Iran thách thức bằng tên lửa đạn đạo: Châu Âu, Israel, Saudi, UAE "ngồi trên đống lửa"?

Hoài Giang |

Tên lửa đạn đạo tầm trung Shahab-3 của Iran mặc dù không vươn tới Châu Âu nhưng tầm bắn của nó hoàn toàn vươn tới Israel, UAE và Arab Saudi.

Ngày 26/7, tờ Times of Israel xuất bản bài viết "In fresh challenge, defiant Iran tests medium-range missile – report" (Tạm dịch: Trong thử thách mới, Iran thách thức bằng cách thử tên lửa tầm trung) của TOI STAFF và AGENCIES.

Nhằm giúp độc giả có cái nhìn đa chiều về phản ứng của Iran với các áp lực đang gia tăng dưới con mắt của các nhà phân tích "đối thủ" Israel, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.

Thông điệp và đối tượng của Iran sau vụ thử tên lửa đạn đạo tầm trung

Hôm 24/7, tờ The New York Times trích dẫn một quan chức quân đội Mỹ giấu tên, Iran được cho đã thử tên lửa đạn đạo tầm trung Shahab-3. Tên lửa được phóng từ miền nam Iran và bay khoảng 1.100 km, hạ cánh xuống khu vực phía đông của Thủ đô Tehran.

Nguồn tin quân sự cho biết tên lửa không gây ra mối đe dọa đối với Mỹ hoặc phương Tây trong khu vực và các quan chức Mỹ đã giám sát chặt chẽ hoạt động trước khi phóng.

Báo cáo cũng nói thêm rằng vụ thử tên lửa, dường như là một tuyên bố chính trị của Iran, đóng vai trò là một nỗ lực mới nhất được hiệu chỉnh cẩn thận khi leo thang - và là thông điệp gửi tới châu Âu.

Iran thách thức bằng tên lửa đạn đạo: Châu Âu, Israel, Saudi, UAE ngồi trên đống lửa? - Ảnh 1.

Một giáo sĩ người Iran nhìn vào các tên lửa được Vệ binh Cách mạng Hồi Giáo Iran (IRGC) trưng bày trong một cuộc triển lãm quân sự kỷ niệm 40 năm Cách mạng Hồi giáo, tại Nhà nguyện Hồi giáo Imam Khomeini ở Tehran, Iran, ngày 3/2/2019 (Ảnh AP)

Nó được coi là động thái cảnh báo "trở về điểm xuất phát" (của Thỏa thuận 2015) và khẳng định rằng Iran không có có ý định từ bỏ khả năng tấn công tên lửa.

Đầu tháng này, cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hiệp Quốc đã xác nhận rằng Iran đã làm giàu Uranium ở mức cao hơn giới hạn được đặt ra trong Thỏa thuận hạt nhân năm 2015, mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút khỏi vào năm ngoái.

Các bên tham gia ký kết châu Âu đã bằng mọi cách cố gắng cứu vãn hiệp ước này. Tuy nhiên, ông Trump tuyên bố rằng việc rút khỏi một phần vì Iran đã vi phạm thỏa thuận vì không giải quyết chương trình tên lửa đạn đạo.

Người Mỹ lo ngại Iran có thể sử dụng công nghệ tên lửa và chương trình vũ trụ của mình để chế tạo tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng tấn công hạt nhân, điều mà Tehran phủ nhận họ muốn làm.

Tuy nhiên, một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã được thông qua tại thời điểm ký kết thỏa thuận cấm Iran thử tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và Shahab-3 được cho là có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Iran thách thức bằng tên lửa đạn đạo: Châu Âu, Israel, Saudi, UAE ngồi trên đống lửa? - Ảnh 3.

Tên lửa đạn đạo tầm trung Shahab-3 của Iran

Cuộc đàm phán không bao giờ xảy ra

Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif tuần trước khi nói về chương trình tên lửa của Tehran, trong một cuộc phỏng vấn của NBC News rằng nếu Mỹ muốn nói về tên lửa của Iran, trước tiên họ cần ngừng bán tất cả các loại vũ khí, bao gồm cả tên lửa, đến khu vực.

Ông Zarif dường như đề nghị một mức giá rất cao cho các cuộc đàm phán - việc ngừng bán vũ khí của Mỹ cho cả Arab Saudi và UAE, hai đồng minh quan trọng của Hoa Kỳ tại Vịnh Ba Tư.

Iran thách thức bằng tên lửa đạn đạo: Châu Âu, Israel, Saudi, UAE ngồi trên đống lửa? - Ảnh 4.

Tầm bắn của các loại tên lửa đạn đạo Iran

Ông cũng nói thêm rằng UAE đã chi 22 tỷ USD và Arab Saudi 67 tỷ USD cho vũ khí vào năm 2018, phần nhiều trong số đó do Mỹ sản xuất, trong khi Iran chỉ chi 16 tỷ USD.

Iran sau đó nói rằng những nhận xét này nhằm thẳng vào chính sách bán vũ khí của Washington cho khu vực - một thách thức không cho thấy "sự thật lòng" cho bất kỳ cuộc đàm phán nào trong tương lai.

Iran từ lâu cũng đã khẳng định từ chối bất kỳ cuộc đàm phán nào về chương trình tên lửa của họ.

Đặc nhiệm Quds - Đế chế quân sự bí mật của Iran

Chỉ khi Israel là mục tiêu hủy diệt, Châu Âu mới "thức tỉnh"?

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu bình luận "Một số quốc gia sẽ chỉ thức tỉnh trước mối đe dọa của Iran khi tên lửa hạt nhân rơi xuống đất châu Âu".

Tuyên bố được đưa ra sau khi Liên minh châu Âu tuyên bố rằng các vi phạm thỏa thuận hạt nhân gần đây của Iran không đủ để áp dụng các biện pháp trừng phạt.

Căng thẳng gia tăng ở Vịnh Ba Tư trong những tháng gần đây, với việc Mỹ ngừng cuộc không kích chống lại Iran vào phút cuối sau khi Tehran hạ một máy bay không người lái RQ-4A Global Hawk và các cáo buộc Iran đứng sau một loạt các cuộc tấn công vào tàu chở dầu.

Iran đã phải đối mặt với một loạt các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây kể từ Cách mạng Hồi giáo năm 1979 và việc chiếm Đại sứ quán Mỹ ở Tehran.

Điều đó đã làm giảm khả năng mua vũ khí tiên tiến ở nước ngoài trong nhiều thập kỷ.

Trong khi các quốc gia Arab ở vùng Vịnh đã mua các máy bay chiến đấu tiên tiến, Iran vẫn dựa vào các máy bay chiến đấu từ trước năm 1979 của Mỹ, cũng như các máy bay MiG cũ từ thời Liên Xô.

Đối mặt với sự thiếu hụt đó, Iran đã đầu tư vào chương trình tên lửa đạn đạo, vốn vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi Giáo Iran (IRGC), chỉ trung thành với lãnh đạo tối cao, Ayatollah Ali Khamenei.

Nhà lãnh đạo Khamenei tuyên bố đã hạn chế tầm bắn của tên lửa đạn đạo được sản xuất tại Iran trong vòng 2.000 km.

Trong khi điều đó giữ cho châu Âu nằm ngoài tầm bắn, điều đó có nghĩa là các tên lửa của Iran có thể vươn tới phần lớn Trung Đông, bao gồm cả các căn cứ quân sự của Israel và Mỹ trong khu vực. Và điều quan trọng nhất, Iran thường xuyên đe dọa hủy diệt Israel.

Iran không che giấu việc tên lửa đạn đạo Shahab-3 nhằm tấn công Israel

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại