Cuộc hành quân thần tốc đầy bão tố của Lữ đoàn xe tăng 203: Tiêu diệt Khơ me Đỏ

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt |

Sẩm tối 20.12.1978, hai tàu rời cảng. Gió Đông Bắc mạnh đến cấp 10, tàu rung lắc dữ dội. Đặc biệt, trên tàu 403 toàn bộ "tăng-đơ" cố định xe bị đứt, 100% lính xe tăng say sóng...

LTS: Trong lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, chưa khi nào lại tổ chức chiến dịch tiến công hiệp đồng quân, binh chủng lớn như trong chiến dịch giải phóng Campuchia. Chỉ trong hơn một tháng, từ nhiều hướng mũi khác nhau, quân đội ta đã đánh tan quân đội Khơ me Đỏ, giúp bạn thoát khỏi thảm họa diệt chủng.

Nhân kỷ niệm 40 năm Chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ quốc và thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả, cùng với lực lượng vũ trang cách mạng, nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc loạt bài của nhiều tác giả xung quanh sự kiện đặc biệt này.

*******

Bài 1: Cuộc hành quân thần tốc đầy bão tố của Lữ đoàn xe tăng 203: Tiêu diệt Khơ me Đỏ

Lữ đoàn xe tăng 203 nhận nhiệm vụ mới

Sau khi thực hiện thành công cuộc hành quân "Thần tốc" hơn 1000 km và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong chiến dịch Hồ Chí Minh, Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2 về trú quân tại Long Bình tham gia truy quét FULRO tại Lâm Đồng và củng cố địa bàn.

Tháng 6.1976, chấp hành mệnh lệnh của Bộ và Bộ tư lệnh quân đoàn, Lữ đoàn cơ động về đứng chân tại khu vực Ấp 5, xã Thủy Phương, Hương Thủy, Thừa Thiên Huế. Về vị trí mới, lữ đoàn tập trung huấn luyện- sẵn sàng chiến đấu và xây dựng đơn vị.

Tiếp nhận một khu doanh trại cũ của quân đội Việt Nam cộng hòa (VNCH) đã xuống cấp nặng nề, cán bộ chiến sĩ toàn lữ đoàn đã tích cực lao động cải tạo các công trình cũ, xây dựng các công trình mới để nhanh chóng ổn định nơi ăn ở, đồng thời củng cố trang bị vũ khí và giúp bạn Lào tiễu phỉ ở Xa Van Na Khẹt.

Trước hành động gây hấn của bọn phản động Khơ me Đỏ tại khu vực biên giới Tây Nam, cuối năm 1978 Bộ chỉ huy tối cao đã quyết định sẽ ra quân trừng trị chúng đồng thời giúp nhân dân bạn thoát khỏi tai họa diệt chủng theo lời kêu gọi của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Căm- pu- chia.

Để tăng cường lực lượng cho các đơn vị phía Nam làm nhiệm vụ, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định điều động Quân đoàn 2, trong đó có Lữ đoàn xe tăng 203 vào tham gia chiến đấu trên hướng tác chiến của Quân khu 9.

Ngày 28.11.1978, Lữ đoàn XT 203 chính thức nhận nhiệm vụ chuẩn bị xe máy, trang bị vũ khí, sẵn sàng nhận lệnh lên đường. Vậy là trước mắt lữ đoàn là một cuộc hành quân "Thần tốc" lần thứ hai.

Ngày 16.12.1978, quyền Lữ đoàn trưởng Trần Minh Công và một số cán bộ chủ chốt các cơ quan lữ đoàn cùng thủ trưởng quân đoàn đáp máy bay từ Phú Bài vào biên giới Tây Nam để trinh sát thực địa, chuẩn bị chiến trường.

Ngày 19.12.1978, toàn bộ lực lượng của lữ đoàn bắt đầu cơ động dưới sự chỉ huy của Chính ủy Bùi Văn Tùng và Tham mưu trưởng Phạm Ngọc Bảng.

Cuộc hành quân thần tốc đầy bão tố của Lữ đoàn xe tăng 203: Tiêu diệt Khơ me Đỏ - Ảnh 1.

Quân tình nguyện Việt Nam truy kích quân Khơ me Đỏ.

Cuộc hành quân thần tốc đầy sóng gió

So với cuộc hành quân Thần tốc lần thứ nhất, cuộc hành quân Thần tốc lần này có nhiều điểm khác biệt. Nếu như cuộc hành quân lần thứ nhất chỉ có đi đường bộ thì cuộc hành quân lần này là đa phương tiện; quãng đường hành quân cũng dài hơn và xe máy trang bị cũng cũ kỹ hơn...

Với kinh nghiệm rút ra từ cuộc hành quân Thần tốc lần thứ nhất, lữ đoàn đã xây dựng kế hoạch cơ động rất cụ thể, tỷ mỷ đồng thời hiệp đồng chặt chẽ với các cơ quan đơn vị liên quan để thực hiện nhiệm vụ.

Cuộc hành quân thần tốc đầy bão tố của Lữ đoàn xe tăng 203: Tiêu diệt Khơ me Đỏ - Ảnh 2.

Ngoài đoàn cán bộ đi bằng máy bay, lực lượng còn lại của lữ đoàn chia làm 2 khối: Khối 1 bao gồm các đơn vị xe tăng, xe thiết giáp sẽ hành quân bộ theo Quốc lộ 1 vào Đà Nẵng để đi tàu thủy theo kế hoạch của Bộ và quân chủng Hải Quân; Khối 2 gồm cơ quan và các đơn vị trực thuộc sẽ hành quân bằng ô tô vào vị trí tập kết.

Theo đúng kế hoạch, đêm 19.12.1978 toàn bộ lữ đoàn lên đường. Khối 1 sau khi vượt đèo Hải Vân, toàn bộ tăng thiết giáp tập kết ở quân cảng Đà Nẵng. Tại đây, các xe tăng thiết giáp được đưa lên hai tàu đổ bộ HQ501 và HQ403.

Tàu HQ-501 còn có tên là chiến hạm Trần Khánh Dư thuộc lớp LST-542 có trọng lượng toàn tải khoảng 3.640 tấn, từng thuộc biên chế của Hải quân Hoa Kỳ trước khi được bàn giao cho VNCH. Sau 30.4.1975 thuộc biên chế của Hải quân nhân dân Việt Nam. Tàu HQ403 thì nhỏ hơn, toàn tải chỉ có 800 tấn.

Cuộc hành quân thần tốc đầy bão tố của Lữ đoàn xe tăng 203: Tiêu diệt Khơ me Đỏ - Ảnh 3.

Xe tăng lội nước PT-76 và chiến sĩ hải quân đánh bộ huấn luyện chiến đấu

Sẩm tối 20.12.1978, hai tàu rời cảng nhằm hướng Nam thẳng tiến. Đúng dịp gió mùa Đông Bắc thổi mạnh, có lúc lên đến cấp 10 nên sóng rất to, tàu rung lắc dữ dội. Đặc biệt, trên tàu 403 toàn bộ "tăng- đơ" cố định xe bị đứt, 100% lính xe tăng say sóng...

Sau gần 2 ngày đêm vật vã vượt qua sóng gió đại dương, tàu chạy vào sông Tiền rồi lại sang sông Hậu và sáng 23.12.1978, tàu cập cảng Trà Nóc (Cần Thơ). Tại cảng, xe tăng thiết giáp được đưa lên bờ.

Tiếp đó, toàn bộ xe tăng thiết giáp được chuyển tâỉ bằng tàu "tăng- kít" đến bến Cây Me gần thị trấn Tri Tôn (An Giang). Cứ tàu cập bến, xe lên bờ là ngay lập tức có người dẫn đường chạy về khu vực núi Cấm (thuộc huyện Tịnh Biên, An Giang). Đây chính là vị trí tập kết chiến dịch của lữ đoàn.

Trong lúc đó, bộ phận hành quân bộ cũng đã tới nơi và tổ chức tiếp nhận Tiểu đoàn thiết giáp 10 của Quân khu IX vào đội hình chiến đấu. Chiếc xe cuối cùng của lữ đoàn về đến vị trí tập kết chiến dịch là chiều 25.12.1978.

Từ ngày 26.12.1978 toàn lữ đoàn bắt tay vào củng cố trang bị vũ khí, bổ sung nhiên liệu dầu mỡ... đồng thời tổ chức trinh sát thực địa, làm kế hoạch chiến đấu, tổ chức hiệp đồng giữa các bộ phận để rồi ngày 3.1.1979 cùng quân đoàn nổ súng đánh địch.

Như vậy là chỉ trong vòng 1 tuần (từ 19 đến 25.12), toàn bộ Lữ đoàn XT 203 với hàng trăm xe tăng, xe thiết giáp đã cơ động bằng nhiều loại phương tiện vượt hơn 1.000km để có mặt tại cực Nam Tổ quốc tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế, tiêu diệt chế độ diệt chủng Khơ me Đỏ.

Đây chính là cuộc hành quân "Thần tốc" lần thứ hai của lữ đoàn trong vòng hơn 3 năm.

Có được thành công như vậy là nhờ sự chỉ đạo sát sao của các cơ quan cấp trên, sự hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị bạn và đặc biệt là từ những kinh nghiệm của cuộc hành quân "Thần tốc" lần thứ nhất tháng 4.1975.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại