Trầm cảm bủa vây khiến giới trẻ muốn tìm đến cái chết

L.Hà |

Cái chết của nữ sinh trường THCS Tân Lâm (Hà Tĩnh) cách đây không lâu khiến nhiều người giật mình. Giới trẻ tìm đến cái chết ngày càng dễ dàng bởi những nguyên nhân tưởng chừng như không thể.

Mắc trầm cảm dễ… tự sát

Ngày 3.1 vừa qua, nữ sinh L (lớp 7A, trường THCS Tân Lâm) được phát hiện tử vong trong tư thế treo cổ bằng khăn quàng đỏ trong lớp học. Trước khi tự tử, L đã viết một bức thư bằng tiếng Anh và tiếng Việt để lại lớp học.

TS Dương Minh Tâm, Trưởng Phòng điều trị rối loạn liên quan đến stress (Viện Sức khỏe tâm thần, BV Bạch Mai, Hà Nội), cho biết: Có nhiều nguyên nhân tự sát ở giới trẻ, trong đó trầm cảm hay gặp nhất.

Tự sát là một vấn đề phức tạp không chỉ do một nguyên nhân hay lý do đơn thuần nào gây ra. Đó là kết quả từ một tập hợp tương tác của yếu tố sinh học, di truyền, tâm lý, xã hội, văn hóa và môi trường.

Đã quá trưa ngày 9.1, TS Dương Minh Tâm tiếp một trường hợp khá đặc biệt. Chị N (23 tuổi, ở Nghệ An) bị rơi vào giai đoạn trầm cảm nặng sau sinh con đầu 1 tháng. Đến nay, con đã 8 tháng tuổi, chị N mới đi khám.

Chị N tâm sự với bác sĩ: Sau khi sinh con do căng thẳng từ cuộc sống, chị N luôn rơi vào tình trạng mất ngủ, chán ăn, mệt mỏi, sức khỏe yếu không có sức để làm việc gì. Đến tháng thứ 3, chị N cảm thấy không chịu nổi và nghĩ đến cái chết để được giải thoát.

"Đã nhiều lần tôi muốn tìm đến cái chết nhưng nghĩ thương con, thương mẹ nên lại từ bỏ. Tôi tâm sự với chồng nhưng không nhận được sự đồng cảm. Chồng tôi luôn nghĩ tôi giả vờ", N chia sẻ.

Ranh giới trầm cảm và tự sát

Nghiên cứu mới nhất tại Viện Sức khỏe tâm thần cho thấy, bệnh nhân trầm cảm đang có xu hướng gia tăng, tập trung nhiều ở lứa tuổi trẻ (16 - 27 tuổi) và người già (60 - 65 tuổi).

Phần lớn bệnh nhân tự tử do cảm thấy vô dụng, tội lỗi, không đáng sống. Và đa số bệnh nhân trầm cảm có khuynh hướng trở thành mạn tính, tái diễn.

"Tuy trầm cảm là căn bệnh phổ biến nhưng hiện có rất ít người được phát hiện và điều trị theo đúng chuyên khoa. Nhiều bệnh nhân trầm cảm còn mặc cảm nên khi có biểu hiện bệnh, thay vì đến chuyên khoa tâm thần kiểm tra sức khỏe, họ lại đến khám tại các chuyên khoa khác.

Thực tế này khiến cho phần lớn bệnh nhân trầm cảm thường chậm trễ trong việc phát hiện và điều trị khiến hiệu quả điều trị hạn chế", TS Dương Minh Tâm cho hay.

TS Dương Minh Tâm cho rằng, để phát hiện và điều trị trầm cảm cần có sự phối hợp của tất cả các chuyên khoa.

Khi gặp bệnh nhân trầm cảm, những bác sĩ chăm sóc sức khỏe ban đầu cần nhận biết được sớm các dấu hiệu để tư vấn và giới thiệu họ đến khám tại các cơ sở điều trị chuyên khoa tâm thần.

Mỗi năm số người tự sát do trầm cảm ở nước ta khoảng 36.000 - 40.000 người. Trầm cảm là căn bệnh xếp thứ hai trong số những căn bệnh phổ biến toàn cầu.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại