Hãng thông tấn nhà nước SANA của Syria cho biết, vụ oanh kích của Không quân Israel (IAF) nhằm vào mục tiêu là một khu vực kho tàng nằm ở sân bay quốc tế Damascus, điều này dẫn tới nhận định rằng lại vừa có một chuyến hàng chở vũ khí từ Iran sang hạ cánh.
SANA thông báo thêm rằng các máy bay chiến đấu Israel đã sử dụng tên lửa hành trình tầm xa và bom liệng để tấn công. Lực lượng phòng không Syria đã nhanh chóng đáp trả, bắn hạ hầu hết số vũ khí của Israel nhưng có vẻ như vẫn để lọt lưới một số và hứng chịu thiệt hại dưới mặt đất.
Bỏ qua những con số thống kê về thiệt hại của Syria hay thực chất có bao nhiêu tên lửa Israel bị bắn hạ thì vấn đề được quan tâm nhất hiện nay đó là tổ hợp tên lửa phòng không S-300PM trong tay Quân đội chính phủ Syria (SAA) đã tham chiến hay chưa, đáng tiếc rằng cho tới lúc này vẫn chưa có bất cứ thông tin nào xác nhận rằng vũ khí trên đã ra trận.
Tổ hợp tên lửa phòng không S-300PM Nga cung cấp cho Syria
Cần nhớ lại rằng sau khi Nga cung cấp S-300PM cho Syria, Damascus đã tuyên bố rất cứng rắn rằng từ giờ trở đi họ đã có phương tiện đủ sức khóa chặt bầu trời và sẽ không để cho một tiêm kích Israel nào lọt lưới.
Hệ thống S-300PM của phòng không Syria được nhận định là đã đi vào hoạt động, khi trước lễ Giáng sinh Nga đã cho rút về nước các chuyên gia làm nhiệm vụ huấn luyện kíp trắc thủ tên lửa Syria làm quen khí tài, điều này cho thấy binh lính SAA đã độc lập làm chủ vũ khí.
Nhưng đây đã là cuộc tấn công thứ hai của IAF xảy ra sau thời điểm đó mà tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-300PM của Syria vẫn cứ án binh bất động, vậy đâu là nguyên nhân chủ chốt dẫn tới tình trạng trên?
Một khẩu đội tên lửa phòng không S-300PM của Quân đội Nga
Theo đánh giá, có lẽ lý do đầu tiên khiến S-300PM im lặng là vì tiêm kích Israel vẫn sử dụng chiến thuật cũ, chưa xâm nhập không phận Syria mà chỉ phóng tên lửa từ đất Lebanon, nếu S-300PM khai hỏa sẽ chẳng thu về hiệu quả gì vì đối phương sẽ nhanh chóng chạy thoát.
Bên cạnh đó có lẽ phòng không Syria cũng không muốn S-300PM phải phí đạn để đánh chặn tên lửa hành trình hay bom liệng của Israel, bởi vì cơ số tên lửa trong tay họ chỉ có hạn, không đủ sức dàn tràn đối phó mục tiêu giá trị thấp.
Tuy nhiên cũng không thể loại trừ khả năng Tel Aviv sau một thời gian dài nghiên cứu tính năng của S-300 thông qua các cuộc tập trận đối kháng thì đã tìm ra cách để "bịt mắt" radar của hệ thống này.
Không ít lần trong năm 2018, lực lượng phòng không Syria đã khai hỏa tên lửa lên trời vì dính đòn chế áp điện tử của Israel, điều này cho thấy họ chưa đưa ra được phương án hiệu quả nhất để khắc phục nhược điểm.
Sẽ cần thêm một số thông tin cụ thể nữa để đi tới một kết luận chính xác nhất, nhưng diễn biến tình hình chiến sự tại Syria vẫn chứ có dấu hiệu giảm nhiệt kể cả khi Mỹ đã tuyên bố rút quân.
Tên lửa Israel tấn công Damascus trong đêm 11/1