Thật vậy, thông tin Myanmar chuẩn bị mua tàu ngầm Kilo mang tên INS Sindhuvir (S55) của Hải quân Ấn Độ tiết lộ mới đây đã khiến giới phân tích khu vực không khỏi ngỡ ngàng về kế hoạch phát triển sức mạnh trên biển của nước này.
Từ lâu, Myanmar vẫn nổi tiếng là bí mật trong các kế hoạch mua sắm quân sự và chỉ tiết lộ ở những giờ phút cuối cùng trước khi ra quyết định. Chính điều này đã khiến người ta chỉ có thể "sốc và ngỡ ngàng" khi thấy dáng dấp tàu chiến khổng lồ hay loại tên lửa hiện đại lần đầu xuất hiện trong hàng ngũ Quân đội Myanmar.
Riêng với lực lượng hải quân, có thể nói Myanmar trong vòng khoảng 10 năm trở lại đây khiến người ta đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác "không kịp trở tay".
Từ "không" tới "khủng"
Hải quân Myanmar được thành lập không phải là quá sớm trong khu vực - ngày 24/12/1947 với vốn liếng ban đầu có 700 người với một chiến hạm 2.000 tấn của Anh và 3-4 tàu đổ bộ nhỏ.
Từ đó tới tận những năm 1990, Hải quân Myanmar không được đánh giá cao ở khu vực về cả vai trò trong hoạt động gìn giữ an ninh quốc gia và số lượng tàu bè các loại.
Sự thay đổi trang bị trong Hải quân Myanmar suốt 60 năm không quá mạnh mẽ, họ đa phần mua lại những tàu tuần tra nhỏ từ Mỹ, Australia, Singapore và cả Trung Quốc.
Nếu so với tầm vóc của Hải quân Thái Lan, Indonesia hay Malaysia, Hải quân Myanmar lúc đó chắc không có gì đáng để bận tâm tới.
Dẫu vậy, kể từ năm 2010, mọi thứ bắt đầu thay đổi, Hải quân Myanmar không hiểu từ bao giờ, khi nào đã khởi động kế hoạch hiện đại hóa quy mô bằng tiềm lực của mình. Có thể nói, họ "leo thần tốc, một phát" lên top đầu khu vực.
Thời điểm đó, giới quan sát không khỏi ngỡ ngàng khi Hải quân Myanmar lộ diện hình ảnh mờ nhạt nhưng cũng đủ nhận diện về chiến hạm cỡ 2.000-2.500 tấn mang tên Aung Zeya (số hiệu 11).
Điều đáng nói là không có một công ty đóng tàu nào trên thế giới nhận đóng con tàu này cho Hải quân Myanmar. Không thể tưởng tượng nổi, đó là một chiếc tàu nội địa hoàn toàn!
Tàu hộ vệ UMS Aung Zeya (F11) và các tàu Giang Hồ II trong một cuộc tập trận.
Kể từ đây, cả khu vực và thế giới bắt đầu phải nhìn nhận lại sức mạnh của Hải quân Myanmar. Năm 2012, Myanmar bất ngờ mua lại cặp tàu hộ vệ Giang Hồ 2 Type 053H1 cỡ 2.000 tấn của Trung Quốc với đầy đủ trang bị vũ khí hạng nặng.
Giai đoạn 2014-2015, Myanmar liên tiếp đưa vào biên chế hai tàu hộ vệ khoảng 3.000 tấn tự chế tạo hoàn toàn trong nước không theo bất kỳ thiết kế của nước nào.
Đây là điều mà những nền công nghiệp quốc phòng như Indonesia, Thái Lan cho tới bây giờ cũng chẳng thế làm nổi.
Nhưng hãy tạm gác lại sức mạnh quốc phòng, nhìn lại sức mạnh Hải quân Myanmar thời điểm này, họ đã vượt trội về số lượng tàu chiến tên lửa nếu đem so với nhiều nước trong khu vực.
Dựa trên các thống kê mang tính chất tương đối, hiện Hải quân Myanmar trang bị khoảng 26 tàu tên lửa cỡ nhỏ - lớn.
Trong khi đó, Indonesia dù có nhiều chương trình phát triển dốc hàng tỷ USD mà nay mới chỉ có trong tay chừng 30 tàu; Thái Lan cỡ 15 tàu; Malaysia 17 tàu...
Đó là còn chưa tính tới kích cỡ tàu thì tàu hộ vệ cỡ 1.000-3.000 tấn của Myanmar "ăn đứt" Thái Lan, Malaysia vốn nhận được sự hỗ trợ lớn từ Mỹ và châu Âu.
Có thể nói, sự phát triển thần tốc của Hải quân Myanmar có thể coi như là "điều kỳ diệu". Và để đạt được điều này, có lẽ phải kể đến tiềm lực công nghiệp quốc phòng bí ẩn của nước này.
Bí ẩn, âm thầm, một phát "ăn đứt cả làng"
Nếu như nói Hải quân Myanmar mờ nhạt suốt nhiều năm thì công nghiệp quốc phòng trong lĩnh vực tàu biển của nước này "mờ ảo, đầy bí ẩn". Hầu như không có một tài liệu rõ ràng nào nói về lịch sử phát triển của công nghiệp đóng tàu quân sự Myanmar.
Chỉ biết rằng, nó đầy bí ẩn, "bước đi" một cách âm thầm và khi bắt đầu lộ diện thì họ đã vươn tới một đỉnh cao mà Indonesia, Thái Lan, Singapore, Malaysia... phải mơ ước.
Để có thể thấy rõ tầm vóc "khủng" của công nghiệp đóng tàu Malaysia, hãy nhìn vào các tàu chiến mà họ thiết kế, chế tạo thành công và đã đưa vào biên chế.
Nổi bật nhất là hai lớp tàu hộ vệ Aung Zeya và Kyan Sittha lần lượt ra đời từ năm 2012-2015.
Chiến hạm cỡ 3.000 tấn UMS Sin Phyushin được đưa vào trang bị năm 2015.
Theo các nguồn tin cực kỳ ít ỏi, Aung Zeya được khởi đóng tại nhà máy "Myanmar Navla Dockyard hồi năm 2008, hoàn thành và biên chế từ năm 2010 với đơn giá ước tính 200 triệu USD.
Con tàu hoàn toàn được thiết kế trong nước với lượng giãn nước ước đạt 2.500 tấn, dài tới 108m. Nó được trang bị các hệ thống radar, sonar của Trung Quốc và Ấn Độ.
Hệ thống vũ khí là sự kết hợp công nghệ của Trung Quốc (ngư lôi Yu-7) và Nga (tên lửa chống hạm Kh-35, tên lửa phòng không tầm thấp và pháo phòng không AK-630), nhưng pháo hạm dùng kiểu OTO Melara 76,2mm của Italy.
Thiết kế của con tàu trông không được quá đẹp, nhìn nó khá giống với kiểu tàu của những năm 1980-1990. Nhưng chẳng sao hết, tới năm 2010, đó là chiếc tàu chiến nội địa từ thiết kế tới việc chế tạo lớn nhất ở cả khu vực.
Trước đó, Singapore từng chế tạo loạt 6 tàu hộ vệ cỡ 3.200 tấn lớp Formidable, tuy nhiên đó lại là thiết kế hoàn toàn của Pháp và việc chế tạo có sự hỗ trợ chặt chẽ từ tập đoàn DCNS hàng đầu thế giới.
Bốn năm sau, Myanmar tiếp tục khiến cả khu vực và giới quân sự thế giới "sốt xình xịch" khi đưa vào trang bị tàu hộ vệ mới lớn hơn cả Aung Zeya mang tên UMS Kyan Sittha. Dĩ nhiên, con tàu cũng là sản phẩm của Myanmar Naval Dockyard.
Điều đáng kinh ngạc, chỉ trong khoảng 2-3 năm, Myanmar đã cải tiến thiết kế theo hướng tối ưu khả năng giảm diện tích phản xạ sóng radar, hình dạng tàu trông "thời thượng" hơn hẳn so với Aung Zeya.
Tổng cộng, Myanmar đóng 2 chiếc lớp Kyan Sittha có lượng giãn nước khoảng 3.000 tấn, dài 108m, rộng 13,5m. Nó được trang bị radar, sonar của Ấn Độ và Trung Quốc.
Hệ thống vũ khí vẫn là sự kết hợp Á - Âu gồm: tên lửa hành trình C-802, pháo phòng không NG-18 30mm, ngư lôi và bom chống ngầm (Trung Quốc); tên lửa phòng không tầm thấp Igla (Nga) và pháo hạm Oto Melara 76mm phiên bản tối ưu khả năng tàng hình.
Trong khi Indonesia - quốc gia có hải quân hùng mạnh nhất khu vực với 236 tàu chiến, có sự đầu tư mạnh mẽ cho công nghiệp quốc phòng nội địa còn đang chật vật tự thiết kế, chế tạo tàu tên lửa 500 tấn.
Còn với các loại tàu hộ vệ cỡ lớn 2.000 tấn trở lên, Indonesia hoàn toàn phải nhập khẩu từ A-Z, mọi thứ kể cả thiết kế của tập đoàn Damen (Hà Lan) để đóng 6 tàu hộ vệ trên 2.000 tấn lớp Sigma.
Tất nhiên, đây chỉ là sự so sánh về khả năng đóng tàu hộ vệ tên lửa, còn tính chung sự đáp ứng của nền công nghiệp quốc phòng với chế tạo tàu chiến nội địa thì Indonesia vẫn có phần nhỉnh hơn.
Hiện nay, Indonesia đã có thể đóng thành công tàu tấn công nhanh, tàu tuần tra, từng bước phát triển tàu tên lửa và nhất là chế tạo cả những tàu đổ bộ lớn tới 8.000 tấn.
Nhìn chung, nếu xếp vào năng lực của hải quân và công nghiệp quốc phòng phục vụ chế tạo các loại tàu chiến thì Myanmar rõ ràng xứng đáng với vị trí top đầu khu vực Đông Nam Á với những thành tựu đáng nể của mình.
Hải quân Myanmar diễn tập tác chiến chống hải tặc