Vì sao có Pantsir-S1 tối tân từ Nga nhưng PK Iraq bất lực, bị KQ Israel mặc sức "hành hạ"?

Trà Khánh |

Sự thật đáng buồn là kể từ sau 2003, Iraq gần như mất đi khả năng tự bảo vệ vùng trời của mình khi lực lượng phòng không của nước này đã bị Mỹ xóa sổ.

Phòng không Iraq đang làm gì khi F-35 Israel tấn công Bagdad?

Theo đó việc Israel liên tiếp tiến hành các cuộc không kích vào các căn cứ và kho vũ khí thân Iran nằm sâu bên trong lãnh thổ Iraq đã một lần nữa rung lên hồi chuông báo động về năng lực phòng không của Baghdad, đồng thời khiến giới quan sát đặt ra câu hỏi liệu phải chăng lực lượng Phòng không Iraq không còn tồn tại?

Trước đó vào hôm 21/8, theo nhiều nguồn tin từ Iraq cho biết, một căn cứ của lực lượng dân quân bán vũ trang PMU Iraq nằm gần sân bay quân sự Balad ở phía Bắc Thủ đô Bagdad của Iraq đã bị không kích và nhiều khả năng là do các tiêm kích tàng hình F-35I của Israel thực hiện.

Đây không phải lần đầu tiên truyền thông nước ngoài, đặc biệt là các kênh bằng tiếng Ả Rập, đưa tin về sự xuất hiện của F-35I trong các sứ mệnh tại Syria, Iraq hoặc Iran.

Vì sao có Pantsir-S1 tối tân từ Nga nhưng PK Iraq bất lực, bị KQ Israel mặc sức hành hạ? - Ảnh 1.

Với năng lực phòng không của Iraq hiện tại, chiến đấu cơ Israel có thể ra vào mà không cần "xin phép".

Trong cuối tháng 7 vừa qua, Không quân Israel cũng được cho là đã tiến hành nhiều vụ không kích nhằm vào các kho chứa vũ khí và tên lửa ở đông-bắc Baghdad, Iraq. Điều đáng chú ý là một trong các cuộc không kích là do F-35I thực hiện.

Việc các chiến đấu của Israel mà trong đó đặc biệt là F-35I dễ dành ra vào không phận Iraq để thực hiện các cuộc tấn công chớp nhoáng khiến dư luận nước này hoài nghi về năng lực bảo vệ đất nước của Quân đội Iraq. Tuy nhiên có một sự thật đáng buồn là kể từ sau 2003, Iraq gần như mất đi khả năng bảo vệ vùng trời của mình.

Nhận xét này không hề bị cường điệu hóa khi không phải bây giờ mà từ các cuộc chiến tranh trước đây như Chiến tranh Vùng Vịnh (1990), Chiến tranh Iraq (2003), lực lượng Phòng không Irag bị tê liệt hoàn toàn trước các đòn tấn công của liên quân mà trong đó đi đầu là Mỹ.

Theo đó vai trò của lực lượng Phòng không lẫn Không quân Iraq trong cả hai cuộc chiến trên là rất nhỏ nếu không muốn nói họ không hề tham gia bất cứ trận đánh lớn nào. Việc này xuất phát từ việc người Iraq hiểu rõ chênh lệch năng lực tác chiến quá lớn từ trên không cho đến dưới mặt đất giữa họ và người Mỹ.

Mặt khác việc Quân đội Iraq tập trung hầu hết các tổ hợp phòng không mạnh nhất của mình xung quanh Baghdad trong cả hai cuộc chiến dẫn đến việc chúng dễ dàng bị phân loại và vô hiệu hóa ngay khi xung đột nổ ra.

Trong giai đoạn này Lực lượng Phòng không Iraq được trang bị chủ các loại vũ khí phòng không do Liên Xô chế tạo, trong đó nổi bật có thể kể tới các tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung như S-75, S-125, 2K12 Kub đây đều là các tổ hợp có đủ khả năng vươn tới tầm bay của các máy bay chiến đấu hay máy bay ném bom của Mỹ thời điểm đó.

Tuy nhiên, những gì đã diễn ra trong cả Chiến tranh Vùng Vịnh và Chiến tranh Iraq đã cho chúng ta thấy rõ sự yếu kém của Phòng không Iraq, ở đây không chỉ về mặt trang bị mà còn cả tinh thần và năng lực tác chiến của binh sĩ.

Vì sao có Pantsir-S1 tối tân từ Nga nhưng PK Iraq bất lực, bị KQ Israel mặc sức hành hạ? - Ảnh 3.

Binh sĩ Mỹ kiểm tra một bệ phóng tên lửa phòng không S-125 của Quân đội Iraq sau cuộc chiến năm 2003. Ảnh: Global Security.

Trong cả hai cuộc chiến tổng số máy bay của Mỹ bị phòng không Iraq bắn hạ là 32 trường hợp, trong đó Chiến tranh Vùng Vịnh có 25 trường hợp còn Chiến tranh Iraq là 7. Những con số này thật sự là quá nhỏ so với quy mô của hai cuộc chiến và để đạt được kết quả này Quân đội Iraq của nhà lãnh đạo Saddam Hussein đã phải trả giá không ít.

Quay lại thời điểm hiện tại, sau hàng chục năm xung đột thật khó để có thể có được một đánh giá cụ thể về năng lực phòng không của Iraq bởi nền tảng cơ bản nhất của lực lượng này có đã không còn sau cuộc chiến năm 2003. Thậm chí nếu các tổ hợp phòng không này còn nguyên vẹn thì chúng cũng chẳng thể hoạt động được.

Từ những điểm trên có thể thấy việc yêu cầu phòng không Iraq hay cả không quân nước này tiến hành ngăn chặn các cuộc xâm nhập của chiến đấu cơ Israel là điều quá sức đối với họ, kể cả khi Baghdad muốn thì điều này cũng không thể.

Ở một chiều hướng khác đã từ lâu việc bảo vệ không phận Iraq đã được chính quyền Baghdad phó mặc cho người Mỹ, thì việc chiến đấu cơ Israel đến và đi là điều hoàn toàn có thể dễ hiểu. Ở Israel thậm chí không cần dùng đến F-35I thì họ vẫn có thể đạt được những gì mà mình thông qua các cuộc không kích Iraq trong thời gian qua.

Lực lượng Phòng không Iraq hiện tại có những gì?

Năng lực phòng không yếu kém đã được Quân đội Iraq và chính quyền Baghdad nhìn nhận trong suốt nhiều năm, tuy nhiên trước các bất ổn về chính trị trong nước cũng như cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS đã khiến kế hoạch tái vũ trang quân đội nói chung và lực lượng phòng không nói riêng của Iraq gặp nhiều trở ngại.

Có thể nói Quân đội Iraq hiện tại đang xây dựng lại lực lượng phòng không từ con số "0" và để có thể thành lập các đơn vị phòng không một cách nhanh nhất Baghdad đã dựa vào người Mỹ.

Vì sao có Pantsir-S1 tối tân từ Nga nhưng PK Iraq bất lực, bị KQ Israel mặc sức hành hạ? - Ảnh 4.

Hệ thống phòng không tầm gần AN/TWQ-1 Avenger của Quân đội Iraq. Ảnh: Military Edge

Thông qua các hợp đồng vũ khí tỷ USD, các công ty quốc phòng Mỹ nhanh chóng chào bán cho Quân đội Iraq các hệ thống vũ khí phòng không đầu tiên và danh sách các loại vũ khí này bị kiểm soát bởi Washington.

Theo đó trong năm 2016, Iraq đang đàm phán mua từ Mỹ hơn 2.4 tỷ USD vũ khí phòng không gồm: 40 hệ thống phòng không tầm thấp AN/TWQ-1 Avenger, 681 tên lửa phòng không FIM-92H Stinger, 3 hệ thống tên lửa phòng không MIM-23 Hawk, 13 đài radar cảnh giới tầm trung AN/MPQ-64F1 Sentinel và 7 hệ thống chỉ huy AN/YSQ-184D.

Những hệ thống vũ khí cũng như giá trị của hợp đồng trên nghe qua có vẻ ấn tượng nhưng thật chất, khả năng tác chiến phòng không mà chúng mang lại cho Quân đội Iraq là không nhiều và hầu hết trong số đó đều là các tổ hợp phòng không tầm ngắn hoặc tầm trung đã quá lỗi thời.

Có lẽ lường trước được điều này mà từ đầu những năm 2010 Quân đội Iraq đã tìm đến người Nga để tăng cường năng lực lượng phòng không của mình thông qua thương vụ mua từ 40-50 tổ hợp pháo–tên lửa phòng không Pantsir-S1 tối tân, một phần trong hợp đồng vũ khí trị giá hơn 5 tỷ USD giữa Baghdad và Moscow .

Vì sao có Pantsir-S1 tối tân từ Nga nhưng PK Iraq bất lực, bị KQ Israel mặc sức hành hạ? - Ảnh 5.

Thất vọng với vũ khí phòng không của Mỹ, người Iraq một lần nữa tìm đến các tổ hợp phòng không của Nga. Ảnh: Iraq News.

Bên cạnh Pantsir-S1, Quân đội Iraq còn quay lại sử dụng các tổ hợp tên lửa phòng không vác vai (MANPADS) của Nga như Strela-2, Strela-3 và cả Igla-1E. Có thể thấy đối với Quân đội Iraq, tổ hợp phòng không hiện đại nhất mà họ có chính Pantsir-S1 và ý tưởng sử dụng tổ hợp này để đánh chặn chiến đấu cơ Israel là nhiệm vụ bất khả thi. 

Bởi theo thông số kỹ thuật do nhà chế tạp KBP Tula công bố thì Pantsir-S1 chỉ là một tổ hợp phòng không tầm ngắn với vũ khí chính là pháo tự động 30mm và tên lửa đất đối không 57E6-E có tầm tác chiến hiệu quả chỉ từ 4-20km, trần bắn 15km, đủ để bắn F-35 (trần bay tối đa gần 15.000m).

Tuy nhiên, do phòng không Iraq không có hệ thống radar cảnh giới nhìn vòng đủ mạnh để phát hiện sớm, từ xa tiêm kích tàng hình F-35 để các kíp chiến đấu tên lửa Pantsir-S1 chuyển cấp chiến đấu, kịp thời khai hỏa.

Vậy nên, dù đủ khả năng vươn tới độ cao mà F-35 thường hoạt động nhưng Pantsir-S1 Iraq vẫn chưa đủ sức đụng được tới máy bay Israel.

Bên cạnh đó, Quân đội Iraq còn thiếu các hệ thống radar trinh sát và cảnh giới đa tầng cho phép phát hiện các mối đe dọa từ trên không từ xa, từ đó có phương án đánh chặn phù hợp. Có thể nói ngay khi bắt đầu Phòng không Iraq gần như không có cơ hội ngăn chặn các máy bay Israel xâm phạm không phận của nước này.

Chính điều này đã dẫn đến một khả năng là trong tương lai không xa Iraq có thể sẽ để mắt tới việc trang bị cho mình các tổ hợp phòng không và radar cảnh giới tầm xa. Nếu điều đó diễn ra các tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-300 và S-400 của Nga được xem là ứng cử viên tiềm năng nhất. Ngoài ra còn có các hệ thống tên lửa đánh chặn tầm xa Patriot của Mỹ.

Việc Baghdad mua các tổ hợp phòng không tầm xa trong tương lai còn phụ thuộc ít nhiều vào môi trường chính trị của nước này dù là mua của Nga hay Mỹ. Bởi việc Iraq sở hữu một thứ vũ khí nguy hiểm như S-400 hay Patriot có thể sẽ làm thay đổi cán cân quân sự trong khu vực.

Với những thách thức trên chặng đường để Lực lượng Phòng không Iraq có thể tự bảo vệ được vùng trời của mình xem ra còn quá xa vời. Trong khi đó các mối đe dọa trên không đến từ các thế lực thù địch đối với Baghdad luôn luôn hiện hữu đặt ra một thử thách không hề nhỏ cho một lực lượng phòng không còn "non trẻ" của Iraq.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại