Cô Dương Thị Hải Yến (41 tuổi, trú tại thôn Cao Đường, xã Cao Dương, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) là giáo viên dạy ngoại ngữ cấp I trường làng, song được thừa kế bài thuốc nam 3 đời của gia đình. Ngoài những giờ lên lớp, cô lại cùng gia đình miệt mài tìm những cây thuốc nam kết hợp thành những bài thuốc chữa bệnh, cứu người. Nhiều bệnh nhân đã được cô chữa khỏi, trong đó mọi người biết đến nhiều nhất là bài thuốc chữa bệnh gút (gout) hiệu quả.
Bài thuốc nam 3 đời
Nhà của cô Yến nằm ngay gần đường mòn Hồ Chí Minh, từ thị trấn Xuân Mai (Chương Mỹ, Hà Nội) lên đến nơi cũng chỉ mất hơn 20 cây số. Xung quanh nhà cô toàn những cây thuốc nam, trong đó có nhiều cây thuốc quý gần đã như tuyệt chủng, không còn tìm thấy ở trên núi. Khi đến nhà, cô Yến đang soạn giáo án, chuẩn bị bài vở cho buổi dạy học hôm sau.
Nghĩ chúng tôi đến nhờ cô lấy thuốc chữa bệnh, cô tận tình hỏi khách và khi biết mục đích của cuộc viếng thăm là để tìm hiểu những bài thuốc quý dân gian, cô đã không ngần ngại kể về bài thuốc nam gia truyền của gia đình.
Được biết, cô Yến lấy chồng là anh Lê Huy Trường (49 tuổi) - con cả trong một gia đình có nghề bốc thuốc nam cứu người, ai đến nhờ thì lấy thuốc giúp, chứ không đặt nặng vấn đề tiền bạc, kinh tế. Khi về nhà chồng, cô đang là giáo viên dạy học, những lúc rảnh rỗi cô thường phụ giúp mọi người trong gia đình bào chế cây dược liệu.
Làm nhiều thành quen, chẳng bao lâu sau cô đã nhớ được hết tên các cây thuốc và công dụng của nó. Không dừng lại, cô còn tìm hiểu nhiều tài liệu, sách vở để trau dồi thêm kiến thức về cây dược liệu, kịp thời bổ sung những khiếm khuyết trong bài thuốc gia truyền của gia đình.
Từ bài thuốc mà ông bà truyền lại - chủ yếu vẫn dùng phương pháp truyền thống sắc uống, cô đã cùng các anh em trong gia đình chồng nghiên cứu và bào chế thành công nhiều bài thuốc bằng cách chiết xuất rồi cô lại thành dạng viên nén vừa dễ sử dụng cho người bệnh, vừa tiết kiệm thời gian, đặc biệt hiệu quả mang lại cũng hơn hẳn. Hiện nay, người em chồng ở Hải Dương đã mạnh dạn sử dụng phương pháp mới của cô Yến và đem lại hiệu quả trong việc chữa trị bệnh trên thực tế.
Dù có nhiều đổi mới trong cách chữa trị bệnh đối với những người bị bệnh, nhưng trước sau cô Yến và gia đình vẫn tâm niệm một điều: Làm thuốc nam chính là cứu người làm phúc và theo lời dặn của cha ông là không được đặt nặng vấn đề tiền bạc.
Vì vậy, dù là dạng thang hay dạng viên gia đình cũng chỉ tính lấy đủ tiền công lao động bình thường. Có những cây thuốc gia đình phải nhờ người từ vùng Mai Châu, Yên Thủy (Hòa Bình) tìm giúp rồi gửi xuống, nên chi phí cho mỗi thang thuốc cũng có phần tăng hơn.
Tuy nhiên, trước sau cô và gia đình vẫn lấy giá như cũ, thậm chí có những hoàn cảnh khó khăn, bệnh nhân nghèo, gia đình cô không chỉ cho thuốc mà còn hỗ trợ tiền tàu xe đi lại. “Tôi là giáo viên nên nghề bốc thuốc nam cũng chỉ là nghề tay ngang, chủ yếu cũng chỉ làm giúp đời, giúp người. Bởi người bị bệnh tật đã khổ lắm rồi, mà họ còn phải chạy chữa khắp nơi chỉ với một mong ước khỏi bệnh” - cô Yến tâm sự.
Có lẽ chính từ nhận thức này mà cô con gái lớn của anh chị cũng theo nghề này, hiện cháu đang là sinh viên năm thứ hai Trường Y học cổ truyền Tuệ Tĩnh (Hà Nội). Theo cô Yến, nghề nào cũng cần có cái tâm và nhất là kiến thức, dù là cô giáo dạy học hay lang y chữa bệnh đều là những việc tốt đẹp, từ xưa tới nay đều được người đời tin yêu, kính trọng.
Bài thuốc chữa bệnh gút
Bài thuốc gia truyền của gia đình cô Yến có thể chữa được các bệnh: Dạ dày, máu, gan nhiễm mỡ, viêm khớp và xơ gan, nhưng hiệu quả hơn cả vẫn là bài thuốc chữa bệnh gút. “Không phải ai uống cũng khỏi hoàn toàn, nhưng gia đình tôi có thể chữa được từ 60-70%, giúp người bệnh gút thuyên giảm và nếu kiên trì thì có thể khỏi bệnh” - cô Yến cho biết.
Được biết, bệnh nhân của cô có cả những chiến sĩ đóng quân ở doanh trại quân đội ngay gần nhà. Nhiều người còn về quê đưa bố mẹ, người thân ở Hải Phòng, Thanh Hóa, Nam Định lên chữa bệnh. Nhiều người sau khi được gia đình cô chữa trị đã khỏi bệnh quay lại cảm ơn.
Về bài thuốc chữa bệnh gút, cô Yến cho biết: “Bệnh gút là bệnh lý rối loạn chuyển hoá chất purin làm tăng lượng acid uric trong máu, dẫn đến ứ đọng tinh thể muối urát tại khớp gây viêm khớp. Biểu hiện lâm sàng đặc trưng của người bị mắc gút là sưng tấy, nóng, đỏ, đau dữ dội tại một hay nhiều khớp”.
Cô cùng gia đình nghiên cứu nhiều loại thảo dược mà gia đình hay sử dụng trong việc chữa trị, rồi kết hợp chúng lại với nhau với thành phần chính là các cây đơm mít, củ bối hạt, cùn ní, vỏ bưởi, hạt chuối sứ, củ ráy tía, củ sơn thục, củ khúc khắc, lá lốt, dây tơ hồng, cà gai leo, củ tỏi đỏ và cây bồ công anh.
Tác dụng chung của những vị thuốc này là chống viêm và bài trừ thấp khớp. Ngoài ra, thuốc còn có chức năng bồi bổ khí huyết, từ đó sản sinh ra hoạt chất bôi trơn các khớp xương, giúp cơ thể vận động thoải mái, dễ dàng. Người bị gút biểu hiện rõ nhất ở việc đau các khớp chân, tay. Chính vì vậy, công dụng cơ bản của bài thuốc chính là kháng viêm khớp, giúp lợi gân cốt.
Cách thức sử dụng bài thuốc rất đơn giản: Sau khi đem phơi khô rồi bốc thành thang cho vào sắc, cứ 3 bát nước thì đun lấy 1 bát và uống đều sau bữa ăn. Sau một thời gian, nhiều bệnh nhân thấy bệnh chuyển biến chậm, hỏi ra mới biết do công việc bận rộn nên nhiều khi quên hoặc bỏ bê việc uống thuốc. Để khắc phục vấn đề này, gia đình cô Yến đã bào chế thành dạng viên cho người bệnh dễ sử dụng. Tùy theo cơ địa mỗi người và theo bệnh nhẹ hay nặng mà có thể uống từ 15-20 viên/ngày.
Có một vấn đề mà những người dùng thuốc nam phải biết rõ, đó là tác dụng của thuốc nam không thể “uống ngày trước, ngày sau lành bệnh”, do đó đòi hỏi bệnh nhân phải kiên trì điều trị. Thông thường, bệnh nhân uống thuốc trong vòng 1-2 tháng sẽ cho kết quả khả quan như vận động chân tay ít đau, khớp xương không bị sưng tấy.
Điều quan trọng nhất đối với người bị bệnh gút phải tuyệt đối không ăn thịt chó, đồ hải sản, thịt bò và nội tạng động vật, bởi những thực phẩm này chứa hàm lượng đạm cao, gây nguy cơ mắc bệnh nặng hơn. Thay vào đó, người bệnh nên ăn nhiều rau quả, tăng cường uống nước và vận động nhẹ tuỳ theo sức khoẻ bản thân để khí huyết lưu thông đều đặn.
Bà Vũ Thị Mai - Trạm trưởng Trạm y tế xã Cao Dương - cho biết: “Gia đình cô Dương Thị Hải Yến được thừa kế bài thuốc nam gia truyền từ đời ông cha. Gút là một trong những căn bệnh mà y học hiện đại đang rất khó khăn trong việc điều trị dứt điểm. Theo tôi, trong trường hợp những bài thuốc quý dân gian có thể chữa khỏi, ta nên kết hợp chữa bằng nhiều phương thức, miễn sao hiệu quả và nhất là ít tốn kém về kinh tế”.
Bạn đọc quan tâm có thể liên hệ: Cô Dương Thị Hải Yến, thôn Cao Đường, xã Cao Dương, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. SĐT: 0969 434 476