Iran bắt thêm tàu chở dầu: “Thùng thuốc súng” vùng Vịnh sắp phát nổ?

Thu Hoài |

Iran hôm qua (4/8) thông báo bắt giữ một tàu chở dầu nước ngoài tại vùng Vịnh do nghi ngờ chở hàng lậu.

Đây cũng là con tàu thứ 3 mà nước này cho biết là buộc phải lai dắt về cảng do vi phạm luật hàng hải trong chưa đầy 1 tháng qua. Vụ việc được cho là sẽ tiếp tục “làm dậy sóng” một khu vực, vốn đang không ngừng nóng lên với những căng thẳng giữa Iran và Mỹ, cùng các đồng minh.

Truyền hình nhà nước Iran đưa tin Lực lượng Vệ binh cách mạng nước này (IRGC) đã bắt giữ một tàu chở dầu của nước ngoài, cùng 7 thủy thủ tại vùng Vịnh. Thông báo không nêu rõ quốc tịch của con tàu, song cho biết, trên tàu chở 700.000 lít nhiên liệu lậu và đang trên đường hướng về các nước Arab. Con tàu hiện đã được chuyển đến cảng Bouchehr ở miền Nam, trong khi số nhiên liệu lậu được bàn giao cho chính quyền phối hợp với tòa án Iran để xử lý.

Đây là con tàu thứ 3 bị Iran bắt giữ kể từ ngày 14/7 vừa qua tại vùng Vịnh, nơi trung chuyển của 1/3 lượng dầu mỏ thế giới. Trước đó, hôm 14/7, Iran đã bắt giữ tàu chở dầu Stena Impero treo cờ Anh do “vi phạm luật hàng hải quốc tế”.

Tuy nhiên, theo phía Anh, vụ bắt giữ là nhằm trả đũa việc chính quyền vùng lãnh thổ Gibraltar thuộc Anh ngày 4/7 bắt giữ tàu chở dầu Grace 1 của Iran với lý do tàu này vi phạm các trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) đối với Syria.

Trong một phản ứng mới nhất ngay sau vụ bắt giữ, một nguồn tin chính phủ Anh cho biết, không có tàu nào mang cờ Anh bị mất liên lạc vào ngày hôm qua (4/8) và không có dấu hiệu nào cho thấy công dân Anh nằm trong số thủy thủ đoàn bị bắt giữ.

Theo các nhà phân tích, vụ bắt giữ mới nhất này có nguy cơ làm trầm trọng hơn nữa những căng thẳng đang không ngừng leo thang kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân hồi giữa năm 2018 và sau đó là tái áp đặt trừng phạt chống nước cộng hòa Hồi giáo, với quyết tâm đưa xuất khẩu dầu mỏ của Iran về con số 0.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhấn mạnh: “Các biện pháp trừng phạt đã rất hiệu quả, chúng tôi sẽ trừng phạt bất kỳ công ty, quốc gia nào tiếp tục vi phạm. Mục đích cao nhất là không cho phép nước Cộng hòa Hồi giáo Iran có tài nguyên để phát triển chương trình hạt nhân, gây de dọa an ninh thế giới”.

Không thể phủ nhận, các lệnh trừng phạt đã gây tác động tới nền kinh tế Iran, một thành viên khu vực có ảnh hưởng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ, sở hữu kho dự trữ dầu thô lớn thứ 4 thế giới và khí ga lớn thứ 2. Tuy nhiên, theo Tổng thống Hassan Rouhani, cuối cùng Iran cũng sẽ giành chiến thắng trong cuộc đối đầu này và vì thế sẽ không bao giờ chấp nhận đàm phán với những điều kiện không công bằng:

“Chúng tôi đang đàm phán với một số quốc gia. Tuy nhiên, những đề xuất đưa ra với chúng tôi là không công bằng và Iran không thể chấp nhận hay phê duyệt chúng”, ông Rouhani nói.

Căng thẳng như càng bị đổ thêm dầu bởi các vụ tấn công và phá hoại nhằm vào tàu chở dầu tại vùng Vịnh hồi tháng 5 và tháng 6 vừa qua. Song song với các biện pháp trừng phạt, thời gian qua, chính quyền Tổng thống Trump cũng không ngừng thúc đẩy việc thành lập một liên minh quốc tế tại vùng Vịnh nhằm bảo vệ các tàu chở hàng.

Tuy nhiên, các đồng minh Châu Âu đã từ chối đề nghị này, bởi không muốn tham gia vào chiến lược “gây sức ép tối đa” mà Tổng thống Trump đang tiến hành chống Iran, cũng như bởi mong muốn cứu vãn thỏa thuận hạt nhân ký với Iran năm 2015.

Dù khẳng định nguy cơ bùng phát một cuộc xung đột tại vùng Vịnh đã giảm, song Chuẩn tướng Ahmad Reza, tư lệnh lục quân Iran hôm qua (4/8) cảnh báo, khu vực giống như “một thùng thuốc súng” có thể phát nổ bất cứ lúc nào./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại