LTS: Trong lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam , chưa khi nào lại tổ chức chiến dịch tiến công hiệp đồng quân, binh chủng lớn như trong chiến dịch giải phóng Campuchia. Chỉ trong hơn một tháng, từ nhiều hướng mũi khác nhau, quân đội ta đã đánh tan quân đội Khơ me Đỏ, giúp bạn thoát khỏi thảm họa diệt chủng.
Nhân kỷ niệm 40 năm Chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ quốc và thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả, cùng với lực lượng vũ trang cách mạng, nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc loạt bài của nhiều tác giả xung quanh sự kiện đặc biệt này.
---
Bài 1: Cuộc hành quân thần tốc đầy bão tố của Lữ đoàn xe tăng 203: Tiêu diệt Khơ me Đỏ
Bài 4: Chiến tranh biên giới Tây Nam : Những "trái da láng" đáng sợ của... Thần chết
Bài 5: Chìa khóa giải phóng Phnom Pênh: Chiến thuật chưa từng có của Quân Việt Nam ở Campuchia
Bài 6: Những cú "liều" đứng tim của lính xe tăng Việt Nam ở Campuchia: Điểm huyệt Khmer Đỏ
Bài 7: Tiến công trong hành tiến - Thần tốc giải phóng Phnom Pênh: Khmer Đỏ không kịp trở tay
Bài 9: Quân tình nguyện VN thần tốc giải phóng Campuchia và những phát hiện bất ngờ
Bài 10: Hạm đội Hải quân Việt Nam đầu tiên trong lịch sử và những chiến công vang dội ở Campuchia
Bài 11: Tướng Hoàng Kiền: Thế giới nợ Việt Nam một lời xin lỗi về vấn đề Campuchia
Bài 15: Chiến tranh Biên giới Tây Nam: Những dòng nước mắt đã chảy giữa hai hàng vệ binh
---
Bài cuối: Chiến tranh Biên giới Tây Nam: Sinh nhật đẫm máu tuổi 19 và chuyện đánh địch trong dân
Sinh nhật đẫm máu tuổi 19
Vào đúng ngày sinh nhật của tôi, ngày 26 tháng 5 năm 1979, tiểu đoàn 4 chúng tôi đang ở trong "mục tiêu A3" được lệnh hành quân ra ga Bamnak.
Thực ra sinh nhật mình thì mình tự nhớ, tự nhẩm đếm thời gian theo những ngày hành quân gian khổ. Sinh nhật tuổi 19 một mình kỷ niệm trong tâm tưởng thôi, để biết rằng mình vẫn đang tồn tại.
Xuân Tùng (bút danh Trung Sỹ) - Nguyên trung sỹ D4E2F9, Quân đoàn 4 tham gia Chiến tranh Biên giới Tây Nam bảo vệ Tổ quốc và là Quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia, tác giả cuốn Hồi ức Chuyện lính Tây Nam, NXB Thanh Niên.
Trời chẳng quên ai, ban tặng ngẫu nhiên cho sinh nhật anh lính trẻ một món quà mong ước từ lâu, là được ra đồng bằng. Ga, đường sắt - mấy từ thường nhật vô danh đời hòa bình, sáng nay nghe ngân nga như nốt nhạc.
Nó là biểu tượng của văn minh, của phố thị mà đám lính rừng mòn mỏi tụi tôi đang khát khao. Suốt ba tháng chui rừng đuổi địch, sống chung với khỉ vượn, hổ báo, kỳ đà và những xác người chết đói, hôm nay chúng tôi về với loài người.
Rừng chen ruộng, ruộng chen rừng. Địa hình thoai thoải và tầm mắt thèm khát đồng bằng được mở rộng dần dần theo từng nhịp bước. Phần lớn trung đoàn bộ đã vượt lên đi trước. Quãng 2h chiều nắng gắt.
Đám lính hậu cần trung đoàn đang ngồi nghỉ trên đường. Một anh lính ban 3 không biết kiếm ở đâu được chiếc xe đạp nam còn mới, đang đạp dấn qua.
Súng chéo trên lưng, ba lô buộc trên giá đèo hàng phía sau, gióng ngang vắt mấy cái ruột tượng gạo, trông anh lính đạp xe thong dong nhàn nhã như đi dã ngoại.
Chiếc xe lách qua đám dân áo đen đánh xe bò, vượt lên, để lại trên đường cát đọng ngoằn ngoèo vết bánh in mờ.
Chúng tôi lên ba lô đi tiếp. Mới được khoảng 400m, chợt gặp một cảnh kinh hoàng. Anh lính hậu cần đạp xe lúc nãy nằm sấp mặt trên vũng máu, đầu lìa khỏi cổ vì một nhát chém bằng dao quắm cực ngọt từ phía sau.
Chiếc xe đạp văng sang một bên. Súng đạn, mấy ruột tượng gạo, đôi dép đã biến mất, không còn gì trên người ngoài bộ quân phục đẫm máu đang mặc. Mùi máu tươi còn chưa kịp thấm hết trên đường cát, tanh nồng dưới nắng chiều.
Tình cảm gắn bó giữa nhân dân Campuchia và bộ đội Việt Nam. Ảnh tư liệu. Nguồn: qdnd.vn
Lính tiểu đoàn rú lên phẫn uất, hằm hè xông vào đám dân bạn, thấy người nào vác dao quắm là nhào vô tước dao, lôi đến xác tử sỹ. Dân chúng sợ hãi xanh mét mặt. Lúc nãy còn tử tế xin thuốc xin nước nhau samakhi là thế, bây giờ tình thế đổi khác hẳn. Cơn giận bốc lên mờ mắt. Không khí nén đặc, cảnh báo một cuộc trả thù.
Một anh cán bộ chính trị, đi với đám lính trung đoàn bộ hò hét khản giọng, chen vào giữa rút K.59 ra bắn chỉ thiên. Anh ấy xô lính ra, bảo nếu bắn dân thì các đồng chí bắn tôi trước đi. Những cái đầu nóng dần dần nguội lại.
Cán bộ thủ trưởng Trung đoàn kịp đến nơi, đứng án ngữ hiện trường rồi lệnh cho vận tải khiêng tử sỹ đi gấp. Chần chừ nữa sợ không kiểm soát được tình hình.
Từ đó cho đến tối, chúng tôi lầm lụi đi nhanh. Ước vọng đồng bằng an lành bỗng tan hoang trong buổi chiều sinh nhật tuổi 19 đẫm máu. Chúng tôi bắt đầu hiểu địch không chỉ có trong rừng, mà còn nằm lẫn trong dân nữa.
Một dãy nhà được gọi là "công xã" tại Tà Sanh ở Tây Bắc Campuchia, được bè lũ Pol Pot – Ieng Sary thiết lập như một căn cứ đầu não sau ngày chế độ diệt chủng của chúng bị lật đổ (7/1/1979) để tiến hành các hoạt động chống phá công cuộc hồi sinh của nhân dân Campuchia. Ảnh: TTXVN).
Địch đấy!
Hôm sau, chúng tôi hành quân tiếp ra thị trấn Ponley. Đại đội 1 sang bên kia lộ 5, hành quân qua chùa đến đứng chân phum Khon roong, một cái phum mới lác đác có người ở. Đặc biệt, ngôi chùa này hầu như còn nguyên và sạch sẽ, không bị đập phá hoặc tàn tạ như các chùa khác mà chúng tôi từng thấy. Tiểu đoàn bộ đóng quân tại một cái nhà chờ bằng gỗ lớn cạnh một ngôi chùa khác.
Mấy cái nhà nhỏ cuối chợ thị trấn là nơi trú chân của vài cô gái. Trong đó có một cô lai khá trắng trẻo, quấn cái sa rông xanh chặt cành hông. Lính ta đi qua thấy thường ngồi trên thang, cười he hé vú rung phừng phực.
Đàn bà bên này không mặc cooc-sê mà thả rông, ngực họ rất tròn. Phượng bọ y tá dọa đừng có dây vào. Địch đấy! Những đêm nằm võng, tưởng tượng vẩn vơ đến cái mông địch cong cong trên cầu thang, cái bầu ngực địch rưng rưng ấy, cả đại đội lính trẻ khối anh đêm mơ mất ngủ.
Một lần khi ra chợ đổi cá, chúng tôi gặp một bà già xoắn lấy. Bà đòi đổi vàng lấy thuốc kháng sinh péniciline tiêm.
Thuốc này chống nhiễm trùng cho các vết thương, chỉ có trạm phẫu tiền phương mới có. Trao đổi một hồi câu được câu chăng, mãi mới hiểu con trai bà đi lính Kh’mer Đỏ bị thương, đang sắp chết vì thiếu kháng sinh.
Điều đó cho biết lính Polpot vẫn quanh quẩn, thậm chí thương binh địch còn nằm ngay nhà dân trong thị trấn. Những đêm sâu gác thấp thỏm, giật mình nghe tiếng rơi bịch bịch tưởng địch luồn vào thảy lựu đạn, tay đã khẽ nấc kéo khóa an toàn súng.
Người dân Campuchia lánh nạn sang Việt Nam di chuyển trên Quốc lộ 22 (thuộc địa phận tỉnh Tây Ninh), do không thể sống nổi dưới chế độ diệt chủng Pol Pot – Ieng Sary. (Ảnh: Xuân Bân/TTXVN)
Đến khi nghe thơm giống mùi dứa chín thoảng trong hơi mưa, biết rằng đó chỉ là tiếng trái thốt nốt chín rụng đêm hè.
Mấy đêm trước có tiếng chó sủa rộ xung quanh. Dân báo địch về, trong đó có một thằng cưỡi ngựa sục vào vét thóc. Tụi này còn ngang nhiên đốt đuốc leo sàn soi kiếm thóc dân giấu, không coi ai ra gì. Buổi chiều mấy hôm trước, tiểu đoàn đã triển khai các tổ phục kích ngoài rìa phum nhưng vẫn chưa thấy chúng nó vào.
Bữa đó cơm chiều vừa xong, trời mới sâm sẩm tối bỗng nghe tiếng nổ rung nhà. Nghe xôn xao bên nhà BCH, lại thấy liên lạc xớn xác cắp đèn pin chạy theo tham mưu. Chúng tôi cũng chạy theo về hướng trung đội vận tải. Tiếng gọi nhau í ới mé tổ phục đầu cầu.
Trong ánh đèn pin, bên kia con suối hiện cảnh kinh hoàng. Một đám xác tung tóe nội tạng, chết chẳng toàn thây. Bảy thằng địch lội qua suối sát phum, chụm lại hội ý trước mũi súng của tổ phục trung đội vận tải. Chớp thời cơ, anh Nghĩa trung đội phó phụt trái B.41 quét đường thổi bay cả đám.
Tụi này định bất ngờ tập kích ngay tiểu đoàn bộ thì dính đòn. Lính tiểu đoàn bộ từ đó phân công phục kích, gác xách nghiêm cẩn hơn. Bây giờ chỗ nào cũng có địch. Có khi ở rừng còn an toàn hơn ở trong thị trấn này.
Tháng 10 năm 1982, bọn tôi hộ tống tổ dân vận vào phum Tà Peck công tác. Tà Peck là một phum hẻo lánh nhưng khá lớn, cách trung đoàn bộ 5 km về phía tây bắc, giáp với rừng dầu mênh mông kéo đến tận chân núi Hồng.
Phum ngày ta đêm địch, không biết gác hướng nào. Ôm khẩu súng trên bụng, nằm võng mắc dưới gầm sàn nhà dân, nghe cá giãy loách choách trên đường ngập, mắt cứ chong chong. Nhà nào có lính Việt ở, dân họ đốt đuốc dầu bập bùng sáng cả đêm như ám hiệu đánh dấu.
Phum Tà peck bây giờ, chẳng khác xưa là bao. Ảnh: Trung Sỹ
Điều này gây cực kỳ khó chịu nhưng chẳng biết làm sao được. Công tác dân vận không cho phép xử rắn, mang tính bạo lực.
Muỗi hàng phi đoàn lượn vo vo. Cặp bò nằm ngay bên kia mé cột thỉnh thoảng thở phò phò, quật đuôi đen đet đập muỗi, giật cả mình. Thời điểm này tôi sắp đến lượt giải ngũ và đây là đợt công tác cuối cùng nên tâm lý căng thẳng lắm!
Cú già rúc hằng hặc từng đợt ngoài bìa rừng khộp nghe phát ớn. Mà chẳng biết tiếng cú thật hay cú giả làm ám hiệu. Cả đội hộ tống nhõn 12 khẩu AK, không hỏa lực, ngủ nhãng đi nhỡ nó phím địch vào bắt sống ráo.
Nhìn qua khe sàn, thấy lão già lén lên dây nỏ trong bóng đuốc loạng nhoạng, tức muốn phát điên mà không làm gì được. Nó định bắn lén mình chăng? Chẳng nhẽ kéo một loạt xuyên mái cho nó tởn.
Mấy năm chiến trường chẳng đêm nào thấy bất an như mấy cái đêm ở phum ấy. Dân bên này biển Hồ nó có vẻ không tử tế như dân bên kia ở KP Ch'nang.
Đánh nhau rừng rú mấy năm, hỏa lực ùng oàng chết coi như bỏ, nhưng càng gần dân càng thấy khó chịu. Điều này không phải sở trường của một sư đoàn chủ lực chuyên trị vận động tấn công. Hết một tuần dân vận đó, đường về trung đoàn chúng tôi sung sướng hò hét vui như Tết.