Trạm phẫu tiền phương trên Đường 559 - Những huyền thoại không phải ai cũng biết!

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt |

Trong cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta, đóng góp của các cán bộ chiến sĩ Đoàn 559 là vô cùng to lớn.

Theo tuyến đường 559, hàng triệu lượt người, nhiều triệu tấn hàng từ hậu phương lớn đã vượt qua mưa bom, bão đạn đến với tiền tuyến lớn.

Công lao to lớn đó của Đoàn 559 đã được Nhà nước ghi nhận với những danh hiệu, phần thưởng cao quý nhất. Trong thành tích chung ấy, không thể không nói đến những cán bộ chiến sĩ quân y của những Trạm phẫu tiền phương trên tuyến đường anh hùng đó.

Bám trọng điểm, gần đạn bom, xa đồng đội, nhiệm vụ nặng nề

Để hoàn thành nhiệm vụ nặng nề của mình, vào thời gian cao điểm nhất- cuối những năm 60, đầu những năm 70 thế kỷ trước, quân số Đoàn 559 lên đến 90.000 người với rất nhiều chuyên môn, chuyên ngành khác nhau.

Với đặc điểm tuyến đường do Đoàn quản lý là một hệ thống đường cả trục dọc trải dài theo chiều dài đất nước lẫn các đường ngang nối Đông với Tây Trường Sơn, cả đường vận tải cơ giới lẫn đường giao liên có tổng chiều dài lên đến hàng chục nghìn km nên đơn vị cơ bản của Đoàn 559 là các Binh trạm.

Vào thời gian cao điểm, Đoàn 559 có khoảng gần 30 binh trạm trực thuộc. Mỗi binh trạm đảm nhiệm bảo đảm giao thông, tổ chức vận chuyển... trên quãng đường khoảng 100 km- tức là tương đương với 1 đêm xe chạy (đường xấu, lại bị máy bay địch ngăn chặn nên tốc độ trung bình rất chậm).

Về mặt tổ chức, Binh trạm được xếp tương đương với trung đoàn song là một đơn vị tổng hợp nhiều binh chủng.

Trạm phẫu tiền phương trên Đường 559 - Những huyền thoại không phải ai cũng biết! - Ảnh 2.

Biên chế của một binh trạm thường gồm: 2-3 tiểu đoàn công binh, 1- 2 tiểu đoàn vận tải cơ giới, 1 đại đội đến 1 tiểu đoàn giao liên và vận tải bộ, 1 tiểu đoàn phòng không, 1 đại đội đến 1 tiểu đoàn bộ binh... và các đơn vị trực thuộc: Thông tin, Kho, Dân vận, Quân y (bao gồm Đội điều trị và 3-4 Trạm phẫu tiền phương).

Sở dĩ phải tổ chức nhiều trạm phẫu tiền phương như vậy bởi quãng đường mà binh trạm phụ trách rất dài, lại thường có một số trọng điểm đánh phá của địch; trong khi binh trạm bộ và Đội điều trị thường nằm ở trung tâm quãng đường nên nếu thương nệnh binh không được cấp cứu kịp thời sẽ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Cũng vì vậy, đặc điểm đầu tiên của các Trạm phẫu tiền phương là bám sát trọng điểm. Trọng điểm càng quan trọng càng bị đánh phá ác liệt thì càng nhiều thương binh và càng cần tới sự có mặt của cán bộ chiến sĩ quân y một cách kịp thời.

Ở gần trọng điểm như vậy, vị trí các Trạm phẫu tiền phương thường được chọn ở những nơi có địa hình hiểm trở để tránh bom đạn sát thương như khe núi, hang sâu...

Đặc điểm thứ hai là phải hoạt động độc lập, xa Binh trạm bộ, xa sự chỉ đạo của Quân y tuyến trên, trong khi vết thương và bệnh tật của bộ đội lại hết sức đa dạng, phức tạp:.. Đặc điểm này đòi hỏi đội ngũ y, bác sĩ ở đó phải có chuyên môn vững và có kinh nghiệm sơ cấp cứu thương bệnh binh.

Trạm phẫu tiền phương trên Đường 559 - Những huyền thoại không phải ai cũng biết! - Ảnh 3.

Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh - một kỳ tích của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Đặc điểm thứ ba của các trạm phẫu là rất ít người. Vì đội ngũ y, bác sĩ có hạn mà mỗi Binh trạm có tới 4-5 trạm phẫu tiền phương nên mỗi trạm thường chỉ được biên chế 4-5 người. Trong đó thường bao gồm: 1 bác sĩ (hoặc y sĩ lâu năm, có kinh nghiệm) làm trạm trưởng, 1- 2 y sĩ, 2-3 y tá...

Về trang bị cơ sở vật chất của trạm cũng hết sức đơn giản, gọn nhẹ. Thứ trang bị quý giá nhất thường là 1 bộ đồ "trung phẫu" và 1 nồi chưng cất nước cất dã chiến.

Còn hầm mổ thường cũng chỉ là một cái hầm thùng, sâu gần ngập đầu người, trên căng tăng chống dột nước; bàn mổ có khi chỉ là một tấm ván đặt lên 4 cọc gỗ đóng xuống đất là xong...

Tuy ít người và trang bị nghèo nàn như vậy song nhiệm vụ của Trạm rất nặng nề. Đó là sơ cấp cứu cho tất cả thương bệnh binh trên đoạn đường mình phụ trách - kể cả các thương bệnh binh của các đơn vị chỉ hành quân qua, bà con nhân dân quanh vùng, thậm chí là cả tù binh địch (như trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào)...

Do các đặc điểm như vậy, Trạm phẫu tiền phương phải đủ khả năng thực hiện các ca phẫu thuật đến trung phẫu và có khi còn hơn nhằm cứu sống thương binh. Ngoài ra, còn phải cấp cứu được các trường hợp vết thương, bệnh tật khác như: sốt rét, sốt rét ác tính, rắn cắn, đá lở, cây đè v.v...

Đó thật sự là một nhiệm vụ hết sức nặng nề đối với cái tập thể nhỏ bé và đơn độc này.

Trạm phẫu tiền phương trên Đường 559 - Những huyền thoại không phải ai cũng biết! - Ảnh 4.

Đoàn xe vận tải Đường 559 đưa hàng hóa vào chiến trường, vượt qua trọng điểm Ngã 3 Đồng Lộc, Nghệ Tĩnh. (Ảnh: Văn Sắc/TTXVN)

Cán bộ nhân viên Trạm phẫu tiền phương - Anh là ai?

Có người sẽ bảo đây là một câu hỏi thừa- cán bộ nhân viên Trạm phẫu thì đều là cán bộ chiến sĩ quân y chứ còn là ai nữa! Đúng như vậy song chưa đủ! Ngoài làm nhiệm vụ của một bác sĩ, y sĩ, y tá theo chuyên môn, các nhân viên Trạm phẫu tiền phương còn phải làm vô số công việc khác để chữa trị và cứu sống thương bệnh binh.

Mỗi khi Trạm phẫu được đặt ở đâu Binh trạm thường cho công binh chuẩn bị hầm, lán. Song khi máy bay địch đánh sập hầm, đổ lán hoặc đơn giản là thương binh vào nhiều, thiếu chỗ nằm thì sau khi cấp cứu chính các bác sĩ, y sĩ, y tá của trạm cũng phải nai lưng ra mà đào đất, vác gồ... làm lán, làm hầm chứ còn ai vào đây nữa?

Làm lán, làm hầm xong rồi song không thể để thương bệnh binh nằm đất, các y bác sĩ, y tá lại tranh thủ đi chặt gỗ, kiếm tre về chẻ ra làm sạp nằm cho anh em mới yên tâm.

Rồi chuyện tăng gia cải thiện bữa ăn, từ vào rừng kiếm thức ăn cho đến việc nấu nướng, đưa cơm, đưa cháo cho thương bệnh binh cũng lại do các y sĩ, y tá đảm nhiệm. Ngay cả lấy nước từ nguồn về cho thương bệnh binh sử dụng làm vệ sinh cá nhân cũng lại đến tay các anh.

Khi thương binh quá nặng, cần phải đưa lên cấp trên mà không "nhờ vả" được lực lượng nào thì cũng lại các y bác sĩ, y tá của trạm đảm nhiệm luôn nhiệm vụ tải thương.

Và nếu Trạm bị bọn biệt kích, thám báo tập kích thì tất cả các y bác sĩ, y tá sẽ trở thành các tay súng bộ binh chiến đấu bảo vệ trạm, bảo vệ thương bệnh binh.

...

Thôi thì "thượng vàng, hạ cám" họ làm tất chỉ với một mục đích duy nhất là cứu sống thương bệnh binh.

Và không phải ai cũng biết - nằm rải rác dưới những tán rừng Trường Sơn cạnh các trọng điểm đánh phá, hàng trăm Trạm phẫu tiền phương của tuyến Đường 559 đã cướp lại từ tay Thần Chết biết bao sinh mạng của cán bộ, chiến sĩ ta.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại