Chế tạo vũ khí: Chẳng ai làm tất ăn cả!
Vẫn biết, Mỹ, Nga và nhiều quốc gia có tiềm lực mạnh về kinh tế, khoa học kỹ thuật nhất là nền tảng khoa học kỹ thuật quân sự thừa đủ sức để tự mình chế tạo ra những vũ khí hiện đại nhất bằng 100% nội lực, tuy nhiên họ vẫn phải hợp tác với các quốc gia khác trong việc nghiên cứu vũ khí mới.
Chẳng hạn, Mỹ - cường quốc quân sự số 1 thế giới phải mua hệ thống phòng hộ cho xe tăng, sắp tới có thể là cả hệ thống phòng thủ tên lửa Iron Dome của Israel nữa. Thậm chí Mỹ còn đổ tiền và công nghệ để cùng Israel phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa Arrow.
Đối thủ của Mỹ là Nga cũng phải cậy nhờ nhiều quốc gia khác trong việc chế tạo vũ khí trang bị như mua động cơ tàu chiến từ Trung Quốc sau khi bạn hàng truyền thống - nhà cung cấp chủ lực Ukraine "trở mặt" vì những xung đột về địa chính trị quân sự với Moscow.
Nga cũng phải mua cả công nghệ chế tạo UAV quân sự lẫn thành phẩm từ Israel, xe thiết giáp chở quân của Italia,...
Xe bọc thép LMV Nga hợp tác cùng với hãng Iveco (Italia) chế tạo.
Sở dĩ có những thỏa thuận này là do mỗi nước đều có chiến lược phát triển công nghiệp quốc phòng của riêng mình. Với người Mỹ, họ quá sành sỏi trong việc tính các bài toàn kết hợp giữa quốc phòng và kinh tế, cái gì có lợi mới làm, còn những gì không thật cần thiết và tự mình làm sẽ phải bỏ ra chi phí lớn thì họ mua/thuê ngoài.
Điển hình nhất là Mỹ đầu tư cho Israel nghiên cứu chế tạo các hệ thống phòng thủ tên lửa để từ đó hoặc mua thành phẩm hoặc nhận chuyển giao công nghệ từ đối tác để phát triển những sản phẩm riêng của mình.
Nhờ vậy, không chỉ tiết kiệm được đáng kể kinh phí R&D, Mỹ còn tận dụng được sự khác biệt và nền tảng công nghệ của người Do Thái - dân tộc vốn được coi là thông minh nhất thế giới.
Không những thế, Mỹ còn hưởng lợi từ những kinh nghiệm thực chiến mà Lực lượng phòng vệ Israel tích lũy được qua nhiều cuộc xung đột khốc liệt, điều mà có tiền chưa chắc đã mua được.
Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm quân sự Mỹ cũng giao cho các đối tác nước ngoài chế tạo từng phần, kể cả những phần rất quan trọng sau đó tiếp nhận về chính quốc lắp ráp hoàn chỉnh rồi xuất khẩu đi khắp thế giới.
Hệ thống phòng thủ tên lửa Arrow do Israel phát triển dưới sự đầu tư của Mỹ.
Nga ở thế kẹt, gì cũng bán, kẻ hưởng lợi là Trung Quốc?
Việc Kiev dừng tất cả mọi hoạt động hợp tác kỹ thuật quân sự với Moscow khiến Nga phải hứng chịu một cú sốc khá lớn.
Trước đây, có sự hỗ trợ của Ukraine, Nga có thể yên tâm về nguồn cung động cơ tàu chiến và nhiều sản phẩm quân sự khác, nhưng giờ họ phải tự làm và nhiều thứ phải bắt đầu từ số 0 bới Ukraine nắm giữ bí quyết và có dây chuyền sản xuất.
Làm lại từ đầu đối với Nga không khó bởi nền tảng khoa học kỹ thuật quân sự của họ quá tốt.
Bất cứ thứ gì họ đều có thể chế tạo được, tuy nhiên sẽ phải mất rất nhiều thời gian và kinh phí, nhất là trong bối cảnh Nga bị các nước phương Tây cấm vận khiến nên kinh tế khó khăn, đâu đó còn có sự chảy máu chất xám trong đội ngũ các nhà khoa học quân sự Nga.
Các cửa hợp tác với phương Tây trong lĩnh vực xuất khẩu vũ khí cũng như nghiên cứu chế tạo đã bị đóng sập lại một cách không khoan nhượng, Nga buộc phải bắt tay với Trung Quốc, Ấn Độ. Trong đó Trung Quốc là đối tác quan trọng nhất.
Để đẩy nhanh tốc độ hiện đại hóa hải quân, Nga buộc phải nhập khẩu động cơ tàu chiến của Trung Quốc cho dù biết thừa chất lượng còn xa mới đáp ứng được yêu cầu.
Tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov của Nga liên tiếp gặp tai nạn.
Đồng thời Moscow cũng bán cho Bắc Kinh những vũ khí tối tân nhất như tiêm kích Su-35, tên lửa phòng không S-400 và một loạt công nghệ quốc phòng mới nhất, bất chấp nguy cơ có thể bị Trung Quốc sao chép và cạnh tranh ngược lại với vũ khí Nga trên thị trường quốc tế.
Có thể hiểu Nga ở thế đặng chẳng đừng, buộc phải bán những sản phẩm mới nhất và tốt nhất cho Trung Quốc để lấy tiền phát triển sản phẩm mới, khấu hao dây chuyền máy móc nhằm tiếp tục đầu tư tái sản xuất các sản phẩm mới hơn.
Gần đây nhất, Nga được cho là đã "dâng" cho Trung Quốc công nghệ tối mật để giúp nước này chế tạo pháo điện từ. Đổi lại Nga có thể sẽ được Trung Quốc giúp nâng cấp chiếc tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov - hàng không mẫu hạm duy nhất của Hải quân Nga sau hàng loạt sự cố liên tiếp.
Đồng thời còn có tin cho rằng, Không quân hải quân Nga đã đề nghị Trung Quốc cho phép sử dụng tàu sân bay Liêu Ninh để huấn luyện cho các phi công tiêm kích hạm của mình trong thời gian tàu Kuznetsov phải sửa chữa (dự kiến mất khoảng 2-3 năm).
Như vậy, rõ ràng là Trung Quốc là bên được hưởng lợi lớn từ thế kẹt của Nga khi "bòn rút" được những công nghệ quân sự siêu hiện đại mà nếu họ tự nghiên cứu thì có thể phải mất hàng chục năm và chưa chắc sản phẩm đã hoàn hảo.
Nga đang "tự lấy đá ghè chân mình" dù biết là rất đau?