Bài thuốc chữa gãy xương, đứt gân hồi phục người bệnh đã bị liệt

Căn nhà nhỏ thuộc thôn Bản Vai, xã Linh Hồ, (huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) đã chứng kiến rất nhiều ca gãy xương, đứt gân được chữa khỏi nhờ những bài thuốc Nam của ông Vi Văn Sầu.

Dành trọn đời mình để cứu chữa cho bệnh nhân, chưa bao giờ ông Vi Văn Sầu (SN 1931) mảy may nghĩ đến việc được người bệnh và gia đình họ trả ơn. Sau mỗi ca chữa, điều ông mong muốn nhận được nhất là niềm vui lành bệnh trên gương mặt mỗi người.

Cũng bởi tài nghệ và y đức, căn nhà chốn thâm sơn của ông vẫn được nhiều người tìm tới nhờ cứu giúp, dù chẳng bao giờ ông treo biển hiệu thuốc hoặc thông báo hành nghề nối xương, nối gân…

Bài thuốc chữa gãy xương, đứt gân hồi phục người bệnh đã bị liệt 1

Ông Vi văn Sầu. Ảnh TG

Cuộc chuyển mình ngoạn mục

Căn nhà nhỏ nằm sâu trong thung lũng thuộc thôn Bản Vai, xã Linh Hồ, (huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) đã chứng kiến rất nhiều ca gãy xương, đứt gân được chữa khỏi. Trong đó, có không ít ca bệnh nặng tưởng chừng không thể bình phục. Người tạo ra kết quả mỹ mãn đó là ông Vi Văn Sầu, trước đây từng là một thầy thuốc Tây y. Nhìn bên ngoài, ông lúc nào cũng có vẻ… lụ khụ, thường quanh quẩn bên những loại cây trong vườn nhà. Đôi khi, ông lặng lẽ gói cơm đi vào rừng sâu, lăn lộn hàng chục ngày để tìm tòi các vị thuốc quý. Sự tận tụy ấy đã được đền bù bằng những ca chữa bệnh thành công, giúp tiếng tăm của ông ngày càng vang xa.

Khi nhắc đến nguồn gốc bài thuốc “thần bí” giúp cho nhiều bệnh nhân đứt gân, gãy xương trở lại với cuộc sống thường nhật, ông Sầu cười phá lên: “Có gì đâu, âu cũng là duyên nghề thôi. Ngày xưa, tôi là thầy thuốc Tây y, vì duyên số nên gặp được quý nhân và được truyền dạy tận tình. Từ đó, tôi mới có chút tài mọn, giúp chữa bệnh được cho nhiều người. Cái gọi là phương thuốc bí truyền hoàn toàn không có”. Theo đó, năm 1963, ông Sầu là Trạm trưởng Trạm y tế xã Linh Hồ. Trong thời chiến tranh loạn lạc, ông vô tình gặp được một người xưng là Mò Văn Hải, quê ở Lạng Sơn, vốn là một thành viên trong đội du kích phía Bắc. Hai người thân thiết như đã gặp từ lâu và kết nghĩa anh em. Họ trao đổi kinh nghiệm chữa bệnh cứu người, giữa một bên theo Tây y và một bên sở hữu bài thuốc Đông y chữa đứt gân vô cùng hiệu quả.

Theo học cách chữa đứt gân một thời gian, con trai thứ hai của ông Sầu là Vi Văn Hải bất ngờ bị dao chặt trúng một ngón tay trong khi đang băm rau cho lợn. Vết chém mạnh khiến ngón tay cái của Hải gần như đứt hẳn, chỉ còn dính lại một chút da. Thấy cảnh tượng đó, ông Sầu hốt hoảng gọi báo cho người anh em kết nghĩa cũng là sư phụ để nhờ cứu chữa. Tuy nhiên, người này nói mọi bài thuốc chữa đứt gân đã truyền dạy hết, ông Sầu cứ thế làm theo là khỏi. Nghe lời sư phụ, ông Sầu nhớ lại tất cả những vị thuốc đã được truyền dạy, rồi chạy quanh nhà hái thuốc và run rẩy đắp lên vết thương của con trai. Chỉ sau hơn một tháng, ngón tay anh Hải đã liền lạc trở lại và có thể cử động bình thường. Chỉ đến lúc này, ông Sầu mới dám thở phào, vì đây cũng là lần đầu tiên ông chữa bệnh, lại là cho người thân, bằng thuốc Nam.

Bài thuốc chữa gãy xương, đứt gân hồi phục người bệnh đã bị liệt 2

Anh Vi Văn Phòng (con út ông Sầu, truyền nhân duy nhất của ông Sầu). Ảnh TG

Thấy được sự đặc biệt của bài thuốc, sư ông Sầu quyết định xin nghỉ hẳn công việc ở trạm y tế xã để vào rừng nghiên cứu lại tất cả những loại cây thuốc mà sư phụ đã truyền dạy. Sau khi hái chúng, ông tổ chức thành các bài thuốc và thử nghiệm trên trâu, bò. Thu được kết quả tốt, ông quyết định dùng thử trên người, chính là những thành viên trong gia đình. Yên tâm từ thành quả thu được, ông bắt đầu điều trị cho các người bệnh khác. Dần dần, ông được gọi với danh hiệu “vua nối gân” ở vùng rùng núi này..

Ngoài biệt tài nối gân, ông còn nổi tiếng với khả năng nối xương, nhiều trường hợp chấn thương rất nặng đã được ông chữa khỏi. Trong lúc trao đổi cùng chúng tôi, ông chỉ tay ra bên ngoài bảo: “Mọi người cứ ngỡ cây si chỉ dùng để trang trí, làm cây cảnh quanh nhà, nhưng nó chính là một bài thuốc chữa gãy xương, với cả củ khúc khắc nữa”. Ông Sầu cũng cho biết, loại thuốc này ông tình cờ được một võ sư tên Đặng Văn Lư ở Quảng Đông (Trung Quốc) truyền dạy. Ông Lư là người được gia đình ông Sầu cưu mang nên người này đã dạy võ và truyền dạy bài thuốc nối xương như một cách trả ơn. Sau khi chia tay về nước, người đàn ông đó đã tặng cho ông một quyển sách chữ Hán về các bài thuốc nối xương.

Chữa bệnh vì một chữ “Tâm”

Anh Vi Văn Phòng - con trai út và là người duy nhất được ông Sầu truyền dạy bài thuốc - dẫn chúng tôi ra xem cây thuốc trong vườn nhà. Anh Phòng chia sẻ: “Đây chỉ là số ít cây thuốc được dùng để chữa nối xương, nối gân. Nhiều vị thuốc chỉ mọc ở rừng gia, nơi hiểm trở, trồng ở vườn nhà không thể mọc được. Nhiều cây thuốc tôi cũng chẳng biết đọc theo tiếng Kinh là gì, tôi chủ yếu gọi bằng tiếng Hán hoặc tiếng Tày… Nếu theo tiếng Kinh, tôi chỉ biết có cây đỗ trọng và cây nóng”.

Bài thuốc chữa gãy xương, đứt gân hồi phục người bệnh đã bị liệt 3

Chị Đặng Thị Phương ở xã Linh Hồ (Huyện Vị Xuyên) từng bị chồng chém vai và cổ, sau khi đi bệnh viện tỉnh Hà Giang chẩn đoán liệt nửa người nhưng đi gặp ông Sầu chữa trị giờ đã có thế đi lại bình thường. Ảnh TG

Để xác thực tài nối xương, nối gân của ông Sầu, chúng tôi tìm gặp chị Đặng Thị Phương, trú tại xã Linh Hồ (Huyện Vị Xuyên). Nói đến ông Vi Văn Sầu, chị Phương bảo: “Ông ấy là ân nhân lớn của gia đình tôi. Năm ngoái gia đình tôi lục đục, trong khi đang băm rau lợn bên bếp, tôi bị gã chồng độc ác cầm dao chém một bên vai và cổ. Sau đó, tôi được đưa đi cấp cứu và được bảo toàn tính mạng tại bệnh viện. Tuy nhiên, di chứng để lại là bị liệt nửa người. Ngày ấy, nhiều lúc tôi chỉ muốn tìm tới cái chết, nhưng mỗi lần làm việc dại dột đều bị anh em phát hiện. Sau đó, gia đình đã đưa tôi đến gặp ông Sầu. Vì tôi không thể đi lại nên ông ấy phải lặn lội hơn chục cây số mỗi ngày, trong suốt cả năm trời để đưa thuốc đắp, thuốc uống cho tôi. Sau khi lành bệnh, tôi có thể đi lại bình thường. Tôi muốn cám ơn ông ấy nhiều lắm nhưng vì gia đình quá khó khăn nên chỉ mang được hai con lợn khoảng chục cân đến cảm ơn. Ông ấy không chê ít mà vui vẻ nhận. Có lẽ trong suốt phần đời còn lại, tôi sẽ không thể quên người đã giúp mình hồi sinh lần thứ 2”.

Một trường hợp khác, anh Tẩn Văn Đại trong một lần đi lấy gỗ dựng nhà không may bị cây gỗ lớn lăn đập vào người. Hậu quả khiến anh bị vỡ xương chậu và xương hông. Do quá gấp gáp, gia đình anh Đại chỉ còn biết khiêng anh đến nhà ông Sầu cầu cứu. Sau thời một thời gian được ông điều trị, những vết thương của anh Đại đã lành và hiện anh đi lại một cách bình thường.

Theo ông Sầu, một số bài thuốc nối gân và nối xương có thể trùng cùng một vị, vì hai trường hợp này đều do ngoại lực tác động, không phải do căn nguyên từ bên trong cơ thể. Thuốc nối gân và nối xương dùng chủ yếu khi cây còn tươi nguyên, kết hợp bó bên ngoài, sắc uống và tắm thùng gỗ. Muốn chữa lành vết thương hoàn toàn, người bệnh cần tuyệt đối kiêng khem theo chỉ dẫn, kể cả mỗi khẩu phần ăn hằng ngày. Sau khi liền xương, liền gân, ông sẽ cắt tiếp một bài thuốc để giúp vết thương không đau nhức mỗi lần tái gió trở trời.

Cũng vì tài chữa bệnh, căn nhà giản đơn của gia đình ông ai cũng biết đến dù không hề một biển hiệu nào treo trước cửa, lại nằm sâu trong thung lũng núi. Ông Sầu bảo, ông chữa bệnh không vì tiền bạc, mà xuất phát từ cái tâm, cái đức muốn giúp người. Đây cũng là tôn chỉ chữa bệnh đã theo ông suốt mấy chục năm qua. Ông cũng cho biết, bệnh nhân được chữa khỏi không chỉ là người dân trong vùng, mà đến từ nhiều nơi khác nhau, trong đó có cả Phú Thọ, Thanh Hóa, Đồng Nai, TP. HCM…

Hình mẫu lương y

Nhắc đến tài đức của ông Sầu, ông Nguyễn Văn Sần, Chủ tịch Hội Đông y xã Linh Hồ cũng khẳng định: “Dù ông Sầu không tham gia hội cùng chúng tôi vì tuổi đã cao, nhưng tài nối gân, nối xương của ông ấy thì chắc có lẽ không ai trong hội có thể sánh kịp”.

Ông Sầm Văn Tỷ, chủ tịch HĐND xã Linh Hồ cũng cho biết: “Ông Sầu là một lương y điển hình trong xã, người dân ở đây biết đến ông không chỉ với tài chữa bệnh mà còn ở cái tâm của ông ấy. Có nhiều bệnh nhân nặng quá nửa đêm gọi đến xem tình hình ra sao, ông ấy vẫn vui lòng đi và không một lời ca thán. Công xá đều do bệnh nhân tùy tâm trả, bao nhiêu ông ấy cũng hài lòng”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại