Nga, Trung Quốc sẽ bỏ rơi Iran nếu bị Mỹ tấn công?

Anh Tú |

Mặc dù đều là những nước đã hậu thuẫn cho Iran trong những năm gần đây nhưng nhiều khả năng cả Nga và Trung Quốc sẽ không can thiệp vào cuộc đối đầu quân sự Mỹ - Iran.

Thời gian qua, mối quan hệ quân sự gắn kết giữa Nga và Trung Quốc đã khiến các quan chức Mỹ quan ngại về khả năng hai nước này đang toan tính thành lập một liên minh mạnh mẽ chống phương Tây.

Trong ngắn hạn, sự ủng hộ của bộ đôi này với Iran, dù về mặt kinh tế hay chính trị, đã góp phần làm giảm bớt sức ép của chính quyền Tổng thống Donald Trump lên Tehran.

Tuy nhiên, theo tiến sĩ Paul Stott, chuyên gia của Hội Henry Jackson - một tổ chức tư vấn chính sách đối ngoại theo trường phái Tân bảo thủ của Anh, thì nếu như cuộc xung đột hiện nay giữa Iran và Mỹ bùng phát thành một cuộc chiến tranh nóng toàn diện, Nga và Trung Quốc nhiều khả năng sẽ không đứng về phía Iran.

Mặc dù không thân cận với Iran như Nga nhưng Trung Quốc đã tỏ rõ lập trường ủng hộ Tehran về mặt kinh tế cũng như tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, chuyên gia Paul Stott cho rằng, sự hậu thuẫn này sẽ dừng lại nếu xung đột quân sự xảy ra.

Nga, Trung Quốc sẽ bỏ rơi Iran nếu bị Mỹ tấn công? - Ảnh 1.

Cả Nga và Trung Quốc sẽ không can thiệp quân sự nếu Mỹ tấn công Iran?

"Nếu Iran bị cuốn vào một cuộc chiến tranh nóng và Mỹ buộc phải tấn công thì tôi cho rằng rất ít khả năng Trung Quốc sẽ hỗ trợ Iran về mặt quân sự", tiến sĩ Paul Stott nhận định trên tờ Express.

"Bạn sẽ chẳng chứng kiến được gì nhiều hơn là các sức ép ngoại giao. Trung Quốc luôn chỉ muốn duy trì hiện trạng quốc tế như hiện nay", chuyên gia Paul Stott nói.

"Đồng thời, Bắc Kinh sẽ không vui vẻ gì trước việc Iran cản trở hoạt động vận tải dầu trên Vịnh Ba Tư. Chúng ta đã chứng kiến nhiều vụ việc như vậy suốt những tuần vừa qua rồi".

"3/4 lượng nguồn cung dầu lửa của thế giới đi qua Eo biển này và đa phần trong số đó là vận chuyển tới Trung Quốc và Viễn Đông. Vì vậy, trong quan niệm của Trung Quốc, Iran là nước phải chịu trách nhiệm về việc này nên họ sẽ không thể nào cân nhắc tới kịch bản hỗ trợ quân sự nếu tình hình leo thang".

Thậm chí ngay cả Tổng thống Nga Vladimir Putin, người đã hậu thuẫn rất nhiều cho Tehran trong những năm gần đây, cũng có thể không can thiệp vào cuộc đối đầu quân sự.

Nga, Trung Quốc sẽ bỏ rơi Iran nếu bị Mỹ tấn công? - Ảnh 2.

Các trận địa tên lửa của Iran. Ảnh: Express

Tiến sĩ Stott nhấn mạnh: "Cũng giống như Trung Quốc, ủng hộ quân sự cho Iran khi xảy ra một cuộc xung đột như vậy chắc chắn sẽ buộc Nga phải toan tính rất kỹ lưỡng".

"Moscow nhiều khả năng sẽ sử dụng tới các kênh ngoại giao hơn là cam kết quân sự theo như cách họ đã làm ở Syria".

Bình luận về mối quan hệ hợp tác giữa Nga và Iran trong tương quan so sánh với các quốc gia khác như Syria và Iraq, chuyên gia Paul Stott cho rằng liên minh Nga - Iran là không bền vững, thậm chí ngay cả khi có thể tránh được cuộc chiến tranh.

"Liên minh giữa Nga và Iran, một mặt mang tính chất của mối quan hệ vụ lợi nhiều hơn và mặt khác, hai nước hiện nay đều có chung kẻ thủ, chẳng hạn như Mỹ hay các nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan theo dòng Sunni".

Tehran và Moscow đã hợp tác rất chặt chẽ với nhau trong cuộc nội chiến ở Syria để chống lại các lực lượng nổi dậy cho Mỹ hậu thuẫn, qua đó tăng cường thêm mối quan hệ giữa Tổng thống Rouhani và người đồng cấp Putin.

Tuy nhiên, tiến sĩ Stott cho rằng, ông Putin cũng chỉ có xu hướng kết thân với một số nhà lãnh đạo nhất định trong khi ông Rouhani không phải dạng như thế.

"Nhà lãnh đạo Nga dường như muốn duy trì quan hệ tốt với các nhân vật có quyền lực tương tự như ông, dù đó là ở Saudi Arabia hay Iran. Đây có vẻ như là thiên hướng của ông ấy", chuyên gia Paul Stott kết luận.

UAV Iran huấn luyện tấn công trên Vịnh Ba Tư

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại