Kỳ 1: Cảnh báo lạnh người từ tình báo Liên Xô

Nhật Huy |

Những gì xảy ra sau chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Ai Cập tới Liên Xô đã trực tiếp dẫn đến một cuộc xung đột chớp nhoáng nhưng ảnh hưởng sâu rộng đến cán cân quyền lực thế giới.

Tháng 5 năm 1967, chủ tịch quốc hội Ai Cập Anwar Sadat có chuyến thăm chính thức đến Liên Xô và hội kiến với chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Alexei Kosygin.

Ai Cập lúc này đã là một đồng minh thân cận của Liên Xô, vì vậy chuyến thăm dường như không phải là một sự kiện gây nhiều sự chú ý. Song, những gì xảy ra sau đó đã trực tiếp dẫn đến một cuộc xung đột chớp nhoáng nhưng lại có ảnh hưởng sâu rộng đến cán cân quyền lực trên thế giới.

Như đa số các cuộc chiến khác tại khu vực Trung Đông, nguyên nhân sâu xa của Chiến tranh 6 ngày (từ 5 đến 10 tháng 6 năm 1967) là tổng hợp của rất nhiều yếu tố lịch sử, địa chính trị phức tạp và lâu đời. Tuy nhiên, khi nhìn lại chuỗi sự kiện trước đó, chúng ta không thể không đặt câu hỏi về vai trò của tình báo Liên Xô trong việc châm ngòi cuộc xung đột.

Kỳ 1: Cảnh báo lạnh người từ tình báo Liên Xô - Ảnh 1.

Anwar Sadat và Alexei Kosygin tại Moscow

Cảnh báo từ Liên Xô

Khi phái đoàn Ai Cập được tiễn đến chân cầu thang máy bay thì Thứ trưởng bộ ngoại giao Liên Xô kéo Sadat qua một bên để thông báo một tin quan trọng. Tình báo Xô Viết vừa cho biết Israel đang tập trung ít nhất 11 lữ đoàn sát biên giới với Syria. Phía Liên Xô muốn Sadat báo tin này cho tổng thống Ai Cập Nasser ngay lập tức.

Tổng thống Gamal Abdel Nasser khi đó đang là người hùng của thế giới Arab. Nếu đúng là Israel đang áp sát biên giới với Syria thì Nasser buộc phải có hành động. Nhưng trước tiên, Nasser yêu cầu Tổng tham mưu trưởng Mohadmed Fawzi xác nhận lại báo cáo trên.

“Tôi đến thị sát tình hình tại biên giới giữa Israel và Syria nhưng không thấy có gì bất thường,” tướng Fawzi nhớ lại. “Vì vậy tôi yêu cầu xem qua các hình ảnh thám không của ngày hôm qua và hôm trước nhưng cũng không tìm thấy điều gì đáng lo ngại".

Kỳ 1: Cảnh báo lạnh người từ tình báo Liên Xô - Ảnh 2.

Tướng Fawzi thị sát tình hình tại biên giới Israel - Syria

Song cùng lúc đó, đại sứ Liên Xô tại Ai Cập gặp một nhà ngoại giao của nước này – Salah Bassiouny – và cho biết tình báo Liên Xô vừa tái khẳng định việc Israel đang triển khai lực lượng sát biên giới với Syria.

Không chỉ thông báo với Ai Cập mà Liên Xô còn chia sẻ tin tình báo này với các nước khác trong khu vực, thậm chí là với cả chính Israel.

“Lúc đó mới là 2h30 sáng, trợ lý báo với chúng tôi rằng đại sứ Liên Xô vừa tới, ăn vận rất chỉnh tề và nhất quyết đòi gặp thủ tướng” - Bà Miriam Eshkol, phu nhân của thủ tướng Israel Levi Eshkol nhớ lại thời điểm đó. “Ông ấy (đại sứ Liên Xô) rất tức giận và hỏi tại sao các ông lại tập trung lực lượng ở phía Bắc.”

Thủ tướng Eshkol đề nghị cả 2 cùng đến cao nguyên Golan để chứng minh việc Israel không hề động binh, nhưng đại sứ Liên Xô từ chối lời đề nghị này. Eshkol sau đó thậm chí còn đề nghị sẽ đến Moscow để trực tiếp trao đổi với Kosygin. Nhưng tất cả những đề xuất này đều rơi vào im lặng.

Toan tính của Kremlin

Theo Kremlin, Mỹ lúc này đang sa lầy ở Việt Nam và đây là thời điểm thích hợp để làm suy yếu ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực Trung Đông.

Ông Evgeny Pyrlin, khi đó đang là vụ trưởng Vụ Trung Đông, Bộ ngoại giao Liên Xô cho biết: “Chúng tôi tin rằng một cuộc chiến sẽ mang lại lợi ích chính trị cho Liên Xô, ngay cả khi không có phe nào giành chiến thắng.

Ai Cập được chúng tôi hỗ trợ cả về chính trị và quân sự. Chúng tôi tin rằng họ đủ sức chứng minh lợi ích của sự hỗ trợ từ Liên Xô. Vì vậy, chúng tôi tự tin rằng cán cân quyền lực tại Trung Đông sẽ được thay đổi thông qua một cuộc chiến khu vực.”

Trong khi đó tại Ai Cập, Tổng thống Nasser cũng vừa đặt các lực lượng vũ trang vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu.

“Báo cáo của Liên Xô khiến mọi thứ leo thang. Chúng tôi buộc phải tăng cường lực lượng tại bán đảo Sinai. Từ đó, chúng tôi có thể phản kích lại Israel nếu nước này tấn công Syria,” Bộ trưởng Bộ quốc phòng Ai Cập Shams Badran cho biết về tình hình lúc đó.

Theo tướng Fawzi thì vào thời điểm đó tổng thống Nasser không muốn có chiến tranh với Israel. Nhưng ông phải bảo toàn hình ảnh của mình như là lãnh đạo của cả khối Arab và buộc phải có động thái chứng tỏ sức mạnh.

Ngoài ra, nguyên soái Abdel Hakim Amer, phó tổng thống và phó tổng tư lệnh quân đội Ai Cập, cũng muốn tấn công phủ đầu Israel ngay lúc đó.

Kỳ 1: Cảnh báo lạnh người từ tình báo Liên Xô - Ảnh 4.

Bộ 3 quyền lực của Ai Cập: Sadat, Nasser, và Amer (từ trái qua)

Truyền thông Arab đã bắt đầu chỉ trích Nasser, cáo buộc ông này dùng lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc như bình phong cho sự thiếu quyết đoán của mình.

Kể từ sau cuộc chiến giành quyền kiểm soát kênh đào Suez năm 1956, Liên Hiệp Quốc đã duy trì một lực lượng quân sự làm nhiệm vụ phân cách giữa Ai Cập và Israel. Ngày 19/5, tổng thống Nasser yêu cầu lực lượng này phải rời đi.

Sự chú ý của cộng động quốc tế giờ đây tập trung vào một thành phố cảng nhỏ Sharm el-Sheikh ở rìa của bán đảo Sinai, nơi trước đây do lực lượng Liên Hiệp Quốc đóng giữ. Việc Ai Cập kiểm soát Sharm el-Sheikh, cửa ngõ của eo biển Tiran, cũng đồng nghĩa với việc nước này có thể phong tỏa tuyến hàng hải huyết mạch đối với Israel.

Mặc dù Israel nhiều lần khẳng định rằng nước này xem việc phong tỏa eo Tiran là một hành động chiến tranh thì Nasser vẫn ra lệnh đóng cửa eo biển đối với các tàu thuyền Israel trong 2 ngày 22 và 23 tháng 5.

Kỳ 1: Cảnh báo lạnh người từ tình báo Liên Xô - Ảnh 5.

Vị trí chiến lược của eo Tiran, cửa ngõ của Israel ra Biển Đỏ

Cơ hội hòa bình cuối cùng

Tại Israel, thủ tướng Eshkol triệu tập một cuộc họp khẩn cấp với nội các và các tướng lĩnh quân đội. Tướng Meir Amit, giám đốc Cục tình báo Mossad khi đó, cho biết:

“Tôi nói với thủ tướng rằng cho đến lúc này, tôi vẫn không chắc tình hình sẽ diễn biến như thế nào. Nhưng sau khi Ai Cập đóng cửa eo biển Tiran thì tôi chắc chắn rằng chiến tranh sẽ nổ ra.”

Các tướng lĩnh khác cũng thuyết phục thủ tướng Eshkol rằng chiến tranh là lựa chọn duy nhất, và Israel phải có hành động sớm, nếu không Ai Cập sẽ càng có thời gian củng cố lực lượng tại Sinai.

Thủ tướng Eshkol không có nhiều kinh nghiệm quân sự và vì vậy hoàn toàn tin tưởng vào Tổng tham mưu trưởng Yitzhak Rabin để đưa ra quyết định.

Tướng Rabin, người sau này sẽ trở thành thủ tướng Israel trong 2 nhiệm kỳ và được trao giải Nobel Hòa bình, tỏ ra khá thận trọng, ông cho rằng Israel chưa sẵn sàng cho chiến tranh. Ông muốn ngoại trưởng Abba Eban cố gắng tìm ra một giải pháp ngoại giao.

Ngày 25 tháng 5, ông Eban bay đến Mỹ trong một nỗ lực cuối cùng nhằm tránh một cuộc chiến. Nhưng mọi thứ dường như đã quá muộn.

(Còn tiếp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại