Ngày 17/2/1979 của lính Tây Nam: Từ sào huyệt Khmer Đỏ trông về biên giới phía Bắc

Trung Sỹ |

"Giải quyết xong 'thủ đô kháng chiến' của bè lũ Pol Pot cho yên một bề, quân đoàn chúng ta sẽ hành quân ra Bắc, chơi nhau sòng phẳng với quân Trung Quốc..."

Điềm báo từ những trận đánh đêm

Ngày 17 tháng 2 năm 1979,

Tình hình biên giới phía Bắc ngày càng căng thẳng. Mặc dù đang đánh nhau ác liệt, dồn quân Pol Pot trên các nẻo đường tiến quân trên đất nước Campuchia nhưng chúng tôi vẫn nắm được tình hình đất nước qua tin tức thời sự từ những chiếc radio chiến lợi phẩm.

Tin xảy ra những trận xô xát bằng vũ khí nguội trên vùng biên giới Lạng Sơn; Tin anh hùng liệt sỹ công an vũ trang Lê Đình Chinh tay không hạ gục ba lính Trung Quốc giả danh gây hấn; Tin về sự kiện "nạn kiều" mà Trung Quốc gây ra trong nước để dụ dỗ, đe dọa, cưỡng ép gần 20 vạn Hoa kiều đang sống yên ổn ở Việt Nam về nước.

Ngày 17/2/1979 của lính Tây Nam: Từ sào huyệt Khmer Đỏ trông về biên giới phía Bắc - Ảnh 1.

Đường 56 lên biên giới Thái tỉnh Pursat trong lần tác giả đi về lại chiến trường tháng 10/2018.

Tôi nhớ bác gái tôi ở ngõ Phất Lộc lấy chồng người Hoa. Bác gọi bà ngoại tôi bằng cô ruột. Những ngày Tết xưa, khi bác đến thăm bà, phong bao lì xì của bác cho tôi bao giờ cũng là "đậm" nhất.

Tôi nhớ cả cây sữa già cổ thụ trong sân chung nhà bác, dội vào đêm thu làn hương nồng ngạt qua những khe cửa chớp.

Những thứ đậm đặc nồng nàn quá đều gây khó chịu thì phải, kể cả đó là một mùi hương hay một tư tưởng cực đoan. Thế mà đã có một thời Việt Nam- Trung Quốc núi liền núi, sông liền sông, như lời một bài hát trong quá khứ.

Vật đổi sao dời chỉ ngoảnh đi ngoảnh lại trong chớp mắt. Ba năm trước thôi, chẳng ai hình dung nổi sự thật cay đắng này. Không biết các chị tôi, bác tôi có vì bị Trung Quốc cưỡng ép mà phải ra đi?

Ôi những cuộc chia lìa đau xót trong gia đình không ai mong đợi, theo những toan tính bành trướng của tư tưởng bá quyền. Trời mùa khô nắng chói chang đến cay mắt. Không thể tưởng tượng được, bây giờ bác và chị em tôi lại ở hai đất nước, hai phía đối địch với nhau.

Ngày 17/2/1979 của lính Tây Nam: Từ sào huyệt Khmer Đỏ trông về biên giới phía Bắc - Ảnh 2.

Quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu ở mặt trận Campuchia. Ảnh: TTXVN

Trời ngả chiều. Quân phối thuộc bám theo đám dân từ bến sông về phum. Ban chỉ huy tiểu đoàn đóng tại ngôi chùa lớn. Trung đội thông tin nằm trong cái nhà đúc 2 tầng cách chỉ huy sở 100m, chẹn ngang ngã ba từ tiểu đoàn bộ xuống đại đội 4.

Ngôi nhà không trát, đỏ hoét màu gạch trần lỗ chỗ vết đạn nhọn. Anh em không dám lên lầu, tụt cả xuống tầng trệt. Đội hình đóng thưa nên trung đội thông tin cũng phải đảm nhiệm một mũi như bộ binh.

Đại đội 1 nằm tựa lưng một gò núi nhỏ mọc đầy tre gai, chẹn ngang con đường đất đi về phía rừng thưa. Nhìn thấy phía đó có cái sườn núi cháy nham nhở. Rừng thưa trên núi trụi lá, chỉ còn những thân cây khô trắng xám. Trung đoàn tăng cường cho đại đội 1 tiền tiêu một khẩu DK.75, một khẩu 12.8mm nên lúc này hỏa lực khá mạnh.

Ban ngày yên tĩnh. Cánh đồng trống trải nhìn rõ những gò cây khô. Đêm đầu tiên, vừa chân ướt chân ráo xuống đại đội đã bị địch tập kích. Tiếng súng bắn vào từ khắp nơi, chủ yếu là đạn nhọn và M.79. Dưới các trung đội bộ binh tiền tiêu không thấy bắn lại.

Ngày 17/2/1979 của lính Tây Nam: Từ sào huyệt Khmer Đỏ trông về biên giới phía Bắc - Ảnh 3.

Xuân Tùng (bút danh Trung Sỹ) - Nguyên trung sỹ D4E2F9, Quân đoàn 4 tham gia Chiến tranh Biên giới Tây Nam bảo vệ Tổ quốc và là Quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia, tác giả cuốn Hồi ức Chuyện lính Tây Nam, NXB Thanh Niên.

Chưa bao giờ bị địch tấn công ban đêm nên tôi thấy lạ. Trước đến giờ chỉ có mình chủ động tấn công, còn lần này nó là kẻ chủ động đánh mình. Những trận đánh đêm ngày càng dày, càng dữ dội. Không biết đây là điềm báo gì, có liên quan gì đến tình hình biên giới phía Bắc đang ngày một căng thẳng như dây đàn hay không?

"Trung Quốc đánh mình rồi!"

Ngày 17 tháng Hai năm 1979, sau khi ăn cơm chiều, bọn thông tin chúng tôi sang bên khẩu cối uống trà. Bỗng nhiên thấy anh Síu ôm cái đài chạy sang gọi. Này này, Trung Quốc nó đánh mình rồi! Chúng tôi chăm chú nhìn vào cái đài đang nói, quên cả uống nước.

Được một tý thì anh ấy lại ôm cái đài chạy về lán đại đội. Chúng tôi và bọn lính khẩu đội cối 60mm cũng chạy theo. Lúc đó ban chỉ huy không có ai vì anh Khanh với liên lạc không biết chạy xuống trung đội nào.

Một cái tin có lẽ quá gây xúc động nên anh Síu không thể nghe một mình. Lát sau về đủ. Chỉ huy đại đội cùng các cán bộ trung đội hội ý chiều. Hôm đó chẳng thấy ai cắt đặt nhiệm vụ gì như mọi ngày. Cả bọn im lặng hút thuốc rê, dỏng tai nghe đài. Lát sau khi hết tin, đến các đoạn nhạc tiến quân, anh Khanh xua cán bộ trung đội về.

Ngày 17/2/1979 của lính Tây Nam: Từ sào huyệt Khmer Đỏ trông về biên giới phía Bắc - Ảnh 4.

Cầu sông Bằng (Cao Bằng) bị quân Trung Quốc đánh sập.

Tôi cúi xuống vuốt ve khẩu súng, không thấy lo gì. Thậm chí còn hy vọng có thể đơn vị sẽ được rút về nước chiến đấu.

Nói chung lúc đó tâm lý bọn tôi không sợ quân Trung Quốc, chỉ sôi sục muốn được về nước ngay. Có một sự tự tin lớn, thậm chí khá ngang tàng thường tuổi trẻ nào cũng có, vì đơn vị chúng tôi đã trải qua nhiều trận đánh thắng. Có chết trận thì cũng muốn chết ngay trên quê hương mình, chứ không phải lưu lạc xứ người.

Mấy hôm sau không biết có tin từ đâu, rằng Quân đoàn 3 đang được rút ra ngoài Bắc. Anh em đang hành quân nườm nượp trên lộ 5, mé bên kia Tonle Sap. Anh em đơn vị bạn ai cũng dán băng hay viết trên vành mũ câu: "Quyết tâm tiêu diệt bọn bành trướng xâm lược”. Nghe nói thế, lòng người càng chộn rộn.

Radio liên tục phát một ca khúc mới, nghe đã muốn rực lòng: "Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới, giục toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới…”.

Chơi sòng phẳng với quân Trung Quốc

Lửa đã cháy ở hai đầu đất nước. Sư đoàn tôi vào đợt học chính trị giữa các trận đánh. Cán bộ chỉ huy phổ biến ngắn gọn cho toàn thể đơn vị, rằng nhiệm vụ nào cũng là nhiệm vụ.

"Nhiệm vụ đơn vị ta bây giờ là chuẩn bị chiến dịch tấn công, đập nát Amleang, sào huyệt cuối cùng của Khmer Đỏ, kẻ dám thọc dao hiểm vào sau lưng đất nước ta. Giải quyết xong 'thủ đô kháng chiến' của bè lũ Pol Pot cho yên một bề, quân đoàn chúng ta sẽ hành quân ra Bắc, chơi nhau sòng phẳng với quân Trung Quốc."

Lính tráng phấn khởi reo ầm ầm, chơi trận quyết tử này cho xong, rồi về nước chống thù. Những giây phút quên mình của người lính là rất thật, nhất là khi phải bảo vệ Tổ quốc của mình.

Đêm luồn sâu tiềm nhập “thủ đô” đất địch. Tang tảng sáng, cối 82mm súc miệng bắn thăm dò nổ dọc biên con đường phía trước. Sóng âm xung kích lung lay bóng nguyệt đỉnh rừng. Trăng hạ huyền méo xệch, bạc phếch trong ánh ngày đang lên như vừa trải một đêm thức sâu.

Mắt díp lại sau một đêm không ngủ, tôi gối đầu lên cuộn dây hữu tuyến, định gà gật chôn vội giấc thèm. Chỉ huy tiểu đoàn thông báo trên máy đã tiến sát ngã ba Amleang.

Ngày 17/2/1979 của lính Tây Nam: Từ sào huyệt Khmer Đỏ trông về biên giới phía Bắc - Ảnh 6.

Rừng khộp địa hình Amleang

Quân Khmer Đỏ vỡ trận các nơi, nhao nhác chạy về ngã ba vô hướng.

Súng rền các phía quanh đội hình không phân biệt tiền duyên. Tiếng động cơ rền rền phía sau đánh thức anh lính vẫn còn đang ngái ngủ.

Đoàn xe tăng T.54 lữ đoàn 22 phun khói mù mịt từ trong sương xông ra. Trưởng xe tháo mũ công tác gào lên hỏi bộ binh mấy câu rồi lại thụt vào.

Thê đội xe tăng nhanh chóng vượt qua đội hình chúng tôi, càn đè những bụi cây nhỏ xộc thẳng vào phòng tuyến địch. Lính các đại đội bám liền theo sau. Tiểu đoàn thực hành vận động tấn công. Pháo 100mm, trọng liên 12.7 mm trên xe nổ choáng tai. Cây rừng rung rinh nghiêng ngả theo vết xích chiến xa.

Mấy thằng lính chạy gần nhăn mặt há mồm bởi tiếng pháo tự hành nhưng không giấu được sự khoái trá. Anh Sơn giữ lại đại đội 3 đi sau hộ tống thương binh tử sỹ. Xe tăng ủi vỡ tuyến phòng ngự, tụi Khmer Đỏ bật chốt tháo chạy đen rừng.

Ngay trong buổi chiều hôm đó, trung đoàn tôi đã làm chủ ngã ba Amleang. Tôi quá thất vọng với cái “thủ đô kháng chiến" của địch. Vài cái nhà lá, kho tàng lèo tèo quanh một con suối sâu giữa rừng khộp.

Chỉ có dân bạn là sung sướng. Họ thoát khỏi sự kiềm tỏa của lính Pol Pot, tràn qua đội hình chúng tôi trở ra đường lớn để về quê cũ giữa một đám mây ruồi.

Còn có chút thất vọng nữa vì khi sau trận này, quân đoàn chúng tôi vẫn được lệnh ở lại tiêu diệt tàn quân địch. Ở phía Bắc, các đơn vị địa phương đã phòng ngự chặt, gây cho quân xâm lược Trung Quốc thiệt hại nặng nề, và chúng đã buộc phải tuyên bố rút quân.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại