Theo dự kiến, phiên họp sẽ có sự đăng đàn của tất cả các bộ trưởng, trưởng ngành. Thủ tướng cũng trực tiếp trả lời các vấn đề ĐBQH nêu ra.
Phát biểu mở đầu phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho hay, theo chương trình kỳ họp chúng ta sẽ dành 2,5 ngày để tiến hành phiên chất vấn.
Đây là phiên chất vấn cuối cùng trong khóa này. Theo đó, Quốc hội sẽ nghe lại báo cáo của Chính phủ, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC...
"Chúng ta sẽ đánh giá lại toàn diện các kết quả đã thực hiện từ đầu nhiệm kỳ.
Đối tượng chất vấn của đại biểu trong kỳ họp này rất rộng. Mục đích là để đánh giá lại xem yêu cầu của Quốc hội trong hoạt động giám sát, chất vấn đã được thực hiện như thế nào? Đã tốt chưa?
Qua đó đã thúc đẩy hoạt động của bộ máy Nhà nước thực hiện tốt những điều cử tri mong muốn chưa?
Đồng thời nhìn nhận rõ những tồn tại, những vấn đề cần khắc phục để làm tốt hơn nữa trong thời gian tới", Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị đại biểu và những người được chất vấn đi thẳng vào vấn đề, cùng thảo luận, mục đích không phải là “làm căng thẳng vấn đề lên” mà là tìm giải pháp để thực hiện cho tốt, giải quyết cho tốt những vấn đề đặt ra.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Trước đó, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ thực hiện chất vấn bất kỳ thành viên Chính phủ hay lãnh đạo cao nhất của TANDTC, VKSNDTC.
Nội dung chất vấn cũng rộng hơn, nhưng chủ yếu dựa trên các báo cáo của Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban; Báo cáo của Ban Dân nguyện về công tác khiếu nại, tố cáo…
Nửa buổi sáng 16/11, Quốc hội sẽ nghe 5 báo cáo của Quốc hội, Chính phủ, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC về việc thực hiện và thẩm tra thực hiện các nội dung giám sát, chất vấn và kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội.
“Thông qua những báo cáo đó, các vị đại biểu xem xét nội dung gì đã làm được và vấn đề nào chưa thực hiện được.
Trên cơ sở những nội dung còn tồn tại, chưa giải quyết trong việc thực hiện các nghị quyết, đại biểu Quốc hội sẽ đặt câu hỏi chất vấn”, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết.
Vẫn theo ông Phúc, đối với những nội dung chất vấn mang tính tổng hợp, một Phó Thủ tướng Chính phủ sẽ trả lời. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ sẽ trả lời chung các nội dung, đồng thời sẽ trả lời nếu có đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi.