Israel "đánh đòn phủ đầu" Iran: Tên lửa Arrow 3 là lời cảnh tỉnh dành cho Shahab-3

Tú Anh |

Trong khi Israel và Mỹ đang bận rộn với các cuộc luyện tập sẵn sàng chống lại mối đe dọa tên lửa đạn đạo thì "đối thủ truyền kiếp" của Israel là Iran, cũng không chịu ngồi yên.

Liên minh Mỹ - Israel phóng thử thành công Arrow 3 ở Alaska

Việc Israel thử nghiệm thành công hệ thống phòng thủ tên lửa Arrow 3 diễn ra vào đúng thời điểm cực kỳ nhạy cảm khi mối quan hệ căng thẳng giữa Tel Aviv và Tehran đang không ngừng gia tăng.

Tuyên bố tại cuộc họp nội các ngay sau vụ phóng thử thành công, Thủ tướng Benjamin Netanyahu nhấn mạnh: "Đây chính là khả năng chống trả lại các tên lửa đạn đạo có khả năng tấn công chúng ta từ Iran và từ bất kỳ địa điểm nào khác".

Một đánh giá của tình báo Israel gần đây cho biết, mối đe dọa do Iran gây ra, gồm cả chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân họ chính là ưu tiên số 1 của Quân đội Israel (IDF).

Là một dự án phát triển chung giữ Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ (MDA) và Tổ chức Phòng thủ Tên lửa Israel (IMDO), Arrow 3 được xem là một trong những hệ thống đánh chặn tốt nhất thế giới và được thiết kế như lớp phòng thủ cuối cùng đánh chặn tên lửa đạn đạo, gồm cả những tên lửa có đầu đạn hạt nhân ngay từ khi chúng vẫn còn ở ngoài bầu khí quyển Trái Đất.

Di chuyển ở tốc độ cực cao, tên lửa đánh chặn Arrow 3 có khả năng phá hủy các mục tiêu tấn công ngay trong không gian trước khi đầu đạn của chúng tách ra, qua đó hạn chế mọi thiệt hại có thể gây ra cho Israel, kể cả ô nhiễm phóng xạ.

Israel đánh đòn phủ đầu Iran: Tên lửa Arrow 3 là lời cảnh tỉnh dành cho Shahab-3 - Ảnh 1.

Arrow 3 là dự án phát triển tên lửa chung mới nhất giữa Israel và Mỹ

Ngoài Arrow 3, mạng lưới phòng thủ của Israel hiện nay còn có tổ hợp đánh chặn tầm ngắn Iron Dome và hệ thống phòng thủ tên lửa David’s Sling, được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo chiến thuật, các tên lửa từ tầm trung đến tầm xa cũng như tên lửa hành trình có tầm tấn công từ 40 - 300 km.

Để thử nghiệm Arrow 3, một phái đoàn quân sự của Israel đã phải di chuyển tới 9.357 km đến Khu liên hợp không gian Thái Bình Dương - Alaska (PSCA) ở Kodiak, Alaska, Mỹ.

"Arrow 3 quá lớn đối với đất nước Israel," Moshe Patel - Giám đốc IMDO chia sẻ sau khi công bố kết thúc các cuộc thử nghiệm hôm 28/7. "Hệ thống được đánh giá có thể chống trả hiệu quả các mối đe dọa hạt nhân đến từ Iran".

"Những gì diễn ra ở Alaska tương tự như một sứ mệnh tác chiến", Thiếu tướng Zvika Haimovich, cựu chỉ huy Đơn vị Phòng thủ Trên không của Quân đội Israel nói với tờ The Jerusalem Post.

Israel đã từng thử nghiệm hệ thống này trước đó khi tên lửa đánh chặn được phóng từ căn cứ không quân Palmahim ở miền Trung Israel hồi tháng 1 năm ngoái. 

Tuy nhiên, PSCA nằm trên bờ biển Thái Bình Dương, rộng hơn đáng kể so với Biển Địa Trung Hải, nên cho phép Israel kiểm tra toàn bộ khả năng của hệ thống.

Tại các cuộc thử nghiệm ở Alaska, Arrow 3 đã đánh chặn tên lửa mục tiêu tấn công theo 3 kịch bản mô phỏng các mối đe dọa mà Israel có thể phải đối diện trong tương lai. Tất cả 3 vụ đánh chặn này đều diễn ra thành công ở ngoài tầng khí quyết Trái Đất.

Israel đánh đòn phủ đầu Iran: Tên lửa Arrow 3 là lời cảnh tỉnh dành cho Shahab-3 - Ảnh 3.

Mỹ và Israel tiến hành các vụ phóng thử thành công Arrow 3 tại Alaska ngày 28/72019

Bộ Quốc phòng Israel cho biết, một radar AN/TPY2 đặt trên mặt đất của Mỹ cũng đã tham gia vào các cuộc thử nghiệm và "thể hiện thành công kết nối hoạt động giữa các hệ thống".

Haimovich chia sẻ trên tờ Jerusalem Post rằng, mặc dù radar sử dụng trong cuộc thử nghiệm ở Alaska không phải là một phần của hệ thống Arrow 3, tổ hơp này dùng các radar quét mảng pha điện tử băng tần L (AESA) của Elta, "nhưng AN/TPY-2 đóng vai trò là một phần của hệ thống phòng thủ khu vực và một phần cấu trúc của hệ thống phòng thủ đa lớp đa chức năng".

Hệ thống này đã được Mỹ triển khai tới một số quốc gia đồng minh và theo nhiều bản tin nước ngoài, Quân đội Mỹ đã đặt một trong những radar như vậy trên đỉnh núi Keren ở sa mạc Negev.

AN/TPY-2 là radar băng tần X có độ phân giải cao, được thiết kế để tìm kiếm, thu nhận, theo dõi và phân biệt nhiều mối đe dọa khác nhau. Hệ thống có thể cung cấp thêm tin tức cảnh báo sớm về các vụ phóng tên lửa đạn đạo từ khoảng cách 4.830 km.

Iran, quốc gia sở hữu hơn 1.000 tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung, luôn bị Israel nghi ngờ tiếp tục buôn lậu vũ khí cho các quốc gia và các chủ thể phi quốc gia như Phong trào vũ trang Hezbollah ở Lebalon, lực lượng được cho là đang sở hữu kho vũ khí từ 100.000 đến 150.000 tên lửa ở biên giới phía Bắc Israel, và Hamas tại Dải Gaza.

Israel đánh đòn phủ đầu Iran: Tên lửa Arrow 3 là lời cảnh tỉnh dành cho Shahab-3 - Ảnh 4.

Tên lửa đạn đạn tầm trung Shahab-3 của Iran trong một vụ phóng thử

Lời cảnh tỉnh dành cho "đối thủ truyền kiếp" Iran?

Theo Haimovich, cuộc thử nghiệm ở Alaska cho thấy mối quan hệ hợp tác sâu sắc giữa Israel và Mỹ. Washington và Israel đã ký một thỏa thuận cho phép Mỹ hỗ trợ Israel về vấn đề phòng thủ tên lửa trong thời kỳ chiến tranh và một số cuộc tập trận quy mô lớn mô phỏng các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo vào Israel đã diễn ra từ nhiều năm qua.

Năm ngoái, 300 lính Mỹ đã tham gia vào cuộc tập trận Juniper Falcon để thử nghiệm khả năng triển khai nhanh chóng lực lượng Mỹ ở Israel khi nước này bị tấn công và năm trước nữa, 3.000 lính Mỹ cũng đã tham dự Juniper Cobra, cuộc tập trận mô phỏng một đợt tấn công tên lửa lớn trực diện vào Israel.

Những cuộc tập trận này là "chất keo" gắn kết hơn nữa mối quan hệ giữa Mỹ và Israel", Trung tướng Jeffrey L. Harrigian, Phó chỉ huy các lực lượng không quân Mỹ ở châu Âu và châu Phi phát biểu trên tờ Jerusalem Post trong cuộc tập trận Juniper Falcon hồi tháng 2/2019.

Vào tháng 3/2019, Quân đội Mỹ cũng đã lần đầu tiên triển khai Hệ thống Phòng thủ Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) tới Israel trong cuộc tập trận giữa hai nước đồng minh cùng với 250 nhân viên Mỹ thuộc Bộ Tư lệnh Châu Âu của Mỹ.

THAAD được thiết kế để đánh chặn các mối đe dọa như tên lửa đạn đạo chiến thuật và tên lửa phòng thủ khu vực có tầm bắn 200 km và ở độ cao lên tới 150 km.

Trong khi Israel và Mỹ đang bận rộn với các cuộc luyện tập sẵn sàng chống lại mối đe dọa tên lửa đạn đạo thì phía bên kia, "đối thủ truyền kiếp" của Israel là Iran cũng không chịu ngồi yên.

Tuần trước, Iran đã bắn thử một tên lửa đạn đạo tầm trung Shahab-3 từ bờ biển phía Đông Nam của đất nước dọc theo Vịnh Oman. Tên lửa đã bay được 1.000 km trước khi đáp xuống phía Bắc Iran. Với tầm tấn công từ 1.000 - 2.000 km, Shabab-3 hoàn toàn đủ sức vươn tới Israel.

Vụ thử ở Alaska đã được lên kế hoạch từ trước và có thể không chủ đích diễn ra trùng hợp với tình hình căng thẳng đang gia tăng với Iran, nhưng việc Tehrran vẫn tiếp tục thúc đẩy chương trình tên lửa đạn đạo cho riêng mình và cuộc chiến ngôn từ đang diễn ra giữa Washington và Tehran khiến Israel khó có thể "ngủ yên".

Sự kiện Arrow 3 được phóng thử thành công chứng tỏ rằng, những người chịu trách nhiệm về an ninh quốc phòng của Israel đang rất tỉnh táo.

Hệ thống tên lửa Arrow 3 được Israel và Mỹ thử nghiệm tại Alaska

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại