Rất nhiều người ngày nào cũng uống loại "thuốc độc" này

Thái Phong (T.H) |

Uống nước ngọt có gas không bổ béo gì, sử dụng nhiều vừa tốn tiền, vừa làm tăng cân, dễ dẫn đến béo phì. Vị và mùi dễ chịu nên nó "đánh lừa cảm giác" - PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh.

"Ngày nào tôi cũng phải uống từ 1 đến 2 lon nước ngọt"

Anh Văn Công ở Hà Nội đến khám tại khoa Tiêu hóa bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng dạ dày bị tổn thương nghiêm trọng, thỉnh thoảng đau quặn ở vùng thận.

Kết quả nội soi đường tiêu hóa, siêu âm vùng thận cho thấy anh bị viêm loét dạ dày nghiêm trọng, thận có kết sỏi.

Qua xét nghiệm máu, bác sĩ còn cho biết HDL máu của anh gần đạt mg / dL (0,9 mmol / L), có dấu hiệu tiền tiểu đường, nếu không điều trị sẽ phát triển thành bệnh tiểu đường thực sự.

Qua điều tra thói quen sinh hoạt, anh Công cho biết, anh thường xuyên uống nước ngọt có gas. Gần như ngày nào trong giờ ăn cơm tối anh cũng phải uống 1 lon mới cảm thấy ngon miệng.

Ở nhà anh có 1 cháu nhỏ, học theo thói quen của bố nên cũng thường xuyên uống nước ngọt có gas trong bữa ăn. Tuy nhiên, gần đây cháu có dấu hiệu thừa cân nên mẹ cháu cấm đoán, không cho cháu uống loại nước này nữa.

Tương tự như anh Công, anh Hoàng Công Thuận, một nhân viên văn phòng ở Hà Nội cũng có thói quen uống nước ngọt có gas.

Anh cho biết: "Ngày nào tôi cũng phải uống từ 1 đến 2 lon nước ngọt có gas mới đủ tỉnh táo để làm việc, hôm nào không uống là người bải hoải không yên, không thể tập trung vào việc gì".

Qua đọc tài liệu, anh cũng biết nước ngọt có gas gây hại cho sức khỏe nên cũng muốn từ bỏ. Tuy nhiên, loại nước này như có tính gây nghiện nên anh không thể từ bỏ ngay 1 lúc được mà phải bỏ dần dần, giãn khoảng cách uống loại nước này ra từng chút 1.

Những tác hại của nước ngọt có gas

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nước ngọt có gas là loại đồ uống phổ biến trên thế giới từ hàng trăm năm nay. Bản chất của gas trong nước ngọt là CO2, có tác dụng như là 1 chất bảo quản khiến cho vi sinh vật phát triển, ức chế hoạt động của chúng trong nước.

Loại khí sinh học này không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, khi đi vào cơ thể sẽ làm nhiệt trong người thoát ra, đẩy ra cuống họng, kích thích vị giác, làm tăng cảm giác thèm ăn và ngon miệng của người uống.

Ngay trong bia cũng chứa loại gas này, nếu bia không có gas thì không còn là bia nữa.

Tuy nhiên, sự độc hại của nước ngọt có gas, theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, chính là đường và các thành phần phi tự nhiên mà các nhà sản xuất đưa vào.

Khi sản xuất ra loại nước này, chắc chắn người ta phải pha chế rất nhiều thứ không phải là chất tự nhiên. Các chất này chắc chắn không có lợi cho sức khỏe.

"Vì vậy, uống nước ngọt có gas không bổ béo gì, sử dụng nhiều vừa tốn tiền, vừa làm tăng cân, dễ dẫn đến béo phì. Vị và mùi dễ chịu nên nó "đánh lừa cảm giác". Có thể nói đây là loại nước không có lợi cho sức khoẻ", PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh phân tích.

Theo nhiều nghiên cứu được công bố trên thế giới, nước ngọt có gas ẩn chứa rất nhiều nguy cơ đối với sức khỏe.

- Gây ung thư:

Trong nước ngọt có gas tiềm ẩn các chất gây ung thư như methylmadizole. Theo các nhà khoa học, đường trong loại đồ uống giải phóng ra insulin loại chất nuôi dưỡng các khối u.

Isabel Drake, một nhà nghiên cứu tại Đại học Lund (Thụy Điển) cũng cho biết, những người uống nhiều nước ngọt có gas sẽ có nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt cao hơn 40% so với bình thường.

Theo một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Cancer Epidemiology, Biomarkers & Prevention (Mỹ), những phụ nữ mãn kinh “ghiền” thức uống ngọt có nhiều nguy cơ phát triển thể ung thư tử cung, được gọi là ung thư nội mạc tử cung týp 1 phụ thuộc vào estrogen.

- Chỉ uống 2 lon 1 ngày là nguy cơ bị suy thận:

Các nhà khoa học thuộc Đại học Y khoa Osaka, Nhật Bản và Đại học Case Western Reserve ở Cleveland, Mỹ đã đưa ra một báo cáo chấn động: Thường xuyên uống 2 lon nước ngọt có gas sẽ dẫn đến suy thận.

Vì sao nước ngọt lại gây ra suy thận? Các nhà nghiên cứu cho rằng nước ngọt sẽ làm tăng lượng muối trong máu, đồng thời tăng protein trong nước tiểu (protein niệu) dẫn đến suy thận.

Tiến sĩ Ryhei Yamamoto, người tham gia cuộc nghiên cứu, phát biểu: "Trong nước ngọt đóng lon, các nhà sản xuất dùng đường fructose - hay còn gọi là đường trái cây để tạo vị ngọt.

Tuy nhiên, fructose làm gia tăng sự nhạy cảm của thận với angiotensin II, một protein điều chỉnh sự cân bằng muối”.

Khi muối được tái hấp thu vào thận dưới sự tác động của nước ngọt sẽ khiến cơ thể bị mắc những căn bệnh nghiêm trọng như tiểu đường, béo phì, suy thận, cao huyết áp...

- Gây béo phì:

Một nghiên cứu của các nhà khoa học Đan Mạch đã phát hiện ra, uống nước ngọt hàng ngày sẽ làm gia tăng các loại chất béo khác nhau đồng thời làm tăng cholesterol trong cơ thể.

Không chỉ nước ngọt thường mà cả nước ngọt ăn kiêng cũng có thể làm tăng “chu vi” vòng eo và tăng cân. Chất tạo vị ngọt trong nước ngọt ăn kiêng làm tăng nồng độ đường trong máu, từ đó dẫn đến tăng cân.

- Gây bệnh tiểu đường:

Cuộc nghiên cứu của các nhà khoa học Đan Mạch cũng tìm ra những dấu hiệu cho thấy, nước ngọt khiến chúng ta đối mặt với nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường.

Nếu uống soda mỗi ngày liên tục trong 6 tháng sẽ dẫn đến sự tích tụ mỡ thừa xung quanh gan và cơ xương. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ kháng insulin trong cơ thể và dẫn tới nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn bình thường.

Một nghiên cứu khác lại cho thấy, uống từ 1 đến 2 lon đồ uống có đường mỗi ngày tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường 26%, so với những người uống một lần mỗi tháng. Uống một lần mỗi ngày làm tăng nguy cơ 15%.

- Làm hỏng hệ tiêu hóa:

Trong nước ngọt có nhiều chất phụ gia, hóa chất và chất bảo quản làm tổn thương bề mặt của ruột và dạ dày. Tiêu thụ hàng ngày loại đồ uống có tính axit này cũng có thể tạo ra môi trường axit kéo dài và dẫn đến tổn thương niêm mạc dạ dày.

 

 

 

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại