Cơn khát "chết người" của quân tình nguyện Việt Nam trước trận tập kích hang ổ Pailin tiêu diệt đầu sỏ Polpot

Nguyễn Vũ Điền - Nguyên lính tình nguyện Việt Nam ở Campuchia, Giảng viên Trường SQ TTG |

Pailin là trung tâm chỉ huy và là cái túi đựng tàn quân Polpot từ khắp nơi đổ về. Theo quân báo, hầu hết đầu sỏ của chế độ diệt chủng khi đó đang có mặt tại Tà Sanh và Pailin.

Kế hoạch tiêu diệt đầu sỏ Polpt ở Pailin...

Chiều 26/01/1979, khi Tiểu đoàn đang truy quét ở Bahan thì có điện từ Trung đoàn chuyển xuống: Chuẩn bị hành quân giải phóng Pailin. Ngay trong đêm, Ban Chỉ huy Tiểu đoàn họp, bàn kế hoạch hành quân dưới gầm một ngôi nhà hoang giữa phum.

Pailin là một thị trấn ở phía Tây Nam tỉnh Battamboong (nay là tỉnh Pailin), giáp biên giới Thái Lan. Nơi đây được mệnh danh là "thành phố của kim cương và sốt rét".

Trong những năm cai trị Campuchia, Polpot đã bắt dân và binh lính lao động khổ sai, khai thác với quy mô lớn các mỏ đá quý tại đây, dùng đá đào được đổi lấy lương thực, vũ khí và các loại nhu yếu phẩm để đáp ứng nhu cầu chiến tranh.

Sau ngày 07/01/1979, Pailin đóng vai trò là trung tâm chỉ huy và hậu cần của địch, nơi đây trở thành cái túi đựng tàn quân Polpot từ khắp nơi đổ về. Theo tin quân báo, hầu hết những nhân vật đầu sỏ của chế độ diệt chủng khi đó đang có mặt tại Tà Sanh và Pailin.

Polpot đã biến Pailin thành lá chắn thép cuối cùng để ngăn chặn các cuộc tiến công của ta vào sào huyệt của chế độ diệt chủng sau khi Phnom Pênh và Tà Sanh thất thủ.

Cơn khát chết người của quân tình nguyện Việt Nam trước trận tập kích hang ổ Pailin tiêu diệt đầu sỏ Polpot - Ảnh 2.

Tác giả Nguyễn Vũ Điền - Nhập ngũ năm 1978 khi đang học tại trường ĐHTH, Hà Nội. Nguyên chiến sĩ D6, E174, Sư đoàn 5, Mặt trận 479; nguyên giáo viên Trường Sĩ quan Tăng-Thiết giáp; nguyên Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Sơn La.

Do vậy, cuộc tiến công giải phóng Pailin mang ý nghĩa hết sức quyết định. Sư đoàn 5, được tăng cường Trung đoàn 66 (Quân đoàn 3) vinh dự được giao nhiệm vụ tiêu diệt mục tiêu hiểm yếu này.

***

Sáng 27/01/1979, tức là ngày 29 Tết Mậu Ngọ (năm đó lịch thiếu, nên cũng là ngày 30 Tết âm lịch), toàn Trung đoàn cấp tốc hành quân theo đường rừng, đảm nhiệm mũi vu hồi chiến dịch, đánh chiếm Pailin.

Đường hành quân theo bản đồ tác chiến, dài khoảng hơn 30 km, xuyên qua những cánh rừng tô màu đậm. Cắt ngang đường hành quân là vài ba dòng suối cạn, được vẽ bởi những nét không liền mạch.

Trinh sát xác định, đó là những con suối một mùa, nghĩa là có nước chảy trong mùa mưa, nhưng mùa khô khả năng vẫn còn những vũng nhỏ, có thể đảm bảo đủ nước uống cho bộ đội trong quá trình hành quân.

Anh em lính tráng nắm được tình hình trên, nên mặc dù đường dài, trời nắng nóng nhưng hầu hết mỗi người chỉ mang theo một bình tông nước, bởi việc mang vác trong những cuộc hành quân xa thế này rất tốn sức, mệt mỏi và bởi hy vọng sẽ được bổ sung thêm nước dọc đường.

Cơn khát chết người của quân tình nguyện Việt Nam trước trận tập kích hang ổ Pailin tiêu diệt đầu sỏ Polpot - Ảnh 3.

Quân tình nguyện Việt Nam ở Chiến trường K..

... và những cơn khát hành hạ lính tình nguyện Việt Nam

Tôi đi số 1 khoác máy đi trước, thằng Cương đi số 2 mang súng AK và bao tượng gạo phía sau. Tiểu đoàn hành quân trong đội hình Trung đoàn nên hàng quân rất dài với hàng ngàn người lính, súng đạn, ba lô lỉnh kỉnh trên vai.

Đoàn quân đi xuyên qua những tán rừng khộp bị địch đốt cháy nham nhở, hướng về phía tây trong cái nắng gay gắt mùa hè. Ai cũng lấm lem tro bụi, lầm lũi bước trong cái nóng kinh người của ngày 30 Tết. Đất cát dưới chân quấn lên theo gió bay mù mịt.

Đang cuối mùa khô, cũng là mùa khộp thay lá. Những cây khộp đã trút hết lá xuống mặt đất, trên cây chỉ còn sót lại cành, cuộng trơ trụi vươn lên trời như những cánh tay đang cầu cứu. Dưới đất, những chiếc lá khộp xếp đầy trên mặt cát, khô khốc, cong mình lên như những chiếc bánh đa.

Bước chân của lính vô tình dẫm lên mặt lá khiến những chiếc lá vỡ tan ra hàng trăm mảnh. Âm thanh vụn vỡ nghe như khi nhai bánh đa trong miệng, giòn tan…

Càng về trưa, cái nắng càng gay gắt. Mỗi lần dừng nghỉ, thay vì chỉ uống một nắp bình tông như mọi ngày, những người lính xa nhà, nhớ quê, nhớ tết lại lê đít quần xuống mặt cát, dựa lưng trên nắp ba lô, ngồi túm tụm nói chuyện tết nhà mình, quê mình.

Ai cũng thấy nhớ nhà và ngao ngán cái cảnh 30 Tết xứ người và tự nhiên họ hào phóng mời nhau uống nước, tự thưởng cho mình vài ba nắp bình tông mà không cần nghĩ đến hậu quả sau đó thế nào.

Khoảng 1 giờ chiều, đoàn quân cắt ngang qua một con suối cạn trên bản đồ.

Cơn khát chết người của quân tình nguyện Việt Nam trước trận tập kích hang ổ Pailin tiêu diệt đầu sỏ Polpot - Ảnh 5.

Quân tình nguyện Việt Nam ở Chiến trường K.

Những tưởng sẽ có nước như nhận định của trinh sát, nhưng khi đến nơi chỉ có hai bờ suối với hai hàng cây xanh thẫm, chẳng chịt dây leo cắt ngang đường hành quân. Bộ đội nhào xuống lòng suối cạn, sục sạo hàng cây số mà chẳng thấy vũng nước nào, chỉ có bùn khô khốc.

Lòng suối in rõ những vết chân trâu bò và muông thú còn sót lại trong lớp bùn khô, tạo thành những cái hố với muôn hình vạn trạng như khuôn đúc trong lò.

Đó cũng là lúc những chiếc bình tông của lính gần như đã cạn. Cơn khát kéo đến mà trời thì cứ chang chang nắng, khiến cho những người lính đã từng hiểu về mùa khô ở Cam Pu Chia bắt đầu lo lắng.

Tôi cũng theo mọi người chạy đi tìm nước, nhưng chạy đi chạy rồi lại chạy về, chẳng hề thấy nước chỗ nào.

Nhìn quanh, thấy có mấy chàng lính lấy dao găm phạt chéo những sợi dây rừng bên bờ suối, hứng ca phía dưới, chờ từng giọt nước nhỏ xuống, rồi dốc ngược cái ca vào miệng mà không cần biết là thứ nước ấy có uống được hay không.

Tôi chẳng có dao, vả lại cũng chẳng biết cái dây nào có nước nên không làm theo họ, vẫn tìm quanh quất. Một số anh em dùng xẻng đào xuống lòng suối sâu hàng mét nhưng tuyệt nhiên chẳng thấy giọt nước nào. Nỗi sợ hãi bắt đầu len lỏi trong ý nghĩ của từng người.

Trong hàng quân, có một vài chiến sỹ bị ngất do quá khát. Y tá chạy đến, họ phải dùng dịch truyền cho bộ đội uống mỗi người một chút, giúp họ tỉnh lại.

Cơn khát chết người của quân tình nguyện Việt Nam trước trận tập kích hang ổ Pailin tiêu diệt đầu sỏ Polpot - Ảnh 6.

Nhân dân Campuchia vui mừng đón Quân tình nguyện Việt Nam đến giải phóng họ khỏi chế độ diệt chủng.

Khoảng 3 giờ chiều, trời bỗng nổi giông. Mây từ đâu kéo đến đen kịt cả bầu trời, sấm chớp vần vụ, gió nổi ào ào. Rồi mưa, những hạt mưa to tướng từ trên trời đan chéo xuống mặt đất. Cát bỏng như rang nên hạt mưa rơi xuống không kịp thấm đã biến mất.

Đoàn quân trở nên nhộn nhạo, bộ đội khí thế hẳn lên, mấy chàng lính nhanh nhảu cởi ba lô, lôi ra những tấm tăng to tướng, rồi chia nhau mỗi thằng túm một góc để hứng nước mưa.

Hàng chục chiếc tăng được giăng lên đón nước dọc con đường, những tiếng reo hò thật vô tư của lính bật lên khi những giọt nước đầu tiên rơi xuống tấm tăng.

Nhưng hỡi ôi, trời như trêu ngươi những người lính, chỉ có vài giọt nước lộp độp rơi xuống, chưa đủ ướt tấm tăng thì trận mưa lại đột ngột biến mất, giống như khi nó kéo đến. Trời lại trong xanh và nắng lại chói chang.

Ngay cạnh tôi, mấy người lính thở dài thườn thượt, cúi xuống liếm lên mặt tấm tăng để kiếm những giọt nước chưa kịp khô. Tôi đi vượt qua họ. Bên đường, một cậu lính trẻ quỳ xuống đất, lè lưỡi hứng một giọt nước long lanh đọng trên đầu lá cỏ chưa kịp rơi xuống đất…

Những hình ảnh ấy không hiểu sao cứ lưu mãi trong trí nhớ tôi, để đến lúc này sau gần 40 năm, khi tôi ngồi viết những dòng này, nó vẫn hiện lên rõ mồn một như mới xảy ra hôm qua trong tâm trí tôi.

Sau vài giọt mưa chưa đủ ướt đất, cái nóng trở nên gay gắt hơn, dữ dội hơn. Bộ đội thực sự hoảng hốt, đội hình trở nên lộn xộn.

Thay vì phải giữ đội hình hành quân theo từng phân đội, từng đơn vị để có thể triển khai đội hình chiến đấu khi gặp địch, thì lúc ấy mạnh ai nấy đi, người nào còn sức thì cố đi lên phía trước, những người yếu hơn, mệt hơn thì tụt lại phía sau.

Rất nhiều người không thể bước được nữa, họ bỏ đội hình, nằm ngay xuống mặt đất, đầu gối lên ba lô khoác nguyên trên vai, mắt nhắm nghiền, đôi môi khô khốc, những hơi thở cũng trở nên gấp gáp hơn.

Tôi trộm nghĩ, nếu địch đánh vào đội hình hành quân lúc này thì chắc chết, bởi những hỏa lực lớn không thể lắp ráp được, mỗi bộ phận một nơi hoặc nếu có lắp ráp xong cũng chẳng có đạn mà bắn.

Cơn khát chết người của quân tình nguyện Việt Nam trước trận tập kích hang ổ Pailin tiêu diệt đầu sỏ Polpot - Ảnh 8.

Sư đoàn 5 đánh chiếm căn cứ Bộ Tổng Tham mưu và cơ quan Trung ương Mặt trận Xon Xan tại Ampin ngày 7.1.1985. Ảnh: Báo QK7.

Nỗi sợ khiến tôi cố gắng chịu đựng. Trong bình tông của tôi lúc ấy còn khoảng một chén nước nhưng tôi vẫn cố để dành, không dám uống. Mỗi bước đi, tiếng nước va vào thành bình tông lại lóc xóc bên hông, rất khó chịu.

Mà thật lạ, mọi ngày có bao giờ tôi nghe thấy tiếng lóc xóc đó đâu. Vậy mà lúc này, lúc tôi đang chìm vào cơn khát cháy môi, cháy lưỡi thì tiếng kêu của những giọt nước cuối cùng trong cái bình tông sao mà nghe rõ thế, cứ lóc xóc, lóc xóc khiến cơn khát càng trở nên dữ dội.

Tôi bước đi như mộng du, đầu óc mụ mị, nặng trĩu, mắt mờ đi và dần chìm vào giấc mơ. Tôi mơ được về nhà ăn tết, nhưng không phải là mơ thấy giò, chả, bánh chưng mà thấy mẹ và các em ào ra đón.

Cũng không phải tôi lao vào ôm lấy mẹ, ôm lấy các em sau bao ngày xa cách, mà tôi lao đến, vục đầu xuống cái hồ cạnh nhà, cái hồ mà hàng ngày cả làng vẫn ra đó tắm giặt và gánh nước tưới rau, uống lấy uống để.

Trong giấc mơ, cả người tôi chìm nghỉm trong nước, miệng tu ừng ực từng ngụm lớn, uống đến no nê... mà miệng vẫn đắng ngắt.

Đang mơ, bỗng thằng Cương giật giật vào quai ba lô tôi thều thào:

- Anh Điền, còn nước không cho em một ngụm?

Nhìn khuôn mặt nó đỏ lựng vì nắng, nhọ đen nhọ thỉu, méo xệch vì mệt, thương lắm nhưng vẫn phải động viên nó:

- Tao còn tí xíu thôi, nhưng tao cũng không uống, cố chịu. Khi nào sắp chết, tao với mày sẽ chia nhau. Cố lên đi, có chết cũng chết trên đầu hàng quân Cương ạ.

Nó cố nài nỉ, tôi vẫn kiên quyết không cho, cố giữ lấy những giọt nước cuối cùng phòng khi không còn cơ hội sống.

Nài không được, nó lại bỏ tôi, lùi lại phía sau... Nói thật là khi đó, tôi đã lờ mờ nghĩ đến cái chết, nghĩ rằng sẽ chết khát giữa cánh rừng khộp đang cháy nham nhở ở phía Tây cái đất nước "địa ngục" này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại