Chủ tịch Quốc hội "truy" Bộ trưởng Nội vụ về "hàm"

Hoàng Đan |

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình khẳng định, hiện nay, trong các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước không có "hàm" chức danh.

"Hàm trưởng phòng, hàm phó phòng"

Nêu câu hỏi, đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) cho biết tại kỳ họp thứ 8 ông đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ về tình trạng chức danh, hàm trong quy định của Nhà nước không có nhưng một số cơ quan lại triển khai thực hiện.

Bộ trưởng đã hứa sẽ tổ chức các hội thảo khoa học để tìm giải pháp nhưng sau một năm không thấy hồi âm.

"Do đó, đến ngày 2 tháng 10 năm 2015, tôi đã gửi văn bản chất vấn đến Bộ trưởng và Bộ trưởng đã trả lời là đã xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ vì có hai luồng tư tưởng khác nhau.

Tôi xin được hỏi Thủ tướng Chính phủ quan điểm của Thủ tướng về vấn đề này như thế nào và việc này liệu còn kéo dài đến bao giờ?", ông Hùng nêu câu hỏi.

Đồng ý kiến đó, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền cũng đặt câu hỏi, giải pháp trong thời gian tới giải quyết như thế nào, bởi vì ở dưới địa phương người ta nói nếu Chính phủ làm được thì địa phương cũng làm được.

"Nếu cho phép Chính phủ làm được thì ở dưới cũng quy định Hàm trưởng phòng, Hàm phó phòng để giải quyết chế độ chính sách cho anh em .

Cho nên tôi đồng tình với đại biểu Hùng về câu hỏi này, có thể gửi đến Chính phủ hoặc Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã có văn bản trả lời cho tôi vấn đề này.

Tôi cảm ơn Bộ trưởng trả lời tôi đến 4 trang như thế nhưng tôi tìm chỗ nào sai thì không thấy, nếu mà đúng thì các địa phương có thể làm được không, xin hỏi Bộ trưởng như vậy?", ông Thuyền đặt câu hỏi.

Đối đáp của Chủ tịch QH và Bộ trưởng Nội vụ

Trả lời về các câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết, xung quanh vấn đề hàm có nhiều đại biểu gửi phiếu chất vấn đến Bộ trưởng, tại Hội trường cũng có nhiều đại biểu đặt vấn đề.

"Tại phiên trả lời chất vấn ở kỳ họp thứ 8 nhiều đại biểu cũng có đề cập, chúng tôi đã có báo cáo, tính đến hiện nay, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước chưa có văn bản quy định hàm đối với một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, một số đối tượng công chức, viên chức.

Sau khi ý kiến của đại biểu, từ 6/2014 chúng tôi cũng thành lập tổ nghiên cứu xung quanh chức danh hàm. Chúng tôi cũng đề nghị các cơ quan, tổ chức, đơn vị có quy định trong báo cáo, chúng tôi đã tổng hợp báo cáo trước phiên chất vấn ở kỳ họp thứ 8", ông Bình nói.


Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng.

Theo ông Bình, sau khi Quốc hội có nghị quyết số 87, Chính phủ có chỉ đạo, Bộ đã tiến hành thành lập ban nghiên cứu mời nhiều cơ quan là Ban Tổ chức TƯ, Ủy ban kiểm tra TƯ, Ủy ban MTTQVN, Văn phòng TƯ Đảng, VP Chủ tịch nước...

"Chúng tôi đã tiến hành đánh giá, có hội thảo, nghiên cứu, lấy ý kiến các chuyên gia, quản lý, nhà khoa học...", ông Bình cho hay.

Ngay khi đó Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đã ngắt lời và cho rằng, câu hỏi rất đơn giản là: "Trung ương làm như thế có đúng không và nếu đúng địa phương chúng tôi làm có được không?

Đồng chí trả lời vào chỗ, đồng chí nói cách làm lâu lắm. Trung ương làm như thế là chưa có quy định của luật pháp mà ở chỗ này, chỗ kia vẫn như thế... Giải quyết không đúng thì thôi, không được mở rộng ra làm được."

Ngay sau khi Bộ trưởng Bình nêu ý kiến trả lời, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tiếp tục yêu cầu Bộ trưởng trả lời ngắn gọn, trọng tâm vào câu hỏi.

"Quá trình nghiên cứu nói ra đây làm gì, quá trình nghiên cứu của đồng chí vô cùng nhiều việc. Bây giờ, đồng chí chỉ nói việc đấy xử lý như thế nào. Địa phương người ta hỏi bây giờ, chúng tôi có được làm không, trả lời vào câu hỏi", Chủ tịch Hùng nêu.

Bộ trưởng Bình tiếp tục trả lời: "Tới giờ này, không có văn bản nào của Đảng, Nhà nước quy định cho phép làm. Chúng tôi kết thúc nghiên cứu, đề án đã có báo cáo Thủ tướng là có 2 nhóm.

Nhóm thứ nhất là đề nghị công nhận chức danh này, nêu rõ ưu điểm hạn chế của chức danh này. Nhóm thứ 2 là đề nghị không có công nhận chức danh này, nói rõ ưu điểm, hạn chế.

Ngày 8/10, chúng tôi đã báo cáo xin ý kiến Thủ tướng và ngày 29/10, Văn phòng CP đã có văn bản nêu ý kiến của Thủ tướng là giao cho Bộ Nội vụ chủ trì cùng với các đồng chí trong ban nghiên cứu hoàn thiện đề án để báo cáo xin ý kiến Chính phủ".

Chủ tịch Hùng nhắc tiếp: "Thế bây giờ, địa phương có được làm không?".

Bộ trưởng Bình nêu: "Hiện bây giờ không có quy định nào, không thể thực hiện".

Chủ tịch Hùng nhấn mạnh thay: "Vậy đồng chí nói dứt điểm đi, có phải ý của đồng chí như thế này không. Việc này trên thực tế là có, đang làm nhưng làm như thế là không có quy định của pháp luật nào cả. Tuy nhiên, đấy là thực tế, Bộ trưởng đang được giao nghiên cứu.

Trong quá trình nghiên cứu thì địa phương không được làm đúng thế không?".

Bộ trưởng Bình khẳng định: "Trong khi nghiên cứu cả Bộ, ngành Trung ương và địa phương không được tiếp tục làm".

"Cả Trung ương và địa phương không được tiếp tục nữa, đồng chí nói dứt điểm đi, phải thế không?", Chủ tịch Hùng hỏi lại.

Bộ trưởng Bình: "Dạ, đúng rồi".

Chủ tịch Hùng: "Rồi cám ơn đồng chí".

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại