Bộ trưởng Cao Đức Phát: "Tôi mong Quốc hội minh xét"

Hoàng Đan |

Bộ trưởng Cao Đức Phát bày tỏ băn khoăn khi có ý kiến đồng bào dân tộc thiếu đất ở, thiếu đất sản xuất vì các nông, lâm trường và mong Quốc hội "minh xét".

Đất nhiều mà hiệu quả kém

Phát biểu trước Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) cho rằng, hiệu quả sử dụng đất của các nông, lâm trường hiện rất thấp, thất thu tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất.

Theo bà Khá, hiện có hơn 428 nghìn héc ta đất chưa sử dụng, sử dụng vào mục đích khác để hoang hóa. Hiện các công ty còn nợ 51% tiền sử dụng đất, 20% tiền thuế phải nộp.

"Các nông, lâm trường quản lý đất đai là khá lớn, khoảng 8 triệu héc ta. Riêng các công ty nông, lâm nghiệp là hơn 2.800 nghìn héc ta nhưng nộp ngân sách Nhà nước chỉ được 1.722 tỷ đồng là quá thấp trong vòng 10 năm", bà Khá nêu.

Đồng quan điểm đó, đại biểu Trần Minh Diệu (Quảng Bình) cũng đánh giá, diện tích đất do các nông, lâm trường quản lý gần 8 triệu héc ta là rất lớn. Trong đó diện tích giao để sản xuất kinh doanh và làm nghĩa vụ tài chính là hơn 2 triệu héc ta.


Đại biểu Nguyễn Thị Khá.

Đại biểu Nguyễn Thị Khá.

"Theo Báo cáo của Tổng cục thuế có 6 đơn vị không có số liệu thu vào ngân sách. Còn tất cả các địa phương có đất rừng còn lại trong giai đoạn năm 2004 - 2014 chỉ nộp được 1.700 tỷ đồng (tôi nói số tròn).

Bình quân 1 hecta đất sản xuất phải kê khai để làm nghĩa vụ tài chính trong mỗi năm chỉ nộp vào ngân sách nhà nước 80 đến 90 ngàn đồng tương đương với giá trị của vài chiếc kẹo, một con số cho thấy hiệu quả sản xuất kinh doanh là không thể chấp nhận được.

Điều đó cũng có nghĩa là sự thât thoát lãng phí", ông Diệu nhìn nhận.

Đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) cũng đưa ra con số phân tích tổng nộp ngân sách nhà nước của các nông, lâm trường trong 10 năm từ năm 2004 - 2014 chỉ được 1.800 tỷ đồng.

"Như vậy tính bình quân mỗi ha/năm bình quân chỉ đạt 90.000 đồng, tương đương với khoảng 5kg gạo", bà Xuân thông tin.

Nêu con số khoảng 17.000 ha rừng của Hà Nội, đại biểu Bùi Thị An cũng cho hay, dù được giao tài sản rất lớn, hàng ngàn, hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn ha nhưng nhiều nông, lâm trường vẫn nợ lương công nhân.

"Vẫn nợ thuế, vẫn nợ ngân hàng mà gần như vô vọng, không nhìn thấy tương lai nguồn thu nào để trả nợ", bà An nói.

Bà An cũng nêu việc có đại biểu nói rằng: "Rừng trước đây đã vây quân giặc thì nay rừng phải vây lâm tặc, không để cho chúng nó thoát, không có kẻ nào có thể phá được tài nguyên của chúng ta".

Bộ trưởng thấm thía trách nhiệm

Phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Minh Quang cho biết đã thấy rõ trách nhiệm quản lý nhà nước đối với những tồn tại yếu kém kéo dài trong quản lý đất đai nông lâm trường như các đại biểu đã nêu.

"Quá trình sử dụng đất các nông lâm trường còn nhiều tồn tại do chính sách pháp luật đất đai thay đổi qua các thời kỳ. Chúng ta chưa theo kịp, và đúng là buông lỏng từ Bộ xuống địa phương và các đơn vị trực tiếp quản lý sử dụng đất.

Lý do khách quan là đất nông lâm trường chưa được đo vẽ địa chính, không có số liệu chính xác nên gây khó khăn trong công tác quản lý đất đai.

Bộ Tài nguyên môi trường có khuyết điểm trong chậm ban hành một số văn bản hướng dẫn công tác quản lý đất nông lâm trường;  chưa tổ chức thanh tra tất cả các nông lâm trường trong sử dụng đất.

Chưa quan tâm xử lý sau thanh tra dẫn đến vi phạm về đất đai kéo dài, gây bức xúc trong xã hội." - Bộ trưởng Quang nghiêm túc nhận khuyết điểm.

Để hoàn thành đo vẽ hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong năm 2016, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm hỗ trợ các địa phương số kinh phí khoảng 1000 tỷ đồng.

"Vừa rồi Chính phủ dự kiến cấp hơn 600 tỷ, hôm nay kiến nghị chính thứ 1000 tỷ để các địa phương khỏi lúng túng, hoàn thành dứt điểm việc đo vẽ hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận.

Đồng thời kiến nghị giao thanh tra chính phủ xử lý dứt điểm năm 2016 về sai phạm đất đai sau thanh tra" - Bộ trưởng nêu.

Còn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát cũng cho rằng, nhiều nông lâm trường đã có đóng góp rất quan trọng.

Các nông trường thuộc tập đoàn cao su, một số công ty lâm nghiệp ở phía Bắc, Quảng Bình có đóng góp rất lớn, chính nhờ các nông lâm trường chúng ta mới hình thành được ngành café, cao su, chè, thúc đẩy phát triển...

Bộ trưởng cũng bày tỏ: " Vì vậy, tôi băn khoăn khi nhiều ĐBQH cho rằng đồng bào dân tộc thiếu đất ở, đất sản xuất vì nông lâm trường. Tôi mong Quốc hội minh xét".

Với quá trình nhiều năm  làm việc và rất trăn trở về nông lâm trường,  Bộ trưởng cũng thấy rằng nhiều nông lâm trường hoạt đông  kém hiệu quả, có vi phạm (nhất là ở Tây Nguyên).

"Về trách nhiệm của Bộ NN-PTNT đã phối hợp và tham mưu cho Đảng, Chính phủ ban hành nhiều chủ trương, nghị định, các thông tư hướng dẫn nhiều nhưng tổ chức thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng kém hiệu quả.

Việc phối hợp với địa phương để kiểm tra, giám sát các nông lâm trường thuộc quản lý địa phương còn thiếu. Khi thanh tra, xử lý các tồn tại chậm và không dứt điểm.

Gần đây nhất là thanh tra một số nông trường cà phê rất phức tạp, kết luận rồi nhưng bà con không đồng ý, phải kiểm tra đi kiểm tra lại", Bộ trưởng Phát khẳng định rất thấm thía và xin nhận khuyết điểm với Quốc hội.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại