Lính tăng Việt Nam có thể mang súng gì lên "cua mắt đỏ" - xe tăng T-90S đời mới?

Ánh Dương |

Lính xe tăng Việt Nam hiện được vũ trang chủ yếu bằng AK-47 hoặc súng ngắn, tuy nhiên điều này có thể thay đổi khi Quân đội ta chuẩn bị đưa vào trang bị xe tăng T-90S thế hệ mới.

Vì sao lính xe tăng lại cần tới súng trường?

Kể từ khi xuất hiện vào năm 1916, xe tăng nhanh chóng trở thành phương tiện chiến tranh không thể thiếu trong mọi cuộc chiến. Mặc dù khí tài chiến đấu chính của lính tăng thiết giáp là pháo hoặc súng máy hạng nặng, thế nhưng kíp chiến đấu trên các phương tiện bọc thép này vẫn được vũ trang không khác gì lính bộ binh.

Việc lính xe tăng được trang bị như lính bộ binh là cách hiệu quả nhất để họ có thể xử lý được nhiều tình huống khác nhau trên chiến trường từ cận chiến cho đến trinh sát. Sau hơn 100 năm, các mẫu súng được trang bị cho lính xe tăng cũng dần thay đổi từ súng ngắn chuyển sang súng tiểu liên và ở thời điểm hiện tại là súng trường tấn công.

Điển hình như lính xe tăng của Nga, ở thời điểm hiện tại ngoài quân trang Ratnik mới được trang bị ra thì họ vẫn sử dụng mẫu súng trường tấn công AK-74M và AKS-74U, cả hai đều sử dụng báng sắt có thể gấp gọn lại giảm tối đa kích thước để người lính có thể dễ dàng mang theo mình khi vào xe tăng hoặc cất gọn bên trong xe.

Còn Quân đội Mỹ, lính xe tăng ngoài việc luôn mang theo súng ngắn ra họ còn được trang bị súng M4 Carbine – một biến thể rút gọn của súng trường tấn công M16A2. Với chiều dài tối đa chỉ 840mm và nặng 3.4kg, M4 là một lựa chọn không hề tồi cho lính xe tăng Mỹ ở cả bên ngoài lẫn bên trong xe.

Lính tăng Việt Nam có thể mang súng gì lên cua mắt đỏ - xe tăng T-90S đời mới? - Ảnh 1.

Nhà máy UralVagonZavod là cơ sở sản xuất xe tăng nổi tiếng nhất của Nga, nơi đang thực hiện hợp đồng cung cấp xe tăng T-90S/SK cho hai khách hàng là Quân đội Iraq và Việt Nam.

Trong Binh chủng Tăng – Thiết giáp của Quân đội ta hiện tại, hầu hết lính xe tăng đều được vũ trang bằng các dòng súng trường tấn công cơ bản như AK-47, AKM và Type 56. Trong đó phổ biến nhất vẫn là các biến thể AK báng gấp, giúp người lính cơ động hơn trong chiến đấu cũng như mang theo bên mình.

Tuy nhiên quá thời gian dài sử dụng các dòng súng AK cũng bộc lộ nhiều nhược điểm, và không còn phù hợp để trang bị cho các đơn vị tăng thiết giáp vốn chỉ cần tới các loại vũ khí mang tính chất phòng vệ hoặc cận chiến.

Ở thời điểm mà Binh chủng Tăng – Thiết giáp sắp đưa vào trang bị xe tăng T-90S/SK thế hệ mới hoặc T-54M3 nâng cấp, các chiến sĩ trong kíp lái của những chiếc xe tăng này có thể sẽ được trang bị loại súng bộ binh mới do ngành công nghiệp quốc phòng nước ta tự chế tạo.

Lộ diện súng mới của lính xe tăng Việt Nam?

Trong những năm gần đây, với sự phát triển của ngành công nghiệp quốc phòng trong nước, chúng ta liên tục cho ra đời các mẫu súng bộ binh mới đáp ứng yêu cầu huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu ngày càng cao của quân đội, và trong các mẫu súng đó có cả các loại phù hợp với yêu cầu của người lính tăng thiết giáp.

Theo đó, các nhà máy thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng ở thời điểm hiện tại đã nội thành công nhiều mẫu súng trường tấn công hiện đại theo giấy phép của nước ngoài. Tuy nhiên các mẫu súng phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của lính xe tăng Việt Nam chỉ có thể kể đến ba mẫu súng sau: AKM-1B, STV-215 và SN9P.

Lính tăng Việt Nam có thể mang súng gì lên cua mắt đỏ - xe tăng T-90S đời mới? - Ảnh 2.

Một số mẫu súng bộ binh do Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng chế tạo được giới thiệu tại Triển lãm Quốc phòng IndoDefence. Trong đó có cả sự xuất hiện của ba mẫu súng AKM-1B (dưới cùng), STV-215 và SN9P (ở giữa). Ảnh: BMPD.

So với những khẩu AK-47 tiểu chuẩn của bộ binh Việt Nam, súng tiểu liên AKM-1B được đánh là phiên bản nâng cấp khá toàn diện, khi trọng lượng AKM-1B chỉ rơi vào khoảng 3.3kg so với 3.4kg của AK-47 (chưa bao gồm hộp tiếp đạn 30 viên).

Chiều dài của súng khi gấp báng chỉ 655mm so với 880mm (báng gỗ). Bên cạnh đó AKM-1B có độ chính xác khi bắn cũng cao hơn hẳn AK-47.

Từ những ưu điểm trên, AKM-1B được xem là ứng cử viên sáng giá cho lính xe tăng Việt Nam ở thời điểm hiện tại.

Tuy nhiên, nếu AKM-1B vẫn chưa thể làm hài lòng những người lính tăng khó tính nhất thì họ còn có một sự lựa chọn khác là súng tiểu liên STV-215 hay còn được biết tới với cái tên khác là súng tiểu liên ACE 31 do Nhà máy Z111 chế tạo dựa trên giấy phép chuyển giao công nghệ của Israel.

So với AKM-1B, STV-215 có chiều dài cơ bản chỉ 730mm và 650mm khi gấp báng, trọng lượng súng chỉ 3kg (chưa bao gồm hộp tiếp đạn). Tốc độ bắn trung bình của STV-215 lên đến 680 viên/phút và sử dụng đạn tiêu chuẩn 7.62×39mm tương tự như AKM-1B.

Ngoài ưu điểm có thiết kế gọn nhẹ, hỏa lực mạnh mẽ, STV-215 còn cho phép người lính gắn thêm các thiết bị hỗ trợ bắn dễ dàng hơn AKM-1B nhờ hệ thống rail được tích hợp sẵn trên súng.

Ứng cử viên cuối cùng trong danh sách này chính là mẫu súng tiểu liên SN9P được Việt Nam sản xuất dựa trên mẫu PP-19 "Bizon" của Nga, bản thân mẫu súng này cũng chỉ mới được giới thiệu lần đầu trong năm 2018 tại triển lãm quốc phòng IndoDefence tại Indonesia.

Lính tăng Việt Nam có thể mang súng gì lên cua mắt đỏ - xe tăng T-90S đời mới? - Ảnh 3.

Súng tiểu liên SN9P và ngay bên dưới nó là AKM-1B được Việt Nam giới thiệu tại triển lãm IndoDefence. Ảnh: Miles V.

Về thông số kỹ thuật, SN9P vượt trội hoàn toàn so với AKM-1B và STV-215 khi súng chỉ nặng chỉ hơn 2kg, chiều dài cơ sở 690mm và khi gấp báng chỉ còn 460mm. Khẩu tiểu liên này được trang bị hộp tiếp đạn lên tới hơn 60 viên với hộp tiếp đạn hình trụ.

SN9P sử dụng đạn tiêu chuẩn 9x19mm tương đồng với các dòng súng sử dụng đạn 9mm của NATOm tuy nhiên nó vẫn có thể được cải tiến để sử dụng đạn 9x18mm vốn được sử dụng trên các mẫu súng ngắn của Việt Nam hiện tại.

Theo đó với SN9P, lính xe tăng Việt Nam chỉ cần mang theo một loại đạn giành cho cả súng tiểu liên và súng ngắn mà họ được trang bị.

Mẫu súng tiểu liên này có có tầm bắn hiệu quả chỉ từ 100-200m phù hợp cho cận chiến (lý tưởng cho lính xe tăng nếu muốn phòng vệ tầm gần), tốc độ bắn của súng có thể đạt tới 650 viên/phút ngang ngửa với AKM-1B.

Từ cả ba dòng súng trên ta có thể thấy giữa chúng đều có điểm mạnh yếu riêng của mình, tuy nhiên với một người lính thì một khẩu súng được gọi là tốt khi chúng có độ tin cậy cao, ít hỏng hóc và khả năng sát thương lớn. Bên cạnh đó nó còn phải phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của người lính.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại