Cuộc hành quân thần tốc của Lữ đoàn Xe tăng 203: May cho quân TQ là chúng đã rút lui!

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt |

Trong chiến tranh biên giới 1979, thật may cho quân Trung Quốc xâm lược là chúng đã rút quân. Chỉ chậm thêm ít ngày, chắc chắn chúng sẽ hứng chịu những đòn sấm sét của Lữ đoàn 203!

Cuộc hành quân thần tốc của Lữ đoàn Xe tăng 203: May cho quân TQ là chúng đã rút lui! - Ảnh 1.

Ngày 25.12.1978, sau một cuộc hành quân đầy bão tố, Lữ đoàn Xe tăng 203 - Quân đoàn 2 đã có mặt tại Tri Tôn, An Giang để cùng các đơn vị khác trong quân đoàn và lực lượng vũ trang Quân khu 9 sẵn sàng tham gia chiến dịch phản công đánh bại quân Khmer Đỏ tháng 1.1979.

Sau khi sang đất Campuchia, Lữ đoàn chia đội hình tác chiến theo 2 mũi: Mũi chủ công phát triển lên hướng Tây Bắc, giải phóng Thủ đô Phnom Pênh; mũi thứ yếu phối hợp với Hải quân đánh chiếm các cảng Ream, Congpong Xom, giải phóng và làm chủ vùng đồng bằng phía Nam Campuchia...

Thậm chí, theo kế hoạch ban đầu, do không bị con sông Mekong ngăn trở như các hướng của Quân đoàn 3, Quân đoàn 4 nên Bộ tư lệnh chiến dịch đã chọn chính hướng này làm hướng tiến công chủ yếu đánh chiếm Phnom Pênh. Quyết định đó chỉ thay đổi sau khi Quân đoàn 4 nhanh chóng vượt được phà Neak Lương trên đường 1.

Sau khi chiến dịch phản công kết thúc, Lữ đoàn có 3 tiểu đoàn thì đứng chân ở 3 nơi: Một tiểu đoàn ở Phnom Pênh, một tiểu đoàn ở Căm Pốt, còn một tiểu đoàn ở Tà Keo. Nhiệm vụ của các đơn vị là tham gia truy quét tàn quân địch, xây dựng địa bàn và củng cố xe pháo, trang bị.

Mặc dù các sư đoàn chủ lực quân Khmer Đỏ đã bị đánh tan song tàn quân còn lẩn lút khắp nơi nên đơn vị lúc nào cũng được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao.

Cuộc hành quân thần tốc của Lữ đoàn Xe tăng 203: May cho quân TQ là chúng đã rút lui! - Ảnh 3.

Bộ đội Việt Nam chuẩn bị lên máy bay vận tải từ Campuchia về nước tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, tháng 2/1979. Ảnh: Infonet

Trong thời điểm đó, quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng xấu đi nhanh chóng. Tình hình biên giới đang nóng lên từng ngày. Bởi vậy, vừa làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, cán bộ chiến sĩ toàn Lữ đoàn vẫn hàng ngày theo dõi sát tình hình biên giới phía Bắc.

Cuộc hành quân thần tốc của Lữ đoàn Xe tăng 203: May cho quân TQ là chúng đã rút lui! - Ảnh 4.

Ngày 17.2.1979, khi Trung Quốc xua quân ồ ạt tiến công xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên giới, cán bộ chiến sĩ toàn Lữ đoàn nóng lòng được điều động quay ra cùng quân dân các tỉnh biên giới phía Bắc đánh quân xâm lược, đặc biệt là các cán bộ chiến sĩ quê hương ở các tỉnh này.

Cuộc hành quân thần tốc của Lữ đoàn Xe tăng 203: May cho quân TQ là chúng đã rút lui! - Ảnh 5.

Năm 1975, trong đội hình cánh quân Duyên Hải, Lữ đoàn xe tăng 203 đã vượt hàng nghìn km, vừa đi vừa đánh địch để có mặt tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh và lập công xuất sắc. Tháng 12.1978, Lữ đoàn lần thứ hai "thần tốc" vào Tây Nam diệt quân Khmer Đỏ. Và tháng 3.1979, Lữ đoàn lại một lần nữa vượt 2.000 km ra biên giới phía Bắc diệt thù.

Cuộc chiến chống quân xâm lược Trung Quốc chính thức bắt đầu ngày 17.2.1979 nhưng phải đến ngày 27.2.1979, Lữ đoàn Xe tăng 203 mới nhận được lệnh chuẩn bị cơ động gấp ra phía Bắc sẵn sàng đánh địch.

Cuộc hành quân thần tốc của Lữ đoàn Xe tăng 203: May cho quân TQ là chúng đã rút lui! - Ảnh 6.

Chỉ huy Quân đoàn 2 và Sư đoàn 304 trên đường tiến quân vào Sài Gòn. Ảnh: Tư liệu

Ngay sau khi nhận chỉ thỉ, mệnh lệnh đã được truyền đạt đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ. Chỉ huy và cơ quan Lữ đoàn tập trung xây dựng kế hoạch hành quân. Các đơn vị khẩn trương bàn giao nhiệm vụ, địa bàn cho đơn vị bạn và cơ động về tập trung tại Tri Tôn (An Giang).

3 giờ sáng ngày 6.3.1979, quyền Lữ đoàn trưởng Trần Minh Công cùng một số cán bộ chủ chốt các cơ quan Tham mưu, Chính trị cùng cơ quan quân đoàn cơ động về sân bay Tân Sơn Nhất đáp máy bay ra Bắc chuẩn bị chiến trường và hiệp đồng với các cơ quan, đơn vị chuẩn bị đón xe tăng ra.

Cuộc hành quân thần tốc của Lữ đoàn Xe tăng 203: May cho quân TQ là chúng đã rút lui! - Ảnh 7.

Ngày 16.3.1979, dưới sự chỉ huy của Chính ủy Bùi Văn Tùng và Tham mưu trưởng Phạm Ngọc Bảng, toàn Lữ đoàn thực hành cơ động bằng 3 loại phương tiện theo 3 con đường khác nhau:

- Các thành viên kíp xe tăng thiết giáp (trừ trưởng xe và lái xe) cơ động theo đường hàng không bằng máy bay quân sự của Liên Xô ra sân bay Gia Lâm với nhiệm vụ: Chuẩn bị công sự trận địa cho xe tăng, thiết giáp sẵn sàng bước vào chiến đấu;

- Các phân đội trực thuộc và các cơ quan Lữ đoàn hành quân bằng ô tô theo đường bộ;

- Toàn bộ xe tăng thiết giáp hành quân bộ đến cảng Hà Tiên. Tại đây, tăng thiết giáp được cẩu lên tàu vận tải quân sự của Liên Xô và đưa về cảng Hải Phòng. Sau khi lên bờ, các xe nhanh chóng được đưa lên tàu hỏa và được chở thẳng về Trại Cau, Thái Nguyên;

- Ngoài ra, cơ quan Kỹ thuật và phân đội sửa chữa của Lữ đoàn tập trung sửa chữa những xe bị hư hỏng trong quá trình chiến đấu. Trường hợp không thể khắc phục được sẽ bàn giao cho Quân khu 9.

Do có sự hiệp đồng chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị nên chỉ chưa đầy 1 tuần, ngày 21.3.1979 toàn bộ lực lượng, phương tiện chiến đấu của Lữ đoàn đã vượt hơn 2.000 km để có mặt tại vị trí quy định, sẵn sàng bước vào chiến đấu được ngay.

Cuộc hành quân thần tốc của Lữ đoàn Xe tăng 203: May cho quân TQ là chúng đã rút lui! - Ảnh 8.

Chỉ trong vòng 4 năm, Lữ đoàn Xe tăng 203 đã thực hiện 3 cuộc hành quân "thần tốc" dọc chiều dài đất nước, lúc vào Nam, khi ra Bắc để làm nhiệm vụ.

Những cuộc hành quân "thần tốc" đó cùng những chiến công vang dội đã tô thắm truyền thống "Thần tốc, Táo bạo, Quyết thắng" của Lữ đoàn, đồng thời để lại nhiều kinh nghiệm quý giá cho các thế hệ sau.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại