cho Ankara. Mặc dù nước này vừa phê duyệt hợp đồng xuất khẩu máy bay không người lái (UAV) cho Thổ Nhĩ Kỳ cách đây chỉ 3 tuần.

Ngoài hai quốc gia trên thì nhiều nước châu Âu khác như Pháp, Tây Ban Nha, Hà Lan và Na Uy cũng có những động thái tương tự.

Đồng thời các nước này cũng tuyên bố, các lệnh cấm vận vũ khí hiện tại chỉ được dỡ bỏ khi Thổ Nhĩ Kỳ dừng chiến dịch "Mùa xuân Hòa bình" ở Bắc Syria và chấm dứt các hành động thù địch với người Kurd.

Bên cạnh việc cấm vận vũ khí, các nước thành viên chủ chốt của NATO tại châu Âu cũng bắt đầu gây áp lực lên Ankara khi đòi xem xét lại tư cách thành viên của Thổ Nhĩ Kỳ. Bởi trong thời gian gần đây Ankara liên tiếp có các hành động đi ngược lại với lợi ích của liên minh quân sự này. Trong đó đỉnh điểm là việc mua các tên lửa S-400 của Nga.

Mất nguồn cung vũ khí, Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ lâm nguy?

Mặc dù có nền công nghiệp quốc phòng khá phát triển trong khu vực thế nhưng quân đội lớn thứ 9 thế giới của Thổ Nhĩ Kỳ (theo xếp hạng của Global Firepower 2019) vẫn phải nhập khẩu số lượng lớn vũ khí hàng năm để duy trì sức mạnh quân sự của mình. Hầu hết số vũ khí này có nguồn gốc từ châu Âu và Mỹ.

Các lệnh cấm vận vũ khí từ châu Âu sẽ tác động trực tiếp đến sức chiến đấu của Lục quân Thổ Nhĩ Kỳ bởi hầu hết trang bị của lực lượng này đều do Đức, Mỹ hoặc một số nước châu Âu chế tạo. Trong đó, số lượng vũ khí Đức có trong biên chế Lục quân Thổ Nhĩ Kỳ chiếm tới 1/3, từ khẩu súng trường cho đến cả xe tăng đều được nhập khẩu.

Chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria sẽ tịt ngòi vì thiếu vũ khí phương Tây? - Ảnh 3.

Nhiều bằng chứng cho thấy xe tăng Leopard 2A4 của Thổ Nhĩ Kỳ đang tham gia chiến dịch "Mùa xuân Hòa bình" ở Bắc Syria. Ảnh: The Drive.

Ví dụ tốt nhất cho thấy ảnh hưởng của lệnh cấm vũ khí từ Đức đó chính là Lục quân Thổ Nhì Kỳ sẽ mất đi khả năng duy trì sức chiến đấu cho các đơn vị xe tăng Leopard 2A4, một trong những dòng xe tăng chiến đấu chủ lực của Thổ Nhĩ Kỳ. Số xe tăng Leopard 2A4 đang tham gia chiến dịch "Mùa xuân Hòa bình" ở Bắc Syria hiện nay là không nhỏ.

Cụ thể, phía Đức hoàn toàn có thể ngưng các hợp đồng cung cấp đạn dược hay các thiết bị hậu cần cho Leopard 2A4, từ đó làm giảm đi sức chiến đấu của số xe tăng này. Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ vẫn có các kho hậu cần dự trữ cho Leopard 2A4 nhưng nếu chiến dịch ở miền Bắc Syria kéo dài, các kho dự trữ chiến lược cũng sẽ sớm cạn kiệt.

Ngoài Lục quân, Không quân Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ chịu ảnh hưởng bởi các lệnh cấm vận hiện tại dù không nhiều, vì "may mắn" cho Thổ Nhĩ Kỳ là lần này người Mỹ "ngầm" đứng về phía họ trong chiến dịch "Mùa Xuân Hòa bình". Bởi lẽ, Không quân Thổ Nhĩ Kỳ được xây dựng gần như 100% dựa trên các hệ thống vũ khí của Mỹ.

Chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria sẽ tịt ngòi vì thiếu vũ khí phương Tây? - Ảnh 4.

F-16C/D - dòng chiến đấu cơ chủ lực của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ, và để vận hành 245 chiếc F-16 Ankara phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung vũ khí của Mỹ. Ảnh: The Drive.

Tuy nhiên, thời gian Washington có thể "nhắm mắt làm ngơ" cho Ankara ở miền Bắc Syria có lẽ sẽ không kéo dài nếu như Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có những hành động vượt quá giới hạn. Khi đó, Không quân Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là đối tượng bị Mỹ cấm vận đầu tiên.

Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ vẫn có thể tự sản xuất vũ khí để phục vụ các yêu cầu quân sự của mình nhưng nguồn cung tự chủ hiện tại không cho phép họ thực hiện các hoạt động quân sự kéo dài. Trong khi đó, vũ khí do Thổ Nhĩ Kỳ chế tạo vẫn dựa vào các trang thiết bị và máy móc nhập khẩu từ bên ngoài.

Nhìn chung, các lệnh cấm của châu Âu hay cả Mỹ trong thời gian tới sẽ không làm giảm quyết tâm của Ankara trong chiến dịch "Mùa xuân Hòa bình" cho tới khi họ đạt được mục tiêu đặt ra. Thổ Nhĩ Kỳ vẫn có thể tìm đến các nguồn cung vũ khí mới để bù đắp sự thiếu hụt hiện tại.

Tuy nhiên, nếu các hoạt động quân sự ở miền Bắc Syria kéo dài quá lâu sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, thậm chí có thể khiến Ankara sa lầy vào cuộc chiến ở Syria. Trong khi đó, các lệnh cấm vũ khí hiện tại hoàn toàn có thể được mở rộng thành cấm vận kinh tế, hoặc tệ hơn Ankara có thể mất đi vị thế của mình ở NATO và Liên minh châu Âu.

Nga, Syria bắt tay với người Kurd để chống Thổ Nhĩ Kỳ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại